21 CỬA Ô???
Đời nhà Nguyễn, sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có tới 21 cửa ô. Nhưng đến bây giờ hầu hết mọi người chỉ nghĩ Hà Nội có 5 cửa ô. Hỡi ôi, vật đổi sao dời, từ 21 mà sao sau chỉ còn 5? Và biết đâu đó, đến một ngày, Hà Nội sẽ chẳng còn cửa ô nào nữa…
Nguyễn Đình Thi viết những lời từng làm xao xuyến hàng triệu con tim:..."Hà Nội vui sao Những cửa đầu ô Tíu tít gánh gồng Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm.."
Còn khi nghe bài hát của Văn Cao có câu “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, cứ nghĩ Hà Nội chỉ có 5 cửa ô. Đó là: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy.
Trong các thư tịch từ thời Lê trở về trước ít nhắc đến các cửa ô. Các cửa ô không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có vị trí khác nhau, tuỳ tình hình đắp lũy bố phòng.
Thời Lý - Trần thành rộng phía Tây, có cửa Ô Cầu Giấy. Thời Nguyễn, thành thu hẹp về, lập Ô Thanh Bảo bên trong (nay là khu Vạn Bảo, Vạn Phúc). Sang đời nhà Nguyễn sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có tới 21 cửa ô, nhưng rất tiếc, lại không kể tên đầy đủ.
Hỡi ôi, vật đổi sao dời, từ 21 mà sao sau chỉ còn 5?
Đến năm 1831 trong bản đồ Tòa thành Hà Nội của các ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến có ghi lại vị trí và tên của 16 cửa ô (vậy là bay đi đâu mất 5 cái): Ô Yên Hoa (nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên), Ô Yên Tĩnh (nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc), Ô Thạch Khối (nay là đầu dốc Hàng Than), Ô Phúc Lâm (nay là đầu phố Hàng Đậu), Ô Thanh Hà (nay là Ô Quan Chưởng), Ô Trừng Thanh (nghe nói ở vào khoảng bên phải nhà tắm công cộng Chợ Gạo cũ, không biết cái nhà tắm đó còn không),
Ô Mỹ Lộc (nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm), Ô Đông An (nay là ngã ba Trần Quang Khải - Hàng Thùng), Ô Tây Luông (nay là Nhà hát Lớn), Ô Nhân Hòa (nay là ngã ba Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo), Ô Thanh Lãng (nay là ô Đống Mác),
Ô Yên Ninh (nay là ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt, tức Ô Cầu Dền), Ô Kim Hoa (ở ngã tư quốc lộ 1 - Đại Cồ Việt, tức Ô Đồng Lầm), Ô Thịnh Quang (nay là ngã tư Hàng Bột [Tôn Đức Thắng] - Khâm Thiên, tức Ô Chợ Dừa), Ô Thanh Bảo (nay là Bến xe Kim Mã), Ô Thụy Chương (nay là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám).
Tìm hiểu tiếp thì đến năm 1866 mất đi một cửa ô. Vì trong bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô, mất đi cửa ô Nhân Hoà (nhường cho sự ra đời cái dốc Vạn Kiếp chăng?).
Nhiều cửa ô lại mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào.
Khoảng mười lăm năm tiếp theo, cũng vẫn 15 cửa ô, nhưng Yên Định đã đổi ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trường Long thành Cựu Lâu.
Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của thành đất bao bọc quanh kinh thành. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát việc ra vào.
Nhưng thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các nơi chủ yếu là đường sông cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc với nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài. Vì thế người ta phải mở nhiều cửa ô để việc đi lại được dễ dàng. Hai cửa ô Thanh Hà và Trừng Thanh rất gần nhau vì thời xưa cửa sông Tô Lịch nằm giữa hai ô này.
