Thắng ơi, ai bảo là Thắng "đen"

Mọi năm, cứ vào dịp 27/7, chúng tôi thường đến thăm gia đình và thắp nén hương tưởng nhớ Thắng và Thành, hai bạn đại học cùng nhập ngũ đã không trở về sau cuộc chiến. Năm nay, do virus covina bủa vây Hà Nội, chúng tôi đã không đến được từng gia đình, đành thắp hương bạn qua những dòng tưởng nhớ.

chu-tr-tm1-1634261759.jpg
Liệt sỹ Nguyễn Đức Thắng.

Lớp đại học của tôi năm ấy chỉ còn có 5 thằng nhập ngũ. Mấy chục thằng khỏe hơn đã đi trước cả rồi. 3 tháng huấn luyện qua rất nhanh, và ngày vào mặt trận đã đến. May mắn có 2 trong 5 thằng ở lại ngoài Bắc. Còn Thắng, Thành và tôi được gọi là “vinh dự” lên đường.

Sau hơn 7 tháng gian khổ vượt Trường Sơn nhiều kỷ niệm, chúng tôi đã vào đến Tây Ninh. Tôi và một vài lính sinh viên khác được bổ sung về trung đội thông tin d8, e271 bộ binh và đưa đi huấn luyện sử dụng máy bộ đàm 2W. Thắng, Thành bổ sung về đại đội trinh sát trung đoàn (c21). Vậy là chia tay nhau từ đấy (thật ra còn gặp nhau vài lần khi bọn nó đi bám địch về phía d8, hoặc khi tôi quay về cứ để lấy gạo, thực phẩm, đạn dược…đi qua chỗ trú quân của c21).

Thắng ơi, ai bảo cậu là Thắng “đen”!

Suốt cuộc đời lính, từ khi huấn luyện đến khi chiến đấu và hy sinh, Thắng có lẽ là đen đủi nhất đúng như biệt danh Thắng “đen” mà bạn bè gọi từ thời còn học. Trong huấn luyện, Thắng lầm lì, ít nói bị cán bộ coi là nhân vật bướng bỉnh, hay cãi lại. Thắng đã từng bị b trưởng ra lệnh trói lại và tống vào góc nhà chỉ vì đi dép cao su mà lại mang tất chứ không phải giầy theo đúng quân lệnh (chân Thắng bị dị ứng và ra mồ hôi không đi được giầy, giải thích thế nào cán bộ cũng không nghe). Còn nữa, khi bổ sung về c21 được vài ngày, trong một lần đi trinh sát, Thắng bị lạc trong rừng giữa xung quanh là địch. Sau 2 ngày cố gắng mà không tìm được lối về, tinh thần hoang mang, bụng đói khát, sức khỏe cạn kiệt dần, Thắng quyết định dừng lại không đi nữa. May sao, sang ngày thứ 3, tốp trinh sát đi tìm đã phát hiện Thắng “đen” đang trong trạng thái tuyệt vọng, nằm trên võng mắc bên một con suối cạn…

Khoảng 1 tháng sau đó, Thắng tham gia một chuyến trinh sát bám địch ở cao điểm 904 gần dinh điền Thuần Hanh. Trước lúc đi, Thắng lấy bộ quần áo còn xanh màu Tô Châu ra mặc, ăn hết cả nắm cơm dự trữ rồi xách khẩu AK lên đường (thường ngày, Thắng vẫn vác khẩu B40, tự nhiên hôm ấy lại đổi súng – đối với lính chiến, đó là một điềm gở trước khi đi trận). Tổ trinh sát của Thắng 4 người đang đi dọc theo con đường be (đường do dân địa phương dùng xe kéo gỗ mà thành) thì lọt vào ổ phục kích. Địch bấm mìn định hướng Clây-mo và nổ sung rào rào. Khanh đi đầu tiên hy sinh ngay; Thắng đi thứ hai bị mìn quét gãy nát cả phần đùi và nằm tại chỗ; hai người đi sau cũng bị thương chạy bật trở lại. Lúc sau thấy rộ lên các loạt súng AK xen lẫn tiếng AR15 của địch…rồi cả cánh rừng rơi vào im lặng ghê sợ. Hôm đó là ngày 14/02/1974.

