Trong năm 2021, ngành du lịch Huế sẽ triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành, nhất là thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch, đồng thời xây dựng chiến lược dài hạn, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới.
Huế thu hút hàng nghìn du khách bởi nét đẹp nhẹ nhàng và dịu dàng của những con người, những bài thơ lãng mạn, trữ tình. Những lý do mà bạn có thể thấy được tại sao Huế lại khiến nhiều người tứ phương đến như vậy.
Tác động của đại dịch Covid-19
Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.
Điểm sáng đáng chú ý là thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm...
Dịch COVID-19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, do vậy đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, lượng khách giảm mạnh. Một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng đi vào hoạt động, song chưa có nhân tố mới đột phá, góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế.
Ảnh hưởng của Covid-19 dễ thấy nhất tại Huế chính là việc đóng cửa của các cơ sở ăn uống, lưu trú hay tạm ngưng hoạt động của các nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi giải trí… do khách du lịch đến nhỏ giọt và nguồn thu không đủ bù cho các chi phí vận hành. Huế đang trong giai đoạn khó khăn đỉnh điểm khi vừa phải chung tay chống dịch, vừa phải nhanh chóng hồi phục nền kinh tế để đảm bảo an sinh địa phương cũng như hồi phục nền kinh tế trở lại. Bằng sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước cùng sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan ban ngành đoàn thể đã giúp Huế nhanh chóng ổn định và sẵn sàng đón du khách trở lại.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế khách du lịch đến thăm quan năm 2018: 4,3 triệu khách trong đó khách quốc tế đạt gần 2,2 triệu/năm, Năm 2019: 4,8 triệu khách trong đó khách quốc tế đạt 2,1/nắm. Tuy nhiên đến năm 2020, tính chung cho 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách đến Huế đạt 1.384.103 lượt, bằng 55,2% so với 8 tháng năm 2019.
Thông thường tháng 8 là tháng cao điểm ngành du lịch Huế trong những năm qua. Nhưng năm 2020, lượng khách ở Huế thấp kỷ lục. Theo thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, lượng khách du lịch đến Huế tháng 8/2020 ước đạt 70.437 lượt, bằng 18,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế đạt 3.854 lượt.
Nỗ lực tối đa là điểm an toàn
Là địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được du khách quốc tế yêu thích. Do đó, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, Huế luôn tìm ẩn nguy cơ xuất hiện các trường hợp lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do nơi đây luôn tiếp nhận các luồng du khách quốc tế đến tham quan. Chị Hà Mỹ nhà ở 39 Nguyễn Thái Học – Huế cho biết “Huế là một nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid – 19 do nhiều khách du lịch, nhưng đến đây mới thấy được sự an toàn, bởi vì công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương và người dân Huế rất cao, từ các cửa ngõ giao thông bố trí nhân viên, hướng dẫn du khách thực hiện “khuyến cáo 5k” của Bộ Y Tế.
Do ảnh hưởng của COVID-19, Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách đến Huế ước đạt 700 nghìn lượt khách, khách lưu trú ước đạt 370 nghìn lượt khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó khách quốc tế ước đạt 13 nghìn lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ, khách trong nước ước đạt 357 nghìn lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng ngày khách ước đạt 560 nghìn ngày, giảm 39% so cùng kỳ năm 2020, Trong đó, ngày khách quốc tế ước đạt 23 nghìn ngày khách, giảm 95%; ngày khách trong nước ước đạt 537 triệu ngày khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 600 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành du lịch đã chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách kịp thời, vừa phát triển kinh tế ngành vừa đảm bảo an toàn trong kiểm soát dịch bệnh, tham mưu chính sách miễn, giảm phí tham quan các điểm di tích, kết nối các gói kích cầu của doanh nghiệp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ như giảm thuế thuê đất, điện, nước, ...
Trong bối cảnh hiện nay nhiều thói quen, hành vi và xu hướng sử dụng dịch vụ du lịch thay đổi cơ bản. Sau quá trình cách ly và giãn cách xã hội, thu nhập của những người có nhu cầu du lịch giảm sút, sự quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe được nâng lên, thói quen và khả năng thực hiện các giao dịch bằng nền tảng trực tuyến được hình thành. Do đó, nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch được tập trung hoàn thiện và phát triển, đáp ứng tức thời trong bối cảnh tình hình bình thường mới.
Đặc biệt Bản đồ du lịch Huế an toàn (Hue Blue Map) tổng hợp, chỉ dẫn các điểm đến, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đã đảm bảo các yếu tố an toàn theo đúng nội dung các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Bản đồ du lịch Huế an toàn được đưa lên cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh (visithue.vn) và ứng dụng trên di động Hue-S cũng như gửi đến các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Bản đồ này giúp du khách đến Huế và người địa phương nhận diện, lựa chọn các dịch vụ an toàn, hấp dẫn cho hành trình của mình (https://huebluemap.vietpix.com).
