Lúc đó Núi sập còn khai thác đá nên bà con và trẻ em gần đó hàng ngày đến Nông trường đăng ký đập đá nên ai cũng có tiền, có lẽ vì vậy mà mỗi đêm hát rất đông khách, chỉ có điều là ngày hai cữ đúng 11g30 và 5g30 chiều, là nghe loa phóng thanh thông báo :
- Sắp tới giờ nổ mìn ở vùng Đông sơn 1 (hoặc Đông sơn 2) bà con hãy nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.
Sau đó là ba lượt còi hụ và tiếng nổ mìn vang trời trên vách núi... Vợ anh Tư Điệp, người phụ trách giữ sân vận động nói với tụi tui:
- Thông báo như vậy là trên núi nổ mìn phá đá, anh chị nhớ là phải tìm chỗ núp liền, miểng đá trúng là chết như chơi.
Ngặt cái là ngay giờ đó là giờ phát cơm hội, nghệ sỹ trong đoàn đang ăn cơm nghe còi hụ thì ôm nguyên mâm trốn như trốn máy bay bỏ bom thời chiến tranh vậy.
Ngang sân vận động là đền thờ Ngài Thoại ngọc Hầu, khu đền nằm thoai thoải đường lên dốc núi, bà con trên đó đa số là lao động chân tay, hầu như ai cũng rành cái vụ đập đá, tui mới biết thì ra những loại đá mi, đá 1x2,đá 4x6...là do bàn tay con người đập thủ công. Xung quanh đó, lá cây khô trên núi rụng xuống bà con gom lại bỏ vô bao để dành nấu cơm hay nấu thức ăn gì cũng bằng lá. Mà nấu cơm bằng lá nồi cơm cũng ngon hơn, cơm cháy ăn giòn hơn nấu bằng củi. Coi vậy chứ không biết cách đưa lá vô nó không cháy mà un thành khói như un muỗi thì khó chịu lắm.
Lúc dọn đồ xuống thì cực hơn vì thả dốc, vãn hát là phải tháo dọn hết rồi đến lúc mờ sáng là phải dọn liền để kịp hát ngay tối nay.
Còn chuyến xe chót (xe kéo) nên chỉ còn tui và hai đứa Hậu đài.Thằng Lộc nó kéo, tui thì đẩy (đẩy tiếp vì mình có gởi đồ cá nhân) thằng Hùng thì nó vịn cái bàn thờ Tổ mà đáng lẽ nó phải đội trên đầu... Tới chỗ đá lởm chởm thằng Hùng nó buông bàn thờ Tổ ra để mồi thuốc hút, và sau khi xe kéo vấp cục đá nguyên bàn thờ Tổ bay cái vèo xuống đất. Lư hương, vong cốt bay tứ tung.
Lúc đó cả đoàn đã xuống hết dưới ghe rồi nên chỉ còn ba đứa tụi tui, cũng may là còn nguyên hết chỉ có một vết nứt phía sau cái Khánh ông nhưng chắc không ai để ý... nên cả ba đứa tui hứa sẽ không khai cho ai biết...
Dọn tới Định thành, vì tranh thủ hát nên mấy anh em hậu đài cực lắm, khán giả vô đầy cái Đình rồi mà cái Phi màn treo chưa xong. Nóc Đình thì cao, cái thang của đoàn không với tới sao mà treo? nên hậu đài mượn cái bàn của Đình đặt cái thang trên mặt bàn cho thằng Hùng treo lên còn thằng Lộc đứng ở dưới vịn cái thang, tới lúc thằng Lộc thèm thuốc và nó buông tay ra mồi điếu thuốc, cái thang bị trượt... thế là thằng Hùng từ trên nóc Đình bay nguyên con xuống sân khấu lót bằng ván một cái "rầm" rồi nó nằm im re bất tỉnh. Cả đoàn hốt hoảng xúm lại cấp cứu cho Hùng vì nó mất thở, người thì giựt tóc mai, người thì nặn chanh vô miệng.
Bỗng nó thở ư ư rồi tỉnh lại, chưa kịp mừng thì nó tự nhiên đứng bật dậy miệng cười ha hả :
- Tụi mày quăng tao hồi trưa thì bây giờ tao quăng tụi bây lại.... Xong nó lại ngất đi...
Thế là tui buộc lòng phải kể lại chuyện bất cẩn buổi trưa cho cả đoàn nghe, ông Bầu nghe chuyện xanh mặt đốt nhang quỳ lạy cùng với thằng Lộc cầu xin Tổ nghiệp bỏ qua cho thằng Hùng.
Vừa cắm cây nhang thì Hùng nó bật ngồi dậy tỉnh queo và kêu thằng Lộc vịn cái thang cho nó leo lên treo cái màn như chưa có gì xảy ra . Hỏi nó thì nó thề nó không nhớ lúc nó té và mình mẩy nó cũng không đau nhức gì, làm ai cũng bất ngờ chẳng lẽ thiệt tình nó không nhớ chuyện nó té???
Tối hôm đó, ông Bầu rủ ba thằng tui nhậu, đứa nào cũng sợ ông Bầu chửi nên ngồi im re, ông Bầu nói : - Lúc mới vô gánh hát anh cũng theo làm hậu đài như mấy em. Ở đoàn hát khi dọn bến là bàn thờ Tổ bắt buộc là phải đội trên đầu, vậy mà có lần dọn xuống ghe trong đêm ghe chạy được mấy chục cây số rồi, anh đang ngủ bỗng nhiên buộc miệng nói sảng :
- Tao lạnh lắm rồi tụi bây có ai biết không?
Ông Bầu gánh nghe vậy lại bàn thờ Tổ đốt nhang mới phát hiện cái cốt ông bằng gỗ Vông rớt đâu mất tự lúc nào. Cả đoàn lục tung cái ghe tìm cầu âu mà chẳng thấy gì. Lúc tới bến mới thì trời đã sáng bét. Đang dọn đồ lên thì bỗng ai phát hiện cái tượng cốt mắc dưới bánh lái chiếc ghe chài... mừng quá vớt được ổng lên mà không biết tại sao mà ông đu dính theo bánh lái được trên đoạn đường trên 60 km ? (từ Mỹ tho về Sài gòn) Sau đó ông Bầu phải mua con heo quay cúng Tổ Nghiệp. Ổng cũng không la rầy gì anh vì cái tội bất cẩn thì bây giờ chẳng lẽ anh rầy la mấy đứa em. Đoàn mình thì nghèo tiền đâu cúng Heo thôi thì anh mai mua con Gà giao cho ba đứa em nấu cháo cúng tạ lỗi nhe. Mình làm nghề nào cũng phải tôn thờ nghiệp Tổ nhớ nhe các em...
Từ lúc nghỉ hát tới giờ tui không gặp lại Hùng và Lộc, còn mấy năm trước ghé thăm chùa nghệ sĩ ở Gò Vấp được chị Thảo là người phụ trách danh sách tên tuổi nghệ sĩ đã qua đời cho hay, anh Bầu Ngọc Tiết đã mất mấy năm rồi, anh mất ở Bình dương và tro cốt không có đem về đây ... một nỗi buồn man mác khi nhớ lại một kỷ niệm ngày xưa, xin mượn hai câu thơ trong bài thơ Ông Đồ già của cụ Vũ Đình Liên :
"Những người muôn năm cũ.
Hồn ở đâu bây giờ" .
Theo Chuyện quê
Bùi Trung.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bi-to-quang-a7365.html