Câu chuyện về người chiến sĩ cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khóc nghẹn khi không thể đến viếng Đại Tướng

Nhắc đến cụ Tô Đình Cắm (còn có bí danh là Tô Tiến Lực), sinh ngày 16-10-1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Chàng trai người dân tộc Tày này là một trong 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944.

244754908-10227290330710314-6181515855520198110-n-1634107139.jpg

Cụ Tô Đình Cắm từng trải qua những ngày tháng oai hùng nhưng cũng không kém phần lận đận. Năm 1942, anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), về Tam Kim hoạt động, ông Cắm được gặp anh Văn và được giác ngộ cách mạng. Buổi chiều ngày 22/12/1944, ông Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực), vinh dự là 1 trong 34 chiến sĩ được đứng tuyên thệ dưới lá cờ tổ quốc trong khu rừng Trần Hưng Đạo trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Vào buổi chiều lịch sử ngày 22.12.1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, quê hương Cách mạng Cao Bằng, Tô Đình Cắm và 33 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cùng anh Văn (cách gọi thân thiết của cụ Cắm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tuyên thề. Vài ngày sau đó, tuy còn non trẻ nhưng đội quân Việt Minh đã giành chiến thắng vang dội trong trận đánh ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Cũng trong thời gian này, cụ Tô Đình Cắm vinh dự được chọn là người dịch, viết ra tiếng Tày cho tờ báo “Tiếng Súng Reo” - tờ báo tiền thân của lực lượng vũ trang được viết bằng tiếng phổ thông. Sau đó, Tô Đình Cắm về công tác ở huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn đến tháng 1 năm 1945 thì được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, Tô Đình Cắm là một trong những lớp người tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Cạn. Một tháng ông theo đoàn quân Nam tiến vào tận Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đánh Tây. Tháng 6 năm 1946, trong một trận đánh, cụ Tô Đình Cắm bị thương ở chân, sau khi điều trị vết thương, ông được chuyển ra Quảng Nam rồi trở về Cao Bằng. Tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, Tô Đình Cắm lại xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1950, trong trận đánh tại Đông Khê của chiến dịch Biên giới, cụ Cắm không may bị thương ở vai.

Năm 1951, Tô Đình Cắm kết hôn với bà Đồng Thị Hiển (SN 1926), cũng người dân tộc Tày và sinh được bảy người con. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền bắc, Tô Đình Cắm giải ngũ về quê. Trong thời gian này, ông tích cực công tác xã hội tại địa phương đảm nhiệm làm thôn trưởng, đội trưởng hợp tác xã, luôn hoàn thành tốt các trọng trách được giao và được mọi người tín trọng.

Năm 1992, dù đã 70 tuổi, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người chiến sỹ Tô Đình Cắm cùng vợ con rời Cao Bằng vào Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lập nghiệp, trồng lúa để sinh sống. Con đông nên cuộc sống ở quê mới cũng không dễ dàng gì. Ông ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ suốt mấy chục năm.

Năm 2000, khi vào thăm các cơ quan quân sự phía Nam, nghe tin ông Cắm đang sống tại vùng quê nghèo ở Lâm Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngỏ ý muốn gặp. “Chúng tôi lập tức mời cụ Cắm xuống TPHCM. Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ của vị tổng chỉ huy và người lính trẻ năm xưa thật xúc động” - một cán bộ Quân khu 7 nói.

“Anh Văn ôm chiến sỹ Cắm thật chặt và hỏi bằng tiếng Tày: Tiến Lực à, lâu rồi không gặp, cậu già hơn mình rồi đấy. Sau khi xuất ngũ cậu làm gì? Cuộc sống bây giờ thế nào? Sao không đưa vợ đi cùng? Rồi Đại tướng tặng cho cụ Cắm chiếc áo khoác và chiếc áo khoác màu xám trắng được cụ gìn giữ như báu vật. Cụ cảm động không kìm được nước mắt bởi hơn nửa thế kỷ trôi qua mà anh Văn vẫn nhớ tới mình, nhờ người tìm cụ ở tận vùng quê nghèo xa xôi cách trở này. Anh Văn vẫn nói sõi tiếng của dân tộc Tày và nhớ cả bí danh của mình”, cụ Cắm từng kể. Cụ bảo, nhờ có tướng Giáp mà cơ quan chức năng tin tưởng làm hồ sơ cấp thẻ thương binh, dù cụ đã làm mất giấy chứng thương. Cụ Cắm được trao thẻ thương binh vào năm 2013 khi đã 91 tuổi và sau 67 năm bị thương. Cũng trong năm đó, phía quân đội phối hợp với huyện Đạ Tẻh và tỉnh Lâm Đồng xây nhà tình nghĩa rộng 120m2 cho cụ.

