Đinh Ngọc Diệp và phía sau cảm xúc

Đời không cho ai tất cả, không lấy của ai tất cả. Đó là dụng ý của nhà thơ Đinh Ngọc Diệp khi biến chim Cánh cụt thành thi ảnh.

dinh-ngoc-diep-1-1634358906.jpg
Cây đa, cổng làng trở thành một phần văn hóa tâm linh. Nguồn: Internet

Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp vừa công bố hai bài thơ “Cánh chim thả hạt vô tình” và “Biểu tượng”. Thú thực, thơ Đinh Ngọc Diệp phải đọc đi đọc lại. Ban đầu thấy nó cứ “khô khô”, đọc khó vào. Không phải chỉ riêng bài này, Đinh Ngọc Diệp “hành trình” thơ đến nay đã xuất bản 6 tập “Hành trình” về cơ bản cho thấy anh là một trường phái rất riêng, cảm xúc thơ được dấu kín. Ít tính từ, phi nhịp điệu, sử dụng nhiều các dấu chấm, gạch ngang, dấu ba chấm...trong các bài thơ làm “công cụ” ngắt câu, ngắt dòng, liên kết văn bản, nhằm biểu đạt các ý đồ thơ của anh.

Với hai bài thơ mới cũng vậy.

Ở “Cánh chim bay thả hạt vô tình”, có nhiều nhân vật cùng xuất hiện “con chim”, “quan Trạng” “con cháu nhà nông phu” xuất hiện bên “cây đa già” đầu làng. Đọc bài thơ dễ thấy cảm xúc thơ xuất hiện khi nhà thơ bước qua một cổng làng nào đó/ có thể là cụ thể, vẫn còn đâu đó, chưa bị “xóa sổ” bởi sự nghiệp “nông thôn mới”, có thể là cổng làng trong vô thức của nhà thơ.

Cổng làng cổ Việt Nam gắn liền với cây đa, bến nước...hình ảnh quen thuộc với mỗi người dân quê. Nó không chỉ gắn kết đơn thuần về mặt hình ảnh, mà còn là sự gắn kết với mỗi ngôi làng trên nhiều phương diện, văn hóa, tín ngưỡng, địa lý, phong tục, đời sống. Xa xưa, khi lập làng, các “Thành hoàng làng” cho xây dựng cổng làng. Dù không chính thức, nhưng đây được xem như một lời tuyên bố về sự hình thành và phát triển của Làng.

Cổng làng là dấu tích của một quá trình khai hoang, lập ấp, lập làng. Cổng làng từ chức năng ban đầu là bảo vệ dân làng đã trở thành dấu hiệu để nhận biết một nét văn hóa riêng, một nề nếp riêng. Cổng làng linh thiêng, bởi đó là nơi gửi gắm bằng ước nguyện của cha ông, cũng là nơi che chở cho cả cộng đồng, suốt chiều dài lịch sử. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong ca khúc “Trống hội cổng làng” của ông với cổng làng “trong ngoài là thế gian”.

dinh-ngoc-diep-2-1634358906.jpg
Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (phải) và nhà thơ Ngô Đức Hành

Đinh Ngọc Diệp, xác tín điều này “Quan Trạng vinh quy, biển hiệu vua ban từng chui dưới vòm đa / Con cháu thành nông phu. Lại ngả cày trong bóng cây châm mồi thuốc / Cũng như người, cây mong sống thọ / Hũm tối gốc đa thành ngôi nhà che mưa nắng thất thường”. Rất thân thuộc nhưng cũng rất tín ngưỡng và minh triết. Quan Trạng về vinh quy bái tổ, lão nông và hậu duệ bao đời nay, tránh nắng tránh mưa, cây đa chở che mưa nắng...Cây đa già trầm mặc như vậy “chấm lên trời nét mực nho trầm mặc” mỗi độ xuân về.

Tại sao lại trầm mặc mỗi độ xuân về? Thưa, một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Cây đa thành biểu tượng của văn hóa tâm linh, chở đạo, mong muốn bình an cho xóm làng, cho con người. Ấy nhưng, cây đa cũng như người, có đời sống, có “sinh – lão – bệnh – tử”, già thì chết, dẫu cây đa có thể thọ đến hàng trăm năm.

Trong văn hóa Việt Nam, biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều nơi khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Dưới gốc đa người Việt thời xưa hay dựng miếu thờ và lại có lệ khi bình vôi không dùng được nữa, thay vì vất bỏ thì đem treo ở cây đa. Cây đa (Ficus bengalensis) với tư cách là một nguồn gen thức vật có thể chết nhưng cây đa về “tín ngưỡng” thì không bao giờ mất đi.

...

Trong mưa bụi ngày xuân bung hạt mầm xé đất

Ngay dưới gốc đa già, quả phúc tương sinh

Mầm lên từ quả đa chín rụng

Hay cánh chim bay thả hạt vô tình

Khổ cuối của bài thơ là khổ thơ của chiêm nghiệm. Có thể không cần trả lời, mầm lên từ quả chín rụng xuống cội hay chim trời “thả hạt vô tình”. Cây đa truyền sinh, bất diệt. Chân lý “chim có tổ, người có tông”, “lá rụng về cội”...là bất diệt. Không có gì (từ tự nhiên đến xã hội) không xuất phát từ nguồn, không thể bứng được ai ra khỏi nguồn. Dòng sông lớn, dẫu kiêu hùng, cũng được làm đầy lên từ muôn ngàn suối nhỏ, âm thầm.

