Kỳ 62.
Khúc Hạo nói:
-Hai vị nói rất hợp ý ta. Ngay hôm nay ta cử một phái bộ đi Biện Kinh giao thiệp để nhà Lương thừa nhận chức Tiết độ sứ Kiêm Đồng Bình Chương Sự của ta. Việc cấp bách là phải cải cách mọi mặt của đất nước để có sức mạnh xây dựng và bảo vệ độc lập thực sự.
Ngừng một lát Khúc Hạo nói tiếp:
-Ta sẽ vạch ra chính sánh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quan lại có hiệu quả, thanh liêm. Tướng quân Ngô Mân phụ trách việc vạch ra phát triển nền kinh tế nông nghiệp gắn với thủ công nghiệp, có lợi cho nhà nước, nhà nông và nhà điền chủ. Tướng quân Dương Đình Nghệ suy nghĩ vạch ra quyết sách xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc xâm lăng của các triều đại phương Bắc.
Hai tướng Ngô-Dương đáp:
-Xin phụng mệnh chúa công Tiết độ sứ.
Hai tháng sau, từ sự tổng hợp các bản tấu trình của các tùy tướng ở phủ Tiết độ sứ, Khúc Hạo cho cho thông cáo và ban hành những sắc lệnh mang tính chất pháp quy của nhà nước về hành chính, về kinh tế. Sắc lệnh như sau: “Đơn vị hành chính của An Nam dưới thời Đường là châu, huyện, hương, xã, quan lại người Hán nắm đến cấp huyện, nay đổi lại là lộ, phủ, châu, giáp, xã. Quan lại người Việt nắm tất cả các cấp. Nay chính quyền của ta chủ trương tăng cường cấp giáp và xã. Mỗi giáp có một Quản giáp và một Phó tri giáp trông coi. Xã có Xã quan: mỗi xã có Chánh lệnh trưởng, Tá lệnh trưởng. Nay trong toàn An Nam ta đặt thêm 150 giáp mới, cộng với giáp cũ tổng cộng có 314 giáp. Thời nhà Đường cấp xã, thành Đại La không nắm được, nay cấp xã cũng phải phục tùng chính quyền Đại La để xây dựng một chính quyền trung ương thống nhất. Khi cai trị, quan lại các cấp phải khoan dung, giản dị, nhân dân được yên vui. Khoan dung là không bắt buộc khắt khe quá đối với nhân dân. Kiên quyết chống tham quan ô lại. Giản dị là nền hành chính không quan liêu, không nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, tạo cho nhân dân yên vui, an cư lạc nghiệp. Đó là lý tưởng mơ ước của nhân dân nơi làng xã. Đó là nền chính trị thân dân.
Về kinh tế, thời Đường, tô thuế cống nạp nhiều, nhiều lao dịch gây điêu đứng nghèo khổ cho bách tính, nay chính quyền họ Khúc ta giảm nhẹ thuế ruộng, thuế đánh theo mức bình quân của số lượng ruộng đất, bỏ thuế thân (thuế đinh). Nghiêm cấm việc quan lại phiền hà, sách nhiễu nhân dân vì đồng tiền. Nghiêm cấm việc thu thuế nhiều tầng, nhiều loại nhưng cũng tránh thất thu ngân sách. Giảm nhẹ sự bóc lột của nhà giàu đối với người nghèo, giảm nhẹ sự bóc lột của nhà nước đối với bách tính. Xóa bỏ lao dịch, giảm nhẹ lao động khổ sai (chỉ dùng cho người có tội). Dung hòa quyền lợi nhà nước với làng xã, với các thành viên thôn xóm. Ta cũng chủ trương lâu dần hình thành chế độ sở hữu ruộng đất của nhà nước, đặt nền tảng xây dựng chế độ quân chủ để con cháu ta đời sau có thể bỏ chế độ Tiết độ sứ, thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Nguyên mà xưng vương, xưng đế, gành độc lập hoàn toàn.
