Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng. Thời điểm đó chính quyền vừa lo tiếp quản bộ máy quản lý cũ, vừa phải xây dựng tổ chức để theo kịp tình hình và nhiệm vụ mới. Một núi công việc, đổ ập xuống đầu những người lính còn đang bỡ ngỡ từ môi trường chiến khu về giữa chốn đô thành.
Giữa những ngày sôi động đó, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức một cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Cuộc họp đặc biệt vì thành phần được mở rộng với sự tham dự của Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội và ông Nguyễn Văn Long- Giám đốc- cùng ông Lê Nghĩa, phó Giám đốc Sở công an Hà Nội.
Cuộc họp bàn về việc thành lập đội bóng đá đại diện cho ngành công an và thủ đô Hà Nội.
Tiếp theo còn có nhiều cuộc họp nhưng quyết định cuối cùng của vị Bác sĩ Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng đã được cả Bộ công an và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội nhất trí : Đội bóng thuộc quân số và sự quản lý của Sở công an Hà Nội. Đội bóng là đại diện của Hà Nội do Ủy ban Hành chính thành phố quản lý về chuyên môn bóng đá và chi trả kinh phí thi đấu, tập luyện.
Ngày 10 tháng 10 năm 1956, tại Nhà khách UBHC thành phố, Chủ tịch Trần Duy Hưng chủ trì Lễ ra mắt Đội bóng đá Công an Hà Nội. Từ ngày ấy, đội bóng đá Công an Hà Nội được Chủ tịch Trần Duy Hưng đặc biệt ưu ái và chăm chút. Thông qua Sở Thể dục Thể thao, mọi nhu cầu của đội bóng, từ chế độ dinh dưỡng, dụng cụ tập luyện, kế hoạch thi đấu đều được vị Chủ tịch yêu bóng đá quan tâm và chỉ đạo đáp ứng cho những đứa con cưng của thành phố.
Các con của Chủ tịch Trần Duy Hưng như anh Đức, anh Thắng tuy không theo nghiệp quần đùi áo số, nhưng đã là thành viên danh dự của đội CAHN suốt từ những ngày thành lập đến nay.
Một người nữa quyết định sự nghiệp của đội bóng đá Công an Hà Nội là ông Lê Nghĩa.
Ông giám đốc Nguyễn Văn Long chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động của Sở công an, ủy nhiệm ông Lê Nghĩa đặc trách đội bóng.
Thời miền Bắc chưa giải phóng, ông Lê Nghĩa đã là một điệp báo viên huyền thoại của Công an Hà Nội hoạt động trong vùng tạm chiếm. Ông được giao Phó giám đốc phụ trách về an ninh – chính trị, nhưng tình yêu thể thao, tình yêu bóng đá đã khiến ông dành rất nhiều thời gian để lo cho đội bóng.
Khi mới thành lập, đội bóng đá Công an Hà Nội do ông Lê Viễn, cán bộ Phòng TDTT Bộ công an và ông Hoàng Nghĩa Đường, cựu võ sĩ quyền Anh vô địch Đông Dương, cán bộ phòng Tổ chức Sở Công an Hà Nội đồng phụ trách. Nhưng những ngày đầu xây dựng đội từ con số không, ông Lê Nghĩa – bằng uy tín chính trị của mình - đã xin đặc cách của Bộ công an để tiếp nhận gần như toàn bộ đội bóng đá Hoàng Diệu, là đội bóng có nòng cốt là các danh thủ Hà Nội từng thi đấu cho đội Cảnh binh thời Pháp thuộc. Đội Hoàng Diệu lúc đấy là đội bóng mạnh nhất Hà Nội với các thủ môn Nghĩa, A Loóc, các cầu thủ Bùi Nghẽn, Lưu Đình Tòng, Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn Thìn A, Bùi Hợi, Vũ Hợi, Tuất, Phú Tí…
Đội được bổ sung những chiến sĩ công an và các thanh niên Hà Nội có năng khiếu bóng đá. Giai đoạn đầu có các ông Phan Đức Âu, Nguyễn Mạnh Cường…và lứa sau là các ông Đài “gôn”, Tô Hiền, Tô Giới Pháp, Xuân “gôn”, Du “cò”, Sơn “min”, Đức “khựa”, Độ “trây”, Thọ “gáo”, Thái “si”, Thịnh “cơm”, Hạc “phệ”, Thành A, Ngọc “tráp”, Dư “còng”…
Những ngày mới hòa bình lập lại, các trận thi đấu của đội Công an Hà Nội và Thể công và của hai đội bóng này với các đội bạn trên sân Septo, (đến năm 1958 đổi tên thành sân Hàng Đẫy) đã là nguồn động viên thiết thực cho công cuộc dựng xây đất nước sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Đến những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ trước, đội Công an Hà Nội được thành phố ưu tiên bổ sung cầu thủ từ mọi nguồn. Tự đào tạo có Tô Quang Nhạ, sau là Đoàn trưởng Bóng đá CAHN; Từ Thanh niên Hà Nội chuyển sang có Quang B, Đặng “cóc”, Hai “voi”, Cường Học, Pháp “ngớ”, Điệp “lùn”, Chi “tơ”… Từ nước ngoài về có Thành C, Hiển “Coóc”; Từ Thể Công có Duy Lễ, Nghị “chớp”; Từ Trường huấn luyện có Hiếu “trâu”…
Năm 1957, chỉ sau một năm thành lập, đội bóng đá CAHN đã thắng Thể công 2 – 0 trong trận Chung kết Giải vô địch các đội hạng A miền Bắc, khẳng định vị thế của mình trong làng bóng đá miền Bắc Việt Nam.
Liên tục phát triển, hệ thống đào tạo của đội CAHN liên tục giới thiệu với bóng đá nước nhà những tuyển thủ quốc gia, những danh thủ như Nhã “tròn”, Văn Hùng, Tuấn Sơn, Thông “héo”, Thọ “ô mai”, Hòa C, Dũng “xoăn”, Phi Hùng, Việt “hổ”, Cường “kinh”… rồi các lứa kế tiếp như Hương “cốm”, Trọng Bắc, Xuân Hảo, Công “múa”, Tiến “gôn”, Cường “ma”, Thắng “chíp”, Thành “gà tre”, Minh Hiếu, Quang Minh, Trung Phong v.v…
Trong bề dày lịch sử của mình, đội Công an Hà Nội đã đoạt 3 chức vô địch giải miền Bắc (1957, 1962, 1964); vô địch giải toàn quốc (1984); vô địch Cúp Dunhill 1999; Cúp quốc gia 2001; 2 lần Á quân giải toàn quốc (1980, 1999); 2 lần Á quân Cúp quốc gia (1995, 2000); 2 lần giải Ba VĐQG (1982, 1989)... Đặc biệt, CAHN trong những năm cả nước còn khó khăn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng đặc biệt, phần thưởng duy nhất dành cho một đội bóng đá thời bấy giờ.
Theo Chuyện làng quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-ve-mot-tuong-dai-doi-bong-da-cong-an-ha-noi-a7231.html