Vĩnh Cát quê Hưng Yên. Cha anh, Liệt sĩ Nguyễn Văn Cảnh, sống ở Hà Nội từ tuổi lên 5.
Ông là học sinh Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An), đồng môn với Bác sĩ Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội.
Học trò ông – nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Vỹ.
Hà Nội , nhiều người biết đến ông giáo Cảnh
Cách mạng Tháng Tám ông giáo Cảnh được chính quyền cách mạng giao trọng trách Giám đốc Nha Thể Thao- Thể Dục. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia chỉ huy tự vệ bảo vệ thủ đô và hy sinh ngay từ những ngày đầu cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cha - hy sinh bảo vệ thủ đô.
Con – tâm huyết góp phần xây dựng đời sống văn hóa thủ đô.
Vậy nên, quê gốc ở Hưng Yên nhưng tôi coi anh là NGƯỜI HÀ NỘI.
Nói thăm bạn cũ là vì tôi với Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Vĩnh Bảo – ba anh em nhà này, hồi đầu kháng chiến chống Pháp cùng chung mái trường – Trại trường Thiếu nhi Nghệ thuật do Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Tôi, từ một Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật ở tỉnh gửi về học, hết khóa lại đi. Đường đời chúng tôi mỗi người một ngả. Anh nhạc sĩ, tôi nhà báo. Bẵng đi lâu lắm mới gặp lại. Khi ấy tôi công tác ở TTXVN, anh Giám đốc Sở VH- TT Hà Nội.
Cách nay 3 năm, tôi chủ động đến thăm anh, hỏi thăm về em trai anh - nhạc sĩ Vĩnh Bảo, liệt sĩ, anh hùng LLVTND – hy sinh trong hoàn cảnh nào? Hồi cùng học, tôi thân Vĩnh Bảo hơn. Thay mặt gia đình, Vĩnh Cát tặng tôi cuốn sách “Sẵn sàng hy sinh” của Vĩnh Bảo và cuốn sách “Chỉ làm ngôi sao không tên” của anh.
Nhân Ngảy Thương Binh – Liệt Sĩ năm nay Tạp chí điện tử Văn hóa & Phát triển đã đăng tải bài “Vĩnh Bảo, Nhạc sĩ-Chiến sĩ “.
&
Tình yêu Hà Nội
Tháng 6- 1983, đang làm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia) thì được điều động NS Vĩnh Cát về làm Giám đốc Sở VH& TT Hà Nội. Anh đề đạt nguyện vọng với đồng chí Mười Hương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, xin được ở lại Nhạc viện để tiếp tục sự nghiệp âm nhạc - khát vọng và sở trường của anh.
Sau nhiều đêm mất ngủ… anh chấp hành Quyết định của Thành ủy Hà Nôi vì ý thức tổ chức của một đảng viên mà cũng vì nặng tình nặng nghĩa với Hà Nội. Nối chí Cha, anh tự thấy mình có bổn phận và nghĩa vụ góp phần xây dựng, phát triển văn hóa thủ đô. Biết rằng về lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, sự nghiệp âm nhạc, con đường anh đã chọn, sẽ thiệt thòi, không còn được toàn tâm toàn ý như trước nữa mà phải dành nhiều quỹ thời gian cho nhiệm vụ mới.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát về làm Giám đốc Sở VH-TT Hà Nôi và ít lâu sau anh được bầu ủy viên BCH Đảng bộ Thành phố. Anh tâm huyết và nghị lực vươt qua nhũng khó khăn ban đầu, tìm hiểu, nắm tình hình Hà Nôi; đọc và nghiên cứu để có kiến thức về lĩnh vực văn hóa.
Vĩnh Cát là một Giám đốc có tư duy mới, tầm nhìn rộng và thoáng về văn hóa Hà Nội. Điều này thể hiện qua các tham luận, báo cáo, phát biểu trên diễn đàn hội nghị ở Hà Nội cũng như ở Trung ương. Vĩnh Cát đề cập vấn đề truyền thống và hiện đại văn hóa Thủ đô?
