Cải lương, vì sao em chết?

Cải lương Miền nam hát riết không còn khán giả nên các gánh hát tư nhân, Nhà nước cũng từ từ dẹp tiệm. Nhiều người phân tích nhiều cách khác nhau, nhưng tôi chỉ xin nói cái vấn đề mình biết và thấy.

cai-luong-vi-sao-em-chet-1634435781.jpg

Trước khi cải lương còn ở thời hoàng kim và những nghệ sĩ tên tuổi được bà con chen nhau mua vé để gặp tận mặt thần tượng của mình. Mãi đến sau này bà con đi xem hát mới phát hiện ra người nghệ sỹ mà mình yêu mến, xem như là thần tượng bao năm qua thì ra họ "hát nhép" trên sân khấu.

Tại sao phải "hát nhép"?

Vì họ muốn giữ cái hình tượng trong lòng khán giả vì lý do tuổi ngày càng cao? hay là vì mỗi đêm phải chạy từ ba đến bốn show nên cần giữ sức khỏe?

Có lẽ là cả hai và nhiều khi Bầu Show yêu cầu như vậy để không bị gãy chương trình.

Nhưng hát nhép có tự bao giờ?

Câu trả lời là... lâu lắm rồi...

Từ thủa có Cải lương đen trắng trên Truyền hình người ta đã đã thu tiếng trước rồi mới thu hình sau, nên xem Cải lương trên Ti vi người ta hay thấy cái miệng không trùng với câu nói là chuyện bình thường.

(nay thì kỹ thuật tối tân nên khó phát hiện)

Từ lúc còn xài băng Cassette những tay cao thủ âm thanh đã biết xử lý phần nhạc nền cho ca sỹ đem theo để khi hát show không cần phải lệ thuộc ban nhạc và hát trên nền nhạc mình yêu thích và đã chọn. Từ đó các ca sỹ chạy show đã tập hát nhép trên nền nhạc đã thu lời của mình qua sự can thiệp chỉnh sửa của kỹ thuật âm thanh. Một là cho giọng hát mượt mà hơn, hai là khỏi phải mệt khi chạy show liên tục từ sân khấu này sang sân khấu khác và cuối cùng là bán được đĩa video.

Lúc đầu bầu Show còn ngại nên thường mướn theo một ban nhạc dỏm để "Múa lửa", hay chỉ thuê một cây Organ cho có vì sợ bị kiểm tra. Nhưng khi có đoàn hát về mấy tay quản lý địa phương cái cần là xin thiệp cho gia đình xem hát chứ đoàn hát nhép hay hát thiệt đâu mắc mớ gì ai? Từ từ sau này chỉ cần để sân khấu trống tới giờ hát ra mở đĩa... Nhép vô tư.

Hát Trực tiếp trên tivi cũng nhép, hát phục vụ Lễ hội cũng nhép, hát trên sân khấu cải lương cũng nhép (có khi nhép luôn nguyên tuồng) sân khấu Đại nhạc hội cũng nhép, lô tô hội chợ cũng nhép, hát đám cưới, đám ma... bây giờ cũng nhép tuốt. Những đoàn Nghệ thuật chân chính không hát nhép cũng không trụ nổi vì hát riết không còn khán giả đến xem, vì vậy có người đã nói:

- Ai cũng gù mà ta đứng sẽ thành người khuyết tật.

Thế là từ từ ai cũng như ai.

Có đoàn Nghệ thuật cấp Tỉnh mỗi lần phục vụ chỉ có một tiết mục ca cổ mà anh nghệ sỹ trong đoàn cũng nhép, đến khi bị sự cố... đứng cái đĩa bất tử mọi người mới biết thì ra bấy lâu nay giọng ca cổ chủ lực của Đoàn là chuyên gia hát nhép.

Một bầu Show lô tô có tiếng tăm ở Đồng Tháp, nhà anh có tiệc giỗ nên anh mời mấy ca sỹ ruột thường về tăng cường hát cho đoàn rất được bà con ái mộ, trong lúc hát anh chàng ca sỹ được một khán giả mời ly bia lúc nhạc đang giang tấu, đang nâng ly bia uống thì tiếng hát của anh ta hát vang trời trong khi ly bia còn đưa lên miệng?