Mấy hôm sau, đại đội trinh sát c21 cùng một trung đội của d9 đã tổ chức đi tìm và làm công tác tử sĩ. Nhưng phải đến lần thứ hai mới tìm thấy địa điểm Thắng và đồng đội hy sinh. Anh em kể lại: Khi tiếp cận được chỗ Thắng nằm thấy xung quanh rải rác vỏ đạn AK, trước mặt có lá thư, tấm ảnh của bố mẹ và các em Thắng. Đặc biệt khẩu AK quay ngược đầu súng về phía Thắng. Phía trước, cách khoảng 5m có vài chiếc mũ sắt ngụy. Có lẽ, không muốn bị rơi vào tay địch, Thắng quyết liệt bắn trả và đã quyết định giành viên đạn cuối cùng cho mình. Trước giây phút đó, Thắng lấy thư và tấm ảnh bố mẹ, các em ra ngắm nhìn lần cuối trước khi vĩnh viễn ra đi... Chưa kịp kéo xác Thắng về phía sau thì có tiếng lựu đạn nổ và hàng loạt đạn AR15, M79 của địch bắn xối xả về phía ta. Địch dự đoán ta sẽ lên lấy xác nên tiếp tục gài lựu đạn và phục kích nhằm gây thương vong thêm cho ta. Rất may anh em đã cảnh giác nên không thương vong thêm. Chỉ vài phút sau, pháo địch đã dội cấp tập vào tọa độ ta vừa nhanh chóng rút ra. Việc tổ chức lấy tử sĩ không thành. Thắng vẵn nằm đó, dưới tán rừng xanh cao của Quảng Đức, dưới tiết trời lạnh giá của Tây Nguyên đại ngàn… Thật đau xót và thương vô cùng. Sau đó, đơn vị di chuyển sang hướng khác chặn đánh địch, không còn ai quay trở lại đó lần nào nữa.

Khi được trở ra Bắc, tôi, anh Minh già và Đồng Nhật Tiến đến nhà Thắng báo tin dữ. Bố mẹ Thắng chết lặng đi bởi các cụ vẫn hy vọng Thắng sẽ trở về. Chúng tôi không biết phải an ủi thế nào. Chỉ còn biết kể lại chi tiết hy sinh anh dũng của Thắng và giây phút xúc động về lá thư và tấm ảnh gia đình được Thắng lấy ra nhìn lần cuối. Có điều chúng tôi đã nói dối rằng Thắng đã được đồng đội chôn cất sau khi hy sinh.

Nhiều năm sau, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Rất nhiều gia đình liệt sĩ đã có được thông tin, tìm đến tận nơi và mang được hài cốt người thân của mình đưa ra Bắc. Bố mẹ Thắng đã gọi chúng tôi lại và bày tỏ nguyện vọng muốn vào Quảng Đức để tìm và đưa Thắng về. Tình huống thật nan giải. Ban đầu chúng tôi vẫn tiếp tục giấu và nói là để đi tìm hiểu thông tin ở Trung đoàn cũ về vị trí, tọa độ an táng cụ thể. Tất nhiên là không có kết quả. Phạm Mạnh an ủi các cụ, rằng có lẽ Thắng không muốn xa các đồng đội nằm lại trong đó nên đã không báo mộng hoặc cho biết thông tin Thắng nằm ở đâu chăng!. Thất vọng, nhưng các cụ cũng đành nguôi ngoai. Vài năm sau, các cụ lại quyết đi bằng được. Lần này, không nói dối được nữa, chúng tôi đành phải kể thật về cái chết của Thắng. Đau đớn đón nhận thông tin này, bố mẹ Thắng thở dài, nuốt những dòng nước mắt vào trong, lẩm bẩm: Sao lại bắt con tôi khổ thế này, hả trời…

Sau khi bố Thắng mất, vào khoảng năm 2001, mẹ Thắng lại nói với tôi: Dù không tìm được hài cốt Thắng, bác vẫn muốn một lần vào Quảng Đức để biết được nơi Thắng đã chiến đấu và hy sinh, thắp một nén hương cho Thắng và đồng đội rồi mang về một nắm đất đặt lên bàn thờ. Với nguyện vọng ấy, chúng tôi không thể ngăn cản được nữa, mặc dù lúc ấy sức khỏe của cụ, đặc biệt là cái chân đã yếu lắm. Đợt ấy, tôi không trực tiếp đi được, bèn gọi để anh Nguyễn Lâm (nguyên sinh viên khoa toán, trưởng ban liên lạc CCB271 tổ chức đưa cụ và em gái Thắng đi. Đồng thời tôi cũng gọi điện cho Đồng Nhật Tiến (ở Biên Hòa) biết để bố trí xe đón cụ ở sân bay và đưa cụ cùng đoàn đi ĐăkNông. Cũng may, chắc trời và Thắng phù hộ, chuyến đi được thực hiện đúng như mong muốn.

Theo Trái tim người lính

CCB Vũ An Ninh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-oi-ai-bao-la-thang-den-a7396.html