Mần vịt

Trong Gánh hát cải lương ít xài tiếng lóng như dân Hội chợ, mà dân đi theo Cải lương thì có cần gì mà phải lóng hay láy đâu, tuy nhiên cũng có nhưng không nhiều lắm.

Tối hát khán giả xem đông được lãnh lương đủ thì báo tin nhau rằng tối nay "com lê." Khán giả ít thì bầu phát lương "đờ mi" nghĩa là phân nửa lương. Khán giả tệ hơn thì "đờ mi cưa" nghĩa là 1/4 lương, còn quá ít mà vẫn hát thì lãnh "cà phê", đặc biệt mấy ngày Tết lãnh "đúp lê" nghĩa là lương gấp đôi.

chuy-qu1q-1632975311.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Đoàn hát nào sắp lớp hát cương thì kêu là đoàn này chuyên hát "CB" (ca bậy?) một tiếng lóng mà thập niên 80 ai đi gánh hát cũng biết là chuyện "Mần vịt" nghĩa là vợ chồng có "ăn nhậu" với nhau thì họ chọc :

- Tối qua" Mần vịt" hả?

Có bạn gái đến thăm ngủ lại thì bị chọc :

- Hồi tối mần nguyên con Vịt hé...

Mà thời đó bà con còn thích gánh hát dữ lắm, mấy anh chàng quân sĩ lâu lâu vẫn có "Vịt" ăn, nói gì đến mấy anh kép hát chuyên đóng vai Hoàng tử , Người hùng yêu dân mến nước, trừ gian diệt bạo.

Lúc chưa theo gánh hát có một thằng nhóc tên Thảo nhà ở bên sông bến đò chợ (gần nhà chị Hồng Sa thuộc xã Đông thành, Bình minh) không biết nó thích tôi cái điểm nào mà cứ tối ngày hể rảnh là nó tìm tôi, khi thì đưa điếu thuốc, khi thì gói xôi... và tuy không dạy nó giống gì nó vẫn kêu tôi bằng "Sư phụ". Một lần về thăm quê gặp nó nó mừng và khóc, nó nói:

- Ở nhà con bây giờ ai cũng ghét con hết, sư phụ cho con theo cải lương với...

Tất nhiên là tôi không đồng ý vì nó mới 14 tuổi... vậy mà hôm sau khi vừa tới bến phà Cần thơ thì gặp nó ôm đồ đứng chờ sẵn ở phòng bán vé. Hỏi sao mày biết tao đi đường này mà đón nó hề hề :

- Hôm qua lúc nhậu sư phụ nói sư phụ đi gánh hát ở Long Xuyên thì con đón sư phụ ở đây chứ ở đâu. (vậy nó đâu có ngu như tôi tưởng)

Thế là bất đắc dĩ phải dẫn thằng đệ tử theo. Tới đoàn, xin cho ông Bầu phân công việc cho nó.

Ông Bầu nói :

- Cái thằng này nhỏ xíu ốm nhom ốm nhách thì làm gì được mà làm? Thôi thì nể tình anh tôi cho nó ngồi giữ cái máy đèn, lâu lâu châm nước một lần, tôi cho nó mỗi đêm 5 đồng.

Có việc làm, thằng đệ tử mừng dữ lắm, nó nhẩm tính mỗi ngày nó xài không hết 5 đồng (nhưng nó không nghĩ tới những ngày mưa gió không hát được thì làm sao mà có 5 đồng) Tới tháng mưa dầm, ông trời tối nào cũng mưa nên đâu có hát xướng gì? điểm hát bên sân nhà thờ Năng Gù (gạch rộc) đào kép thì ngủ nhờ dọc theo hàng ba trường học, tôi lắc đầu cười vì túi rỗng không:

- Mưa vầy biết làm gì bây giờ?

Cô đào cười :

- Thì tối nay ngủ sớm "mần vịt" chứ mần gì nữa...

Thằng Thảo ngồi kế bên chắc nó đói, vì lúc chiều nó đi coi phim ở quán cà phê nên về trễ giờ cơm. Nó nghe hai đứa tôi bàn chuyện "mần Vịt" nên mừng lắm, và xách tô đi xin một tô cơm nguội.

Lúc vừa mới giăng mùng hai đứa tui chưa kịp "nhổ lông vịt" thì thằng Thảo nó đứng trên nóc mùng hỏi :

- Sư phụ ơi... mần vịt chưa?

Tôi trả lời :

- Chưa.. Mới nhổ lông chưa mần. Mà mày lại đây mần chi?

- Dạ con tính mần tiếp sư phụ

- Khỏi.. Con vịt của tao mình tao mần được rồi ..

Nó thì tưởng tôi tham ăn với nó nên nó nói ráng :

- Con đói quá, thôi thì con để cái tô cơm ở đây lúc nào sư phụ mần vịt xong chan cho con miếng nước cũng được...

Nói xong nó bỏ đi...

Vậy mà khi mần xong con vịt tôi ngủ luôn, còn thằng đệ tử chút nó trở lại thấy tô cơm nguội không có miếng nước miếng thịt nào, nó buồn và nó giận tôi ôm tô cơm ngồi khóc. Mấy người trong đoàn hỏi thăm biết chuyện mần vịt mà đệ tử xin miếng nước cũng không cho nên họ xúm nhau mà chọc ghẹo thằng nhỏ... và họ cũng chọc luôn tôi.

Mấy hôm sau nó buồn và nó giận tôi nên hay tránh mặt. Tôi thì cũng bực mình cũng vì thằng đệ tử "Ngu" làm ai cũng ghẹo tôi chuyện mần vịt không cho thằng đệ tử ăn cùng. Còn thằng Thảo thì tối nào nó cũng ngồi khóc chắc nó nhớ nhà...

Sau một đêm hát, lúc lãnh lương xong, tôi kêu nó ra bờ sông cặp lộ xe nói cho nó biết cái chuyện mần vịt mà không phải là mần con vịt mà là cái vụ.... vợ chồng.

Hiểu ra nó cười nói :

- Con đâu biết nên mấy hôm nay con buồn sư phụ và nhớ nhà...

Tôi đưa nó 20 đồng và nói:

- Mày nhớ nhà thì cầm lấy tiền mà về nhà. Chút nữa là xe Châu đốc xuống nhiều lắm. Có đâu bằng nhà của mình. Anh chị mày nó giận mày ham chơi nó thương nên nó la rầy nhưng mày đâu có đói... còn sư phụ thì mày cũng biết, tao cũng muốn về nhà lắm nhưng có nhà nữa đâu mà về. Ráng về học lấy cái nghề sau này nuôi vợ nuôi con. Cực chẳng đã tao mới theo gánh hát kiếm cơm ăn vui sướng gì mà mày ham.

Nó nắm chặt tay tôi... rồi khi nó bước lên chiếc xe đò nó nói như hét :

- Tạm biệt sư phụ...

Và lần đó là lần sau cùng tôi gặp nó.. /.

Theo Chuyện quê

Bùi Trung.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/man-vit-a6994.html