Để tiện cho việc quản lý của nhà nước, các gia đình phải lập sổ hộ khẩu, kê khai rõ quê quán, tên tuổi, số khẩu và mối quan hệ giữa các khẩu trong gia đình. Sổ hộ khẩu giao cho Trưởng giáp, Quản giáp trông coi, quản lý và thu thuế.
Ta ra lệnh cho các tướng lĩnh chú ý xây dựng phát triển lực lượng quân sự, giữ gìn biên cương, xây dựng cấm quân bảo vệ đô thành. Chính quyền Đại La sẽ có nhiều chính sách ưu ái đối với các hào trưởng và đồng bào ít người ở biên cương, tạo điều kiện cho chính quyền nơi đây vững mạnh, một lòng hướng về trung ương và đời sống đống bào được yên vui, no ấm.
Ta cũng hi vọng qua cải cách chính trị, kinh tế này sẽ tác động đến văn hóa và tinh thần của bách tính, tăng cường ý thức dân tộc, độc lập tự chủ, bảo vệ và xây dựng nền văn hóa mang màu sắc Việt của tổ tiên để lại. Qua đó, tăng cuờng sự liên kết, tạo sức mạnh cho sự ổn định vững vàng, bảo về độc lập tự chủ của dân tộc.
Nay kính cáo.
Đại La, niên hiệu Khúc Trung Chủ năm thứ 2”.
III
Trong khi Khúc Trung Chủ đang ra sức cải cách, xây dựng củng cố nền độc lập tự chủ thì Trung Nguyên đang lún sâu vào sự phân cát giữa các thế lực phong kiến. Năm 907, Chu Ôn giết Đường Ai Đế, cướp ngôi, lập ra ra nhà Hậu Lương là năm mở đầu cho cục diện 5 đời 10 nước (Ngũ đại thập quốc). Ngũ đại là phía Bắc Trung Quốc năm triều đại kế tục nhau: Hậu Lương do Chu Ôn sáng lập, tồn tại từ 907 đến 923. Lý Tồn Úc diệt nhà Hậu Lương thành lập nhà Hậu Đường (923-925).Tiếp theo Thành Kính Đường diệt nhà Hậu Đường thiết lập nhà Hậu Tấn (936-957). Sau đó Lưu Chí Viễn diệt nhà Hậu Tấn lập ra nhà Hậu Hán (957-979). Sau cùng Quách Uy diệt nhà Hậu Hán lập ra nhà Hậu Chu. Trong khi đó ở phía Nam Trung Quốc, gần như cùng một lúc ra đời 10 nước (Thập Quốc). Đó là nước Ngô (902-937) do Dương Hành Mật sáng lập, kinh đô Dương Châu, Nam Đường, Ngô Việt (907-978) do Tiền Lưu sáng lập, kinh đô Hàng Châu, Tiền Thục (903-925) do Vương Kiến sáng lập với kinh đô Thành Đô Phủ, Sở, Hậu Thục, Mân (909-945) do Vương Thấm Tri sáng lập, kinh đô Phúc Châu Kinh, Bắc Hán và Nam Hán (917-971) do Lưu Nghiễm (Lưu Cung) sáng lập với kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu). Năm 979 Triệu Khuông Dận diệt Hậu Chu, diệt Nam Hán, kết thúc Ngũ đại thập quốc, thống nhất Trung Quốc lập ra nhà Tống (979-1279).
Thời nhà Hậu Lương (907-923), Khúc Hạo cử một đoàn phái bộ sang Biện Kinh đề nghị nhà Hậu Lương công nhận chức Tiết độ sứ kiêm Đồng Bình Chương Sự của Khúc Trung Chủ. Ngày 1 tháng 9 năm 907, nhà Hậu Lương công nhận Khúc Hạo là Tiết Độ sứ An Nam đô hộ phủ.
