Có người bảo tôi “Ông chỉ biết mỗi kể chuyện ngày xưa”. Lại có người khác khuyên “Ông chỉ nên viết về ngày xưa thôi, chứ bây giờ toàn chuyện đáng buồn, viết làm gì”? Các con tôi bảo “Thời của ông bà với cha mẹ sướng thật, có nhiều món ngon để ăn, có nhiều trò để chơi. Thấy bố ca ngợi Chả cá Lã Vọng, Bún thang Phố Cổ, Bánh tôm Hồ Tây, Bánh rán Sơn Tây... đến Mắm cáy quê nhà... mà chúng con ăn chả thấy cái gì gọi là ngon, sao chúng con khổ thế”!
Lại nhớ cái thời “Ăn nên, làm ra”, chúng tôi ăn tiêu “tợn” lắm! Phàm những chuyện ăn nhậu, hát hò và ba cái chuyện đú đởn... toàn được “tiêu tiền buộc”. Có nghĩa là cứ cầm cả buộc tiền ném ra mà không cần nhận lại tiền thừa (tất nhiên là lúc ấy tiền Polymer chưa có, “buộc”nào lớn nhất cũng chỉ 10 triệu thôi). Nhưng có một lần nhậu đã “sương sương”, đang ngồi hát “có vịn” thì một thằng trong bọn bỗng ôm mặt tu tu khóc, nước mắt ràn rụa. Nhạc vẫn nổi, tay vẫn cầm Mic mà lặng đi không hát nữa. Nó nói “Tao nhớ những ngày khốn khổ quá”!. Thì ra đang trong lúc hát bài “Đêm Thành phố đầy sao” của Trần Long Ẩn thì gặp câu “Được ngày vui, không thể quên những tháng năm ngược xuôi”. Nghe nó nói xong, tất cả chúng tôi đều lặng đi. Rồi mỗi thằng lại ngẫm nghĩ về cái thời khốn khổ của mình.
Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, mà cái thời xưa đông con luôn gắn liền với sự nghèo túng và có lẽ cái hồi ấy cả nước đều nghèo, miền Bắc còn nghèo hơn miền Nam. Tất cả mọi sự cố gắng của xã hội cũng chỉ là để không có người chết đói mà thôi. Nhìn đâu cũng đều bí rì rì, người thành phố hoàn toàn chỉ sống nhờ lương, sổ gạo và tem phiếu, có gì ăn nấy, người nhà quê có vẻ dễ thở hơn vì có thể còn tăng gia được tí chút gì chăng? Những tháng năm ngược xuôi của tôi thì nhiều lắm. Từ lúc đặt hết niềm tin vào một xã hội XHCN, đến lúc ngộ ra rằng “đó đang còn là lý tưởng, trong thời gian quá độ thì phải tìm cách cứu mình và gia đình trước đã”, và tôi đã loay hoay làm thêm đủ nghề, vắt kiệt sức lao động mà vẫn không thể nuôi nổi gia đình. Nhưng có lẽ phải kể bắt đầu từ nghề dệt len.
Phần 1. Khởi nghiệp
Sau cái lần tôi bị cô người yêu “đá cho tung đít, rách cả quần” vì bị chê là nghèo, thì tôi quyết chí làm giàu, quyết tâm ghê gớm lắm nhưng lại không biết làm gì và bắt đầu từ đâu. Nhằm lúc mẹ tôi có người bà con ở nước ngoài thương quá gửi cho cái xe Pơgiô, rồi lại có người mô tả nghề dệt len bây giờ “kiếm” lắm. Cứ nhìn ông ta nghiến răng, nắm tay đưa đi đưa lại, miệng kêu “xoèn xoẹt” rồi vê vê ngón tay như đang đếm tiền là tôi cả đêm lại không ngủ, bèn đánh bạo bảo mẹ bán Pơgiô để sắm máy dệt. Mẹ tôi lúc ấy đang chuẩn bị nghỉ hưu nghe tôi tán nên cũng xuôi tai. Vừa hay bán xe thì sắm được cái máy 2 giàn Silver. Nhờ một cô bé ở Xí nghiệp Dệt len Mùa Đông truyền nghề, nửa tháng sau tôi đã biết dệt thành thạo và xin vào một Tổ gia công cho Techtimex.
Nhìn thằng thanh niên sức dài vai rộng, bà Tổ trưởng không khỏi ái ngại “Sao cậu lại làm nghề của đàn bà con gái thế này, rồi còn cả thêu thùa con giống nữa, cậu có làm được không? Cẩn thận không thì đền ốm đấy”. Tôi quả quyết “Cô cứ cân cho cháu” (tức là cân để giao len về dệt), rồi nhận bài dệt về. Vì sản phẩm dệt phải đúng kích thước nhưng cũng phải đúng cân lạng, nên mặc dù đã có bài dệt mẫu nhưng với mỗi máy và trình độ tay nghề thì cần phải có sự điều chỉnh nữa. Điều này khiến tôi phải loay hoay mấy ngày mới ra được sản phẩm đầu tiên. Cứ tháo ra dệt vào nhiều lần làm len hao ghê gớm, nên mẻ đầu bị phạt coi như làm không công. Những mẻ sau có kinh nghiệm hơn.
