Nữ biệt động Sài Gòn: Huyền Trang, nữ biệt động Sài Gòn F 100

Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Thông, tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (Bí danh Huyền Trang). Đây chính là con người thật ngoài đời của nhân vật ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng “Biệt Động Sài Gòn” vào những năm 80 thế kỷ trước.

245594645-10227294749580783-1076066331659296149-n-1634182548.jpg

Một chiều mùa Thu đến viếng ngôi chùa Thất Bửu Tự, tọa lạc thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang. Từ bên phải chùa tôi nghe tiếng mõ từ một căn nhà nhỏ, tôi thấy một ni cô đang ngồi đọc kinh, tôi ghé qua và được biết đó là Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông cũng là người mà từ lâu tôi nghe danh và ngưỡng mộ. Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Thông, tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (Bí danh Huyền Trang). Đây chính là con người thật ngoài đời của nhân vật ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng “Biệt Động Sài Gòn” vào những năm 80 thế kỷ trước.

Tuổi thơ theo cha chốn núi non/Trưởng thành Pháp trị dạ héo hon/Góp phần xây dựng đất nước nhà/Sống Huyền Trang biệt động sử son/Chết gởi tro cạnh chùa phật nhỏ…

Tôi thích gọi Sư cô là Huyền Trang, tôi muốn cô kể lại cuộc đời hoạt động năm xưa. Sư cô cũng vui vẻ nhận và nhẹ nhàng cầm tay tôi Sư nói:

- Chuyện qua lâu rồi mà cháu, năm nay Sư cũng 87 tuổi rồi, sáng chiều chỉ lo kinh kệ, mong tâm thanh tịnh cầu quốc thái dân an…

Tuy nói vậy, nhưng Sư cũng dành cả buổi tâm sự. Sư cô kể rằng, từ lúc 7 tuổi, đã theo cha mẹ đến xã Dương Hòa, huyện Thạnh Hưng, Đồng Tháp để tu trong một ngôi chùa nhỏ.

- Cơ duyên nào từ một ni cô mà trở thành Nữ Biệt động thành F.100?

Sư cười giọng chậm rãi:

- Chính Sư cô chùa Phước Huệ là người đầu tiên đã dẫn dắt Diệu Thông đến với con đường cách mạng. Suy nghĩ lúc bấy giờ của ni cô chỉ muốn sống xả thân đánh kẻ thù, đòi lại tự do độc lập cho đất nước mình.

Chứng kiến cảnh bà con nghèo đói, bị áp bức, đàn áp đau thương, ni cô Diệu Thông đã thuyết phục được thêm 9 tăng ni khác dũng cảm giữa thành phố Sài Gòn dùng xe GMC chở gạo cứu đói vào thẳng chiến khu do năm đó bị lũ lụt… Để có cơ sở hợp pháp và bám trụ lâu giữa thành phố đầy Mỹ - Ngụy, từ hai bàn tay ni cô se nhang, làm tương, trồng rau, ni cô đã mạnh dạn mua một hầm rau muống gần 1.000m2, dùng rác bà con đổ xuống sang lấp thành mặt bằng đổ cát cất chùa. Chùa Bổn Nguyện số 82 B Trần Quốc Tuần (nay là đường 3/2 Thành phố Hồ Chí Minh). Chùa Bổn Nguyện lúc bấy giờ vừa là nơi trang nghiêm thờ cúng với hoa kiểng, cây trái thơm ngan ngát “Mạng Đà Trầm Hương” mà phật tử trong vùng đặt tên. Nhưng bên trong là cơ sở cách mạng vững chắc cho thanh niên trốn quân dịch, cho cán bộ thành tới lui hoạt động như: Lê Ngọc Anh, Ba Bích, Sáu Hoàng, Sáu Thu… cất dấu tài tiệu, máy đánh chữ, truyền đơn… Tôi hỏi một câu làm Sư cô bật cười như nhớ lại thời thiếu nữ của mình.

- Sư cô lúc làm nữ biệt động thành có đẹp giống diễn viên Thanh Loan trong phim không?

Sư cô đưa tấm hình của mình thời trẻ mặc áo nâu sòng nói:

- Hồi đó, Sư như trong tấm hình này nè, chiếc áo lam này đã theo Diệu Thông tung hoành khắp thành phố. Mồ hôi và chiến công của Đội Biệt động Sài Gòn gây cho địch hoang mang tột độ với những trận đánh cảm tử gay go hơn nhiều so với trong phim nữa!

Với Sư cô giải thích hai từ cách mạng thật đơn giản, “cách mạng là xa cái mạng của mình, thì cũng có nghĩa là vô ngã”. Chính vì vậy mà nguy hiểm không bao giờ làm Diệu Thông ngán sợ…

- Sư cô đến giờ còn nhớ trận nào không?

- Sao mà quên được cháu, thắng lợi nào mà không có hy sinh mất mác của đồng đội nên suốt đời Sư cô không quên được.