245035728-10227290330470308-5178298700701154506-n-1634107139.jpg

Kết thúc chiến tranh, trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng đội có người đã hi sinh, có người may mắn tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ nhà binh và được lên cấp tướng. Riêng cụ Tô Đình Cắm lại trở về cuộc sống của một nông dân gắn bó với cái cuốc, cái cày, không một quân hàm, chức tước. Gần bảy thập kỷ sau hai lần bị thương trong hai trận đánh tại trận địa Rạch Giá và mặt trận Đông Khê trôi qua, cụ Tô Đình Cắm vẫn sống trong căn nhà cấp 4 đã cũ kỹ, mãi đến ngày 27-7 người cựu binh mới được công nhận là thương binh khi bước vào tuổi 91 và được xây tặng căn nhà tình nghĩa. Trong số 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc thành lập đội VNTTGPQ, có lẽ Tô Đình Cắm có ân tình sâu nặng với vị chỉ huy của mình hơn cả.

Về câu chuyện trong những ngày diễn ra Quốc tang của Đại tướng, khi biết tin Đại tướng qua đời, cụ Cắm đã rất đau buồn. Cụ đã lập bàn thờ ngay tại nhà riêng ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Cụ Tô Văn Cắm đã nằng nặc đòi con, cháu đưa cụ ra Hà Nội bởi tâm nguyện cuối cùng là được ra Hà Nội để được gặp và tiễn biệt người “Anh Cả” vô cùng kính yêu của mình lần cuối. Khi biết kết quả khám sức khoẻ cho thấy không thể đi xa bằng ô tô hay máy bay, cụ Tô Văn Cắm đã khóc ngất vì không thực hiện được tâm nguyện ra Hà Nội tiễn biệt người "Anh Cả".

Sáng 9/10/2013,Thượng tá Hoàng Đình Tuấn, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, thể hiện sự luyến tiếc khi không thể thực hiện tâm nguyện của cụ Tô Văn Cắm (91 tuổi, người chiến sĩ duy nhất còn sống của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân) ra Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, do điều kiện sức khỏe của cụ khi đó quá yếu. Thượng tá Hoàng Đình Tuấn cho biết chiều 8/10/2013, theo tâm nguyện của cụ Cắm, và theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân Khu 7, lãnh đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh đã đến nhà và đón cụ Tô Văn Cắm đi khám và kiểm tra sức khoẻ. Nếu sức khoẻ của cụ đảm bảo đi được sẽ đón cụ đi máy bay ra Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sức khoẻ, các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Đạ Tẻh đã khuyến cáo rằng cụ không thể đi được máy bay hoặc đi xa bằng ô tô, bởi sức khoẻ của cụ hiện đang rất kém, nếu đi xa sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Theo người nhà cụ Tô Văn Cắm, người lính già đã khóc ngất và rất đau buồn khi biết mình không thể ra Hà Nội để tiễn biệt người “Anh Cả” kính yêu của mình khiến con cháu cụ hết sức lo lắng.

“Trong ngày tổ chức Quốc tang, quân khu 7 đã cử người đến đón cụ tới đơn vị để làm lễ viếng hương hồn Đại tướng”. Ngày 14/7/2017 cụ Tô Đình Cắm, người cuối cùng trong 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) qua đời. Đám tang của cụ diễn ra bình dị theo tập tục của người Tày nhưng cũng không kém phần trang trọng.

 

Theo Trái tim người lính

Mỗi ngày một câu chuyện LS

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-chien-si-cuoi-cung-cua-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-khoc-nghen-khi-khong-the-den-vieng-dai-tuong-a7348.html