Hơn 100 năm sau 15 cửa ô kia đã biến thành phố xá, chỉ còn sót lại một cửa! Và trong ký ức của người dân chỉ lưu lại tên tuổi của 6 cửa ô mà phần lớn được gọi bằng tên nôm: Yên Phụ, Quan Chưởng (tức Thanh Hà), Đống Mác (tức Lãng Yên), Cầu Dền (tức Thịnh Yên), Đồng Lầm (tức Kim Liên), Chợ Dừa (tức Thịnh Hào). Có một cửa ô nữa đã đi vào ca dao - Ô Hàng Đậu, tức Phúc Lâm - nhưng nay không có ai nhắc tới nữa.
Tất cả các cửa ô chỉ còn cái tên chứ chả còn cái ý nghĩa xưa.
Cái cửa ô duy nhất còn sót lại là Ô Quan Chưởng (đầu phố hàng Chiếu, ngay gần chợ Đồng Xuân). Một cửa ô duy nhất còn lại cái cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ, có cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1882 cấm ngặt binh lính quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây vào thành. Đây vốn là cửa ô xây dựng năm 1749 thời vua Lê Hiển Tông. Quan Chưởng là cái tên nôm na để chỉ một ông Quan Chưởng coi việc ở đây.
Hơn 260 năm đã trôi qua nhưng công trình vẫn được giữ gìn như xưa, đã được xếp hạng di tích lịch sử, ngày ngày dân mình vẫn qua lại buôn bán nhộn nhịp. Cửa ô này tạo cho phố phường một nét cổ kính Tràng An hàm khí “rồng thiêng”.
NHỮNG PHỐ "HÀNG" HÀ NỘI ĐÃ MẤT TÊN.
Theo Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, con số "Ba sáu" phố phường có lẽ chỉ là số tượng trưng như điệu hát cửa đình 36 giọng, trong Binh thư 36 chước, đánh cờ 36 nước, chứ thực ra Hà Nội có gần 80 chữ Hàng tên phố, sang thế kỷ mới mất đi gần 20 chữ.
Một dọc phố Hàng Gai (bán lưới đánh cá làm bằng sợi gai vì gần Hồ Thái Cực), Hàng Bông có Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Cửa Quyền, hai bên có Hàng Mành, Hàng Hòm, Hàng Nón, Hàng Trống (còn gọi là Hàng Thêu).
Khu phố cổ nhiều Hàng nhất: Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Bát Sứ, Hàng Bát Đàn, Hàng Vải Thâm, Hàng Sắt, Hàng Bừa (nay là Lò Rèn), Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Chai (chính ra là ngõ Chè Chai mới chính xác), Hàng Cân, Hàng Sơn (món ngon Chả Cá đã chiếm lấy tên này, thành ra phố Chả Cá). Nhiều phố khác nữa như Hàng Quạt nằm trên phố Hàng Đàn cũ, còn Lương Văn Can lại nằm đè lên phố Hàng Quạt. Hàng Bún nằm tít phía Quán Thánh, trong khi Hàng Cháo dạt sang gần sân vận động Hàng Đẫy.
Phố Hàng Đũa là đâu, là phố Ngô Sỹ Liên. Còn Hàng Khay lại nằm kề bên Hồ Gươm, trong khi Hàng Giò là đầu phố Bà Triệu. Và bách hóa Tràng Tiền chính là đất phố Hàng Bài.
Có hai phố Hàng Vôi nay một vẫn là Hàng Vôi, một là Lý Thái Tổ. Hai phố Hàng Mã, một là Hàng Mã hiện nay, hai là Hàng Mã Vĩ gộp với Hàng Mây thành Mã Mây. Hai phố Hàng Gà, một nối vào Hàng Cót và một chính là đầu Phố Huế, từng là cái chợ chiều họp chớp nhoáng, có rau cỏ, con cá, con gà, bán mua vội vã. Lại còn Hàng Tre nối với Hàng Sũ, ăn ngang là Hàng Dầu, buôn bán dầu ăn dầu thắp, nay có hàng cây hoa Sưa rất đẹp nở trắng muốt về mùa Xuân (không phải hoa Sữa có dấu ngã).
