Kỳ 52.
Nghe thám mã báo Dương Tư Húc, nguyên soái nhà Đường đem 15 vạn quân theo đường Khâm Châu đã tràn vào Lục Châu, 5 vạn thủy binh Đường đang tiến vào sông Bạch Đằng, Đại tướng Bộ Tân, Tổng binh Lục Châu đem 3 vạn quân chặn giặc. Ngọc Chân Công chúa Mai Thị Câu, Đại tướng hoàng tử Mai Kỳ Sơn, Tổng Binh và phó Tổng Binh Hồng Châu cũng đem 3 vạn quân tiếp ứng cho Bộ Tân. Trước thế mạnh của giặc, 3 vạn quân Việt phải lui về Hồng Châu. Tại đây, quân Việt bị 15 vạn quân địch do Dương Tư Húc chỉ huy đánh mặt trước từ phía Đông sang, sau lưng bị 5 vạn thủy binh Đường đổ bộ từ Lục Đầu Giang đánh tập hậu sau lưng từ phía Tây. Một trận chém giết kinh hoàng giữa quân Việt và quân Đường đã diễn ra. Xác lính Việt và lính Đường chồng chất. Máu chảy thành suối. Tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng reo hò của binh lính rung chuyển vùng trời phía Đông, hữu ngạn sông Lục Đầu Giang. Sau hai canh giờ chiến đấu, 4 vạn quân Việt hy sinh, 5 vạn quân Đường cũng bỏ mạng. Đại Tướng Cam Hề, Tổng binh Vũ Ninh đã nhanh chóng đem 3 vạn quân ứng cứu, mở đường máu mới cứu được Ngọc Chân công chúa Mai Thị Câu, Hoàng tử Mai Kỳ Sơn và Đại tướng Bộ Tân cùng một vạn quân rút về Tống Bình.
Dương Tư Húc nói với Quang Sở Khách:
-Tiết Độ sứ hãy đem binh thuyền cùng 5 vạn thủy binh vượt biển tiến vào Diễn Châu để ngăn chặn không cho Mai Hắc Đế đem quân ra Bắc cứu Tống Bình. Chúng ta phải phân tán lực lượng của Mai Hắc Đế, khi thấy binh thuyền của ta đang tiến vào, Mai Hắc Đế không thể bỏ Vạn An mà ra Bắc. Tiết độ sứ vào đến nơi không tiến công vội, chờ ta phá xong thành Tống Bình, chiếm Giao Châu sẽ cùng phối hợp tấn công thành Vạn An. Như vậy quân Việt đầu và cuối không tiếp ứng được cho nhau sẽ bị tiêu diệt.
Quang Sở Khách nói:
-Nguyên soái nói chí phải, thật là diệu kế, diệu kế.
Tại kinh thành Vạn An, khi nghe thám mã báo, 15 vạn quân Đường do Dương Tư Húc chỉ huy đã tràn vào Lục Châu, Mai Hắc Đế cử Đại tướng cung phi Phạm Thị Uyển đem 5 vạn quân đi tiên phong ra Bắc trước, Mai Hắc Đế sẽ dẫn đại quân đi sau tiếp ứng cho các mặt trận. Phạm Thị Uyển đi được một ngày rồi, Mai Hắc Đế đang định xuất phát thì thám mã báo:
-Dạ, cấp báo, Thủy quân Đường do Quang Sở Khách chỉ huy đang vượt biển tiến vào Diễn Châu, tiến đánh kinh thành Vạn An.
Mai Hắc Đế đành phải bỏ kế hoạch tiến quân ra Bắc, ra lệnh chuẩn bị chiến đấu phòng thủ Vạn An.