Ngay từ tháng 5-1995, trên diễn đàn Hội thảo Khoa học – Thưc tiễn về Chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, anh đã tham luận “Tư tưởng Hồ Chí Minh với nếp sống văn hóa Việt Nam”, anh nhắc tới khẩu hiệu Bác Hồ đưa ra trong kháng chiến là “Kháng chiến hóa văn hóa - Văn hóa hóa kháng chiến”. Anh nói điều quan tâm của anh là vế thứ hai của khẩu hiệu và đặt vấn đề làm thế nào để “xã hội hóa văn hóa” ở thủ đô?
Phải nói rằng Vĩnh Cát nhạy bén, sớm nhận ra vấn đề, vì tôi nhớ: cho tới 3-2-2007, Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng, cuộc vận động “Học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mới chính thức phát động theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính Trị.
Văn hóa thể hiện hàng ngày trong mọi mặt của đời sống. Đã có lúc chúng ta quan niệm văn hóa là lĩnh vực chuyên môn của những người làm công tác văn hóa mà chưa thấy rằng văn hóa là “chìa khoa son”, là “nền tảng tinh thần” của xã hội, “động lực” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự nghiệp văn hóa muốn phát triên phải thực sự biến thành sự nghiệp của dân, của các ngành, các cấp, mọi thành phần kinh tế cùng tham gia và anh nhấn mạnh tới chức năng tham mưu của ngành văn hóa.
Anh từng nói với tôi rằng: Tư tưởng HCM về văn hóa rất nhân văn, cái gốc là con người có văn hóa mới xây dựng được cuộc sống văn minh, giàu đẹp.
Sở VH-TT Hà Nôi tham mưu Thành phố chuyền các cuộc vận động văn hóa thủ đô trước đây như cuộc vận động “Xây dựng nếp sống mới” thành cuộc vận động “NẾP SỐNG VĂN MINH. GIA ĐÌNH VĂN HÓA“. Xây dựng nếp sống văn minh của người Hà Nội từ ứng xử giao tiếp xã hội, ăn mặc, nói năng hằng ngày đến việc thực hiện các quy ước về họp hành, cưới xin, tang lễ, mừng thọ…
“Gia đình văn hóa “ tiếp thu nền văn hóa truyền thống làm chủ yếu, gia đình làm trung tâm. Xây dựng nếp sống văn minh lấy gia đình làm gốc. Bởi văn hóa gia đình tác động trục tiếp, sâu sắc đến nhân cách và ý thức xã hội của mỗi con người. Anh nhớ trong thư gửi HĐND Hà Nội, Bác Hồ mong muốn thủ đô phải là tấm gương cho cả nước giữ dược thuần phong mỹ tục. Bác từng chỉ ra “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì mới cũng theo …”
Cuộc vân động “NẾP SỐNG VĂN MINH, GIA ĐÌNH VĂN HÓA” đươc các đoàn thể quần chúng, các ngành, các quận huyện triển khai thành những phong trào cụ thể như “Thủ đô xanh, sạch, đẹp“, “Làng văn hóa“, “Nói không với thuốc lá”… Các cuộc thi “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Người Hà Nội thanh lịch”…
“Chẳng thanh cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An”
Cuộc vận động “Nếp sống văn minh. Gia đình văn hóa” của thủ đô Hà Nội lan tỏa, nhân rộng ra nhiều tỉnh, địa phương.
Vĩnh Cát sớm nhận thức được “Tư tưởng Hồ Chí Minh” về văn hóa. Ý tưởng “xã hội hóa văn hóa thủ đô” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thành phố thực hiện cuộc vận động lớn “NẾP SỐNG VĂN MINH - GIA ĐINH VĂN HÓA”.
