Nước mắt người già

Cái cô này nè ông. Cổ là MC xinh đẹp dịu dàng vậy mà đánh, cạo trọc đầu người ta vì ghen./ Vậy à! Cô MC tên gì? Hoa Dừa./ À, nghe quen quen./Trời, cái cô xuất hiện trên tivi hoài mà ông không biết à?/ Ờ ờ, làm sao nhớ hết.... - Chà, người đẹp mà sao ác độc quá!

chu-lg-q7-1634456054.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Bà bỏ đi xuống bếp. Công việc bếp núc đang chờ bà. Ông nhìn theo mỉm cười, quay lại việc đọc sách. Tới đoạn nào quên rồi. À, đoạn đạo sĩ ngồi bên sườn núi, bắt đầu nhịn ăn. Đạo sĩ muốn tống hết tạp chất ô uế trong người để ý nghĩ được trong veo.

- Ông ơi, coi cái "du tút" này nè. Con bé mới bốn tuổi đối đáp như bà già mắc cười muốn chết.

- Nó nói gì hả bà?

- Nó bị vấp té liền chạy lấy cán chổi đánh nền nhà làm nó té. Hà hà, nó vừa đánh vừa nói hư lắm làm cho em té. Con nhà ai ngộ quá há. Quá tía lia luôn. Bởi vậy mà có hơn một triệu "lai" đó.

- Dữ quá à nghe.

- Chớ sao! À, nói cái chổi mới nhớ bên Mỹ không xài chổi. Không xài chổi thì quét nhà bằng gì hả trời. Không biết luôn. Chắc là dùng máy hút bụi. Chớ còn lá rụng ngoài vườn thì làm sao. Không biết nữa. Thiệt là bất tiện ông hả.

- Ừ, quá là bất tiện. Mỹ sao kỳ vậy hả bà?

- Ừa, kỳ thiệt. Mai mốt qua Mỹ thăm cháu ngoại chắc phải mang theo vài cái chổi.

- Cái gì? Bà nói gì kỳ vậy?

- Kỳ sao mà kỳ. Không có chổi thì làm sao quét nhà. Mà để nhà dơ một chút là không chịu được. Đây đây này. Dép ông dính gì mà trây đen như hắc ín ra nền gạch nè - bà chỉ xuống nền gạch nói.

- Dép tui đi trong nhà mà sao dơ được.

- Thì ông xem đi. Đã dặn vài ngày lấy bàn chải chà một lần mà ông cũng làm biếng. Đâu đưa dép đây.

Bà ngồi thụp xuống lột hai chiếc dép trong chân ông bước thẳng vào toalét. Lần này ông tỏ vẻ khó chịu. Cái bà này kỳ thiệt. Dép đang sạch mà mang đi chà. À, mình đang nghe nhạc tới đâu rồi. Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương. Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng... (*). Ông lắng nghe, mắt lim dim.

Cứ vậy, bà nói ông nghe. Mỗi lần bà cằn nhằn thì ông nhẹ nhàng. Nhưng có một lần ông to tiếng với bà. Đó là chiều qua, ông mang cái ghế vào sát cạnh giường ngủ để lúc cao hứng ngồi lên ngắm mặt trời lặn qua cửa sổ.

Cảnh hoàng hôn xuống dần bao giờ cũng để lại trong ông những cảm xúc bồi hồi. Bà nói ghế bụi ơi là bụi sao mang vào phòng ngủ. Rồi thì bà xách ghế ra khỏi phòng. Không có ghế ngồi ngắm cảnh hoàng hôn ông đâm bực. Ông hơi to tiếng:

- Ghế của tui ở đâu để đó! Cấm bà đụng vào!

Rồi ông kể ra hàng loạt "tội" của bà. Áo quần ông treo còn sạch thì bà đem giặt. Sách ông đang đọc dở thì bà đem cất. Ông lập giàn lưới che nắng cho mấy chậu kiểng thì bà nói dẹp giùm đi để có nắng mau khô quần áo.

