Tình ông bà

Dọc con đường, ông kể cho tôi rất nhiều. Sau khi bà mất, ông không còn minh mẫn. Nhưng khi nhắc về bà, mọi thứ được lưu giữ trong ngăn kí ức.

ong-ba-1633835011.jpg
 

Một ngày đầu tháng mười, tôi cùng ông nội ra thăm mộ bà. Dọc con đường đất, ruộng lúa hai bên đã được gặt gần hết, không gian về chiều thật khiến lòng tĩnh lặng, trầm mặc. Ông chậm rãi đi trước, tay cầm bó hoa cúc được bọc bên ngoài một tờ báo giấy cẩn thẩn. “Sắp đến hai năm bà bỏ ông đi. Đến cái tuổi nhớ nhớ quên quên này, hình ảnh của bà giờ cũng trở thành những mảnh kí ức được ông ôm lại một cách vụng về”. Câu nói của ông nhẹ nhàng nhưng đủ làm nhòa đi mọi âm thanh chiều tà, len lỏi từng lời vào trái tim tôi.

Dọc con đường, ông kể cho tôi rất nhiều. Sau khi bà mất, ông không còn minh mẫn. Nhưng khi nhắc về bà, mọi thứ được lưu giữ trong ngăn kí ức.

Khi bà còn khỏe, ông và bà sống tại căn nhà tổ. Ngày nào cũng vậy, bà đầy chiếc xe bò chất đầy hàng như rau cỏ, bánh kẹo, hàng khô, gia vị … xuống chợ cóc gần nhà bán. Có lẽ với một người trẻ như tôi, việc yêu thương một người phải bày tỏ bằng lời nói. Nhưng với ông bà tôi, mọi yêu thương và quan tâm đều thể hiện bằng hành động. Chưa bao giờ nói lời yêu thương nhưng ông luôn quan tâm bà theo cách khiến con cháu nhìn vào cũng cảm thấy ấm áp. Dù có lúc ông nói nặng nhưng chưa bao giờ để bà đẩy xe hàng một mình. Ông vẫn cặm cụi hái rau để chở ra chợ cho bà bán thêm đồng muối mắm. Có lẽ, khi người ta đến một độ tuổi nào đó, tình yêu sẽ không còn là những câu từ hoa mĩ nữa, mà với họ tình yêu là sự đồng hành, cạnh bên và thấu hiểu nhau.

Đôi khi tôi cứ tự hỏi mình rằng tại sao ông bà lại có thể bên nhau bền chặt đến như vậy? Mãi sau này, khi đủ chín chắn và trưởng thành tôi mới hiểu ra rằng, ông bà đến với nhau vì tình yêu nhưng trải qua khó khăn và chấp nhận nắm tay nhau bằng hai từ tình nghĩa. Mối tình của ông bà là tháng ngày xa cách khi ông ra chiến trường, bà ở quê nhà tăng gia sản xuất, chăm sóc con cái, làm hậu phương vững chắc cho chồng. Dù cuộc sống thiếu thốn, nhưng những năm tháng ấy ông bà luôn một lòng hướng về nhau. Những bức thư tay viết vội, chữ không được nắn nót, nhưng lại chứa chan ân tình.

 Mỗi khi về quê, tôi đều nhìn thấy ông bà đang làm việc gì đó cùng nhau. Lúc thì xem ti vi, khi thì bà đọc kinh phật, ông đọc báo... có khi lại thấy ông bà đang trồng cây, dọn cỏ ở khu vườn nhỏ sau nhà. Đôi khi bà tôi còn nặng lời vì sự “đãng trí” của ông, nhưng ông vẫn cười rồi cho qua.

 Khi bà mất, ông có nói với gia đình rằng ông sẽ ở một mình tại nhà tổ. Nhiều người cứ bảo ông cố chấp, có tuổi rồi nên để con cháu phụng dưỡng. Nhưng tôi hiểu, ông muốn tiếp tục cuộc sống tại căn nhà tổ vì chỉ ở nơi đó ông mới có cảm giác thân quen và nhớ về cuộc sống khi có bà. Khi mà con người ta trân trọng và yêu thương điều gì đó ắt hẳn sẽ rất khó để rời bỏ. Hơn bảy mươi năm, ông và bà đã trải qua mọi khó khăn biến cố, giờ đây ông không nỡ rời nơi mà ông bà đã gắn bó cả cuộc đời. Với ông, mọi cảnh vật, đồ đạc đều trở nên ý nghĩa.

Đặt bó hoa xuống mộ, ông nói với bà những câu chuyện hết sức đời thường giống như những ngày bà còn sống. Chẳng phải những lời nói hoa mĩ hay những câu ngôn tình nhưng sao lại khiến tôi thấy ấm áp trong lòng. Tôi đã đọc được một câu nói trên mạng rằng: “Mỗi người có ba lần chết. Lần đầu tiên là lúc hơi thở ngừng hẳn, cơ thể của người ấy đã chết. Lần thứ hai là lúc hỏa táng, sự tồn tại của người ấy đã chết. Lần thứ ba chính là lúc người cuối cùng nhớ đến người ấy không còn nữa, khi đó, người ấy thực sự đã chết”. Và tôi biết, khi nào ông còn sống thì với ông, bà tôi vẫn là một phần của cuộc đời, bà sẽ chẳng bao giờ biến mất. Bởi dù có ở thế giới nào ông cũng sẽ nhớ và thấu hiểu bà theo cách của riêng ông.

Ngày thu đổ về chiều, ông ngồi bên ngôi mộ, đôi mắt vẫn chứa đầy yêu thương nhìn vào tấm bia có hình ảnh của bà lòng tôi có gì thật khó diễn tả. Có những tình yêu thật màu mè, có những thứ tình yêu lãng mạn. Với ông bà tôi, từ đầu đến cuối là một sự chân thành, mộc mạc. Ngay cả khi bà không còn ở cạnh chăm sóc, nhưng với ông, bà vẫn đang dõi theo, đồng hành, sẻ chia.

 

Tản văn của Thanh Nga

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-ong-ba-a7257.html