Năm 917, Lưu Nghiễm (Lưu Cung) thành lập nước Nam Hán. Nước Nam Hán có biên giới giáp với An Nam nên Lưu Nghiễm có dã tâm xâm lược đối với xứ sở phương Nam quan trọng này để mở rộng đất đai. Để có quan hệ tốt với nước này, Khúc Hạo cử con là Khúc Thừa Mỹ và Đại tướng Ngô Mân đem lễ vật sang chúc mừng Lưu Nghiễm lên ngôi hoàng đế. Tháng 9 năm 917 lại cho Khúc Thừa Mỹ sang Nam Hán làm “Khuyến hiếu sứ” để bên ngoài thì kết hòa hiếu, bên trong thì do thám, nắm tình hình Nam Hán. Cuối năm 917, Khúc Hạo từ trần trong sự tiếc thương và đau buồn của bách tính, của các hào trưởng, của anh hùng hào kiệt xứ An Nam. Khúc Thừa Mỹ thay cha làm Tiết độ sứ An Nam. Khúc Hạo được tôn miếu hiệu là Khúc Trung Chủ.
Hai năm sau, một sáng năm 919, trong cung điện vàng son lấp lánh của kinh đô Phiên Ngung, hoàng đế Nam Hán Lưu Nghiễm thiết triều, bàn về những công việc trọng đại của quốc gia, đó là việc cử quân xâm lược An Nam. Lưu Nghiễm nói với triều đình văn võ vẻ tức giận:
-Giao Châu hàng nghìn năm nay là thuộc quốc của Trung Nguyên, đến đời Đường tách ra gọi là An Nam Đô hộ phủ đứng đầu là Tiết độ sứ. Năm 866 đời Đường Ý Tông gọi là Tĩnh Hải Quân. Năm 906, nhân cơ hội nhà Đường suy yếu, Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị quyền thần Chu Ôn triệu hồi và giết chết vì không cùng phe cánh. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở Hồng Châu đã nổi dậy chiếm thành Đại La, tự xưng Tiết độ sứ, giành quyền tự chủ. Từ đó cho đến nay, An Nam không chịu sự khống chế của một triều đại nào ở Trung Nguyên. Đất đai ở đó giàu có, nhiều vàng, bạc, châu báu, ngọc ngà, vừa có rừng, có đồng bằng, lại có biển, thật là một vị trí quan trọng hiếm có để mở rộng xuống phương Nam. Ta muôn đánh chiếm xứ này để mở rộng giang sơn Nam Hán, hai nữa là sử dụng sức người, sức của vào chiến tranh tranh hùng tranh bá với thập quốc. Các khanh thấy việc này có hợp ý trời không?
Tổng binh Lý Khắc Chính đứng dậy nói:
-Dạ muôn tâu thánh thượng, ở thời đại nào, các triều đại Trung Nguyên dù hưng thịnh hay suy yếu thì An Nam vẫn là Giao Châu, vẫn là thuộc địa của các triều đại. Nay Nam Hán ta đất đai không phải là rộng lớn lắm, cho nên chúng ta phải thâu tóm An Nam để mở rộng lãnh thổ, phục vụ cho sự phát triển trường tồn của Nam Hán ta. Hoàng thượng nên quyết tâm, thật là hợp ý trời và lòng người. Thần sẽ đi tiên phong trong công cuộc Nam chinh này.
Đại Tư mã Lý Tri Thuận cũng đứng dậy tấu:
-Bẩm hoàng thượng, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của Nam Hán, dứt khoát phải đánh chiếm An Nam. Cái cớ để ta đánh An Nam hiện đã có. Thời Khúc Hạo đã giao hảo hữu hảo với ta nhưng nay Khúc Thừa Mỹ đã cắt đứt bang giao với Nam Hán ta. Tháng 9 năm 919, Khúc Thừa Mỹ sai sứ bộ sang Biện Kinh nhận Tiết việt của vua Hậu Lương. Mạt Đế Chu Hữu Trinh đã phong Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân cho Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ đã công khai gọi triều đình Phiên Ngung ta là Ngụy triều, là tiếm ngôi, không chính thống…
Lưu Nghiễm nghe xong tức giận đập bàn:
-Có chuyện đó sao?
Rồi Lưu Nghiễm nói thêm:
-Thực ra Khúc Thừa Mỹ có bang giao hữu hảo với ta thì cũng chẳng ích lợi gì, khi mà quyết đánh thì ta vẫn đánh. Có điều sự láo xược của Khúc Thừa Mỹ chỉ làm cho ta có cái cớ để tấn công mà thôi.