Hóa ra làm nghề này không dễ ăn chút nào. Ngoài việc phải ngồi giãi thẻ thêu cành hoa, con giống dưới ánh đèn dầu (mất điện liên tục) lại phải tính toán sao cho không bị trả về do hụt kích thước và cân lạng... thì giá gia công cũng bèo lắm, tính ra không đủ tiền khấu hao máy. Chỉ có nhà nào mở cửa hàng, dệt cho khách thì mới có thu nhập thôi, nhưng muốn vậy thì chỉ có thợ xịn, biết thiết kế từ số đo, tính ra bài và sáng tác ra nhiều mode mới mà mình thì... Sau khi đi thăm thú vài nơi, tôi quyết định chuyển sang làm “hàng chợ”, tức là bỏ vốn ra mua len, dệt hàng loạt theo mẫu nào đấy rồi đi bỏ mối. Hồi đó đang rộ lên “áo len tái sinh” bán cho vùng cao chạy lắm, Ti vi lại vừa chiếu xong bộ phim “Từ biệt thế giới vàng” có nhân vật biệt danh là “Ánh sáng ban ngày” tên là Inơm Hanic có chí làm giàu giống tôi lắm, nên tôi càng quyết chí dốc toàn bộ vốn liếng để mua bông tái sinh về thuê người đánh thành con cúi rồi se thủ công thành sợi như len. Hầu như các Guồng sa sợi của khu tập thể Bộ Giáo dục ở ấp Thái Hà đều làm thuê cho tôi. Áo dệt xong được giấu trong vỏ chăn bộ đội, chú em đang là lính Quân khu 2 chịu trách nhiệm mang đi tiêu thụ. Do là ông chủ “làm cả, ăn tất, ăn cả đất dưới giầy” nên tiền kiếm được cũng khá nhưng bù lại thì hại máy vô cùng tận. Sợi len tái sinh đâu được nuột nà, mềm mại và trơn như sợi len thường, nó cứng và thô ráp nên hay làm gẫy kim và mòn rãnh máy một cách khủng khiếp, khiến chỉ trong vài tháng mà máy đã tã đi trông thấy. Mẹ tôi xót quá liền cấm không cho làm nữa. Thế là Inơm Hanic lại “Từ biệt thế giới vàng”, cò cử đi làm thuê.
Lúc này trình của tôi cũng khá cao, bài thuộc làu, chiết mũi kim thoăn thoắt, những chỗ vai, nách, vòng cổ nuột nà. Bà Tổ trưởng khoái lắm liền giao cho tôi chức Kỹ thuật, tức là chuyên "soạn bài" mỗi khi có mã hàng mới. Ngoài ra còn nghiệm thu hàng của các tổ viên và chữa máy cho mọi người trong tổ. Bù lại thì tôi được ưu tiên lúc nào cũng đầy hàng để làm, không khi nào hết việc. Bà cứ nhìn tôi rên rỉ “Cô chả còn đứa cháu gái nào để gả cho mày”! À, Tôi cũng học được mấy trò ma mãnh, tỷ như trước khi trả hàng, thì vứt áo xuống đất khoảng 2 ngày cho nó hút ẩm, lúc nghiệm thu chỉ có "dôi cân lạng". Cái nghề dệt len này, tôi còn làm mãi, tận cho đến khi cưới vợ và sắm được cái đầu máy khâu. Lúc đó, chồng dệt áo len, vợ may gia công quần đùi. Thế mà vẫn chẳng đủ ăn, nhất là khi thằng con ra đời. Sau này tôi còn làm nhiều nghề nữa, song vẫn nhớ nhất cái nghề này. Có lẽ bởi vì nó đánh dấu một sự chuyển hướng trong tư duy “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nói như ngôn ngữ bây giờ tức là “Khởi nghiệp” À quên, phải nói thêm điều này: tất cả các công việc kể trên đều là tranh thủ ngoài giờ làm cho Nhà Nước. Nếu không nói thì có người lại bảo “bao nhiêu năm học hành, dùi mài kinh sử mà lại còn đi khoe làm mấy cái việc này”!
Phần 2: Loay hoay
Trong chúng ta, ai cũng muốn sống được bằng nghề, nhưng thử hỏi đã mấy ai được toại nguyện. Tôi may mắn được học với 2 khóa Đại học, trước khi đi lính và sau khi từ lính trở về. Mỗi khi hội khóa, chúng đều hỏi thăm nhau mới tòi ra độ 6,7 thằng đến khi nghỉ hưu vẫn còn làm trong ngành cơ khí. Một thời, các ngành khác lên ngôi, cơ khí bị rẻ rúng, chúng tôi băn khoăn với câu hỏi “Phải chăng chúng ta đã học sai khoa, nhầm trường, lệch khóa”?
