CHƯƠNG V
MAI HẮC ĐẾ
Kỳ 47.
Vạn An không chỉ có phong cảnh đẹp, địa thế hiểm trở chống giặc thù mà con người nơi đây cũng đang tấp nập rộn ràng chuẩn bị cho một cuộc chinh chiến lớn giải phóng dân tộc. Thung lũng Rậm phía sau thành Vạn An là một thao trường lớn. Nơi đây, hàng vạn binh sĩ đang ngày đêm luyện tập võ nghệ, luyện gươm giáo, luyện bắn cung. Họ tung những chiếc đĩa bằng đất sét lên cao, hoặc là đặt những hình nộm cho các chiến sĩ bắn cung và nỏ. Những hình nộm bằng rơm rạ còn là mục tiêu cho binh sĩ tập đâm chém. Thành thạo hơn thì họ dùng gươm giáo gỗ đấu với nhau. Kém võ mà bị đối phương chém, đâm tuy không chết thì cũng bị đau. Có những nơi nghĩa quân đang đấu vật, rèn luyện sức khỏe. Những lính kỵ binh thì đang phi ngựa và đấu với nhau như là đang xung trận đấu với tướng giặc. Khắp thung lũng, tiếng reo hò, tiếng trống trận, tiếng chiêng, tiếng ngựa hí vang lừng không khi nào ngớt. Thành Vạn An, ven sườn đồi núi, ven thung lũng, ven bờ sông là những trại lính khổng lồ. Những doanh trại là nhà ở của binh lính và các tướng lĩnh. Phần lớn là doanh trại màu nâu bạt ngàn, cờ vàng rợp trời đất. Nhưng nổi bật lên có những vùng rộng lớn là doanh trại màu trắng, cờ trắng, rồi còn có cả màu xám, cờ xám. Phạm Thị Uyển hỏi Phùng Hạp Khanh:
-Bác ơi, chỉ có thủy quân và bộ binh mặc màu nâu như nhau, sao lại có doanh trại màu trắng và quân phục trắng, cờ trắng và cả màu xám hả bác?
Phùng Hạp Khanh chưa biết trả lời sao thì may quá gặp được mấy người lính. Ba thanh niên và Phùng Hạp Khanh tiến lại hỏi:
-Xin chào tiểu tướng
Mấy người lính chắp tay:
-Xin kính chào đại nhân, tiểu thư và công tử.
-Tiểu tướng xin cho hỏi sao lại có doanh trại, quân phục và cờ màu trắng và màu xám trong màu nâu, đó là binh chủng gì ạ?
Người lính đáp:
-Dạ thưa đại nhân, đó không phải là binh chủng gì mà màu trắng là sắc phục của quân đội Lâm Ấp, còn màu xám là sắc phục của quân đội Chân Lạp. Mai chúa công đã liên minh với vua Lâm Ấp và Chân Lạp và họ đã cử quân đội tới cùng ta đánh giặc Đường.
Phùng Hạp Khanh nói:
-À ra thế, Mai chúa công thật anh minh. Xin đa tạ đã chỉ giáo, đa tạ...
-Không dám, không dám...
Bốn bác cháu trở về. Phạm Thị Uyển vẫn băn khoăn:
-Sao vua Lâm Ấp và Chân Lạp lại chịu liên minh với ta để đánh giặc Đường hở bác?
Phùng Hạp Khanh giải thích
- Lâm Ấp là nước ở phía Nam nước ta, còn Chân Lạp là nước ở Tây Nam nước ta. Quân phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần thống trị và gây cực khổ cho dân hai nước đó, nhà Đường đã từng uy hiếp hai quốc gia đó nên họ chịu liên minh với ta để chống Đường.
Phạm Thị Uyển nói:
-Theo bác đi đầu quân lần này, ba chị em cháu học được nhiều điều bổ ích, bổ ích...
Ngoài thành vạn An, các thung lũng không chỉ là thao trường mà còn là nơi sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi khổng lồ. Trong các thung lũng, bạt ngàn bò, dê, trâu, ngựa, có cả voi, những trang trại rộng lớn nuôi lợn, gà, vịt. Có những thung lũng bạt ngàn lúa đang độ vàng ươm chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Đó là những nơi cung cấp lương thực thực phẩm, phương tiện đi lại, chiến đấu cho nghĩa quân. Ngoài thành Vạn An, các thung lũng còn là những công xưởng may quân phục, rèn vũ khí, rèn áo giáp, sản xuất cung tên cho nghĩa quân. Vạn An đúng nghĩa là một kinh đô thời chiến tranh, nơi đầu não để vận hành một bộ máy quân sự hết công suất cho cuộc chiến tranh giải phóng.
Vạn An còn là nơi thu hút, hội tụ các anh hùng hào kiệt, các hào trưởng yêu nước trong cả An Nam Đô hộ phủ về đây để mưu việc lớn. Hàng ngày tướng Phòng Hậu, người phụ trách công việc đón khách của Mai chúa công đã tất bật bận rộn tiếp không bao nhiêu anh hùng hào kiệt từ Nam- Bắc kéo về tụ nghĩa. Nhìn guồng máy của Vạn An vận hành, Phùng Hạp Khanh và ba người cháu của ông không khỏi khâm phục tài tổ chức của Mai Thúc Loan, lãnh tụ chủ chốt của thành vạn An, của cuộc khởi nghĩa. Trong tình cảm của Phạm Thị Uyển đã ghi nhận những điều tốt đẹp về Mai Thúc Loan mặc dù nàng chưa gặp lần nào.
