Nhìn sắc thu vẫn in dấu xanh ngăn ngắt trên mặt hồ. Hồ nước thật trong và lặng. Mặt hồ mãi còn in soi bóng nước, có những đám mây vẫn lặng lẽ trôi trong tiết thu mát mẻ. Mặt nước hồ ở nơi đây nhìn phẳng lặng và sáng như một tấm gương lớn. Chúng trang nghiêm khi nghiêng soi bóng nước của những hàng cây. Cây dường như cũng đứng im lặng hơn nơi khác!
Nghĩa trang Trường Sơn - ngày tôi đến khi mùa bàng lá chớm đỏ. Không khí lặng lẽ này dường như khác hẳn với những ngày tháng Bảy của mùa hè. Hàng năm, mọi người lại nườm nượp đổ về đây để viếng thăm linh hồn của các liệt sĩ đã hy sinh. Bao nhiêu những lớp người dân đến viếng nghĩa trang này. Còn bây giờ đã vào cuối thu, không gian trở nên yên tĩnh một cách lạ lùng. Mùi hương trầm đang lan tỏa, như đan xen, như quấn quýt trước những hàng bia mộ. Từng hàng, lại tiếp nối từng hàng, những ngôi mộ đứng dăng dăng thẳng hàng trong mùi hương trầm thơm ngan ngát.
Đọc lại bốn câu thơ của vị Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu đã viết đề tặng trên thân Tháp Chuông. Những câu thơ như đang ngân lên trang trọng giữa nơi nghĩa trang Trường Sơn:
“Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”!
Tiếng chuông ấy vẫn như còn ngân lên vào chính lúc này, ngay ở đây, giữa một buổi trưa mùa thu vắng lặng. Tôi nhìn ra xung quanh, bốn bề im ắng, chẳng có một bóng dáng nào từ nơi xa đến đây. Chính vào lúc này, chính ở nơi đây, ngoại trừ đoàn chỉ có mấy người chúng tôi và một vài người quản trang. Không gian nơi đây bỗng đậm màu u tịch, sự linh thiêng càng làm cho mọi thứ trở nên im ắng một cách lạ thường.
Mỗi bước đi trong nghĩa trang, bàn chân tôi lại chạm nhẹ vào một vùng đất thiêng. Đôi khi vừa bước đi, tôi dường như nghe được cả tiếng chân xa vắng. Có thể là tiếng bước chân hành quân từ năm xưa chăng? Có cả những tiếng nói cười và tiếng thì thầm tự nơi nào xa xăm như đang vọng về. Trong tiếng gió rì rào của những hàng cây và tiếng thở khe khẽ của những vòm lá xung quanh. Có lẽ bản hòa ca trầm hùng ngày ấy được vang ngân tại nơi uy linh này là do đấng siêu nhiên tạo ra. Có thể do chính con người tạo ra để vỗ về hát ru cho hàng vạn linh hồn liệt sĩ của Trường Sơn đã yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng này.
Giữa màu xanh ngút ngát của cánh rừng trải quanh hai bên con đường dẫn vào nơi nghĩa trang Trường Sơn, những cây bàng nằm kề ngay bên cổng ra vào. Tôi chú ý đến cây bàng chớm đỏ ở phía sau của Nghĩa trang vì bóng lá đang rực lên một màu đỏ ối. Màu bàng lá đỏ gợi cho ta nhớ về mùa thu Hà Nội. Nhớ những ca khúc trữ tình về mùa thu reo ngân trong cảm thức mơ hồ về nhạc Trịnh. Còn những cây bàng lá đỏ ở nơi đây lại nhắc ta về những mùa thu đã đi qua! Những mùa thu đang chín đỏ cây lá với vẻ đẹp đầy u buồn giữa lòng mẹ thiên nhiên.
Cây bàng đẹp sáng rực lên như một bức tranh lửa. Một bức tranh sống động, đang chuyển động cùng vũ trụ bởi nhiều sắc màu của lá và thân cành. Đây có thể coi như một kiệt tác của thiên nhiên được phối rất khéo bởi những gam màu đỏ ối, nâu sậm, vàng tươi… Chúng được đan xen với cả sắc xanh nõn nà của màu búp lá bàng tươi non. Dưới ánh nắng thu đang trải thảm vàng ươm. Màu nắng thu như rót mật vào không gian. Quện với màu trời xanh mây trắng trên bầu trời thành một bức tranh phong cảnh quá ấn tượng.
Tôi đã được nghe nói về chuyện cây Bồ Đề thiêng ở đây. Nó được trồng ở ngay cổng vào của nghĩa trang. Cây luôn tỏa bóng xanh mát quanh năm ở đây với khá nhiều giai thoại linh thiêng về những liệt sĩ Trường Sơn và những người liệt sĩ khác cùng nằm ở đây. Có thể cây bàng lá đỏ đặc biệt này nằm kề ngay phía sau khu tưởng niệm thì ít ai để ý tới. Trong không gian tĩnh lặng nơi đây, cây bàng cũng trở nên đặc biệt hơn và có chút gì bí ẩn hơn. Nhìn những chiếc lá bàng sáng bóng có dáng tròn trịa như muôn vàn chiếc quạt con xinh xắn đang vẫy muôn cánh tay để gọi gió theo về.
Những chiếc lá bàng trong nắng vẫn đang rực lên một màu nâu đỏ! Màu sắc ma mị ấy như vẫn còn tiếc nuối cho sự thanh xuân mỡ màng đi qua. Kiếp nhân sinh trong nhân gian và cuộc đời là quá ư ngắn ngủi! Lá chưa nỡ lìa cành. Nhưng lá kia vẫn phải rụng xuống! Chúng cố xào xạc trong gió để hòa tấu cùng với thiên nhiên bản nhạc đời. Rừng sẽ hát ru lá khi bản nhạc cuối của mùa thu ngân lên.