Còn nhớ khi mới ra trường, ước mơ sáng chế ra những cỗ máy thay cho sức lao động đang cháy bỏng. Gặp lúc cô bạn cùng học lớp Ngoại ngữ buổi tối có cái máy khâu bị hỏng nhờ tôi sửa. Việc tôi làm 1 tí là xong, vì máy chỉ hay bị gãy kim, chỉ cần chỉnh lại “quả đào” và “chân vịt” sao cho phối hợp nhịp nhàng. Nhưng nhìn sang, thấy bà mẹ về hưu đang kỳ cạch dệt "tua cờ" hết sức thủ công dưới anh đèn đỏ đòng đọc. Tôi liền nảy ngay ý định sẽ chế tạo một cái máy dệt tua cờ tự động chạy bằng động cơ hoặc cùng lắm cũng là đạp chân như máy khâu.
Sau khi quan sát, ghi chép tỉ mỉ các thao tác của bà, tôi đã vẽ ra các quỹ đạo cần thiết của các bộ phận. Về nhà cũng tính toán rất bài bản các cơ cấu, khâu, khớp... Vẽ họa đồ vận tốc, họa đồ gia tốc rồi truyền động nọ kia...cuối cùng ra được Bản thiết kế tổng thể cái máy cùng bản vẽ các chi tiết. Sung sướng mang tới khoe với cô bạn và bàn định phương thức chế tạo thì mới té ngửa là không có kinh phí thực hiện, các chi tiết dù có làm bằng tre hay gỗ thì vẫn phải có tiền mà tiền thì...thời buổi ấy đào đâu ra? Thế mới hay "Từ một ý tưởng khoa học nhưng phải trải qua một quá trình kỹ thuật, công nghệ, kèm theo các điều kiện kinh tế nữa thì mới có thể thành hiện thực được". Bài học đầu tiên ấy đã làm tôi nhớ mãi và theo suốt cuộc đời. Sự thiếu thốn và nghèo đói đã giết chết bao ý tưởng, làm cùn đi bao con người dám nghĩ dám làm, khiến người ta phải an phận. Chính những ý nghĩ này đã làm tôi buồn bã trong những ngày đầu đi làm ở một Viện nghiên cứu.
Ngày ấy, cuộc sống rất bế tắc, đến cơ quan chỉ thấy kháo nhau “Ô phiếu này mua được gì, xếp hàng ở đâu thì mua được”? Cánh phụ nữ tất tả rủ nhau đi xếp hàng, khổ nhất là cánh đàn ông ngồi chau mày cả ngày mà không nghĩ ra được kế gì giúp được vợ con. Các kỹ sư trẻ cứ loay hoay với câu hỏi “Ta đang sống hay đang tồn tại, ngày hôm nay có gì mới hơn ngày hôm qua”? Để đến khi một thằng đưa ra sáng kiến “mỗi ngày mua 1 vé số để nuôi hy vọng sống đến ngày mai” thì cả bọn hưởng ứng nhiệt liệt. Rồi một ngày, Công đoàn các cơ quan phát động phong trào “Làm kế hoạch 3” mà thực chất là làm kinh tế ngoài luồng. Từ đó mới có các thuật ngữ “giá phân phối, giá nội bộ, giá đảm bảo kinh doanh...”. Tùy theo khả năng quan hệ mà bên có hàng hóa, dịch vụ bán được giá để có chênh lệch. Bên mua hàng thì cũng vậy, nếu dùng không hết lại bán ra ngoài hưởng chênh lệch. Có lẽ "Chủ nghĩa Tư bản thân hữu" ở Việt Nam được nhen nhóm từ những ngày này chắng?
Phòng tôi làm việc cũng không đi ngoài quỹ đạo ấy. Một thằng không biết làm sao mua được mấy tạ vải thiều ở Công ty “Rau hoa quả Hà Nội” với giá nội bộ, mang về cơ quan để lại mỗi người một ít, số còn lại mang ra “Chợ Đuổi” (còn có tên là chợ Hòa Bình) cuối phố Lê Đại Hành bán. Cử một chị có tuổi ngồi bán, còn tôi thì lảng vảng xung quanh nửa hỗ trợ, nửa trông coi. Vải mua từ hôm trước còn tươi roi rói là thế, qua 1 đêm vỏ đã thâm sì, lá héo rũ ra, trông thật xấu mã, chỉ được cái giá cả hết sức cạnh tranh. Người ta xúm vào đông lắm, nhưng mà mua thì ít mà nếm thử thì nhiều, vặt vô tội vạ. Tôi đứng ngoài xót xa lắm nhưng xấu hổ không dám làm gì. Chẳng mấy chốc, sọt vải xác xơ tiêu điều, trơ cả cuộng, đành phải mang về chia nhau ăn. Thế là kết thúc vụ “Vải thâm” lỗ đau lỗ đớn (!)
