Anh Tuấn

Nhà tôi ở vùng ven thị trấn nhỏ, bố tôi thoát ly công tác cuối tuần mới về, mẹ tôi làm giáo viên trường gần nhà. Những năm 80 của thế kỷ trước đồng lương của cán bộ công chức khá eo hẹp nên kinh tế gia đình rất vất vả.

Ngoài giờ lên lớp tuy mẹ cũng trồng rau nuôi gà nhưng anh em chúng tôi cũng bữa no bữa đói như bao gia đình giáo viên khác. Ngày mẹ sinh em bé các cô bác trong trường tới thăm cũng chỉ cân đường với hộp sữa “ông Thọ”. Mẹ ít sữa nên nấu cơm lại chắt nước cơm rồi pha thêm sữa “ông Thọ” vào cho em bú. Thứ sữa mà bây giờ nếu cho trẻ con dùng thì bảo nóng, chỉ thấy vị ngọt ấy sao hồi ấy quý đến vậy. Là anh lớn trong nhà ngoài giờ học, tôi cũng thỉnh thoảng giúp đỡ Mẹ trong công việc gia đình nhưng cái nghèo khó cứ đeo đẳng gia đình. Hôm đi học về đang dắt xe đạp cà tàng lại thủng xăm, anh Tuấn gọi vào vừa vá xe vừa nói chuyện dông dài.

- Mày có thích học nghề sửa xe không?

- Dạ em còn đi học mà.

- Ừ thì học sáng chiều ra đây làm cùng anh, rồi anh dạy nghề cho.

Tôi ngơ ngác nhìn cái vóc dáng rắn chắc người đầy hình xăm của anh Tuấn ghê ghê mà ăn nói với mình sao nhẹ nhàng thế. Trước nghe nói anh Tuấn vốn rất nghịch ngợm chả mấy vụ đánh nhau của đám choai choai không có mặt, rồi anh theo đám thanh niên đi bụi. Mẹ tôi cũng vất vả với anh mấy năm theo học phổ thông. Sau khi học phổ thông, anh theo học trường nghề rồi về mở cửa hàng sửa xe. Nghịch ngợm thế nhưng khi có vợ con anh rất chăm chỉ tu chí làm ăn nên cửa hàng rất đông khách.  Tết nào cũng bẽn lẽn tới nhà Tôi khi thì mấy cân gạo nếp, thì thì đôi gà rồi bắt tôi mang về chứ ít khi vào ngồi nói chuyện với Mẹ. Hồi ấy học sinh cũng chưa đi học thêm, học nếm như bây giờ nên tôi chỉ học buổi sáng còn buổi chiều không đi lao động thì cũng ở nhà giúp Mẹ hoặc đi đá bóng với mấy đứa bạn học. Rồi tôi giấu mẹ, chiều chiều lại ra quán sửa xe máy của anh Tuấn vừa làm thợ phụ vừa học nghề. Được cái Tôi học khá tài tử lại được các thầy cô là bạn của Mẹ có phần nâng đỡ nên kết quả học tập vẫn đạt khá nên cũng không biết chuyện tôi học sửa xe. Hết lớp 8 tôi cũng đã tay nghề kha khá. Hôm ấy anh Tuấn gọi vào có vẻ trịnh trọng tôi cũng hơi sợ sợ:

- Giờ tay nghề của em cũng đã khá, mà anh cũng muốn mở rộng cửa hàng vào trong thị trấn giờ cửa hàng này anh giao cho em là chủ, sáng đi học chiều rỗi ra trong nom quán. Nếu có gì phức tạp thì sang chỗ anh xử lý. Còn về xã hội phức tạp có gì cứ nói là em trai anh Tuấn, cần gì nói chuyện với anh Tuấn.

Bần thần thằng nhãi ranh mới học hết lớp 8 đã là ông chủ, mà kinh tế gia đình bố mẹ thế lấy đâu ra tiền tiền mà đầu tư hơn nữa Mẹ mà biết thì chết. Hình như đã đoán trước suy nghĩ của tôi anh Tuấn tiếp:

- Mày không phải lăn tăn, tao có ngày nay là nhờ có cô, nếu không đời tao không biết thế nào. Còn chuyện của mày tối nay hai anh em mình vào nói chuyện với cô.

Nói thật giọng anh Tuấn đám thanh niên cả thị trấn phải sợ nên huống hồ gì tôi chỉ là con nhãi nhép nên khép nép “dạ, tối nay bố em cũng về ạ”. Iêng hùng thế thôi, khi vào nhà tôi cũng đùn đẩy tôi đi trước, anh rón rén đi sau cầm hộp giấy đựng cà vạt. Cà vạt khi ấy quý lắm vải vóc thiếu thốn quần áo còn khan hiếm mà cà vạt thì cần mảnh vải rất dài lấy đâu ra, anh nghĩ ra chiêu này chủ yếu là vào nịnh bố đây. Được cái Bố cũng tuy rất “Bôn sê vích” nhưng ra ngoài nhiều nên câu chuyện rồi cũng không đến đoạn bế tắc.

“Dạ con mới mở quán mới, nhà neo người thuê mượn con không tin tưởng lắm, chỉ trông cậy vào em thỉnh thoảng ra trông quán giùm giúp con”. Anh Tuấn vò đầu bứt tay rào đón câu chuyện.

- Ừ thì dù cũng chẳng phải họ hàng gì nhưng trước nay Con đi lại đây Chú cũng coi như trong nhà rồi, nhà có việc gì Chú đi xa Con vẫn trông nom giúp Chú, còn việc của Con thì Cô Chú cũng phải có trách nhiệm.

- Em xem sáng con đi học, chiều nghỉ ra trông quán giúp Anh. Còn Em nếu hôm nào không dạy thì đảo qua trông nom cho nó.

Bố rất nghiêm khắc lại gia trưởng nên khi nói thế mọi chuyện đã gỡ bỏ. Tôi đường đường chính chính ra ngoài quán mà không cần dấu diếm nữa. Đời sống gia đình tôi từ ngày ấy cũng đỡ vất vả, công việc ở quán cũng đều đều vì tiếng tăm của anh Tuấn nhiều lúc cũng ngại nhưng vẫn nghe câu muôn thuở “Tao có ngày nay là nhờ Cô, không có Cô tao có khi cũng đang ăn cơm trại”. Hết phổ thông tôi đi học tiếp, còn quán ngày ấy anh Tuấn đã trở thành xưởng lớn vừa kinh doanh vừa tham gia bảo hành cho mấy hãng xe lớn. Bố Mẹ về hưu, mẹ làm kết toán còn Bố làm bảo vệ trông nom xưởng cũng đủ tiền nuôi mấy anh em ăn học hết đại học.

Giờ mấy anh em thành đạt cả vẫn đi về nhà anh Tuấn như anh cả trong nhà. Nhiều người nói nghề dạy học bạc bẽo nhưng với chúng tôi, chính sự tận tâm nghề nghiệp của Mẹ tạo cho chúng tôi có được cuộc sống hôm nay, sự sâu thẳm trong mỗi con người được các Thầy Cô khơi dậy tạo con người có ích trong xã hội, họ tạo nên tính nhân văn trong mỗi con người Việt.

 

Theo Chuyện Làng quê

Đặng Ngọc Vinh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/anh-tuan-a7242.html