*
Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, Văn hóa Hà Nội còn làm được khá nhiều việc ghi dấu ấn một thời. Đó là: Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khu phố cổ, Thành cổ. Kiểm kê và bảo vệ một số công trình kiến trúc đẹp. Tôn tạo Văn Miếu Quốc Tử Giám trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tu bổ Thăng Long Tứ Trấn. Cùng một số trí thức khởi thảo và xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc, Tượng đài Thánh Gióng – Sóc Sơn. Xây dựng “Làng văn hóa” mà tiêu biểu là huyện Đông Anh. Phân cấp, nhận bảo quản một số di sản quý của Hoàng Thành –Thăng Long. Phục hồi hát xẩm, ca trù. Chọn phục hồi một số lễ hội cổ truyền. Khai thác tiềm năng du lịch Thủ đô…
Ngành văn hóa Hà Nội thời có anh, từng nhiều năm giữ cờ thi đua dẫn đầu Ngành Văn hóa- Thông tin cả nước .
Đặc biệt, Vĩnh Cát là người đề xuất sớm tới hơn chục năm và cũng là người tham gia khởi xướng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Trí tuệ và tâm huyết cùng bao trăn trở, nhạc sĩ Vĩnh Cát sáng tác hai tác phẩm nhạc: Concerto “Đây Sông Hồng – Sông Cái” và Bàn giao hưởng “Không chỉ là huyền thoại” phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Duyên nghiệp với nhạc giao hưởng
Có thể nói con đường âm nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Cát chủ yếu dành cho nghiên cứu, sáng tác nhạc giao hưởng, thể loại khí nhạc. Nhạc không lời, âm thanh cảm hóa lòng người đã khó. người nghe càm nhận không dễ; đối với nước nhà phải một thời gian khá dài, giao hưởng mới “có đất dụng võ”.
Anh đã gặt hái được thành công nhất định. Ấn tượng nhất là 3 bản nhạc thể loại khí nhạc. Đó là Tổ khúc giao hưởng “Hái hoa dâng Bác“, bản Concerto “Đây Sông Hồng Sông Cái” và bản giao hưởng “Không chỉ là huyền thoại”. Như đã viết ở phần trên, 3 bản nhạc ấy được chọn trình diễn, ra mắt công chúng ở hai thời điểm, hai địa điểm - tối ưu là đặc biệt –
“Hái hoa dâng Bác” là một tổ khúc giao hưởng và thanh nhạc có 9 chương (5 chương có thanh nhạc còn 4 chương toàn khí nhạc). Hái hoa dâng Bác là kịch múa đầu tiên ở nước ta và là tác phẩm giao hưởng đầu tiên được Dàn nhạc Giao hưởng VN trình diễn ở sân khấu ngoài trời, trong vườn hoa Phủ Chủ tịch chào mừng lần thứ 70 sinh nhật Bác Hồ.
“Hái hoa dâng Bác” nhiều lần được trình diễn ở Nhà hát Nhân Dân ( nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô ) , ở Cung Văn hóa Thiếu nhi . Hội đồng nghiệm thu Viện Âm nhạc VN đánh giá “ Hái hoa dâng Bác “ là một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Trong tổ khúc giao hưởng này, Nhac sĩ Vĩnh Cát đã sử dụng 2 ca khúc trong vở kịch hát “Lục tuần đại khánh” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để sáng tác Chương VIII. NS Lưu Hữu Phước sáng tác “Lục tuần đại khánh” năm 1950 ở ATK mừng thọ Bác Hồ 60 tuổi.
Vĩnh Cát viết hai bản giao hưởng “Đây Sông Hồng- Sông Cái” và “Không chỉ là huyền thọai” từ tháng 10-2008 đến cuối tháng 12-2009. Hai bản giao hưởng đặc biệt này dày tới 500 trang tổng phổ.