Rồi cũng chính thằng ấy liên hệ được mẻ “Trứng gà lộn” từ Trại gà An Khánh (thực chất là những quả trứng ấp máy đến ngày mà chưa nở). Trứng mang về chiều muộn quá, mọi người đã về hết nên xếp để dưới nền trong phòng làm việc. Sáng hôm sau đến thấy gà nở kêu chí chóe, chạy lung tung... Thế là lại phải chia nhau mang về nuôi. Kết thúc phi vụ “Trứng gà lộn” trong trận cười vỡ bụng! Phòng Thí nghiệm có cái tủ lạnh Liên Xô 260 lít (thuở đó là oách lắm), mọi người nghĩ ra làm đá bán cho quán Cafe. Nhưng ngày nắng họ mới lấy, ngày mưa thì không, nhiều hôm phải mang về. Những chuyện như vậy thì nhiều lắm! Qua một số vụ tương tự như vậy thì chúng tôi rút ra một điều là không thể tiếp tục bung ra theo con đường đấy mà phải làm những việc dùng đến chất xám, nhất là chuyên môn của phòng thì may ra còn có cơ. Thế rồi một “Hội nghị Diên Hồng” được tức tốc nhóm họp, mà nội dung của nó đã mang lại những kết quả “dở khóc dở cười” để bây giờ mỗi khi gặp lại, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xen lẫn những trận cười khoái trá về những ngày khốn khổ đó!
Phần 3: Múa tay trong bị
Sau khi đăng được 2 phần, có người hỏi “Nói là những ngày khốn khổ nhưng tại sao chẳng thấy mô tả về sự khốn khổ? Tôi cứ tưởng tượng ông sẽ kể những nỗi lầm than, rách rưới, đói rét và sống như con vật chứ”? Xin thưa: sự khốn khổ nhất của người trí thức là không sống được bằng nghề, bằng chất xám mà mình đã được đào tạo sau nhiều năm đèn sách, dùi mài kinh sử! Người trí thức thời kỳ ấy, ngoài sự lầm than rách rưới còn có những nỗi đau ngấm ngầm và tuyệt vọng khi không dám trả lời “Rốt cuộc mình là ai, sẽ ra sao, sẽ làm được gì trong cuộc đời” và len lén mỗi khi trở về nhà mà không dám nhìn mặt vợ con. Những sự khốn khổ tột cùng của xã hội ngày đó đã được nói rất nhiều rồi, mà điển hình là bài viết “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?” của Nhà báo Phùng Gia Lộc. Nỗi đau đớn này còn phảng phất mỗi khi nghe câu “Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành” trong bài hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến!
Ngày ấy, trong chúng tôi, có người phải quấn pháo, phải đi bỏ mối kẹo, phải dán hộp... nghĩa là làm thêm nhiều nghề để sống. Riêng tôi mỗi khi hết len để dệt thì còn đi làm thợ bơm vá xe đạp. Cứ hết giờ làm việc, tôi lại phóng như bay trên đoạn đường 7 km đến đầu dốc Ngọc Hà để hành nghề. Hòm đồ nghề và cái bơm đã gửi bà bán hàng nước bên đường giữ hộ, tôi chỉ mang theo cái túi mìn Cleymor đựng tài liệu đi làm, trong đó còn có hộp nhựa vá. Phải đi xa và ngồi một nơi hẻo lánh như vậy cốt là để tránh gặp người quen thôi! Hàng bơm vá xe đạp của tôi cũng có vẻ uy tín lắm, ngoài giá rẻ hơn nơi khác nhưng cơ bản là tôi có loại nhựa vá săm rất tốt do 1 ông Kỹ sư Hóa polymer trong phòng đã chế ra. Bằng cao su nguyên chất (Crêp trong) đưa lên máy cán cùng với các chất xúc tiến và phòng lão, ngâm với xăng trắng pha thêm Toluen là được một thứ keo vá săm hảo hạng. Nhiều hàng bên cạnh muốn mua nhưng tôi không để lại vì sợ bị cạnh tranh. Sau này tôi còn mở thêm vá chín săm lốp nữa. Khoảng 9h tối, tôi mới lọ mọ ra về với cái bụng lép kẹp và nỗi chán chường, bế tắc vô bờ! May mà suốt thời gian hành nghề bơm vá đó, tôi không gặp một người quen nào (hoặc giả người quen đã nhìn thấy mà quay mặt đi, sợ làm cho mình ngượng cũng nên)!
Sau bao nhiêu năm, mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc lại cái hôm 4 người gồm 3 kỹ sư và 1 Phó tiến sỹ được một ông Chủ nhiệm HTX mời đến bàn cơ hội hợp tác làm ăn. Đó là một người đàn ông cũ kỹ, nhỏ thó, đen đúa, mới học qua lớp 4, ngay cả cái tên rất quê mùa cũng đủ nói lên xuất phát điểm của ông ta. Thế mà bằng cách nào đó, ông ta đã móc nối mua được một số phế liệu của Tổng kho Long Bình và nhờ chúng tôi tìm cách tái chế thành những sản phẩm có giá trị thương mại. Điều đáng nói là sau buổi làm việc, ông mời chúng tôi ở lại và sai người nhà rót ra cho mỗi người 1 vại bia hơi kèm theo một đĩa lạc luộc và một khoanh giò lụa dày đến 5 cm. Mắt chúng tôi sáng lên vì cái món giò lụa tưởng chỉ còn trong cổ tích nay lại hiển hiện trước mắt với một độ dày đến không ngờ. Khi về, cả bọn hỉ hả lắm! Một ông nói “Đúng là bây giờ mới thấy giò cắn ngập răng là có thật”. Lại một ông nói “ tớ không muốn ăn mà muốn gói đem về nhà cho con bé nhà tớ, nó chưa bao giờ được ăn giò lụa”. Riêng ông PTS thì nghiến răng bảo “Lũ chúng mình, học hành đến cỡ này mà phải làm thuê cho một gã lớp 4, được một miếng giò mà hỉ hả mãi thì còn ra cái thể thống gì”? Nói xong, mắt ông rơm rớm! Cho đến bây giờ, trận cười nhạo câu chuyện ấy vẫn còn pha với nước mắt!