Kịch bản phục hồi, phát triển du lịch ở Huế
Khách du lịch đến Huế năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch COVID-19 và khả năng kiểm soát dịch ở trong nước cũng như trên thế giới. Năm 2021 cũng là năm quyết định việc phục hồi ngành du lịch của tỉnh, duy trì đón khách nội địa và chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, dựa vào những phân tích, đánh giá và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm 2021 với 3 kịch bản, gồm phương án thấp, trung bình và cao.Trong đó, nếu dịch COVID-19 chưa được kiểm soát tốt thì các chỉ tiêu du lịch dự kiến sẽ như năm 2020: Huế sẽ đón khoảng 1,8-2 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, bằng hoặc chỉ tăng 10% so với cùng kỳ.
Trường hợp nếu dịch được kiểm soát tốt trong nước, nhưng chưa mở lại được nhiều đường bay quốc tế mà chỉ ở một số thị trường gần, đã tương đối an toàn phòng dịch, thì Huế sẽ đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách, tăng hơn 75% so với cùng kỳ, trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 80%; doanh thu du lịch tăng 60-70%.
Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước và trên thế giới, dự kiến du lịch Huế sẽ phục hồi nhanh, đón khoảng 4-4,5 triệu lượt khách, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 70-80%, doanh thu du lịch ước đạt gấp 2 lần.
Trong 3 kịch bản, phương án đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách là khả quan hơn cả, do đó, các chính sách, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch cũng sẽ được tỉnh tập trung xoay quanh kịch bản này.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch tỉnh trong năm 2021 là triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành, nhất là thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch, xây dựng chiến lược dài hạn, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến.
Trước hết, tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách về hỗ trợ, kích cầu, phát triển du lịch đối với doanh nghiệp, người lao động, như miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho vay, khoanh nợ đối với các doanh nghiệp du lịch. Tỉnh cũng sẽ giảm 50% phí tham quan các điểm di sản trong năm 2021, miễn phí các điểm di tích trong một số sự kiện đặc biệt...
Phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, trong giai đoạn mới, ngành du lịch của địa phương cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức trong xác định mục tiêu phát triển, hướng đến hình thành một ngành du lịch đẳng cấp. Để làm được điều này, tỉnh đang nỗ lực để có thể thu hút những nhà đầu tư có thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần phải tự thân thay đổi, trước hết trong cách thức phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn để tạo ấn tượng thật tốt đối với du khách khi đến với Cố đô Huế.
Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã đưa ra định hướng và giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch trong trang thái bình thường mới. Theo đó, tỉnh triển khai áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch COVID-19 trong lĩnh vực du lịch để các cơ sở lưu trú, các khu/ điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh; triển khai hệ thống bluemap; bộ quy tắc ứng xử du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Mặc dù dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch trong thời gian qua, tuy nhiên qua đợt dịch vừa rồi phải khẳng định sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch - rất nhạy cảm trong việc lây lan từ khách du lịch đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn Tỉnh.
Du lịch Thừa Thiên Huế đã tiếp tục triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, coi thách thức này là cơ hội để tiếp tục chứng minh cho thế giới biết rằng Thừa Thiên Huế vẫn là một điểm đến an toàn và thân thiện. Con người Huế luôn gần gũi, mến khách với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, luôn hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được “làm mới” được đưa vào khai thác, đáp ứng và thu hút khách du lịch trong tình hình mới, tập trung ở các điểm du lịch suối thác, biển, đầm phá như: Yes Huế (Nam Đông), sinh thái và phòng chữa bệnh ở Thanh Tân, thuyền (đầm phá), tour xe Jeep, sản phẩm du lịch “bình an”,…
Công tác quảng bá có nhiều thay đổi, hiệu quả, thích ứng và phù hợp với tình hình mới như các hệ thống cổng Visit, Fanpage Visit Hue, Tiktok, Instagram, youtube... Thương hiệu du lịch, sản phẩm và dịch vụ mới đã đưa đến tận tay các đơn vị lữ hành để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch. Sở Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài triển khai xúc tiến quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, hai bên phối hợp trong công tác xúc tiến đường bay đến Thừa Thiên-Huế; phối hợp trong công tác quảng bá điểm đến Thừa Thiên-Huế và hình ảnh của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; phối hợp trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn, ANTT, vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử du lịch, nụ cười thân thiện của nhân viên hàng không… để lại ấn tượng tốt cho du khách khi đặt chân tới Huế.
Với chủ trương mới của Chính phủ chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế; ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới hy vọng du lịch Huế sẽ khởi sắc.
Lương Quốc Huy - Nguyễn Đỗ Nguyên Minh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/co-do-hue-diem-den-an-toan-va-men-khach-a7017.html