Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 49)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

        

mai-hac-de-mai-thuc-loa-1633225764.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

       

Kỳ 49.

Một ngày tháng tư, bấy giờ là niên hiệu Mai Hắc Đế năm thứ nhất 713, thung lũng Rậm sau kinh thành Vạn An vẫn muôn cây xanh biếc cao thấp khác nhau, rừng núi trùng điệp nhận ánh nắng ban mai rải xuống trắng xóa lung linh, thường ngày vẫn là thao trường luyện tập của quân đội Mai Hắc Đế nên ngày nào cũng nhộn nhịp, ồn ào. Nhưng hôm nay ngày 15 tháng tư càng trở nên tưng bừng náo nhiệt. 10 vạn quân quân phục màu nâu, mũ đâu mâu nhọn hoắt, trên người mang đủ loại vũ khí gươm, giáo, kiếm, đại đao, cung tên, ba lô trên vai từng người lính nặng trĩu. Chen lẫn quân phục màu nâu là khoảng 10 vạn người quân phục màu trắng và máu xám. Đó là sắc phục của 10 vạn lính Chân Lạp và Lâm Ấp đến chiến đấu cùng quân Việt chống lại giặc Đường. Các tướng lĩnh trong chiến bào màu nâu, áo giáp đồng, mũ đâu mâu bằng đồng vàng chóe, vai mang cung tên và tay cầm đại đao, giáo, mác, gươm tùy sở trường của từng người. Họ cưỡi trên lưng những con ngựa màu đen và nâu cao to khỏe mạnh nom rất hùng dũng. Có hai tướng mặc chiến bào trắng và chiến bào xám. Người chiến bào trắng là Đại tướng Chu Hưng, Đại tướng quân Lâm Ấp, người chiến bào xám là Đại tướng Tham Ninh, đại tướng quân Chân Lạp. Tiếng trống da bò, tiếng chiêng đồng vang vọng, tiếng tù và rúc liên hồi đinh tai nhức óc vang vọng cả một vùng trời đất. Những lá cờ vàng thêu chữ Mai Hắc Đế đỏ chói bay phần phật rợp trời trên đầu hàng vạn binh lính nom càng thêm hùng tráng.

20 vạn quân bắt đầu xuất phát đi theo hàng dọc rời kinh thành Vạn An tiến ra giải phóng miến Bắc. Quân đi rầm rập, bụi bay mịt mù không gian, cờ bay trong gió nắng chói lòa. Chính giữa hàng quân là chiếc xe bốn bành do hai con ngựa màu nâu khỏe mạnh kéo. Quanh xe có che lọng màu vàng. Trên lọng màu vàng có lá cờ thêu chữ ”Soái” màu đỏ tung bay phần phật. Ngồi trên xe là Mai Hắc Đế mặc chiến bào màu vàng, áo giáp đồng màu vàng, mũ đâu mâu nhọn màu vàng. Mai Hắc Đế tự thân chinh làm Tổng chỉ huy quân đội ra giải phóng miền Bắc. Ngồi cùng xe với hoàng đế là cung phi đại tướng Phạm Thị Uyển, nàng mặc áo chiến bào, áo giáp đồng và mũ đâu mâu cũng màu vàng. Nàng mặc quân phục thì đúng là một nữ tướng xinh đẹp và oai phong. Đi bên xe hộ giá là những đại tướng tả trung quân Mao Hoành và Mai Bảo Sơn, thái tử, Đại Tướng, tổng Trấn Tống Bình. Nhân dân  Diễn Châu  và Ái Châu trên đường hành quân của vua đã đem nước chè, bánh trái ra úy lạo đứng suốt dọc đường.

  Sớm hôm sau, đại quân và xa giá của vua Mai Hắc Đế đã đến Ái Châu. Mai Hắc Đế cho gọi Đại tướng Tùng Thụ và Đại tướng Tham Ninh đến và chỉ dụ:

-Hai ái khanh dẫn 2 vạn quân Việt và 5 vạn quân Chân Lạp, do Đại tướng Tùng Thụ làm chủ tướng, Tham Ninh làm phó tướng, đánh chiếm thành trị sở Tư Phố, giải phóng Ái Châu.

Tùng Thụ và Tham Ninh chắp tay:

-Thần xin tuân chỉ

Mai Hắc Đế nói thêm:

-Ta không dừng lại Ái Châu mà phải nhanh chóng ra hạ thành Tống Bình, nếu chậm trễ quân Đường tăng viện sẽ rất khó khăn.

