Kỳ 55.
-Việc chuẩn bị của cụ Phùng Hạp Khanh là rộng lớn, sôi nổi như vậy, tại sao bọn quan đô hộ nhà Đường để yên?
-Chúng biết nhưng về lý chúng không làm gì được vì đó là chỉ là làm kinh tế để giúp đỡ người nghèo, để phát triển kinh tế nông nghiệp, một sứ mạng về danh nghĩa chính quyền cũng phải làm. Còn các hội hè, đình đám như vật, luyện võ chỉ là các trò chơi nâng cao sức khỏe, nằm trong phong tục tập quán người Việt. Chúng không có bằng chứng gì về việc làm trái quy định của chính quyền. Hơn nữa, các quan lại nhà Đường rất tham lam, cụ Phùng Hạp Khanh thường cống nộp cho chúng nhiều của cải vàng bạc, quà cáp nên chúng làm lơ. Chúng chỉ mong được bình yên vơ vét để hết nhiệm kỳ được về nước. Còn kẻ sang cai trị sau hậu quả thế nào thì kẻ đó phải chịu. Có lẽ vì thế, không có quan đô hộ nào báo cáo về triều đình Trường An tình hình ở Đường Lâm. Về bí mật, cụ Phùng Hạp Khanh đã tổ chức nên những đội dân binh rất mạnh để đề phòng quan binh nhà Đường bất ngờ trở mặt tấn công.
-Sao sinh thời cụ Phùng Hạp Khanh không khởi sự khi đã có một lực lượng mạnh như vậy?
Đỗ Hàn Anh uống ngụm nước, đặt bát xuống rồi nói:
-Khi gần cụ Phùng Hạp Khanh, tôi mới biết cụ có kiến thức chính trị và quân sự rất sâu sắc với hai chữ thời thế. Ví dụ, cụ phân tích một trong những nguyên nhân thất bại của Mai Hắc Đế, đó là do Mai Hắc Đế khởi nghĩa không gặp thời. Huynh đã biết triều Đường là một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong các triều đại của Trung Hoa, Đặc biệt sau khi trừ khử được bè đảng của Võ Tắc Thiên. Trong triều Đường thời trị vì của Đường Huyền Tông lại là hưng thịnh nhất của hưng thịnh. Khởi nghĩa Mai Hắc Đế nằm trong thời đại cực thịnh của Đường Huyền Tông. Theo cụ Phùng Hạp Khanh, thời cơ khởi nghĩa của An Nam là lúc mà nhà Đường tan rã, Trung Quốc lắp lại sự phân liệt thành nhiều quốc gia như thời Nam -Bắc triều. Nhưng thời cụ Phùng Hạp Khanh thì thời thế chưa đến, cho nên sinh thời không thể khởi sự được.
Bồ Phá Lặc nói:
-Bái Phục, bái phục cụ Phùng Hạp Khanh và dòng họ Phùng Đường Lâm Phong Châu.
Đỗ Hàn Anh nói thêm:
-Dòng họ Phùng là một dòng họ có truyền thống hào trưởng và cự phách ở Đường Lâm này. Cụ Phùng Hạp Khanh là cháu sáu đời của cụ Phùng Trí Cái. Cụ Phùng Trí Cái từng là quan lang nổi danh ở đất Đường Lâm, từng được Đường Cao Tổ mời sang dự yến trong cung. Đó là niên hiệu Vũ Đức (618-626). Các đời sau của cụ Phùng Trí Cái cũng là những hào trưởng, những quan lang nổi tiếng ở đây. Phùng Hạp Khanh tham gia khởi nghĩa của Mai Hắc Đế từng được phong Đại tướng, Tổng trấn Phong Châu. Hiện nay, dân binh trong nhà của Phùng Hưng đã vài nghìn, tính cả cư dân các làng, các bản, các mường, các động, các sách thì lên đến hàng vạn, ruộng đất trâu, bò, gia súc, gia cầm không kể xiết.
-Thế còn ba con trai của cụ Phung Hạp Khanh có nối được chí tài năng của cha ông mình không?