Những chiếc lá đổ xuống, trải thêm lớp thảm vàng cho cánh rừng thiêng. Thân cây bàng khắc khổ dường như cũng rung lên và khắc khoải hòa nhịp. Có lẽ ngay cả tấm thân tưởng như vững chãi của cây, với tán lá xanh lan tỏa đang cố gồng lên dâng hiến những vẻ đẹp cho đời. Những vẻ đẹp cũng không thể cách gì níu giữ được những chiếc lá đỏ nâu và óng ả đang sắp sửa lìa cành! Lá bỗng chốc tan tác bay theo gió. Một vẻ đẹp nao lòng của mùa thu và đất trời chính nơi nghĩa trang!
Những chiếc lá bàng nâu đỏ cứ bay bay, rơi rơi kia như tạc vào không gian một bức tranh “Thu Vàng” sống động. Bức tranh đầy bí ẩn ở chính nơi nghĩa trang này. Dưới gốc bàng có những chiếc lá đã héo khô, có chiếc nằm cong queo, có chiếc bị cuốn theo chiều gió bay xào xạc. Tôi cúi nhặt những chiếc lá bàng vừa rơi. Tay nâng niu và cất giữ chúng trên tay như nâng niu những ký ức chợt vụt bay qua.
Có một vài chiếc lá bàng đỏ tím mới lìa cành nhưng vẫn còn rất đẹp và trông khá nuột nà. Có thể chúng vẫn nuối tiếc sự sống quá ngắn ngủi của mình mà chợt sáng bừng lên sức sống cuối cùng. Trên từng phiến lá còn ánh lên những sắc nâu đỏ đầy ma lực. Nhớ lại nhiều năm trước đây, trên những con phố cổ, ngay cả khi Hà Nội vào những mùa thu lãng mạn nhất, bạn cũng khó có thể tìm thấy một cây bàng lá đỏ nào có dáng dấp và sắc màu đẹp lung linh đến như thế.
Ngồi dưới tán lá bàng tỏa bóng và ngắm sắc đỏ của chúng hồi lâu. Tôi nhớ về hình ảnh của những người lính Trường Sơn năm nào. Các anh chị đã ra đi mãi mãi khi họ còn trẻ lắm. Họ nằm đây, yên nghỉ nơi đây, giữa những màu xanh của cây rừng. Đất nước và dân tộc chúng ta luôn biết ơn các anh chị và không thể được phép quên đi những con người đã hy sinh trên dải Trường Sơn! Một dải đất miền Trung đầy gian khó và hiên ngang với những cuộc chiến đầy máu lửa năm nào. Các anh chị sẽ còn sống mãi với mùa thu và những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh những người lính nơi trận mạc đã hy sinh suốt dọc dải Trường Sơn và nay đã “ đi về miền cát bụi phía trời xa”. Khi nhắc tới các anh, tôi luôn nhớ đến công ơn và hình ảnh hào hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy xuất chúng và điều binh khiển tướng tài ba đã mới
qua đời. Chợt nhớ đến hình ảnh của Ông cùng những người lính năm xưa đã nằm xuống trên dải đất miền trung anh dũng. Những câu thơ trong bài thơ “Vị Tướng già” của nhà thơ quân đội Anh Ngọc năm xưa đã đi vào lời ca hôm nay:
“Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa”.
Hình ảnh của các anh và Vị Tướng Già sẽ còn sống mãi với quê hương đất nước qua ca khúc “Còn mãi với mùa thu”. Được biết ca khúc này, vừa mới được nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác ngay sau ngày mất của Đại tướng. Có lẽ cuộc đời binh lửa và huyền thoại về Vị Tướng Già cùng tên tuổi của ông còn mãi mãi gắn liền với cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc và gắn liền với số phận của hàng vạn những người lính trẻ như các anh đang nằm yên nghỉ nơi đây.
“Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu”!
Giữa khu mộ liệt sĩ nằm bốn bề giăng giăng, cây bàng mùa thu vẫn đỏ ối sắc lá và ngời lên trong nắng. Những sắc màu ánh vàng chen lẫn ánh nâu mang đượm màu cổ tích. Ta chợt nhận ra một vẻ đẹp kiêu sa và lộng lẫy của mùa thu! Một nỗi buồn nhân thế cũng chợt dâng dâng trong lòng. Một điều thật khó diễn tả ở ngay tại chốn linh thiêng này. Có lẽ chưa bao giờ tôi nhận thấy sự mong manh của kiếp người, giữa sự sống và cái chết lại gần nhau đến thế. Cũng chưa bao giờ người ta nhận thấy vẻ đẹp huyền ảo và u buồn của mùa thu đang ngời ngợi hiện lên tại chính nơi nghĩa địa này.
Nơi đây, có biết bao người lính trẻ đã từng hy sinh xương máu cho khát vọng hòa bình của dân tộc. Trong suốt những năm dài chiến tranh chống Mỹ. Chiến tranh sẽ còn mang đến những cái chết và đau khổ cho loài người! Họ đã nằm lại mãi mãi ở nơi đây. Những linh hồn liệu có thể cất lên tiếng nói ? Lịch sử dân tộc đã ghi dấu công ơn của họ. Xin cúi đầu trước các anh linh! Vang lên
bên tai tôi là tiếng những bước chân. Những bước chân đi trên dải Trường Sơn với một thời lịch sử oai hùng và đau thương của dân tộc Việt Nam.
Tản văn của Phạm Thị Phương Thảo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-thu-o-nghia-trang-truong-son-a7220.html