Bản concerto “Đây Sông Hồng- Sông Cái” viết cho đàn violon và dàn nhạc giao hưởng, gồm 3 chương. Chương I: Soi bóng kinh thành- ý muốn nói Sông Hồng - tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống xã hội của Thăng Long xưa, Hà Nội nay, suốt nghìn năm lịch sử. Chương II: Lấp lánh đỏ sóng phù sa, miêu tả màu đỏ đặc trưng của dòng Sông Mẹ. Màu đỏ ấy không chỉ có phù sa mà còn pha máu cùa các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của thủ đô yêu dấu để đến nay Sông Hồng vẫn mãi “Dạt dào, ơi dòng sông …!”.
Bản giao hưởng “Không chỉ là huyền thoại” gắn với chuyện kể về hành trình định đô của Vua Lý Thái Tổ ở thành Đại La – nơi rồng vàng bay lên. Câu chuyện nghìn năm trước là ước mơ, là huyền thọai… nghìn năm sau là hiện thực; được kể xuyên suốt 5 chương với các tiêu đề: Đế đô cho muôn đời. Tình người Thăng Long – Hà Nôi. Những thiên sử vàng. Sức sống kinh kỳ và Đất nước tiên rồng cất cánh.
Trong bản giao hưởng này, Vĩnh Cát đưa tiếng cồng chiêng; tiếng trống lễ hội; nhịp phách, tiếng đàn đáy trong ca trù; tiếng mõ tiếng tụng kinh, tiếng chuông chùa, tiếng chuông cầu nguyện của nhà thờ và… cả nhạc dancing của lớp trẻ vào những đoạn chen (episode).
Trả lời phỏng vấn của một tở báo, Vĩnh Cát nói rằng anh sáng tác hai bản giao hưởng này trước hết vì tình yêu máu thịt với Hà Nội, mảnh đất từng thấm máu người cha bảo vệ Thủ đô, sau nữa là thử sức mình trong sự nghiệp sáng tác nhạc giao hửởng mà anh đam mê dấn thân suốt nửa thế kỷ nay…
Qua cuốn sách “Chỉ làm ngôi sao không tên”, tôi đọc những trang báo của các báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Văn Nghệ, Văn hóa – Thể thao, An ninh Thế giới, Tiền Phong, Phụ nữ … ; một số tạp chí, Đài phát thanh phỏng vấn Vĩnh Cát về ý tưởng, quá trình anh sáng tác hai bản giao hưởng đặc biệt này. Nhiều văn nghệ sĩ đã viết cảm nhận của mình sau khi thưởng thức nhạc giao hưởng của Vĩnh Cát, không chỉ 3 tác phẩm trên. Đó là các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Trần Hoàn, Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Gia Tường, Dương Viết Á, Nguyễn Đình San… Các nhà thơ Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc… Nhà khoa học GS,TS Vũ Tuyên Hoàng …
Nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng VHTTDL đọc lời khai mạc “Đêm nhạc giao hửởng Vĩnh Cát”, có đoạn: “Về khí nhạc, phải công bằng mà nói, anh là một tác giả chuyên tâm về lọai hình phức tạp này, một loại hình đòi hỏi phải có kiến thức đầy đủ về sáng tác, hòa thanh, phức điệu, phối khí… và trước hết là một sự tưởng tượng, một tư duy khái quát toàn diện và sâu sắc thể hiện bằng âm thanh…” (Đêm nhạc giao hưởng đầu tiên ở VN, tại Nhà hát lớn Hà Nội, đêm 7-10, trong Tuần Văn hóa kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội, Báo Văn Hóa).
GS, NSND Bùi Gia Tường, nghệ sĩ biểu diễn violon celle viết: Qua hai tác phẩm với bút pháp riêng rất “Vĩnh Cát”, một lần nữa khẳng định tài năng, bản lĩnh nghệ thuật của tác giả đối với tác phẩn khí nhạc lớn, nổi trội trong kho tàng âm nhạc VN, không chỉ vang lên một lần mà sẽ còn nhiều lần trên sân khấu.
Giáo sư, Viện sĩ khoa học Vũ Tuyên Hoàng viết: “Có thể nói anh là một trong số ít nhạc sĩ đầu tiên diễn tả tâm hồn mình bằng những bản nhạc giao hưởng, loại hình âm nhạc hàn lâm mang tính triết lý và trữ tình sâu sắc…”.