Đỗ Hàn Anh kể:
-Phu nhân của Phùng Hạp Khanh là bà Sử Thị có con muộn. Sau khi cụ ông ở Vạn An Diễn Châu về, mãi khi ông bà 50 tuổi cụ bà mới mang thai, khi sinh ra một lúc được ba người con trai. Con cả là Phùng Hưng, tự là Công Phấn; con thứ hai là Phùng Hải, tự là Tư Hòa; người thứ ba là Phùng Dĩnh, tự là Danh Đạt. Đó là ngày 15-11-năm Canh Tý (761), năm nay ba người đã 18 tuổi. Cả hai ông, bà cụ thân sinh đã mất. Cả ba anh em đều có sức khỏe phi thường, tư chất lại thông minh, trong đó Phùng Hưng là người có sức khỏe và tư chất thông minh đặc biệt.
Bồ Phá Lặc nói:
-Tại hạ ở Ái Châu cũng nghe đồn về sức khỏe phi thường của ba anh em họ Phùng. Nghe nói Phùng Hưng còn đánh chết hổ bằng tay không, có thật không Hàn tiên sinh?
-Chuyện đó là sự thật. Có một hôm hai con trâu mộng húc nhau dữ dội không thể tách ra được. Phùng Hưng bước tới dạng chân, hai tay đặt lên hai đầu con trâu và đẩy ra hai phía. Hai con trâu tiếp tục định lao vào nhau nhưng bị hai tay Phùng Hưng đẩy ra. Hai con hầm hè nhau một lúc, cuối cùng đành phải rời khỏi cuộc chiến trước tiếng reo hò của mọi người. Phùng Hưng đã nổi tiếng khắp nơi từ đó rồi.
-Phùng Hưng còn nổi tiếng là đô vật giỏi. Tất cả các đô vật ở Đường Lâm hoặc ở các châu khác tới, kể cả những đô vật người Hán thường giở những trò hiểm ác nhất nhưng chỉ được vài hiệp là bị Phùng Hưng nhấc bổng xoay vòng trên đầu. Tất cả đều phải xin thua cuộc vì sợ Phùng Hưng ném xuống đất, không chết cũng què. Nhưng Phùng Hưng chưa ném ai xuống đất chết bao giờ, kể cả những đô vật người Hán.
Ngừng một lát Đỗ Hàn Anh kể tiếp:
-Nhưng sự việc làm cho Phùng Hưng nổi tiếng khắp thiên hạ là tay không giết hổ. Đường Lâm là vùng rừng rậm, nhiều hoang thú, cách đây hai năm xuất hiện một con hổ vằn to lớn, hung dữ, thường bắt trâu bò và bắt cả người, khắp vùng ai cũng hoảng sợ không làm ăn gì được. Anh em Phùng Hưng quyết tâm giết hổ cứu dân. Phùng Hưng cho làm hình nộm bằng rơm, mặc quần áo như người thật, đem đặt nơi hổ thường đi lại. Ban đầu hổ trông thấy người nộm lao vào cắn xé. Sau nhiều lần hổ đi qua nhưng không thèm cắn xé hình nộm nữa. Khi biết như vậy, một hôm Phùng Hưng chỉ đóng khố, trát bùn khắp người rồi đứng thế chỗ hình nộm. Hổ đi qua nhưng do mùi bùn không nhận ra được hơi người và cứ thế bước đi. Bất ngờ Phùng Hưng nhảy lên lưng hổ, ghì chặt và đấm những cú đấm trời dáng xuống đầu hổ. Hổ hoa mắt và đuối sức. Cuối cùng, với sự giúp sức của hai em trai, Phùng Hưng đã giết được hổ, trừ hại cho dân.
Bồ Phá Lặc chắp tay:
-Bái phục, bái phục. Thật là phi phàm, phi phàm.
Hai người mải chuyện trò, khi nhìn ra mái hiên thì thơì gian đã hết buổi sớm, sang trưa. Đỗ Hàn Anh nói:
-Cũng đã đến bữa cơm trưa rồi, không mấy khi huynh từ xa đến đây, xin mời huynh ở lại dùng bữa cơm rau đạm bạc với đệ. Cơm trưa xong nghỉ ngơi, chiều đệ sẽ cùng huynh đến bái kiến Phùng Hưng.