Cả đám giỗ bất thình lình hét to:

- Hát nhép ... vô đi ông nội...

Ngày xưa Đoàn hát dỏm hát dở bị khán giả đuổi vô hay chọi cùi bắp, buổi sáng đoàn dông mất người ta gọi là đoàn Sóng dang (sáng dông) bây giờ toàn là Chơi xong dong (hát xong dọn liền) khán giả chưa kịp phản ứng vì phát hiện về chuyện hát nhép thì đoàn đã dọn mất tích trong đêm. Cái đoàn hát bành ky có cái bảng hiệu là Đoàn nghệ thuật thuộc sở VHTT của Tỉnh... nào đó đã hô biến trước khi trời sáng, và họ đang tiếp tục đem cái mác "Nghệ thuật" gạt người ta ở một bến khác.

Một đoàn "Nghệ thuật " như vậy mỗi đêm hát ít nhất cũng ba điểm mới đủ doanh thu để trả cho nghệ sỹ ngôi sao chạy show (dĩ nhiên nghệ sỹ cũng phải hát ít nhất là ba điểm mới lấy đủ tiền hợp đồng) từ đó chuyện nghệ sỹ hát nhép đã là một quy định bất thành văn với Bầu show từ lâu rồi.

Một đoàn hát mỗi đêm ba điểm, vậy bình quân mỗi năm hát cả 1000 bến nên riết hết chỗ hát phải trở lại bến cũ vậy là ế... vì khán giả đâu có ngu mà để bị gạt hoài.

Từ từ không còn ai chịu mua vé coi hát là vậy. Gánh hát mà không có ban nhạc, không có nhạc công, khi hát mở nhạc ra hát như hát karaoke (có khi không hát) như vậy có ai chịu bỏ tiền mua vé không nhỉ?

Một lần, Đoàn HN... đang hát ở Bến tre, buổi sáng ngồi ở quán cà phê nghệ sỹ than phiền với bầu gánh là anh chàng chỉnh âm thanh chỉnh sao mà nghe nặng nề quá... nên khó hát. Anh chàng âm thanh nghe vậy quát lên giữa chợ :

- Tụi bây toàn hát nhép không có thằng nào ca thiệt đâu mà chê âm thanh tao chỉnh nặng hay nhẹ?Nguyên đám diễn viên ca sỹ hết hồn im re. Bầu gánh vội vàng nhét vô túi anh chàng mấy trăm nói nhỏ :

- Nè mày lấy tiền đi xe về quê giùm tao cái, tụi nó hát nhép mắc mớ gì mà mầy la lên oang oang vậy.

Có cái cần phải nói rỏ là từ Miền trung trở ra Miền Bắc vẫn còn các đoàn Cải lương lưu diễn hàng đêm, bà con vẫn đến mua vé xem bộ môn nghệ thuật của Miền nam một thời. Dĩ nhiên là các đoàn Cải lương đó muốn trụ được mỗi người phải phụ trách nhiều môn, nhiều vai tuồng khác nhau và điều phải hát thiệt... Hát phải có nhạc công đàn cho người ta thấy rõ ràng.

Cộng thêm lúc thị trường băng đĩa nhựa lên ngôi, tuồng nào vai nào cũng do nghệ sỹ Tài danh đóng thì ở các đoàn cấp Tỉnh, cấp Huyện hát ai coi?

Trong khi ở Miền nam mang tiếng là cái nôi của Cải lương từ từ các đoàn nghệ thuật , những đoàn ca nhạc tạp kỷ... phải Gác kiếm giang hồ vì hát nhép. Ca sỹ Nhép bây giờ chuyển địa bàn qua hát cho Lô tô , Hội chợ và bây giờ lấn sân qua hát phá quàng cho... đám ma. Mà đôi khi ở đám ma ngoài chuyện hát nhép còn có chuyện thổi kèn nhép luôn nhé các bạn.

Sẽ có một ngày các bộ môn nghệ thuật chân chính sẽ sống lại. Bạn và tôi cứ ráng chờ nhé, chắc là phải đến một ngày... những người mang trên mình các danh hiệu cao quý của Cải lương chịu hát thiệt. /.

Theo Chuyện quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cai-luong-vi-sao-em-chet-a7453.html