Tát ao

Cuối năm độ tháng 9, tháng 10 âm lịch, gặt lúa mùa xong đồng bãi khô cạn, cá dồn về ao, nhà nhà lại rậm rịch tát ao bắt cá.

chuy-que2s-1634090847.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet.

Làng tôi được mệnh danh là (làng ao), con đường giữa làng ghép đá phiến hai hàng từ thời các cụ, hai bên là ao nối tiếp ao, từ đầu làng đến cuối làng khoảng 1km mà có đến gần trăm cái ao lớn nhỏ, có ao to hơn hai sào (1 sào = 360m2).

Chủ nhà có ao vác tấm ván gỗ chặn lổ ao, đắp bờ, bắc sạp tát khau giai (gầu dây), ao bé tát khau đôi, ao to tát khau ba. Nhà nào có guồng thì bắc guồng, guồng nước.

Ao bé tát 1 ngày, ao to tát mấy ngày mới cạn để bắt cá.

Cảnh tát ao thật là nhộn nhịp, vì ao ở rìa đường nên ai đi qua cũng chào hỏi, nhất là anh em họ hàng chào hỏi để còn được hưởng lợi, nếu nhiều cá chủ nhà cho vài con hoặc ưu tiên cho xuống hôi lúc bắt cá. Thế mới có câu:

“Năm ngoái tôi ốm nằm nhà

Ông chú, bà bác đi qua không vào

Năm nay tôi tát cái ao

Ông chú, bà bác đi qua đều chào.”

Tát ao sôi động nhất là khi ao cạn, bắt cá. Nhìn lũ cá đủ loại rô, trê, trắm, chép…dồn vào một vũng nhung nhúc, chủ ao bắt cá bỏ vào dành tre, vào giỏ sồng nhiều vô kể, có ao bắt được gần chục dành cá. Gặp con cá quả to cỡ bắp chân, chủ ao reo mừng (Úi..ui con phá váy!) liền giơ tay chụp lấy, chú cá quả trơn bóng chạy xé bùn, phải mấy người tập trung lại mới bắt được.

Chủ ao bắt cá xong là (tháo khoán), hơn chục người hôi đã đợi sẵn trên bờ liền ào xuống mò lấy, mò để kiếm con rô, con diếc, cá nẹp, cua ốc…còn sót lại, nếu gặp may còn vớ được cá chuối, cá trê to, có người vớ được con (ba ba) mấy cân, chủ nhà tiếc lắm cũng đành chịu, vì đã tháo khoán rồi.

Chủ ao cũng có người dễ, người khó. Người thoáng dễ tính khi bắt cá chỉ bắt con to hoặc mò không kỹ, ý để lại cho người hôi kiếm con ăn, như thế mới có tình làng, nghĩa xóm đúng là: “Người tát đầy nồi, thì người hôi đầy giỏ”. Người khó tính khi bắt cá họ không cho ai hôi, bắt cá xong họ tháo nước vào ao luôn.

Với tôi tuổi thơ lên 9, lên 10 đi (hôi ao) biết bao kỷ niệm, chủ yếu là nghịch lấm lem bùn đất, cũng có hôm hôi được nưng giỏ cá đấy.

Có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên, lần ấy bọn tôi gần chục đứa nhóc cả nam, nữ xuống hôi ao trong đó có cô bé nhỏ hơn tôi 1 tuổi đang nhặt mấy con tôm, con tép vào giỏ. Lựa lúc nó mải đuổi theo con tôm đang nhảy, tôi liền bỏ vào giỏ của nó một con rắn nước, lúc nó bắt được con tôm quay lại thì con rắn trong giỏ thò đầu ra…nó thét lên quăng chiếc giỏ xuống ao đang tháo nước. Tôm cá trong giỏ sổng ra hết vì giỏ không có hom, nó ngồi khóc thút thít, thấy tội quá tôi san cho nó một nửa số cá hôi được. Từ bận ấy cô bé có vẻ ấn tượng với tôi lắm, chẳng thế mà mấy chục năm không gặp, năm 2015 biết tôi vào thành phố HCM công tác, cô em hiện đang sống ở thành phố điện mời tôi đi uống cà phê bằng được để ôn lại kỷ niệm và cảm ơn trong nuối tiếc!

Chuyện tát ao, bắt cá tự nhiên kể ra cũng mấy chục năm rồi. Bây giờ ao làng tôi không còn, lấp đất để làm nhà, nhất là từ khi xã lên phường (tấc đất, tấc vàng) mà. Ao nào còn thì ô nhiễm, chẳng tôm cá nào sống nổi. Chuyện tát ao, bắt cá tự nhiên chỉ còn trong ký ức, hoài niệm của người Làng quê thôi các bác ạ./.

HD12/10/21NH

 Nguyễn Hộp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tat-ao-a7334.html