Thôi, tôi sẽ quay lại cái “Hội nghị Diên Hồng“ lịch sử đã nói ở kỳ trước. Tại Hội nghị ấy, tôi được bầu là Tổ trưởng Công Đoàn, chuyên chăm lo cải thiện đời sống. Với phương châm sử dụng chất xám, tận dụng năng lực chuyên môn của phòng, chúng tôi đưa ra một Chương trình hành động, nhiều đầu việc có thể làm ngay. Mà cũng phải nhấn mạnh là dưới đây chỉ nói đến phần “Kế hoạch 3” thôi, chứ không có người lại bảo “Hình như các ông chả làm đề tài gì ngoài việc xoay xở kiếm tiền”. Nên nhớ lúc ấy phòng chúng tôi có 3 Đề tài cấp nhà Nước và tôi là Phó Thường trực của 1 trong 3 đề tài đó!
Là một phòng chuyên môn đa ngành, chuyên nghiên cứu sản xuất những sản phẩm cụ thể gắn với người lao động, lại có một phòng thí nghiệm Cơ, Lý, Hóa mạnh, nhưng xem ra ngành Hóa có vẻ nội trội hơn cả. Chúng tôi có đủ Hóa dược, Hóa Phân tích, Hóa Lý, Hóa Polymer. Đặc điểm của ngành Hóa là dù ở quy mô nhỏ, không cần mặt bằng rộng, không cần thiết bị phức tạp vẫn có thể cho ra sản phẩm. Mà các thiết bị ấy chúng tôi có đủ. Từ Lò nung, tủ sấy, Máy khuấy, máy nghiền bi, Tủ hốt, sinh hàn các loại, bình cầu, bình cổ cong, bình Kip... đến các loại hóa chất với độ tinh khiết khác nhau. Chúng tôi có cả máy cán cao su, Sắc ký khí và Tủ gia tốc khí hậu nữa. Như vậy, năng lực về chất xám không thể coi thường. Đầu tiên chúng tôi phục hồi Thuốc đau dạ dầy Nabica và tái sinh Hộp lọc độc. 2 cái này có một điểm chung là đã hết hạn sử dụng và có những dấu hiệu suy giảm chất lượng, nguy cơ phải bỏ đi, rất lãng phí dù thị trường đang rất khan hiếm. Qua những hội thảo chuyên môn, chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân làm suy giảm chất lượng. Nhìn từng đống Nabica bị vón cục, đổi mầu cũng như từng đống Hộp lọc độc nằm trong kho của Bộ đội phòng Hóa sắp bị vứt đi mà ai cũng xót. Chúng tôi quyết định thành lập Tổ Thử nghiệm. Bằng công nghệ thủ công với các thiết bị tự chế, chúng tôi đã đưa ra được một quy trình kỹ thâutj tiên tiến và đã thành công. Sản phẩm Nabica sau khi phục hồi được gửi sang Viện Dược đánh giá đạt tiêu chuẩn Dược điển, còn Hộp lọc độc được chúng tôi đánh giá trên chính “Hệ thống kiểm định” theo kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, có thử đối chứng với sản phẩm nguyên bản của Liên Xô thì cho kết quả “một 9, một 10”. Thế là chúng tôi được Viện cho triển khai ký Hợp đồng tái chế Nabica để hưởng tiền gia công. Còn với Hộp lọc, chúng tôi “xin” được của quân đội số lượng lớn, chất đầy 1 xe tải. Mỗi loạt tái chế xong đều có đánh giá, dán tem chất lượng của Viện rồi xuất bán cho các đơn vị. Hàng tái chế không kịp cho tiêu thụ.
Rồi chúng tôi sản xuất Sunphát Niken cho Hóa chất Đức Giang bằng phương pháp thủ công. Có 2 điều đáng nói, một là chúng tôi phải vận chuyển bằng tay 1 lượng lớn Acide lên trên nóc nhà của Viện để làm vì khí Hydro bốc lên ngùn ngụt như một cái lò gạch. Phải lên nóc nhà để bóng rợp khí động không trùm lên những ngôi nhà xung quanh. Hai là các Kỹ sư đã tốn bao nhiêu giấy mực để tính toán lượng các chất đưa vào sao cho đạt nồng độ cần thiết nhưng cuối cùng đều sai hết mà chỉ cần dựa vào một dấu hiệu rất đơn giản được phát hiện tình cờ. Đây cũng là một minh chứng cho cặp phạm trù Lý luận và thực tiễn.
