Bỏ làng

Gà gáy canh ba, tay nải vắt vai, cô lò dò ra cửa. Mà có cửa đâu, chỉ là hai tấm phên tre chẳng bao giờ khép lại. Biết cô bỏ đi hôm nay chỉ có một đứa cháu, gọi là cháu nhưng nó cũng sàn tuổi cô. Nó rên rỉ: thím bỏ làng đi sao ???

chuy-qu1f-1634558499.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Cô đi phăm phăm. Hơn chục cây số là đến Huyện. Háo hức lắm , cô thích lắm, và sau chuyến xe tải là cô có mặt ở nơi cái đích xui cô bỏ làng.

Gọi là rừng thì không phải vì đồi núi mấp mô. Toàn lau sậy. Chẳng có đường mòn. Mỗi người một con dao, dọn khoảng trống dựng nhà. Và bắt đầu cuộc đời Công nhân nông trường.

Ấn tượng lãng mạn của cô là những buổi sáng chưa nhìn rõ mặt người, ra bờ suối mài dao. Mặt suối mờ hơi lạnh buốt. Nước mà để trong chậu qua đêm ngoài trời là đóng băng mà. Hai cái áo cánh nâu mỏng là tài sản duy nhất mặc hết vào người. Mà vui phơi phới.

Ấn tượng của các bạn nhìn cô là chỉ một phát, lưỡi dao cô chặt phăng thân cây bằng bắp chân, và cái điệu cười phớ lớ vô duyên trong khi người ta khóc vì nhớ nhà. Ghét ghê nhưng mà phục. Cô cứ thế nổi trội trong đám Công nhân.

Cô thì chẳng quan tâm ai nghĩ gì. Đừng đùa nhá, cha cô là ông Tổng Đoàn , một chức trong làng đủ để nhà cô không đói và không đủ để bị đấu tố năm Cải cách ruộng đất. Thế mà ông còn phải nể cô. Cao gần mét sáu, da bánh mật với đôi mắt cười long lanh, cô có giá lắm. Ở làng mười lăm tuổi là đáng lo rồi mà ba đám hỏi không thành là hông có ai "sờ" nữa nha. Cô thì đã mười chín tuổi, ba đám hỏi đều lắc. Ông bố cô giận tím mặt khi đám thứ ba đến, cô nghe lén chuyện liền nhảy tót vào : "con không lấy thằng ấy đâu".

Lần này là đám thứ bốn. Bà mối quay sang nhà trai phân trần giúp cô là vì nhà có tang chứ không phải cô ế. Rồi quay sang nhà cô khoe anh kia chưa lấy vợ vì bố mẹ mất cả rồi lại nghèo phải đi làm thuê, không lấy được vợ, nhưng bây giờ anh là bộ đội rồi. Cô cũng muốn lấy chồng: "bảo anh ấy sang đây cho con xem mặt ". Kinh không?

Anh thì quá muốn lấy vợ. Hai sáu tuổi rồi. Nhờ có Đảng, anh mới thoát kiếp nghèo hèn, anh mạnh dạn lắm. Sang nhà cô ngay, anh hỏi: "cô gọi tôi sang làm gì?". Trời ạ, cạn lời với anh.

Tức đầy một ruột. Nhưng trước mặt cô là anh bộ đội cao mét bảy, trắng trẻo. Cô gật đầu cái rụp. Thế là có đám cưới.

Vui quá. Cỗ bàn dọn ra tấp nập. Quê nghèo nhưng lời mời thì đầy đặn. Trẻ con người lớn cả làng. Nhà nào có người ốm nằm liệt là nhà đám lo trước quà đưa đến tận giường: rá cơm và chút thức ăn, có khi còn hơn phần người ăn cỗ. Bận rộn lắm nhưng ai cũng cười tươi, rộn ràng , chẳng hề cáu giận. Vài trăm mâm. Mâm gỗ , bát chiết yêu canh chuối xanh, đĩa thịt mỡ thái mỏng, đĩa lòng lợn, đều bé xíu như của Bảy chú lùn... và rượu. Rá cơm to hết lại lấy thêm. Tràn ngập không khí lễ hội trên nỗi lo bạc mặt của chủ nhà. Để có được những bữa cỗ như vậy là sự chuẩn bị từ chục năm trước. Hơn chục nhà cùng góp với nhau một cái "Họ", để khi một nhà trong Họ "có công có việc" là ới một cái, là gạo là lợn là rượu là tiền, cùng lo. Để xong nhà mình là lo cho nhà khác.

Mà đám cưới xong chưa hết vui đâu nha. Cô dì thím bác nhà cô dâu có nhiệm vụ hàng tháng liền, cơm nước xong là tối sang ngủ với cô dâu mới. Nhà cô dâu nhờ đấy, "cho cháu nó đỡ sợ". Mà khi hết "sợ" rồi thì cô dâu cũng ngủ một mình thôi, khi nào đẻ con thì có con ngủ cùng. Đàn ông ngủ nhà ngoài , phong tục thế.

Không còn bố mẹ chồng. Cô ở với vợ chồng anh cả. Đúng rồi còn gì. Nhưng mà tính cô thế, gia cảnh cô thế. Lấy chồng cô khó chịu lắm. Chị dâu ghê gớm, tất nhiên rồi. Chồng xa nhà. Tự nhiên lạ sang đây hầu hạ . Cô chán lắm. Cứ đến bữa nhìn chị dâu lôi quả bí đỏ ra gọt là cô sợ, cả nhà chồng cùng ăn bí đỏ chứ mình cô đâu. Kiểu này là "không ưa dưa có giòi đây mà". Mà cô lại hổng có “tin mừng” gì mới chán chứ.

Cô năng động lắm. Khi có tin Huyện báo về làng cần tuyển thanh niên xung phong đi khai hoang thành lập Nông trường chè, cô khấp khởi nhìn thấy lối thoát. Gọi là "đi công nhân". Khỏi phải nói tương lai Nông trường được vẽ ra xán lạn như thế nào. Nhưng thời ấy vấp phải một quan niệm: "bỏ làng" ? Không ai dám. Cả làng mỗi cô đi. Đứa cháu gần bằng tuổi sau khi can cô không được thì tủm tỉm: sau này thím về chắc sẽ mặc áo "vét ba khuy" ấy nhỉ ? Chả biết nó chúc hay giễu cô.

Tất nhiên là cô tin có ngày ấy. Không gặp thời thôi, chứ cô nghĩ được đi bộ đội cô phải là Anh hùng ấy chứ.

Năm ấy là 1961. Còn lâu tôi mới ra đời, nhưng chuyện này tôi biết rõ lắm. Mẹ tôi đấy.

Theo Chuyện làng quê

 Dì Pig

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bo-lang-a7490.html