-Dạ, kính chúc hoàng thượng ca khúc khải hoàn.

-Ta cũng chờ đợi tin chiến thắng của hai ái khanh.

  Đại quân và xa giá lại tiếp tục hành quân ra Bắc. Quân đi như vũ bão,bụi bay mù mịt trời đất, cờ bay theo gió vàng trời.Tùng Thụ và Tham Ninh nhìn theo, khi xa giá của vua đi khuất, hai người dẫn bảy vạn quân rẽ về hướng Tây, tiến về thành Tư Phố, trị sở của Ái Châu. Tùng Thụ và Tham Ninh dẫn quân đi dọc bờ sông Mã, dòng sông cuồn cuộn nước như từ trên trời đổ xuống chảy như ngựa phi về phía Đông. Những núi Rùa, núi Voi, núi Ngũ Hoa cao lừng lững trong mây như muôn thuở đợi chờ ai đó, xa xa núi Nưa, núi Trịnh, núi Vòm xanh bạt ngàn. Cách thành Tư Phố một dặm, hai Đại tướng đã thấy quân Đường dàn trận hình chữ nhất. Quân Đường mặc quân phục đen, áo giáp sắt. Có sáu tướng chiến bào màu xanh, áo giáp sắt đen, mũ đâu mâu bằng sắt đen nhọn hoắt trên đầu, tay cầm đại đao, kiếm, giáo. Tùng Thụ cho quân dàn trận và quát hỏi:

-Bọn giặc kia tên họ là gì? Thấy đại quân ta sao không đầu hàng, dám chống cự chết không đất mà chôn.

Một tướng trong quân Đường đáp:

-Ta là Tư mã Lưu Kim Bạch, còn đây là Thứ sử Lâm Duy Thăng. Bọn bay sao dám chống lại thiên triều, hãy xem thanh đại đao của ta đây.

Nói xong, Lưu Kim Bạch thúc ngựa màu đen múa đại đao xông ra. Bên quân Việt và Chân Lạp, Đại tướng Tham Ninh múa gươm cưỡi ngựa nâu xông ra như gió, hai bên đánh nhau khoảng 20 hiệp, Lưu Kim Bạch bị Tham Ninh đâm một nhát gươm vào cổ ngã lăn xuống đất.

  Tùng Thụ giơ đại đao lên hô to:

-Toàn quân xông lên giết giặc!

Bảy vạn quân Việt và quân Chân Lạp xông lên, giao, kiếm lóe lên như chớp dưới ánh mặt trời, chiêng trống thanh la, tiếng reo hò của quân sĩ vang động trời đất. Quân Đường và quân Việt, quân Chân Lạp lăn xả vào nhau chém giết. Xác chết chồng chất, máu tuôn như suối. Quân Đường ít người núng thế quay đầu chạy về thành. Quân Việt và Chân Lạp ráo riết đuổi theo. Quân Đường chạy về đến nơi thì cổng thành đã bị đóng chặt. Trên mặt thành những lá cờ Đường đã bị những lá cờ vàng viết chữ Mai Hắc Đế thay thế tung bay. Quân Đường bị chính những người lính trên mặt thành bắn xuống chết như rạ. Trong bước đường cùng, toàn quân Đường vội buông vũ khí, quỳ xuống đầu hàng. Thứ sử Lâm Duy Thăng và các tiểu tướng đều tử trận, thành Tư Phố thất thủ, Ái Châu được giải phóng. Các quan chức Đường các huyện lỵ khắp Ái Châu kẻ thì chạy trốn về Trung Quốc, kẻ thì đầu hàng. Thì ra trong thành Tư Phố có một tốp người Việt bị bắt đi lính cho quân Đường. Họ đã ngày đêm trông chờ quân Mai Hắc Đế ra giải phóng quê nhà. Khi thấy quân Đường thua trận chạy về, họ đã giết lính gác cổng thành, cướp thành trì khiến cho quân giặc không có lối vào thành cố thủ và bị tiêu diệt. Đại tướng Tùng Thụ đã thưởng cho tốp lính Việt đó nhiều vàng bạc. Ai muốn về nhà thì cho, ai muốn theo quân của Mai Hắc Đế  được sung vào quân ngũ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-49-a7078.html