Rồi Lưu Nghiễm ra lệnh:
-Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận nghe chỉ: Nay phong Lý Khắc Chính làm Tiết độ sứ Giao Châu, Lý Tri Thuận làm Tư mã thống lĩnh 10 vạn quân tiến đánh Đại La, bắt Khúc Thừa Mỹ về Phiên Ngung trị tội!
-Dạ, chúng thần tuân chỉ.
Điều động binh mã thủy binh và bộ binh xong, Lý Khắc Chính nói với Lý Tri Thuận:
-Ta nay phụng mệnh đi Nam chinh, phải cố mà chiến thắng, nếu thất bại về thì không có đất mà chôn. Theo tướng quân, nay ta nên dùng mưu kế gì để giành thắng lợi?
Lý Tri Thuận đáp:
-Kiến thức dùng binh ở An Nam thì Khúc Thừa Mỹ là tầm thường, không đáng kể. Tướng giỏi của An Nam chỉ có Dương Đình Nghệ và Ngô Mân. Ngô Mân đã già yếu, chỉ còn Dương Đình Nghệ. Nay làm thế nào để tách đạo quân Khúc-Dương của Dương Đình Nghệ khỏi quân Khúc-Dương của Khúc Thừa Mỹ thì may ra mới có thể chiến thắng được. Muốn tách quân của Dương Đình Nghệ ra khỏi quân của Khúc Thừa Mỹ thì chỉ còn cách là nghi binh.
Lý Khắc Chính hỏi:
-Nghi binh như thế nào?
Lý Tri Thuận giở tấm sơ đồ An Nam ra chỉ tay và nói:
-Ta cho đạo bộ binh đánh vào Lục Châu, sau đó đánh vào Hồng Châu và phải dụ quân Khúc Thừa Mỹ giao chiến với ta tại Hồng Châu, trong khi đó 2/3 lực lượng thủy binh của ta bí mật tiến vào sông Bạch Đằng, theo sông Kinh Thầy đổ bộ lên Lục Đầu Giang đánh sau lưng quân của Khúc Thừa Mỹ. Bị đánh trước mặt và sau lưng, Khúc Thừa Mỹ chết là chắc.
Lý Khắc Chính lại hỏi:
-Còn làm sao tách được đội quân của Dương Đình Nghệ và Khúc Thừa Mỹ.
Lý Tri Thuận lại chỉ tay vào tấm sơ đồ và nói:
-Trước khi đổ bộ vào Lục Châu và Hồng Châu, ta cho 1/3 lực lượng Thủy quân đi gần bờ biển phao tin là sẽ đổ bộ vào Hoan Châu và từ Hoan châu đánh ra Bắc. Khúc Thừa Mỹ sẽ cử Dương Đình Nghệ vào mặt trận phía Nam để chặn quân ta. Thực ra quân ta sẽ không đổ bộ lên bờ ở Hoan Châu nhưng khi Dương Đình Nghệ biết được thì không kịp cứu ứng cho Khúc Thừa Mỹ vì đường quá xa. Khi đó Khúc Thừa Mỹ đã bị giết hoặc đã bị bắt.
Lý Khăc Chính hỏi:
-Vì sao tướng quân khẳng định Khúc Thừa Mỹ sẽ đi vào mặt trận Hồng Châu, còn Dương Đình Nghệ sẽ vào mặt trận Hoan Châu?
Lý Tri Thuận đáp:
-Khẳng định như vậy vì thứ nhất, Dương Đình Nghệ hiện đang ở quê mình là Ái Châu. Khúc Thừa Mỹ sẽ lệnh cho ông ta vào Hoan Châu vì từ Ái Châu vào Hoan Châu gần hơn một nửa đường từ Đại La vào Hoan Châu, thứ hai, Khúc Thừa Mỹ là vua của một nước, không thể đi chinh chiến xa mà chỉ có đến mặt trận Hồng Châu cho gần và thuận tiện hơn.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-62-a7428.html