Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 61)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

             

ho-khuc-1634262707.jpg
Tranh minh hoa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 61.                                                                           II

Tin Khúc Thừa Dụ chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ của An Nam Đô hộ phủ bay tới Lạc Dương, kinh đô nhà Đường. Đường Ai Đế liền thiết triều bàn công việc trọng đại này với quần thần vì nó liên quan đến việc mất còn của xứ thuộc địa quan trọng.

Triều Đường do Đường Cao Tổ Lý Uyên sáng lập năm 617 sau khi tiêu diệt nhà Tùy và khuất phục được các thế lực quân phiệt khác bằng quân sự. Trải qua ba thế kỷ hưng thịnh, vào thế kỷ thứ X, triều Đường đang bước vào buổi chiều tà xế bóng suy tàn. Quyền lực của Đường Chiêu Tông không còn gì, bị quyền thần Chu Ôn (Chu Toàn Trung) lấn át. Các thế lực quân phiệt đang cố gắng tách rời trung ương. Năm 904, Chu Ôn giết vua Đường Chiêu Tông, đưa Lý Chúc lên ngôi gọi là Đường Ai Đế. Trong buổi triều đình tàn tạ, các đại thần chỉ lo cho an toàn của bản thân và gia đình. Cho nên, trong buổi thiết triều của Đường Ai Đế diễn ra trong không khí căng thẳng lo lắng, tai bay vạ gió có thể đến bất cứ lúc nào. Thời buổi mà đồng lưu, đồng triều không thể tin nhau được, ngoài miệng ngọt ngào, trong bụng đầy gươm dao, nay còn là bạn mai đã là thù. Trong không khí im lặng thì có một thái giám bước vào:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có phái bộ của Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ xin vào yết kiến.

Cả triều đình nhà Đường sửng sốt ngạc nhiên. Người Việt vốn xưa nay ương ngạnh, bất khuất, đã giành được quyền độc lập là xưng vương như hai Trưng Nữ Vương, xưng đế như Lý Nam Đế. Nay Khúc Thừa Dụ chỉ xưng Tiết độ sứ, lại còn cho sứ bộ về chầu, quả là có đối sách và có gan. Đường Ai Đế hỏi quần thần, thực chất là hỏi quyền thần Chu Ôn xem hắn quyết định thế nào:

-Có cho phái bộ của An Nam đô hộ phủ vào không các ái khanh?

  Chu Ôn bước ra:

-Thần xin bẩm tấu.

-Ái khanh cứ tâu trình.

-Thần cho rằng nên cho người của Khúc Thừa Dụ vào xem họ tấu trình như thế nào để triều đình ta rõ thêm tình hình An Nam.

Đường Ai Đế truyền chỉ:

-Chuẩn tấu, cho phái bộ của An Nam vào!

Phái bộ của An Nam gồm năm người đi sau quan thái giám tiến vào hành cung. Người đi sau quan thái giám mặc áo dài lụa đen, quần trắng, đội khăn thếp đen quấn nhiều vòng trên đầu theo trang phục của người An Nam. Người đó có dáng cao to, mặt vuông, mắt sáng, dáng cực kỳ nho nhã pha chút hùng dũng của võ quan. Bốn người đi sau đầu cũng buộc khăn thếp màu nâu, áo dài màu nâu và quần dài lụa nâu. Mấy chục con mắt của triều thần nhà Đường đổ dồn vào đoàn sứ bộ với trang phục hoàn toàn theo dân tộc Việt. Người buộc khăn đen, áo đen rất đàng hoàng đĩnh đạc cùng bốn người khác quỳ xuống và tâu:

-Bẩm hoàng thượng, thần Ngô Mân dẫn đầu phái bộ của Tiết độ sứ An Nam bái kiến, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Đường Ai Đế nói:

-Miễn lễ!

Ngô Mân và bốn người khác cùng đứng dậy:

-Tạ ơn hoàng thượng.

Đường Ai Đế hỏi:

-Tại sao chúa công nhà ngươi là Khúc Thừa Dụ thừa dịp vô cớ đánh chiếm Đại La? Tại sao chưa được triều đình ta phong đã tự xưng là Tiết độ sứ. Muốn làm phản chăng?

