Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 53)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

              

denvuamai01-1633575126.jpg
Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan, ? – 722) – vị anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi chống sự chiếm đóng của nhà Đường đầu thế kỉ thứ 8 – nằm dưới chân núi Đụn, ngày nay thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nguồn: Internet

 

KỲ 53.

  Sau khi đạo quân của Cung Phi Phạm Thị Uyển bị tiêu diệt, Dương Tư Húc tiến đánh thành Tống Bình. Chỉ buổi chiều hôm đó, Quân Đường phá được cổng thành. Thành Tống Bình thất thủ. 2 vạn quân Việt hy sinh trong đó có cả Đại tướng hoàng tử Mai Bảo Sơn. Dương Tư Húc hầu như đã tiêu diệt được những đạo quân chủ lực của chính quyền Mai Hắc Đế ở miền Bắc. Nhưng Dương Tư Húc vô cùng kinh hãi và khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm bất khuất của người Việt. Hắn thị uy dọa dẫm người Việt bằng cách bóc da đầu da mặt tù binh rồi mới giết chết. Hắn đem thi hài các chiến sĩ Việt chôn chung, đắp mộ tập thể cao lên và đặt bia đá gọi là  ”Kình quán”.

Chiếm được thành Tống Bình và Giao Châu  nhưng chỉ qua hai trận đánh lớn ở Hồng Châu và Tống Bình, Dương Tư Húc đã mất 8 vạn quân, chỉ còn 7 vạn quân nữa phải chia ra trấn trị đàn áp các nơi, vậy là còn 3 vạn bộ binh và 5 vạn thủy binh của Quang Sở Khách để tấn công Vạn An. Dương Tư Húc cho người về Trường An xin thêm viện binh. Tuy nhiên, không bỏ lỡ thời cơ, Dương Tư Húc không chờ viện binh sang mà đem 3 vạn quân tiến vào Diễn Châu. Dọc đường, Dương Tư Húc sáp nhập thêm đạo quân người Hoa 2 vạn người trên đất Việt do viên quan bị lưu đày tại đây là Chi Nễ chiêu mộ để hỗ trợ cho Dương Tư Húc theo chỉ dụ của Đường Huyền Tông. Đến Ái Châu, Dương Tư Húc sai tùy tướng là Tiết Bá đem 2 vạn quân đánh thành Tư Phố. Còn Dương Tư Húc tiến thẳng vào Diễn Châu. Quân Đường hầu như không gặp một sự kháng cự nào bên phía triều đình Vạn An. Đến Diễn Châu, Dương Tư Húc hợp với 5 vạn thủy quân của Quang Sở Khách, tổng cộng được 8 vạn quân tấn công thành Vạn An.

  Còn cách thành Vạn An khoảng 1 dặm, Dương Tư Húc đã thấy khoảng 5 vạn quân Việt dàn trận, cờ vàng bay phấp phới. Trước hàng quân có nhiều tướng soái cưỡi ngựa, áo chiến bào nâu, áo giáp đồng, đội mũ đâu mâu đồng, cầm nhiều loại vũ khí khác nhau như gươm, đại đao, búa...lưng mang cung tên. Đứng giữa các tướng Việt là một người cao lớn, oai phong lẫm liệt, mặc áo chiến bào vàng, áo giáp đồng, mũ đâu mâu màu vang, tay cầm đại đao, cưỡi con ngựa màu nâu khỏe mạnh, trên đầu có lá cờ màu vàng viết chữ đen ”Mai Hắc Đế”. Dương Tư Húc cho dàn trận rồi quát:

-Có ai ra bắt bọn phản tặc cho ta?                                                                    -Có mạt tướng .

Nói xong, trong hàng quân Đường một tướng cưỡi ngựa đen múa đại đao xông ra. Mọi người nhìn ra thì đó là tùy tướng Võ Tuyên. Bên quân Việt, tướng Mao Hoành cưỡi ngựa xám múa đôi song búa xông ra, miệng thét:

-Bọn giặc Đường phải đền tội này.