Nếu như mỗi thành phố trên thế giới đều gắn với con sông - Paris với Sông Sen. Thượng Hải với Hoàng Phố. Bu- đa- pét với Đa-nuýp-bơ , Mat –xcow-va với Von-ga thì Sông Hồng cũng là con sông luôn song hành với thủ đô Hà Nội - Đông Đô-Thăng Long nghìn năm lịch sử ; với hưng phế của đất đế đô trải qua đau thương, tự hào, bất khuất cùng với biết bao niềm vui, nỗi buồn… Thật sâu sắc, tinh đời khi Vĩnh Cát chọn Dòng Sông Mẹ và huyền thoại Thăng Long đưa vào tác phẩm của mình, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Nhà thơ Bằng Việt viết: “Vĩnh Cát tâm huyết thổi hồn mình vào đứa con tinh thần qua giai điệu, âm thanh; khi sục sôi, lúc trầm mặc; khi vút lên cao trào của tiếng kèn giục giã hứng khởi, lúc lặng lẽ u buồn của tiếng đàn dây… biều hiện tâm trạng Người Hà Nội. Chương II: Tiếng đàn violon do nghệ sĩ Mỹ Hương độc tấu quyến rũ bời giai điệu, tiết tấu trong trẻo, da diết gợi nên vẻ đẹp dịu dàng của dòng Sông Mẹ đang trôi giữa đời và trong hồn người.
Giao hưởng “Không chỉ là huyền thọai”, Hà Nội hiện lên như một thực thể sống, một vùng đất thiêng định đô tràn đấy hơi thở và sinh lực vô tận của con người Việt Nam biết “đẻ đất, đẻ nước” tự ngàn xưa; cần cù, chịu thương chịu khó, trụ vững suốt chiều dài lich sử. Con người kiên trì và quả cảm vượt qua bao thử thách thiên tai, giăc dã… Các chương sau không khí lễ hôi dân gian, nhiều giai điệu dân ca say đắm hòa cùng âm hưởng của các nhạc cụ dân gian cổ; đưa vào đúng hoàn cảnh, không gian đặc trưng của tâm linh con người, tạo nên hiệu ứng hùng tráng mà vẫn diễm lệ; bay bổng mà vẫn trầm lắng, nền nếp mà vẫn phóng túng… từ hữu hạn đến vô cùng tận. Bản nhạc có những yếu tố bùng nổ, ngẫu hứng, những giây phút thăng hoa, tung hứng bất ngờ, lôi cuốn người nghe suốt 5 chương...”.
Phó GS,NS Vĩnh Cát yêu âm nhạc từ bé qua những đĩa nhạc cổ điển của cha. Là nhà giáo, trí thức Hà Nội, ông dạy 3 con trai biết đàn hát từ tuổi còn thơ, mỗi khi gia đình sum họp. 12 tuổi anh đã tập và sáng tác những ca khúc đầu tiên khi đang học Trại trường TNNT ở Viêt Bắc do Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Nhạc sĩ cũng là người thầy đầu tiên của anh, phát hiện anh có năng khiếu khí nhạc. Khi ấy là những năm cuối của thập niên bốn mươi thế kỷ trước. Anh từng tu nghiệp trình độ cao cấp về lý luận và sáng tác âm nhạc ở Liên Xô . Đề tài nghiên cứu của anh là “Giao hưởng hiện đại với ngôn ngữ âm nhạc Phương Đông”. Luận văn tốt nghiệp Đại học Âm nhạc của anh còn có tác phẩm giao hưởng “ Cuộc đối đầu lịch sử “ . Ở Học viện âm nhạc Hà Nôi (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN ) anh là Phó Giám đốc trực tiếp Chủ nhiệm Khoa Sáng tác- Lý luận.