Ngô Mân đáp:

-Muôn tâu chúa thượng, xứ Tĩnh Hải Quân của thần dù xa xôi nhưng lòng luôn hướng về Lạc Dương, trung thành với hoàng thượng. Nhưng sau khi Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị triệu hồi, thành Đại La và xứ An Nam trở nên vô chủ, lâm vào tình trạng loạn lạc, rối ren, bách tính vô cùng lo sợ và điêu đứng. Chúa công thần là Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng tài năng và nhân nghĩa đã chủ động vào thành Đại La, trước hết là giữ yên bình cho bách tính, dẹp trừ loạn lạc, thứ hai là giữ bình yên cho giang sơn xã tắc, tránh cho trăm họ khỏi nạn binh đao. Như vậy chúa công thần là người có công với bách tính, sao gọi là tạo phản được. Nếu tạo phản thì chúa công  thần đã xưng vương, xưng đế chứ sao lại chỉ xưng là Tiết độ sứ. Còn chưa nhận được sắc phong của hoàng thượng mà đã tự xưng Tiết độ sứ thì cũng do mục đích sớm yên dân, chỉ là phải có chức danh để sớm ổn định đất nước, để điều hành công việc, để quan viên và binh sĩ nghe lệnh mà chấp pháp. Đức Không Tử cũng đã nói: Có chính danh thì thì mới định phận đó sao? Nay chúng thần từ xa xôi tới đây, một là để tỏ tấm lòng trung, thứ hai là chúng thần sẽ nhận được sắc phong Tiết độ sứ của hoàng thượng cho chúa công tôi là Khúc Thừa Dụ, để chúa công tôi có danh chính ngôn thuận mà trông coi xứ An Nam cho hoàng thượng. Chúa công thần còn có tấu thư trình hoàng thượng để rõ tình hình hơn.

Ngô Mân chuyển tấu thư cho viên thái giám, thái giám chuyển dâng cho Đường Ai Đế. Đường Ai Đế mở thư đọc qua rồi đưa thái giám chuyển cho quyền thần Chu Ôn. Chu Ôn đọc thì lời lẽ trong thư Khúc Thừa Dụ viết giống như Ngô Mân đã tấu trình. Chu Ôn thừa biết đó là những lời lẽ ngoại giao thôi, còn hành động của Khúc Thừa Dụ là nhằm giành lại quyền độc lập tự chủ cho An Nam, nhằm thoát khỏi sự thống trị của các triều đại Trung Nguyên. Nếu bình thường thì phải đem quân trấn áp. Nhưng trong tình thế hiện nay của nhà Đường, của Chu Ôn thì không thể được. Vì cử một Tiết độ sứ người Hán sang thay Khúc Thừa Dụ thì phải đưa binh mã đi cùng, như vậy chắc chắn sẽ nổ ra chiến tranh Hán-Việt. Tình hình không cho phép đem binh mã ra ngoài vì Chu Ôn sắp cướp ngôi của Đường Ai Đế, lại còn phải đối phó với các thế lực quân phiệt trong nước đang hùng cứ các phương để chia cắt Trung Quốc thành nhiều nước. Thôi thì cứ phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ, giữ ổn định tình hình An Nam rồi sau sẽ liệu cũng chưa muộn.

Đường Ai Đế cất tiếng làm tắt dòng suy nghĩ của Chu Ôn:

-Chu Ôn, ái khanh có đối sách gì với An Nam không?

Chu Ôn bước ra nói:

-Bẩm bệ hạ, trong thư Khúc Thừa Dụ xưng thần, còn tất cả nội dung giống như sứ bộ Ngô Mân đã tấu trình, thần nghĩ Khúc Thừa Dụ vẫn trung thành với hoàng thượng, vì hoàng thượng mà đứng ra gánh vác trách nhiệm vì sự an ninh của An Nam và vì bách tính. Thần nghĩ nên phong Tiết độ sứ kiêm Đồng  Bình Chương Sự cho Khúc Thừa Dụ để ông ta trông coi An Nam đô hộ phủ yên bình cho hoàng thượng.

Đường Ai Đế nói:

-Chuẩn Tấu.

-Thái giám tổng quản, viết ý chỉ của trẫm như sau: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay sắc phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân kiêm Đồng Bình Chương Sự, Lạc Dương.Thiên Hựu năm thứ ba. Khâm thử.”

Thái giám viết xong, Đường Ai Đế đóng ấn mực đỏ vào tờ sắc phong, niêm phong lại và giao cho trưởng phái bộ Ngô Mân. Ngô Mân nhận chỉ:

-Xin đội ơn hoàng thượng, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

Ngày hôm sau phái bộ rời Lạc Dương lên đường về nước.