Ở bài thơ “Biểu tượng”, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp đã chú giải: “Một chú Chim Cánh Cụt bị dầu thải quấn bó lấy thân, dạt vào bờ biển Braxin và được một lão ngư cứu sống. Chim đã trở về sống ở Achentina, mỗi năm lại vượt 8.000 km trên biển để gặp lại ân nhân cứu mạng mình”. Câu chuyện làm ông bật lên cảm xúc để viết bài thơ và đặt tên bài thơ cung kính là “Biểu tượng”.

Đối với lão ngư trong bài thơ, con chim cánh cụt được ông xem như đứa con, yêu thương, cứu vớt.

 

Quanh bãi biển lão ngư âu yếm đứa con

Để sống một niềm tin khác giống

Cụt Cánh không ngã lòng trên sóng liêu xiêu

dinh-ngoc-diep-3-1634358906.jpg
Ông Joao Pereira de Souza và con chim cánh cụt tên Dindim. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đời không cho ai tất cả, không lấy của ai tất cả. Đó là dụng ý của nhà thơ Đinh Ngọc Diệp khi biến chim Cánh cụt thành thi ảnh. Chim phải có cánh để bay, nhưng loài chim này lại cụt cánh. Bù lại, thiên phú cho chim Cánh cụt khả năng phi thường. Không có cánh để làm chủ bầu trời, chim Cánh cụt phi phàm trong việc làm chủ biển cả, vùng băng giá. Vấn đề đáng lưu ở chỗ con chim Cánh cụt Magellan Nam Mỹ được lão ngư Joao Pereira de Souza 71 tuổi người cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011 còn biết trọng ơn cứu mạng, mỗi năm vượt quãng đường xa 8.000 km thăm lại ân nhân, con người thì sao? Trong thế giới loài vật, không có thành ngữ “làm ơn mắc oán”, “lấy oán trả ân” như con người.

Tôi thích bài thơ dừng lại ở đây, sau khi bài thơ đã làm tròn phận sự gửi đến con người thông điệp về nhân văn, đa dạng sinh học. Thi phẩm này đóng góp thêm vào dòng chảy thơ ca sinh thái vốn đang rất cần thiết hiện nay. Không gian sống của con người và muôn loài chỉ bền vững trong đa dạng vĩnh cữu. Với Đinh Ngọc Diệp, ông muốn phát triển lên. Những “con sóng”, “hoa sóng” nó thay cho biểu tượng không chỉ nhân ái, hơn thế nó là sự nhắc nhở về sự hủy diệt. Bài thơ vì vậy, cảm xúc được dấu kín sau trường tư tưởng chủ ý của nhà thơ.

...

Có thể lần nào đó

Chú chim kia biển lớn nhấn chìm

Con sóng ngỡ chôn dày nấm mồ lại nhân lên hoa sóng

Không tượng đài - biểu tượng trắng dâng dâng..

 

Hà Nội, ngày 16/10/2021

NĐH

 

Nguyên văn hai bài thơ

 

ĐINH NGỌC DIỆP

 

CÁNH CHIM BAY THẢ HẠT VÔ TÌNH…

 

Mỗi năm xuân non, cây đa già chấm lên trời nét mực nho trầm mặc

Hạt từ mỏ chim bay qua thả rơi thành cổ thụ - uốn cổng làng

 

Quan Trạng vinh quy, biển hiệu vua ban từng chui dưới vòm đa

Con cháu thành nông phu. Lại ngả cày trong bóng cây châm mồi thuốc

Cũng như người, cây mong sống thọ

Hũm tối gốc đa thành ngôi nhà che mưa nắng thất thường

 

Trong mưa bụi ngày xuân bung hạt mầm xé đất

Ngay dưới gốc đa già, quả phúc tương sinh

Mầm lên từ quả đa chín rụng

Hay cánh chim bay thả hạt vô tình…?

 

BIỂU TƯỢNG(*)

 

Để gặp lại ân nhân

Lão ngư từng cứu mình thoát chết

Chim Cánh Cụt hành trình

Lấp lánh lênh đênh tám nghìn cây số biển

 

Nước mắt làm đèn

Ngọn lân tinh soi đêm.

Chiếm bao nhiêu phần đời chú chim không cánh?

Câu hỏi ấy hóa thừa

Như máu phải luân hồi trong huyết quản

 

Quanh bãi biển lão ngư âu yếm đứa con

Để sống một niềm tin khác giống

Cụt Cánh không ngã lòng trên sóng liêu xiêu

 

Có thể lần nào đó

Chú chim kia biển lớn nhấn chìm

Con sóng ngỡ chôn dày nấm mồ lại nhân lên hoa sóng

Không tượng đài - biểu tượng trắng dâng dâng...

 

                                                                                   ĐND

 

*(Tin các báo: Một chú Chim Cánh Cụt bị dầu thải quấn bó lấy thân, dạt

vào bờ biển Braxin và được một lão ngư cứu sống. Chim đã trở về

sống ở Achentina, mỗi năm lại vượt 8.000 km trên biển để gặp lại ân

nhân cứu mạng mình).

 

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-ngoc-diep-va-phia-sau-cam-xuc-a7430.html