Năng khiếu, đam mê, học hành có bài bản, lại giàu vốn sống thực tiễn, miệt mài năm tháng… suốt gần 50 năm nghiên cứu và sáng tác khí nhạc, những yếu tố đó là chất vàng ròng sáng tạo nên những bản giao hưởng có bản sắc riêng của Vĩnh Cát mà tiêu biểu là “Đây Sông Hồng – Sông Cái” và “ Không chỉ là huyền thoại”.
“ Công thành “ ….” Danh có toại “?
Anh không làm Sao Hôm
Em không làm Sao Mai
Chỉ làm ngôi sao không tên
Để gần nhau suốt đời
Tôi nhớ ca từ trong bài hát NGÔI SAO HÀ NỘI của nhạc sĩ Vĩnh Cát được nghe nhiều lần qua Đài TNVN, được xem các nghệ sĩ trình diễn trên Tivi.
Qua sự nghiệp âm nhạc và làm công tác quản lý, dường như anh gửi gắm vào tác phẩm tâm tư của mình? Tôi trân trọng tính khiêm nhường của anh- mình chỉ là ngôi sao không tên trên bầu trời.
Đức tính khiêm nhường ấy còn được bộc bạch trong tham luận “Mấy ý kiến trao đổi về ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng Việt Nam” (tháng 4-2002) . Anh viết : “Trên con đường dài sáng tạo đầy cam go ấy tôi muốn được làm một “viên gạch lót đường”.
*
50 năm, từ khát vọng đầu đời – từ những đĩa nhạc cổ điển người cha để lại, đã rót vào tai anh, thấm vào hồn anh âm thanh, giai điệu của nền âm nhạc bác học, để mai sau vào đời, anh “mang lấy nghiệp vào thân“.
Có thể nói gần hết sự nghiệp âm nhạc anh dành cho nghiên cứu và sáng tác nhạc giao hưởng. Con đường ấy cam go như anh từng nói: Khổ công học tập, nghiên cứu bài bản để có kiến thức về thể loại âm nhạc hàn lâm này. Con đường ấy lao tâm khổ tứ, kiên trì đấu tranh để có một quan điểm đúng đắn đưa nhạc giao hưởng vào Việt Nam mà bảo tồn được bản sắc dân tộc một cách nhuần nhuyễn, không gượng ép làm giảm đi thuộc tính bác học. Và, với anh có lẽ phải nhìn thẳng vào sự thật là con đường ấy phải vượt qua lòng đố kỵ - một kẻ thù ẩn náu trong mỗi con người nghệ sĩ, trí thức nước ta?
Tự ví mình như một “viên gạch lót đường“, anh “biết mình biết người“, không huyênh hoang bốc phét bởi giao hưởng là thể loại âm nhạc hàn lâm mang tính triết lý và trữ tình. Nhạc không lời, âm thanh cảm hóa lòng người đã khó, người nghe càm nhận không dễ; đối với nước nhà phải một thời gian khá dài giao hưởng mới “có đất dụng võ”.
Phó Giáo sư – Nhạc sĩ Vĩnh Cát, Nhà sư phạm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa &Thông tin Hà Nội - 50 năm sự nghiệp âm nhạc, 25 năm công tác quản lý. Anh như có hai “mối tình” - tình yêu âm nhạc và tình yêu Hà Nội. Trong con người anh mang hai tố chất: hào hoa lãng từ của người nghệ sĩ - mô phạm của một nhà giáo, một nhà quản lý.
“Thân này ví xẻ làm hai được “?
Bề bộn - nhiều lúc đau đầu – trong công tác chính trị, công tác tổ chức và quản lý nhưng không làm nguội lạnh được khát vọng cháy bỏng trong anh, không thui chột được tài năng của anh.
Vĩnh Cát ơi, đôi điều muốn nói !
Ý thức tổ chức và nghị lực đã hóa giải và hài hòa mâu thuẫn trong anh để hai “mối tình” đều trọn vẹn . Phải thế không bạn ?