Bồ Phá Lặc chắp tay:
-Đa tạ, đa tạ. Cung kính tuân lệnh chủ nhân.
Rồi Đỗ Hàn Anh bảo gia nhân mua rượu, giết gà làm cơm đãi Bồ Phá Lặc.
II
Sáng hôm sau vẫn một ngày nắng đẹp ở Đường Lâm, nắng rải khắp núi đồi, cây cối làm phong cảnh màu xanh biếc càng lung linh. Nắng rải xuống những thung lũng lúa bạt ngàn bát ngát của điền trang của hào trưởng họ Phùng. Nắng rải xuống khu đại sảnh của trang viên càng làm cho những khu nhà thêm cổ kính sáng lạn. Những hàng cau cao vút nặng buồng quả và lá lắc lư như những cánh buồm trên không trung, xanh mát dưới trời, những gốc mít cổ thụ nặng quả gai xanh sù sì, những khóm tre đầy nắng gió lá xạc xào. Nhìn những tòa nhà ngói khang trang, cổ kính biết ngay đó là nơi ngụ cư của dòng họ Phùng cự phách đã sinh cơ lập nghiệp ở đất này hàng trăm năm.
Trong gian đại sảnh đường vẫn đặt những đồ vật như thời cụ Phùng Hạp Khanh, vẫn bàn thờ gia tiên họ Phùng đặt gian giữa, những bài vị, tay ngai, lư hương sơn son thếp vàng óng ánh, lung linh. Trước bàn thờ, một chiếc bàn kê ngang thấp hơn, nối liền bàn kê ngang là những bàn đặt dọc giữa hai dãy ghế tràng kỷ. Cả bàn và ghế đều bằng gỗ lim sến, chạm khắc hoa văn, chim muông hoa lá tinh xảo, với kỹ thuật khảm ngọc trai điêu luyện.
Sớm nay, có cuộc gặp mặt giữa Phùng Hưng với những nhân vật chủ chốt bàn về việc khởi nghĩa lật đổ chế độ thống trị của giặc Đường ở An Nam Đô hộ phủ. Trên bàn, các gia nhân đã đặt những ấm nước chè xanh và những bát sành màu nâu thẫm . Phùng Hưng ngồi ghế sau chiếc bàn ngang, đó là ghế chủ nhân. Ngồi ghế đó nhìn xuống những chiếc bàn và hai dãy tràng kỷ đặt dọc có thể hướng về mọi người. Gia nhân rót ra những bát nước chè xanh bốc khói, màu xanh vàng sóng sánh. Phùng Hưng bê bát và mời:
-Kính mời các huynh, đệ và các quý vị.
Các vị ngồi ở bàn dọc đáp lễ và cũng bê nước uống. Sau khi mọi người đã đặt bát xuống bàn, Phùng Hưng nói:
-Thưa các đại nhân, các huynh và các đệ, hôm nay chúng ta hội tụ về đây là bàn đại sự cứu đất nước, cứu bách tính thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của giặc Đường mà cụ thể là của tên quan đô hộ Cao Chính Bình đã và đang gieo rắc ở xứ An Nam.
-Hôm nay chúng ta hân hạnh được đón một anh hùng hào kiệt mới về tụ nghĩa. Đây là đại nhân Bồ Phá Lặc, quê ở Ái Châu, mới về với chúng ta chiều hôm qua.
Bồ Phá Lặc đứng dậy chắp tay thi lễ. Mọi người cũng chắp tay thi lễ đáp lại. Mọi người quan sát thì thấy Bồ Phá Lặc đúng là dáng một võ tướng phi phàm, mặt vuông, tai dài, mắt lồi sáng như chớp. Phùng Hưng nói với Bồ Phá Lặc:
-Đại nhân hãy làm quen với các huynh đệ ở đây. Đây là Đỗ Hàn Anh, quê quán ở Đường Lâm, người biết chữ nhiều nhất trong số huynh đệ chúng ta nên được gọi quân sư.
(còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-55-a7228.html