Có một điều, theo cơ chế của Viện, với mỗi Hợp đồng thì phòng chúng tôi phải nộp 70% lợi nhuận, chỉ được giữ lại 30% để chia nhau mà thôi. Đấu tranh mãi không được, ấy là chưa kể còn bị các phòng khác không có điều kiện (hoặc không muốn) bung ra, soi và gièm pha. Chúng tôi buộc phải đi đến một cách làm không trong sáng, tức là “làm chui”. Được tiền đấy nhưng cũng làm cho mình hèn đi, và nếu bị phát hiện thì vô cùng tai tiếng! Có người hiến kế sản xuất thuốc đánh răng dạng nhão từ bột đánh răng Ngọc Lan khô. Chúng tôi bí mật triển khai trong phòng thí nghiệm. Kết quả là thuốc đánh răng chất lượng như Ngọc Lan bạc hà xịn ra đời, chỉ tiếc bao bì là lọ nhựa dán mác in Roneo (ngày ấy thuốc đánh răng vẫn đựng trong tuýp nhôm), thỏa mãn như cầu tiêu dùng trong cơ quan và tiêu thụ ra ngoài cũng kha khá. Có người hiến kế làm xà phòng kem “rởm”, câu chuyện này thật đáng cười nhưng mà cũng ra nước mắt. Sản phẩm “rởm” này không thể triển khai trong phòng thí nghiệm được, mà lại ở một nhà của một người trong phòng. Bình phản ứng là thùng phuy 200 lit, Cho các chất tác dụng với nhau rồi lấy đòn gánh khuấy đều cho ra sản phẩm là các cục lổn nhổn, trắng toát. Đáng ra phải nghiền và lọc thì chúng tôi lại cho ra một cái rá to, lấy muôi canh mà chạt đi chạt lại để lọc qua rá, rồi đóng vào hộp nhựa, cuối cùng là lấy cái tăm nhúng vào tinh dầu hoa hồng vẩy vào và đóng chặt nắp hộp lại, để qua 1 đêm rồi xuất bán. Thế mà xích lô vào lấy hàng mang ra chợ Giời cứ kìn kìn. Loại xà phòng kem “rởm” này tuy thơm, giặt có sạch nhưng rất hại quần áo, nhất là vải cottông. Những bộ quần áo bị rách tướp sau mấy lần giặt hồi ấy không biết có phải là dùng loại xà phòng kem do chúng tôi sản xuất ra hay không? Nếu phải thì cũng xin nhận ở chúng tôi một lời xin lỗi, bởi cái hồi đó nó thế! Rất may cũng chỉ làm độ 1 tấn thì dừng (vì có cái khác hay hơn) nên tác hại của vụ này cũng không ghê gớm lắm!
Khi triển khai các công việc trên, tôi luôn là thằng hăng hái, nhất là trong lĩnh vực thiết bị. Nhưng qua đấy cũng thấy hoang mang và mới thấy tiếc vì thời gian học trong trường đã rất coi thường môn Hóa (lơ mơ như Cơ học Hóa mà lị) và thấy rất nhiều hạn chế của ngành Cơ khí, một ngành đã ước mơ và theo đuổi từ nhỏ. Nhưng tôi biết, ở một nơi nào đó rất thẳm sâu trong tôi, ước mơ đó vẫn chưa thôi gào thét. Thi thoảng trong đêm, những cỗ máy tự động với những cánh tay to khỏe và khéo léo vẫn hiện về. Khi tỉnh dậy, tôi chỉ biết nghẹn ngào “Hãy kiên nhẫn, bây giờ hãy nhường chỗ cho những hộp xà phòng kem rởm đã”!
Phần 4: Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Có nhiều người khi đã tạm gọi là “thành danh” thì lập tức muốn chối bỏ quá khứ lầm than của mình, cứ làm như mình sinh ra đã thành quý tộc, đã thành ông chủ rồi. Họ quên cả những người bạn cũ, quên cả những người đã một thời cùng gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt, thậm chí còn là ân nhân đã từng cứu giúp, nâng đỡ họ. Thậm chí có người còn tìm cách tiêu diệt cả những người bạn cũ đã biết quá nhiều về quá khứ của mình.
Tôi nhớ có 1 thằng, lúc đầu còn đi theo tôi học việc, nịnh tôi bỏ mẹ ra. Bẵng đi một thời gian, nó leo lên được một chức sếp nho nhỏ. Khi gặp lại, nó đưa bàn tay mềm nhũn ra cho tôi bắt. Quá bất ngờ trước cử chỉ này, tôi buột miệng chửi “Tiên sư mày, mày học cái thói này từ bao giờ vậy”? Nó có vẻ ngượng và từ đấy tránh gặp mặt tôi. Ngược lại, tôi lại rất ấn tượng với những lãnh đạo trưởng thành từ trong gian khó (thường đã kinh qua quân đội). Khi gặp cấp dưới vẫn có những cái bắt tay rất chắc và ấm, và vẫn khoái kể lại những ngày còn gối đất nằm sương. Thậm chí có người vẫn cúi xuống bắt tay, nói những lời tri ân xúc động với thủ trưởng cũ của mình, cho dù người này giờ chỉ là ông già về hưu móm mém.
