Quảng Nam: Từng bước mở cửa kích cầu du lịch thăm di sản Mỹ Sơn

Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) Phan Hộ cho biết, cùng với Hội An, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có, xây dựng nhiều sự kiện, sản phẩm độc đáo, mới mẻ để phục vụ du khách khi du lịch từng bước mở cửa, dịch COVID-19 được kiểm soát.

Chú thích ảnh Một ngôi tháp Chăm được trùng tu hoàn chỉnh ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

 
 

Chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại" được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể dân gian Chăm, có khả năng thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Chương trình diễn ra vào đêm 16 âm lịch hằng tháng sẽ tái hiện các giá trị nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa Chăm thông qua các nghi lễ truyền thống, các vũ điệu nghệ thuật dân gian Chăm trong không gian huyền thoại về đêm tại Khu di sản như: Trình diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca Chăm, trình diễn trích đoạn lễ hội Rija nưgar, gốm Chăm, dệt thổ cẩm, học làm hoa tai Chăm, trải nghiệm các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực truyền thống Chăm – Việt...

Điểm nhấn của “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại" là các hoạt động kể lại câu chuyện thời gian và ánh sáng giao hòa giữa quá khứ và hiện tại trong khu thung lũng thần linh, huyền bí. Trong câu chuyện dòng thời gian kể lại thung lũng – nơi hội tụ văn hóa tâm linh là hành trình xuất hiện các đền tháp qua hơn 10 thế kỷ. Trên nền  Linga – Yoni lớn, diễn viên múa thể hiện vũ điệu khát vọng với hai quyền năng “Sáng tạo và Hủy diệt”, vũ điệu của hoang dã thể hiện thế giới thiêng – thế giới của quyền năng. Mỹ Sơn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các triều đại Champa, được mệnh danh là nơi “Tâm linh gửi vào đất đá”.

Màn múa Chăm cung đình diễn ra theo hình thức đa phong cách theo hình dạng của Linga – Yoni của mỗi triều, đan xen trong câu chuyện kể về dòng thời gian. Kết thúc màn múa là phần đồng diễn tạo lên tiếng nói chung, tín ngưỡng thờ cúng chung, đó là tín ngưỡng phồn thực.
Sau câu chuyện của thời gian, không gian biểu diễn trở lại trạng thái ban đầu. Lúc này diễn viên biểu diễn gồm thần linh, vũ công, tu sĩ ở màn múa trước đều trở về cõi đá. Từ đây xuất hiện đoàn người đi hành lễ. Đoàn người đến khu tháp tái hiện các lễ tục như tẩy uế trước khi bước vào tháp, xông trầm thoát hồn cho đá và dâng lễ hướng về cội nguồn sáng tạo, biểu tượng sống động về tín ngưỡng phồn thực là Linga và Yoni.  

Phần cuối của “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại“ là các hoạt động tẩy bụi thời gian, thể hiện sự tương tác, giao hòa giữa xưa và nay, giữa hiện tại và quá khứ; quan trọng hơn là thông điệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Đêm Mỹ Sơn huyền thoại“ là sản phẩm du lịch mới, được nhiều hãng lữ hành, công ty hoạt động trong ngành du lịch tích cực đón nhận để phục vụ du khách khi hoạt động du lịch mở cửa trở lại, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-chuong-trinh-kich-cau-du-lich-cho-di-san-my-son-a7374.html