Ông nói tống hết giày dép cũ ra đường thì bà nói để đó tui mang. Mà bà có mang đâu. Bà xếp lại bỏ từng đôi vào ngăn tủ. Lâu lâu bà mở ra dòm, lau bụi.

Nghe ông to tiếng bà giận bỏ đi nằm. Tới bữa trưa ông lui cui hâm thức ăn, lui cui tìm chén đũa, tìm chai nước mắm. Từng tiếng động từ nhà bếp vọng lên bà nghe hết. Lòng bà bồn chồn. Không thể im lặng được nữa, bà nói vọng xuống chén đũa chỗ này, chai nước mắm chỗ kia. Nghe vậy ông cười hỏi:

- Bà còn giận tui à? Sao bà giống con nít quá!

- Ông giống con nít thì có!

Ông cười:

- Thì tui giống con nít đó, bà chịu chưa.

Bà nguýt ông một cái rõ dài rồi quay mặt vào tường.

Ông ngồi ăn một mình, đầu nghĩ ngợi lan man. Đôi khi ông muốn bỏ đi đến một nơi nào thật xa. Một mình thả hồn vào thiên nhiên. Thong thả ngồi thưởng thức chén trà thơm buổi sáng. Lắng nghe tiếng chim hòa tấu một khúc nhạc yêu đời.

Ông sẽ không còn bị tiếng bà ngắt ngang làm tiêu tan nguồn cảm hứng. Kiểu như ông ơi biết gì chưa, thịt heo ngoài chợ hôm nay tăng giá ào ào. Ông à, con sâu làm tôi sợ muốn chết, tại mấy chậu kiểng của ông hết đó...

Nhưng rồi bà cũng ra khỏi nhà thiệt. Đó là hôm em gái bà bệnh, bà phải đi thăm. Thời gian cả đi lẫn về mất ba đêm bốn ngày. Bà quýnh quáng chuyện đi thăm nhưng cũng kịp dặn ông ăn ngủ điều độ. Sáng sáu giờ uống viên huyết áp, tám giờ nhớ uống viên bao tử.

Chiều năm giờ uống viên suy tĩnh mạch, viên mỡ máu. Tối tám giờ ăn hũ yaourt trong tủ lạnh trước khi ngủ. Kem đánh răng, bàn chải đánh răng đã thay mới. Khăn lau mặt cũng mới thay treo sẵn trong toalét.

Ông ậm ừ nói tôi biết rồi, bà yên tâm. Bà xách giỏ leo lên taxi còn ngoái lại dặn ông không thức khuya, ngủ nhớ đắp mền ngang ngực. Ông gật gật nói yên tâm đi mà. Cái bà này!

Nhưng khi quay vào ông có cảm giác căn nhà trống hoác, im lặng đến rợn người. Ông bật máy tính ngồi viết. Đầu óc không ra chữ nào.

Thỉnh thoảng thấy mắt ông hướng xuống căn bếp, nơi thường có bà đứng đó với tiếng dao thớt quen thuộc. Ông ngừng viết bước xuống bếp. Đồng hồ chỉ mười hai giờ. Giờ này đáng lẽ ông ăn cơm trưa xong và đang ngồi xem bản tin thời sự trên tivi. Ông mở tủ lạnh. Từ đây rớt ra tờ giấy.

Ông cầm lên xem. Nét chữ của bà ngoằn ngoèo. Bà dặn nấu cơm gạo một lon vo ba lần nước, đổ nước xâm xấp, chờ sôi cạn nước dùng đũa xới, để thêm chừng năm phút là ăn được. Đồ ăn thì lấy ra bỏ vào lò vi sóng hâm lên. Ông đọc, những con chữ bỗng nhòe. Khỉ thật, mắt người già nhìn gì cũng mờ. Hay tại nước mắt?

________________

(*): Bài hát Ca dao mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Theo Chuyện làng quê

Từ Nguyên Thạch

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nuoc-mat-nguoi-gia-a7464.html