Trong tiềm thức, tôi luôn nhớ về những ngày khốn khổ của mình. Có thể nói, cha tôi là Sĩ quan bộ Tổng Tham mưu, xuất thân thuộc con nhà dòng dõi ở nông thôn, đã sa sút. Cụ nội tôi là quan Huấn đạo, Cử nhân Hội thí, sung Hàn lâm viện, hiệu là Đông Dương Tiên sinh, Ông nội tôi là Tú tài của năm thi cuối cùng... nhưng dù sa sút thì cha tôi và các cụ nhà tôi cũng không thể ngờ hậu duệ của mình lại có thằng phải sản xuất áo len rởm, làm xà phòng rởm và hành nghề bơm vá xe để kiếm sống, trong khi hiểu biết và chữ nghĩa đầy người!
Thời kỳ này, chúng tôi gặp được 1 ông Kỹ sư Hóa rất giỏi. Nghe nói, trong một chuyến đi hội thảo Khoa học bên Pháp, ông ta đã tranh thủ vào thư viện đọc ngốn ngấu một tài liệu về các loại tinh dầu tổng hợp và trong lúc “máu” quá, ông đã xé và giấu đi vài ba trang quan trọng nhất. Khi về nước, ông đã mầy mò thí nghiệm thành công một số loại tinh dầu, điển hình là hương liệu thuốc lá Sông Cầu, hương liệu xà phòng Camay, tinh dầu hoa nhài, tinh dầu hương sen...Chúng tôi khoái lắm, vì các tinh dầu này rất quý, chỉ một lượng nhỏ cũng có giá trị rất lớn, lại tốn ít sức người và nguyên vật liệu, rất phù hợp với quy mô phòng thí nghiệm. Khi bàn về cơ hội hợp tác, ông ta đòi thăm quan Phòng thí nghiệm và tỏ ra rất hài lòng, nhưng chỉ đồng ý hợp tác sản xuất tinh dầu hương sen vì có vẻ đơn giản nhất, lại có sẵn đầu ra.
Điều kiện ăn chia là 50/50, chúng tôi chịu mọi phí tổn về nguyên liệu và chi phi sản xuất ra sản phẩm chính. Ông ta chịu trách nhiệm bổ sung “chất ổn định hương” và tiêu thụ theo giá được cả 2 bên thỏa thuận .(Như vậy khi chuyển giao công nghệ, ông ta vẫn giữ lại một khâu quan trọng)! Chúng tôi phải suy tính lung lắm giữa 2 phương án: xin phép Viện cho triển khai đàng hoàng hay là giấu Viện làm chui? Nói thật, nếu có báo cáo thì chưa chắc Viện đã cho làm vì nguyên tắc sử dụng sản phẩm cho con người thì phải qua quy trình thử nghiệm vô cùng khắt khe. Rồi hội thảo khoa học, ông nọ ông kia nhúng vào, như thế thì lỡ mất cơ hội. Và thế là chúng tôi quyết định sẽ làm chui. Để hợp thức hóa đảm bảo cho các phản ứng diễn ra với tốc độ vũ bão suốt mấy ngày đêm liên tục trong phòng thí nghiệm, chúng tôi phải lập ra một chuyên đề khoa học xin phép Viện làm việc ngoài giờ. Thế là phòng thí nghiệm sáng đèn suốt ngày đêm, máy móc chạy sè sè, nước chảy suốt ngày róc ra róc rách. Tôi đã thiết kế cánh khuấy dạng “cụp, xòe” nhằm phản ứng được diễn ra triệt để, cho ra sản phẩm có công thức phân tử có hóa trị 2 (dạng Đi), sản phẩm có dạng cánh to như mì chính, khác hẳn với loại hóa trị 1 (dạng mono), sản phẩm ở dạng bột như ban đầu thử nghiệm, nên bán được giá hơn.
Nhưng đã làm việc với các chất thơm thì dù có đóng kín cửa thế nào, hương thơm vẫn cứ lọt ra. Nhiều người qua lại cứ đàm tiếu, thắc mắc. Để tránh hậu họa có thể xẩy ra, chúng tôi quyết định chỉ làm trong Viện những công đoạn không phát sinh mùi, còn công đoạn cuối cùng là chưng cất trong ống sinh hàn có phát sinh mùi thì mang về nhà vợ tôi làm. Nhà vợ tôi có một căn hộ tầng trên cùng của chung cư Trung Tự, ông anh vợ đã đục thủng tầng áp mái để làm nhà kho và có hệ thống câu trộm điện từ ngày tôi còn nấu rượu, nuôi lợn. (Tất nhiên các việc này phải giấu các phụ huynh, vì các cụ “Bôn” lắm). Nước làm mát thì lấy miễn phí từ bể. Thế là đủ điều kiện để thực hiện công đoạn chưng cất. Các ông anh vợ tôi nhìn cũng thấy vui mắt nên không nói gì, chỉ có các cụ thấy có người lạ xuất hiện nên cũng nghi nghi dò hỏi. Tất nhiên là tôi có 1001 lý do để nói dối.