Giọng trầm buồn xúc động Sư cô kể các trận đánh như: Điện cao thế góc trường đua Phú Thọ tháng 4/1969; Cư xá hải quân độc thân Mỹ tháng 7/1969; Đánh xe chở 52 lính Mỹ tháng 5/1969… và nhiều trận khác nữa. Kỷ niệm sâu sắc khi kể làm Sư cô xúc động đó là trận đánh xe bus chở quân Mỹ cư xá đường Nguyễn Văn Thoại ra phi trường. Trận đó Ni cô Huyền Trang làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ điểm để hai đồng chí nữ biệt động khác đánh xe. Nhưng khi xe honda chở hai cô vừa tới thì xe bus cũng vừa lăn bánh. Sợ lỡ mất cơ hội diệt lính Mỹ, Tám A quyết tâm cho xe chạy theo, cô ngồi sau rút chốt lựu đạn bỏ vào hông xe. Một tiếng nổ kinh hoàng, khói bốc lên nghi ngút hai nữ biệt động đã hy sinh một cách dũng cảm. Ni trưởng Huyền Trang nhìn hai xác đồng đội chết mà thân xác không lành lặng đau xót quặn lòng mà không dám lại gần, không dám lại ôm đồng đội vì bọn cảnh sát và mật vụ bu quanh rất đông. Chuyện tuy qua lâu rồi nhưng Sư cô kể mà giọng nói cứ như tắt nghẹn, Sư nói suốt đời hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt, đêm đêm Sư tụng kinh cầu nguyện mong linh hồn hai đồng đội được siêu thoát…

Tuy tuổi đã cao, nhưng giọng nói của Sư vẫn sang sảng rõ ràng, lời nói rất chân tình và đằm thắm. Gió từ sông Hậu thổi qua trước sân vườn lồng lộng, Sư cô chuẩn bị bữa cơm trưa thì trời cũng sắp xế chiều. Chén tương, dĩa rau lang luộc của chùa, bát canh nấu với nấm rơm chen lẫn một vài miếng đậu hủ quen thuộc. Tôi lắng lòng nghe Sư cô giải thích lý do vì sao Sư cô muốn ở trong chùa vui với 3 thời kinh kệ. Sư cô muốn những giọt âm thanh trắng trong và tấm lòng thành kính tri ân cùng đức Phật để nguyện cầu cho cuộc đời mọi người luôn an lạc, bình an, yên lành hạnh phúc vui tươi. Làm như vậy thì cái Am nhỏ mông mênh tĩnh mịch này mới tràn đầy niềm vui của thiên nhiên tâm đạo. Sư cô chỉ cho tôi xem những luống rau, cây cảnh chính tay cô trồng và chăm bón giống như một cách để nhớ lại ngày xưa sư cô và các tăng ni, phật tử chùa Bổn Nguyện cũng trồng rau, làm tương gian khổ cống hiến xả thân vì cách mạng. Nhớ ngôi chùa đã từng cưu mang, nuôi chứa cán bộ hoạt động. Còn ngày nay trồng để tự ăn, để tâm hồn thanh thản, để dư tiền lương hưu mà giúp đỡ mọi người. Lãnh đạo tỉnh ghé thăm, thấy Am nhỏ chật chội hỏi Sư cô có muốn ở chỗ khác rộng rãi để tỉnh hỗ trợ. Sư cô nhẹ nhàng từ chối và rất xúc động, trước sự quan tâm của lãnh đạo địa phương với một nữ biệt động thành năm xưa. Từ giả Sư cô về mà trong lòng tôi lắng động với nhiều cảm xúc hình ảnh người nữ biệt động gan dạ, dũng cảm năm nào.

Bạch Liên là tên thật của Sư, nhưng ai gặp cũng gọi Sư cô Huyền Trang, vì nhân vật Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” đã đi vào ký ức mọi người, người phụ nữ Việt Nam kiên cường gan dạ, bị địch tra tấn đến cùng cực nhưng bà vẫn bền lòng chặc dạ với đồng đội và tổ chức. Những chiến công của ni cô Huyền Trang đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phòng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba; Hội đồng Nhà nước Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất. Người phụ nữ biệt động thành đã dành cả đời con gái hy sinh cho cách mạng. Đến nay tuổi đã cao, thường hay bệnh tật, nhưng Sư vẫn không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho bản thân lại luôn muốn giúp đỡ mọi người, giúp đỡ xã hội, sống thanh cao dùng triết lý nhà phật để giáo dục mọi người sống “ chân, thiện, mỹ”.

Ghi lại đôi dòng về Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông bằng tấm lòng tri ân của người được may mắn sống trong thanh bình để nhắc nhở rằng cuộc sống hôm nay ta có được chính là nhờ xương máu của hàng triệu chiến sĩ đã hy sinh, những chiến sĩ biệt động thành F.100 như ni cô Diệu Thông. Chúng ta phải sống tích cực, cống hiến nhiều hơn, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, những tấm gương hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông.

 

Theo Trái tim Người lính

Trần Thị Bé Năm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nu-biet-dong-sai-gon-huyen-trang-nu-biet-dong-sai-gon-f-100-a7372.html