Cũng quãng này còn có Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Trứng, Hàng Chĩnh, toàn những phố ngắn và nhà nhỏ bé, vừa thấp vừa nông. Phố Hàng Giày có món bánh trôi nóng của nghệ sỹ Phạm Bằng bán vào buổi tối, đi một đoạn là phố Hài Tượng, tức nơi ở của những người thợ làm giày dép, hài, hán. Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ mà đã có nhà ga xe lửa, đó là phố Trần Hưng Đạo.
Đầu Hàng Buồm có ngõ Hàng Thịt. Hàng Đẫy thành phố Nguyễn Thái Học xe đi một chiều. Hàng Bừa không làm răng bừa nữa mà sản xuất đồ sắt như cửa cuốn. Hàng Lọng không còn nhà nào làm ô, làm tán, làm tàn, làm lọng, nó là khúc đầu tiên của con đường thiên lý xuôi Nam.
Hàng Kèn là đầu phố Quang Trung. Hàng Chè là đầu phố Cầu Gỗ giáp với Hàng Đào, còn Hàng Cau là đầu phố Hàng Bè, giáp với Hàng Mắm. Riêng phố Hàng Sơn từng bán sơn từ Phú Thọ chuyển về, đựng vào những cái "nải" bằng tre đan, có sơn nên nó thành thùng kín. Đầu thế kỷ XIX, có nhà họ Đoàn nghĩ ra món ăn ngon: Chả cá, và từ đó chính quyền cũng chịu thua gia đình này, đành chấp nhận phố này mang tên Chả Cá, mà Hàng Sơn không còn nữa.
Hàng Trống nay cũng không còn ai làm nghề bưng trống, tiện tang trống cho trẻ hay làm thứ trống ếch bịt bằng da dê... nó từng có tên Hàng Thêu vì ngoài nghề vẽ tranh, người dân ở đây còn có nghề thêu nổi tiếng. Phố Hàng Bún một thời có tên là Hàng Mụn, không phải mụn trên cơ thể mà là mụn bằng vải cũ để vá quần áo. Nhắc đến dòng tên này ta có phần ngậm ngùi về một thời Thăng Long nghèo khó, quần áo rách phải vá chằng vá đụp nên mới có hẳn một phố bán các thứ mụn đủ màu như thế. Trại Hàng Hoa nay cũng đã lặn chìm vào lòng đất.
Nó là đầu dốc Ngọc Hà, cạnh vườn Bách Thảo, mà từ chỗ này Khái Hưng và Nhất Linh đã sáng tác tiểu thuyết "Gánh hàng hoa" nổi tiếng một thời, được dựng thành phim với chủ đề trong sáng của người con gái Hà Nội bán hoa nuôi chồng ăn học…
Phố Hàng Chai như trên đã nói, thực ra đây là một ngõ nhỏ, cực nhỏ, chỉ có bề rộng chưa đầy 2m, từng là nơi chiều chiều các bà đi rong buôn bán các loại phế phẩm. Là lông gà lông vịt, chai lọ cũ, sắt vụn đồng nát, vỏ bao đựng chè tầu bằng thiếc, bằng thủy tinh, gọi chung là các bà "đồng nát, chè chai lông vịt" vì thế mà ngõ này mang tên ngõ Chè Chai.
Không hiểu sao sau này chính quyền thành phố lại gạt lịch sử ra ngoài, gọi nó là phố Hàng Chai, cũng như bỏ cái tên phố Hàng Đũa, một nét đặc biệt của người Việt Nam, ăn cơm bằng đũa mà không ăn bằng thìa, bằng dĩa hoặc ăn bốc. Cũng không hiểu còn những ai ở Hà Nội nhớ về cái phố nho nhỏ ấy từng mang tên như thế, nó khuất mình phía sau ga Hàng Cỏ, nay là ga Trần Quý Cáp.
Còn Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc. Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Đàn (nay là phố Hàng Quạt), phố Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giày), phố Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang), phố Hàng Lờ (cuối Hàng Bông), phố Hàng Nâu (nay là Trần Nhật Duật), phố Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), phố Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), phố Hàng Gạo (phố Đồng Xuân), phố Hàng Sắt (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc).
Theo Trái tim người lính
Hoài Hương