Bỗng dưng nhớ chuyện con bò

Hôm ấy, đi học về, không thấy bò đâu cả. Mẹ bảo giờ không cần bò nữa. Con bò vội đem theo những chiều nắng chang chúng tôi lùa nhau ngoài thảm xanh gió lộng. Nó không cho tôi làm tướng quân oai dũng nhảy từ lưng bò leo tót lên ngọn cây duối đầu cổng nhà tôi. Nó chẳng cho tôi bắt giết những con ruồi to tướng trên người nó. Chẳng bao giờ, chẳng còn gặp nó nữa đâu.

con-bo-1633104266.jpg
 

Anh tôi hay gọi con bò ấy là con bò ếch. Có lẽ vì hai cái bụng của nó, khi ăn no cỏ, hai bên bụng nó phồng lên, căng tròn như bụng ếch. Con bò gắn liền suốt một chiều dài tuổi thơ tôi, cái buổi lên chín lên mười. Chăn bò cũng rất thú vị:

Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi chăn bò cũng khổ như trâu

Ngày ấy bọn trẻ con chúng tôi hay đọc trại cái câu thơ trong bài Quê hương của Giang Nam như vậy đó. Tại vì, trong nhóm trẻ chơi chung, có đứa nhà có bò, nhưng cũng có đứa nhà lại có trâu. Những con trâu thực ra hiền hơn, chúng cứ chậm chạp, đũng đỉnh mà ăn cỏ. Còn lũ bò thì phức tạp hơn.

Con bò của nhà tôi là loại bò nhỏ, nó cũng nhỏ như tôi trong đám bạn chăn bò vậy. Con bò đực gầy nhưng ăn rất giỏi. Sau buổi ra đồng, kiểu gì nó cũng được đeo hai cái trống no nê đầy cỏ. Con bò lông vàng vàng, mùi hôi hôi, nhưng ngày ấy mặc kệ, tôi vẫn leo lên lưng nó mà cưỡi ra đồng.

Những ngày chưa gặt, lúa mơn mởn ngay bờ ruộng nên loại bò gian manh này chúng chỉ cần đợi mình sơ hở thôi là liếm ngay một miếng đầy lúa đương thì con gái, cho nên phải coi nó rất cẩn thận. Nó mà ăn vào ruộng nhà ai là tha hồ bị quở, vì toàn ruộng của nhà anh em và người làng cả. Thế nên chúng tôi thường dắt lũ bò ăn dọc đường to, ngăn với ruộng bằng cái rãnh nước cho an toàn.

Sướng nhất những ngày sau vụ gặt, cánh đồng trơ gốc rạ. Lúc này cứ kệ đám bò chơi đùa với nhau, còn chúng tôi chơi trò đấu cỏ gà, bắt dế, đào bếp lò, bắt chuột... Những ngọn đòng chồi mọc vội từ những ruộng gặt sớm có lẽ là thức ăn lũ bò thích nhất, vì không cần xua, chúng toàn tự dạt ra khu ruộng đó mà thưởng thức.

Vui nhất là khi ngó lũ bò lùa nhau từ ruộng này sang ruộng khác. Thỉnh thoảng chúng sẽ hếch cái mũi lên, miệng rống to như chửi nhau vậy. Con bò ếch nhà tôi nhỏ vậy mà cũng máu chiến, nhiều khi thấy nó húc nhau với con bò nhà thằng bạn, quả là nó dũng cảm mới dám châu chấu đá voi. Nhưng có lẽ chúng cũng kết thân nhau hay sao mà sau đó lại nhảy cẫng đùa nhau ngay được.

Mẹ tôi, chị tôi cũng hay tranh thủ cắt gánh cỏ đem về cho nó ăn thêm. Những khi không ra đồng nó đứng bên bờ ao nhai cỏ. Thường thì nó nằm ngay bên cây rơm sát bờ ao ấy để nhai lại thức ăn, cái đầu hay ngó nghiêng khắp xung quanh. Thỉnh thoảng như sợ người ta không chú ý đến, nó lại kêu "ọ ọ" như muốn gợi chuyện với chúng tôi. Tôi với em gái lại líu lo đoán chuyện của nó bên gốc sung gần chỗ cầu ao, tay và mắt không ngừng tìm bắt tóc sâu cho mẹ...

Bên nhà tôi có công ty lương thực bãi cỏ rất rộng. Ngày đó họ không hề cấm người dân ra vào vì lúa gạo được cất trong kho, với lại dân quê rất lành. Thường thường buổi chiều nhất là chiều nắng, bọn chăn bò chúng tôi rất ngại ra đồng. Chúng tôi thả bò vào bãi cỏ của công ty rồi ra chơi trên cái sân bê tông mát rượi nhờ bóng của nhà kho lương thực. Gió mát, sân sạch, chúng tôi thích chơi ô ăn quan, đánh cờ "xập xình", chơi cù, đánh khẳng... Hết buổi lại leo lên lưng bò cưỡi về tựa vị tướng quân oai dũng về làng vậy.

Con bò nhỏ vậy mà công nhận giỏi. Nó có thể cày, bừa những mấy sào ruộng của nhà tôi. Mùa gặt, những đon lúa xếp đầy xe lăn bánh trên con đường trải thảm cỏ gà đem thóc vàng xếp đầy sân. Những xe phân chuồng cũng được con bò ếch kéo ra tận ruộng. Mấy năm trời, bò là người bạn thân thiết tuổi thơ tôi!

Một ngày ở quê tôi có máy lồng, máy kéo dọn về ở!

Hôm ấy, đi học về, không thấy bò đâu cả. Mẹ bảo giờ không cần bò nữa. Con bò vội đem theo những chiều nắng chang chúng tôi lùa nhau ngoài thảm xanh gió lộng. Nó không cho tôi làm tướng quân oai dũng nhảy từ lưng bò leo tót lên ngọn cây duối đầu cổng nhà tôi. Nó chẳng cho tôi bắt giết những con ruồi to tướng trên người nó. Chẳng bao giờ, chẳng còn gặp nó nữa đâu.

Sau hôm đó, có xe tô chở bò men theo đường cái, tôi cứ cảm giác có con bò quen thuộc đang ngoái cổ nhìn tôi...

 

Theo Chuyện làng quê

 

 

Trịnh Quang Cảnh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bong-dung-nho-chuyen-con-bo-a7047.html