Hai người hai ngựa xáp nhau, búa chạm đại đao tóe lửa, chỉ được 20 hiệp tướng nhà Đường Võ Tuyên bị Mao Hoành chém một búa vào mặt ngã lăn xuống đất.

Lập tức, Mai Hắc Để chỉ gươm về phía trước, 5 vạn quân Việt xông lên giáp chiến với 8 vạn quân Đường. Tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng tù và, tiếng quân reo hò vang động cả một vùng trời Diễn Châu. Trời đất như tối sầm, tiếng binh khí chạm nhau khô khốc rùng rợn, đầu rơi, thây đổ, máu tuôn như nước, thây chất thành núi. 5 vạn quân Việt phải đương đầu với 8 vạn quân Đường, nhưng quân Việt tỏ ra là những chiến binh sắt đá, không hề nao núng, vẫn lăn xả vào chém giết quân thù.  Quân Đường cậy thế đông, định tuồn ra hai cánh tả hữu vây bọc quân Việt vào giữa để tiêu diệt. Mai Hắc Đế thấy tình thế bất lợi liền khua trống thu quân. Quân Việt mở đướng máu, hộ giá Mai Hắc Đế rút vào thành Vạn An. Quân Đường đuổi ráo riết và bao vây hai mặt thành, phía Nam chúng dùng thủy binh bao vây trên sông Lam, phía Đông là bộ binh, phía Tây và phía Bắc thành bị núi án ngữ và quân Việt chốt chặt nên chúng không bao vây được. Tại trận đánh này quân Đường mất thêm 3 vạn, phía quân Việt 2 vạn chiến sĩ đã hy sinh.

Bao vây thành Vạn An nhưng Dương Tư Húc không tấn công ngay mà mục đích bao vây là cắt đứt mọi nguồn tiếp tế lương thực từ bên ngoài vào thành, thứ nữa là chờ viện binh của quân đường từ Trung Quốc tới, khi đó với quân số áp đảo, hắn sẽ dùng chiến thuật biển người mà tấn công. Dương Tư Húc biết rằng hắn đang ở thế chủ động, thế công, còn Mai Hắc Đế đang ở thế bị động, thế phòng thủ. Thời gian càng làm cho khó khăn của quân Việt chồng chất, không thể khắc phục được và cuối cùng sẽ thất bại. Một mặt cấm vận lương thực thành Vạn An, mặt khác, Dương Tư Húc ra lệnh cho quân đội ngày đêm cướp bóc, vơ vét lương thực, thực phẩm của dân Việt khắp Diễn Châu để nuôi quân đội Đường, để dân chúng không còn mà cung cấp cho Vạn An. Tên hoạn quan này đã học được cách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của cha ông hắn từ xưa trên đất Việt.

  Trong thành Vạn An, tình hình triều đình và quân đội ngày càng khó khăn. Trước hết là thiếu lương thực, thực phẩm. Lương thực do quân đội sản xuất ra và dự trữ đã hết, thứ nữa là thuốc men không có để chạy chữa cho các tướng sĩ và quân lính bị thương. Bản thân Mai Hắc Đế cũng lâm bệnh và đột ngột qua đời ngày 13 tháng 1 năm Quý Hợi (723) càng làm cho tình hình thêm bi đát. Trước tình hình đó, Thái sư Phòng Hậu và Hoàng hậu Đinh Ngọc Tô bàn bạc và quyết định rút quân đội và triều đình vào căn cứ Hùng Sơn. Tại Hùng Sơn, triều đình, tướng lĩnh và quân đội lặng lẽ mai táng cho Mai Hắc Đế trong sự đau đớn thương tiếc tuột độ của mọi người, tiếp đến là mai táng cho các tướng lĩnh và các chiến sĩ bị thương mà không qua khỏi. Vì Hoàng thái tử Mai Bảo Sơn đã hy sinh ở thành Tống Bình nên Thái sư Phòng Hậu và Hoàng hậu Đinh Ngọc Tô cùng triều đình đưa  Mai Thúc Huy (hoàng tử út) lên ngôi, đế hiệu là Mai Thiếu Đế. Đó là tháng 9 năm Quý Hợi 723.