Đến đây thì xẩy ra một sự cố bi hài vô cùng đáng tiếc. Đấy là vào một buổi tối, ông Viện trưởng không biết vì lý do gì đã đạp xe đến cơ quan. Lúc vừa đến cổng viện thì thấy 2 bóng người, một áo may ô, một cởi trần đang đèo nhau từ trong Viện lao ra, người cởi trần ngồi sau ôm một quả bom khí. Tưởng là trộm, ông phóng xe đuổi theo thì tóm cổ 2 “chiến sỹ” của chúng tôi mang bom khí đi đổi vì đang phản ứng thì bị hết khí. Ông gặng hỏi thì 2 chiến sỹ này yếu bóng vía khai ra tất, thế là mọi chuyện vỡ lở. Ông cho Bảo vệ đến lập biên bản và niêm phong tang vật cùng phòng thí nghiệm.
Khỏi phải nói cơn thịnh nộ của Viện trưởng và anh chị em trong Viện giáng xuống chúng tôi ghê gớm như thế nào! Mà không thể trách họ được, kẻ đáng trách là chúng tôi. Vì lợi ích cục bộ, chúng tôi đã dẫm đạp lên nguyên tắc làm việc và nội quy cơ quan, chúng tôi đã phản bội lại Ông và mọi người. Cả bộ sậu của phòng phải viết tường trình với Thanh tra nhưng chúng tôi đã kịp “thông cung” với nhau trong lời khai để cho tổn thất là ít nhất. Nhưng gì thì gì, phòng chúng tôi vẫn là chủ lực (chủ trì 3 đề tài cấp Nhà nước cơ mà) và đầu têu lại là mấy thằng Đảng viên. Kết quả là Trưởng phòng, Tổ trưởng Đảng và Tổ trưởng Công đoàn (là tôi) bị mất Đảng Viên 4 tốt cả năm ấy. Hình phạt đấy là quá nhẹ, cái đau nhất là đã đánh mất lòng tin của Lãnh đạo và mọi người. Sau này khi tôi chuyển khỏi Viện thì những người ở lại cũng không “ngóc đầu lên được”!
Kết thúc phi vụ tinh dầu hương sen, tôi mua được chiếc xe đạp tốt cho vợ, thoát khỏi cảnh “cả nhà ta lên một chiếc xe” đã diễn ra mấy năm ròng. Sau này chúng tôi còn một vài phi vụ nữa nhưng chẳng có gì đáng nói. Vì miếng bánh nhỏ không thể chia cho nhiều người, trong đó lại có kẻ lười lẫm, ghen tỵ mà chúng tôi đã phải làm chui. Cũng có thể thứ tư duy chui lủi này cộng với nhiều lý do khác đã khiến tôi sau này vừa đi làm Nhà nước vừa thành lập Công ty riêng, để rồi có người thắc mắc "Thấy anh ở cơ quan lờ vờ, lững thững" nhưng họ đâu biết sau lưng có cả 1 bộ máy đang được tôi vận hành hết cỡ!
“Những ngày khốn khổ” cũng đi đến hồi kết. Đọc đến đây, chắc chúng ta đã hiểu tại sao một số bạn trẻ bây giờ ăn chẳng còn thấy món nào ngon. Các bạn ấy có khổ ngày nào đâu, thậm chí còn sướng và rất sướng nên không biết thế nào là sướng. Tiền không làm ra nhưng lại tiêu như nước. Có nhọc nhằn làm ra đồng tiền thì mới biết quý trọng đồng tiền! Xã hội bây giờ vẫn còn đầy rẫy những kẻ làm giàu thông qua kẽ hở của cơ chế, chính sách và dựa vào sức mạnh của quyền lực. Đồng tiền có được quá dễ nên họ cũng sẵn sàng dễ dàng cho nhau, tặng nhau (thực chất là hối lộ), lại quả cho nhau những con số khủng khiếp! Phải chi hồi ấy chúng ta không phạm những sai lầm trong quản lý xã hội và quản lý kinh tế, để cởi trói cho sức sản xuất, để nông dân mặc sức canh tác, để những người làm việc trí óc tự do sáng tạo, mà không phải làm những việc chui lủi và không phù hợp chuyên môn. Để bây giờ, mỗi khi những người già như chúng tôi có dịp gặp lại nhau, khi ôn lại chuyện cũ thì chỉ có những trận cười mà không phải rơi những giọt nước mắt?
Tôi rất cám ơn Nhạc sỹ Trần Long Ẩn khi viết “Đêm Thành phố đầy sao” đã có câu “Được ngày vui không thể quên những tháng năm ngược xuôi”. Nó đã khơi dậy cảm xúc cho tôi viết nên thiên hồi ức dài dòng này. Nhưng mà tôi vẫn chẩy nước mắt mỗi khi nghe “Thương cha chí lớn không thành”!
P/S: Những việc tôi đã kể là được làm kết hợp song song với nghiên cứu khoa học. Chỉ người nào đến phiên được phân công thì mới làm, còn lại phải tập trung vào thực hiện đề tài. Chúng tôi phải vận hành đến 200% sức lực vì phòng chúng tôi chủ trì 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước (tôi là Phó CN thường trực 1 đề tài và tham gia 2 đề tài khác).
Dương Công Bắc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ngay-khon-kho-a7380.html