Sau khi được nhà Đường phong Tiết độ sứ kiêm Đồng Bình Chương sự, Khúc Thừa Dụ phong cho Khúc Hạo chức “Tĩnh Hải QuânTư mã quyền tri lưu hậu”. Như vậy Khúc Hạo nắm quyền chỉ huy binh mã, quyền thay Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ. Khúc Thừa Dụ sử dụng nhân tài như Ngô Mân, Dương Đình Nghệ và nhiều anh hùng hào kiệt vào trông coi bộ máy từ trung ương đến địa phương để cải cách đất nước, xây dựng nền tảng cho độc lập của nước nhà. Khúc Thừa Dụ đã kết thúc cơ bản 1000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc. Ông đã xây dựng một giang sơn riêng, một triều đình riêng, thực sự là vua của một nước độc lập nên được gọi là KHÚC TIÊN CHỦ.

Ngày 23 tháng 7 (Đinh Dậu) năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Con là Khúc Hạo kế tiếp chức vụ Tiết độ sứ của cha. Tháng 7 năm 907 là tháng tang lễ đau buồn của họ Khúc và của bách tính người Việt. Thi hài của Khúc Tiên Chủ được đưa về trang Cúc Bồ, Hồng Châu mai táng. Các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt các châu, huyện trong nước về chia buồn với Khúc Hạo, phúng viếng, tiễn đưa người anh hùng dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng. Mãi đầu tháng tám mới xong công việc tang gia. Hôm nay, tại đại sảnh đường La Thành, Tiết độ sứ Khúc Hạo mới chủ trì phiên thiết triều đầu tiên. Khúc Hạo nói:

-Suốt một tháng nay do tang gia bận rộn, hôm nay mới ngồi bàn quốc sự với các vị. Đầu tiên ta xin thay mặt gia đình và họ Khúc đa tạ các anh hùng hào kiệt, các quan chức, tướng lĩnh trong cả nước đã đến chia buồn cùng gia đình và tiễn đưa Khúc Tiên Chủ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ta cũng như các vị đã biết một tháng qua tình hình Trung Quốc có nhiều biến động to lớn. Ta đã giao cho tướng Ngô Mân nắm bắt theo dõi tình hình chính trị Trung Nguyên. Xin mời tướng Ngô Mân trình bày để chúng ta nắm bắt được tình hình mà đề ra quyết sách cho đúng đắn.

Ngô Mân đứng dậy và nói:

-Bẩm Tiết độ sứ và các chư vị. Nhà Đường vốn đang tan rã nên các thế lực quân phiệt, hào trưởng Trung Nguyên chỉ chờ thời cơ là xưng hùng xưng bá. Tháng 7 năm nay (907), quyền thần Chu Ôn đã giết vua cuối cùng của nhà Đường là Đường Ai Đế, cướp ngôi và lập ra nhà Hậu Lương. Chu Ôn xưng đế hiệu là Lương Thái Tổ, dời đô từ Lạc Dương (Hà Nam) về Biện Kinh, còn gọi là Khai Phong (Hà Nam). Việc chu Ôn cướp ngôi nhà Đường sẽ bắt đầu một thời kỳ đại loạn, phân cát, sẽ còn nhiều nước nhỏ xuất hiện đối lập và chiến tranh với nhau. Tình hình Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng đến tình hình An Nam ta, Kính mời các quý vị theo dõi sát sao để định ra quyết sách cho phù hợp.

Khúc Hạo hỏi:

-Tướng quân Dương Đình Nghệ có cao kiến gì không?

Dương Đình Nghệ đứng dậy đáp:

-Bẩm Tiết độ sứ, sự thay đổi từ nhà Đường sang nhà Hậu Lương hay bất cứ triều đại nào của Trung Nguyên thì họ cũng không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm đóng An Nam Đô hộ phủ. Trước mắt, ta nên cử một đoàn phái bộ sang Biện Kinh buộc Lương Thái Tổ thừa nhận chức Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ của chúa công để thuận về mặt ngoại giao, quan hệ. Thứ nữa, chúng ta phải xây dựng sức mạnh của chúng ta về kinh tế, hành chính, quân đội để thoát khỏi sự khống chế của Trung Nguyên, để chống lại nhà Hậu Lương nếu chúng sang xâm lược, để bách tính no ấm yên vui, tiến tới xưng vương xưng đế, giành và bảo vệ vững chắc độc lập cho nước nhà.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-61-a7397.html