Mình trân quý sự khiêm nhường của ông; chỉ muốn làm “ngôi sao không tên”, “một viên gạch lót đường” và, như đã viết, mình cảm nhận dường như ông gửi gắm chút tâm tư vào câu hát, trên diễn đàn? Cái sự dường như ấy của mình có phần đúng khi đọc một bài báo phỏng vấn ông: Lặng lẽ chọn một góc riêng cho mình giữa lòng Hà Nội... ở tuổi 76, cởi bỏ chiếc áo khoác của những hào quang một đời làm quan, đã có những giây phút ông chạnh lòng: “đôi khi tôi chỉ muốn mình làm một ngôi sao không tên, lạc giữa hàng vạn vì sao, không quá chói sáng để né tránh những tị hiềm ”.
Đời người khi sắp về cõi, đôi khi ta tự vấn ta công có thành, danh có toại?
Người “công thành danh tọai”. Ngườì “công thành, danh không toại’’?
Bỏ quá cho mình Vĩnh Cát nhé… tuổi già cả nghĩ. Nghĩ mung lung… có năm bảy đường “danh”. Hữu danh. Vô danh. Háo danh. Hữu danh vô thực. Mua danh. Bán danh…
Mình có viết ở trang đầu bài tùy nghĩ này, tôi đến thăm bạn cũ- nhạc sĩ Vĩnh Cát. Cùng sinh năm Tuất, tôi giữa năm –anh cuối năm 1934. Chúng tôi cùng chung mái trường TNNT một thời gian. Với anh rằng thân- chưa hẳn đã thân- nhưng không sơ. Tôi hiểu anh còn qua đồng nghiệp, bạn bè ; qua cuốn sách “CHỈ LÀM NGÔI SAO KHÔNGTÊN“ anh tặng tôi cách nay 2 năm khi tôi đến thăm anh – Xin lỗi dài dòng chút xíu - để ai đọc tôi hiểu cho rằng tôi vô tư. Tuổi 87 rồi tôi “bốc thơm” anh, lợi lộc gì?
Không giải thưởng cao, không danh hiệu quý. Anh thành đạt trong sự nghiệp âm nhạc ; là một người có công đầu đưa nhạc giao hưởng vào VN và cũng là một trong số rất ít “nhạc sĩ đầu tiên” ở nước ta sáng tác thể loại âm nhạc bác học này. Trong giới nhạc sĩ đương thời anh ngồi “chiếu trên“, với lớp trẻ anh là người thầy khả kính.
Trong lời giới thiệu tập bài hát “VƯỜN NHÃN QUÊ HƯƠNG” của NS Vĩnh Cát, Giáo sư – Viện sĩ Lưu Hữu Phước viết: “Ca khúc của anh có phong cách riêng, rất cô đọng và đậm đà chất trữ tình… lời ca giàu chất thơ là đặc điểm tiêu biểu trong những bài hát của anh. Tập bài hát này mới chỉ giới thiệu được một phần những sáng tác ca khúc của anh. Nhưng qua đó cũng nói lên sự đóng góp của anh đối với nền ca khúc Việt Nam…”.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết tiếp: “Tuy nhiên cũng phải nói rõ điều này, Vĩnh Cát chưa bao giờ được làm nhạc sĩ “chuyên nghiệp”, hiểu theo nghĩa hẹp của từ này. Bề bộn công việc hàng ngày là những công tác chính trị, tổ chức, quản lý Trường Đại học Âm nhạc, là công tác giảng dạy. Sự nghiệp sáng tác của anh nếu không bị những hạn chế đó chắc chắn sẽ còn chín đều và nở rộ hơn nhiều”.
Trong mắt tôi - Phó Giáo sư, Nhạc sĩ Vĩnh Cát - bạn tôi, thực chất là một người “công thành danh toại” – Thành đạt trong danh dự. Chúc mừng anh!
Ng-V-Tr
Nguyến Văn Trường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-10-tham-ban-cu-ha-noi-co-mot-ngoi-sao-khong-ten-a7126.html