  Sau khi được Đường Huyền Tông cử thêm 10 vạn viện binh sang, Dương Tư Húc ra lệnh mở cuộc tấn công mạnh vào thành Vạn An. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành của quân Việt hầu như không đáng kể. Quân Đường nhanh chóng phá cổng thành tràn vào nhưng đó là một thành trì, một kinh đô trống rỗng. Qua dò hỏi, Dương Tư Húc biết được Mai Hắc Đế đã mất, Mai Thiếu Đế kế vị đã cùng triều đình rút vào căn cứ Hùng Sơn. Dương Tư Húc ra lệnh tấn công vào Hùng Sơn. 5000 quân Việt đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ triều đình và Mai Thiếu Đế. Gần như toàn bộ triều đình, kể cả hoàng hậu Đinh Ngọc Tô, vua Mai Thiếu Đế, các đại thần, các tướng lĩnh cũng đã cầm gươm chiến đấu giết giặc và hy sinh oanh liệt trong căn cứ Hùng Sơn.

  Lại nói công chúa Ngọc Chân, hoàng tử Mai Kỳ Sơn, khi được lệnh của cung phi Phạm Thị Uyển rời khỏi mặt trận Tống Bình, đem theo 1 vạn quân, hai người không đi về Diễn Châu mà lại bí mật về căn cứ của hai người ở Hồng Châu. Tháng 10 năm Quý Hợi 723, được thám mã về báo Mai Hắc Đế đã mất, thành Vạn An thất thủ, hoàng Hậu Đinh Ngọc Tô, vua Mai Thiếu Đế và toàn bộ triều đình, quân đội đã hy sinh ở căn cứ Hùng Sơn. Được tin, công chúa, hoàng tử và bách tính vô cùng thương xót, căm thù giặc. Bách tính ở căn cứ Điều Yêu (An Hải, Lục Châu) tôn phò Mai Kỳ Sơn lên ngôi, đế hiệu là Bạch Đầu Đế (vì vua thương xót phụ hoàng, phụ mẫu và các anh em, tóc trở nên bạc trắng như cước). Hai chị em tiếp tục kháng chiến chống giặc Đường. Trong một trận đánh quyết chiến với giặc, vua Bạch Đầu Đế bị trúng tên độc mà hy sinh. Công chúa Ngọc Chân cũng quyên sinh trên một dòng sông ở miền biển Đông Bắc. Đó là tháng 11 năm Quý hợi 723.

Trong thời gian từ 712 đến 723 là thời gian trị vì của Đường Huỵền Tông (712-756), là thời gian hưng thịnh hùng mạnh nhất của nhà Đường, mà triều Đường lại là triều đại hưng thịnh nhất trong số các triều đại phong kiến Trung Quốc.Trong hoàn cảnh như vậy mà Mai Thúc Loan khởi nghĩa, đã giành thắng lợi, giành độc lập cho đất nước được 10 năm trời, xây dựng một triều  đại xưng đế, độc lập đàng hoàng thì đó là một kỳ tích, một chiến công hiển hách. Hàng vạn chiến sĩ và tướng lĩnh đã không tiếc thân mình, hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại là độc lập dân tộc, cả gia đình Mai Hắc Đế đã không chút đắn đo, suy tính đều hy sinh anh dũng cho sự nghiệp vĩ đại ấy: Mai Hắc Đế, hoàng hậu Đinh Ngọc Tô, cung phi Phạm Thị Uyển, công chúa Ngọc Chân Mai Thị Câu, Mai Thiếu Đế, Bạch Đầu Đế và hoàng Thái  tử Mai Bảo Sơn.

  Gia đình và triều đại Mai Hắc Đế đã để lại những trang sử vàng bất tử, những tên người bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                   

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-53-a7174.html