Lại nói Đại tướng cung phi Phạm Thị Uyển đem 5 vạn quân đi gấp ra miền Bắc, khi đến Tống Bình đã nghe thám mã báo, đại quân của Ngọc Chân công chúa, Hoàng tử Mai Kỳ Sơn và Đại Tướng Bộ Tân, Đại Tướng Cam Hề đã bại trận ở Hồng Châu. Ngọc Chân công chúa, hoàng tử và hai đại tướng đang cùng quân mã rút về Tống Bình, 10 vạn quân Đường đang đuổi theo ở phía sau.
Phạm Thị Uyển nhanh chóng đem quân lên tiếp ứng, đón được công chúa, Hoàng tử và hai đại tướng cùng 5 vạn tàn quân ở gần phía Bắc thành Tống Bình. Phạm Thị Uyển nói:
-Chúng ta hãy vào thành Tống Bình cố thủ, chờ đại quân của Mai Hắc Đế ra, trong đánh ra ngoài đánh ra để tiêu diệt địch.
Đang khi đó lại có thám mã về báo:
-Dạ cấp báo, 5 vạn thủy binh Đường vượt biển vào Diễn Châu sắp tấn công thành Vạn An nên hoàng thượng không ra Bắc được, phải ở lại phòng thủ Vạn An. Mặt trận miền Bắc và Tống Bình giao cho Đại tướng cung phi làm chủ soái quyết định.
Phạm Thị Uyển nói:
-Như vậy nếu chúng ta cố thủ ở thành Tống Bình, không có quân cứu viện, cuối cùng cũng thất thủ. Chi bằng dốc toàn lực đánh một trận sống mái với quân thù để báo đền nợ nước.
-Phạm Thị Uyển lại nói với công chúa Ngọc Chân và hoàng tử Mai Kỳ Sơn:
-Trận đánh này rất bất lợi cho quân ta, cho nên để giảm bớt tổn thất không nên có, ta ra lệnh cho công chúa Ngọc Chân và hoàng tử Mai Kỳ Sơn đem 2 vạn quân đi gấp về Vạn An giúp phụ hoàng bảo vệ kinh đô.
Ngọc Chân công chúa nói:
-Chúng con xin mẫu thân đem quân về giúp phụ hoàng, chúng con xin ở lại.
Hoàng tử Mai Kỳ Sơn cũng nói:
-Chúng con xin ở lại, Mẫu thân hãy đem quân về.
Phạm Thị Uyển nói:
-Ta đã nhận chiếu dụ của hoàng thượng làm chủ soái ở đây, không thể bỏ sứ mệnh vua giao mà đi được. Các con hãy về. Đây là quân lệnh, không nghe theo sẽ chiếu theo quân lệnh mà trừng phạt.
Công chúa và hoàng tử cúi đầu:
-Dạ, chúng con tuân lệnh.
Rồi công chúa Ngọc Chân ôm Phạm Thị Uyển mà gạt nước mắt. Nàng biết đây có thể buổi tạm biệt, cũng có thể là buổi vĩnh biệt Đại tướng cung phi, người mà nàng vô cùng yêu mến kính trọng như mẫu thân của nàng. Hai chị em gạt nước mắt từ giã các tướng, từ giã cung phi, đem 1 vạn quân đi về Nam trong gió bụi.
Phạm Thị Uyển thở phào nhẹ nhõm. Bà làm như vậy để ngăn chuyện không may có thể xẩy ra trong trận huyết chiến sắp tới, giảm nhẹ sự đau buồn cho Mai Hắc Đế, cho hoàng hậu Đinh Ngọc Tô. Nàng biết gia đình nhà vua ít nhất sẽ có hai người thân yêu ruột thịt ngã xuống trong trận đánh Tống Bình này: Nàng và Hoàng thái tử Mai Bảo Sơn.