III
Trưa hôm đó sau bữa cơm, Phòng Hậu báo cho Phùng Hạp Khanh đến chiều, Mai chúa công mời ba bác cháu cùng dự họp với các tướng lĩnh, chuẩn bị cho việc tấn công giải phóng miền Bắc. Nhận được tin báo khi về phòng, Phạm Thị Uyển không ngủ trưa được, thốt nhiên nàng thấy hồi hộp xao xuyến không hiểu vì sao.
Chiều, ba bác cháu đi đến một gian phòng bề thế đứng giữa thành Vạn An. Ngôi nhà lợp ngói vẩy rồng, cột to hai người ôm bằng gỗ lim nâu bóng, tường xây bằng đá, mái cao, bốn góc có bốn đà đao cong vút uốn lượn theo kiến trúc Trung Hoa. Chính giữa kê một bàn lớn theo chiều ngang, trước bàn lớn đặt hai dãy bàn theo chiều dọc cùng hai dẫy ghế tràng kỷ làm chỗ ngồi. Bàn và ghế làm bằng gỗ quý chạm khắc hoa lá cầu kỳ, tinh xảo đẹp mắt và cổ xưa. Thành Vạn An là trị sở của Diễn Châu và ngôi nhà này là đại sảnh để quan Thứ sử họp quan lại bàn việc công của châu. Bác cháu Phùng Hạp khanh đến tương đối sớm. Sau đó các tướng lần lượt đến ngồi hết cả hai hàng ghế. Phạm Thị Uyển quan sát thì chỉ có một người mà nàng đã biết, đó là người đã đón bác cháu nàng là Phòng Hậu. Còn có cả hai nữ tướng, một người xinh đẹp quý phái khoảng 30 tuổi, một người chỉ bằng tuổi nàng, cũng có hai tướng thanh niên, một người chỉ bằng tuổi Phạm Huy và Phạm Miễn. Người đến trước và đến sau đều đứng dậy thi lễ chào hỏi nhau nghiêm trang và vui vẻ. Đến sau cùng là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, cao lớn lực lưỡng, da ngăm ngăm đen, mắt phượng mày ngài, tai dài, dáng đi như hổ, tiếng nói vang như chuông. Thấy người đó mọi người đều đứng dậy chắp tay và đồng thanh:
-Xin chào chúa công.
-Xin kính chào chúa công.
Người đó chắp tay đáp lễ:
-Đa tạ, đa tạ. Xin mời các tướng quân an tọa.
Phạm Thị Uyển cũng đứng dậy theo mọi người và đoán người đó có lẽ là Mai Thúc Loan.
Phạm Thị Uyển đoán không sai. Sau khi thi lễ và chào hỏi xong, mọi người an tọa. Người đó ngồi vào chiếc ghế đặt cạnh chiếc bàn kê ngang hướng về mọi người. Sau khi mời mọi người hết một lượt nước chè, người đó cất tiếng sang sảng:
-Xin tự giới thiệu, tại hạ là Mai Phượng, húy là Thúc Loan, chư vị tướng quân cứ gọi là Mai Thúc Loan. Hôm nay tụ hội về đây gồm những anh hùng hào kiệt yêu nước nhằm mục đích là lật đổ ách thống trị của nhà Đường, đặc biệt là tên Tiết độ sứ tàn ác Quang Sở Khách để giải phóng dân tộc, cứu giống nòi khỏi họa diệt vong. Hôm nay về đây tụ nghĩa có đại nhân Phùng Hạp Khanh, hào trưởng vùng Đường Lâm, huyện Mê Linh, Phong Châu.
Phùng Hạp Khanh đứng dậy chắp tay thi lễ vài chào mọi người.
Mai Thúc Loan nói tiếp:
-Xin giới thiệu với tướng quân Phùng Hạp Khanh, đây là tướng quân Phòng Hậu, tướng quân Thôi Thặng, tướng quân Đàn Vân Du, Tướng quân Mao Hoành, tướng quân Tùng Thụ, tướng quân Tiết Anh, tướng quân Hoắc Đan, tướng quân Khổng Qua, tướng quân Cam Hề, tướng quân Sĩ Lâm, tướng quân Bộ Tân. Tất cả các tướng quân đều quê ở Diễn Châu, Hoan Châu và Phúc Lộc Châu.
Tất cả những người được Mai Thúc Loan giới thiệu đều đứng lên chắp tay thi lễ Phùng Hạp Khanh. Phùng Hạp Khanh chắp tay thi lễ và nói:
-Nghe đại danh các tướng quân từ lâu, nay mới được gặp, hân hạnh, hân hạnh...
Các tướng quân cũng chắp tay đáp lại:
-Đa tạ, đa tạ tướng quân.
Mai Thúc Loan nói tiếp:
-Giặc Đường không chỉ là kẻ thù của dân Việt mà cũng là kẻ thù của hai dân tộc láng giềng của chúng ta là Lâm Ấp và Chân Lạp. Tại hạ đã cử tướng Tiết Anh đi Lâm Ấp, tướng Hoắc Đan đi đến Chân Lạp, ngỏ lời cùng thiết lập liên minh quân sự để chống kẻ thù chung. Vì thế, khởi nghĩa của chúng ta được sự liên minh và ủng hộ của hoàng đế hai nước Lâm Ấp và Chân Lạp. Mỗi nước đã cử 5 vạn quân và 1 đại tướng đến tụ nghĩa với chúng ta. Tại hạ hân hạnh giới thiệu đây là đại tướng Chu Hưng, vâng chỉ của Hoàng đế Lâm Ấp Phạm Hồ Dĩnh, đem 5 vạn quân đến Vạn An tụ nghĩa.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-47-a7023.html