Thám mã báo giặc đã đến gần. Phạm Thị Uyển ra lệnh dàn trận phía Bắc thành Tống Bình và nói:
-Ta và các tướng sĩ đã dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng bách tính thì đã không tính đến chuyện tiếc bản thân. Hôm nay đã đến bước đường này, ta và các tướng sĩ phải đánh một trận cho quân giặc khiếp đảm muôn đời. Ai run sợ thì ta cho về quê hương sống một cuộc đời nô lệ, ai không run sợ thì ở lại cùng ta chết một các oanh liệt, trả món nợ với non sông.
5 vạn nghĩa quân tướng sĩ đồng thanh hô vang như sấm:
-Chúng tôi nguyện cùng Chủ soái chiến đấu đến cùng, đánh cho quân thù khiếp đảm muôn đời.
Dương Tư Húc và hơn 10 vạn lính đã đến nơi. Hắn tưởng quân Việt đã rút vào thành Tống Bình cố thủ, nhưng khi thấy 5 vạn quân Việt dàn trận với một khí thế đằng đằng sát khí, hắn hơi chột dạ. Hắn đã biết tinh thần chiến đấu dũng mãnh của quân Việt ở trận Hồng Châu vừa qua. 3 vạn quân Việt hy sinh nhưng 5 vạn quân Đường đã bỏ mạng, dù quân Đường ở vào thế số đông áp đảo. Kỳ lạ hơn là 5 vạn quân này do một nữ tướng trẻ tuổi xinh đep, môi hồng má phấn chỉ huy. Nàng cưỡi con ngựa đẹp màu trắng, mình mặc chiến bào vàng, áo giáp đồng vàng, chân đi guốc màu vàng, tay cầm hai thanh kiếm, đầu đội mũ đâu mâu nhọn mạ vàng, oai phong lẫm liệt đứng hiên ngang đầu trận chờ đợi quân Đường. Dương Tư Húc tưởng như đang đối diện với Trưng Nữ Vương tái thế. Mà sao cái nước Việt xa xôi lắm Bà Trưng đến vậy? Nhưng Dương Tư Húc theo kinh nghiệm chiến trận, quân số đông mà gặp đối thủ ít quân hơn thì cứ cho xông ào lên chém giết, không cần quan tâm đến sinh mạng binh lính. Cái cốt trên chiến trường là chiến thắng. Nghĩ như vậy hắn không dàn trận theo phép thông thường mà khi gần quân Việt hắn vung đại đao lên và thét:
-Xông lên giết!
Hơn 10 vạn quân Hán ào lên như bão táp. Quân Việt không hề run sợ cũng xông lên. Một cuộc chiến giáp lá cà khủng khiếp nhất trong chiến tranh Đường -Việt diễn ra ngay trước thành Tống Bình. Tiếng chiêng, trống, tiếng tù và, tiếng quân reo vang động, tiếng gươm giáo chạm nhau tóe lửa phát ra âm thanh ghê rợn, quân Việt và quân Hán chém giết nhau hỗn loạn, thây người gục đổ, máu tuôn như suối. Sau hai canh giờ hỗn chiến, 5 vạn quân Việt đã hy sinh anh dũng nằm xuống nhưng họ cũng đã buộc bảy vạn quân Đường gục ngã. Cung phi Phạm Thị Uyển tả xung hữu đột, hai thanh gươm trong tay cung phi múa như mưa sa bão cuốn và không biết bao nhiêu đầu quân Đường đã rụng xuống. Khi biết các Đại tướng Cam Hề, Bộ Tân, Khổng Qua đã ngã xuống và 5 vạn quân sĩ cũng đã hy sinh hết, Phạm Thị Uyển đánh mở đường máu ra bờ sông Hồng. Khi đến bờ sông, con ngựa trắng của cung phi tung vó bay lên không trung rồi sau đó cả người và ngựa rơi xuống dòng sông, nước sông Hồng chảy xiết đã đưa nàng về với tổ tiên Trưng Trắc Vương, Trưng Nhị Vương, Nhụy Kiều Tướng quân và bao nhiêu anh hùng liệt sĩ khác đã hy sinh vì nước.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-52-a7149.html