Của thiên trả địa

Ông Quế ngồi kiểm đếm lại khoản tích cóp từ thời tại chức, để lo tiền xin việc cho con trai vào sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, tất tật các sổ tiết kiệm chỉ còn hơn một tỷ đồng, lo xong việc này là ông trắng tay.

Nếu còn tại chức, ông không cần khoản chi này vẫn lo cho cậu ấm được, bằng cách “đánh đổi” với ai đó, tôi nhận con ông, ông nhận con thằng X, thằng X nhận cháu thằng Y, … , cuối cùng thằng Z nhận con Quế.

Chỉ tiếc, ông có con muộn, nên không kịp làm gì đã đến tuổi về hưu, thì đành vậy thôi. Có đứa độc miệng bảo:

“Lúc trẻ lo ăn chơi đàng điếm, già mới lấy vợ, lại là vợ trẻ thì khổ thôi. Sương c. mù mắt, đáng đời”

Ông đã về hưu rồi thì mọi sự khác, làm gì còn cái để mang đánh đổi. Ngay cậu Tác trợ lý tổ chức, người mà chính Quế từng nhận vào chỉ với “giá” 1 chai rượu, đã nói thầm vào tai ông:

- Chuyện xin việc cho cháu, anh biết cả rồi, lệ là thế, nếu có 500 triệu đồng em sẽ tìm cửa cho cháu vào biên chế, nếu có 1 tỷ đồng thì em đảm bảo với anh, cháu sẽ có vị trí tốt để phát triển lên, sau 2 năm.

- Con số ấy ngoài sức lo của anh, em ạ.

- Anh cũng thừa biết em nhận khoản ấy rồi rải từ trên xuống dưới chứ em có được bao lăm đâu. Nguyên tắc khách chín chủ nhà một mà.

- Ừ… thì thời thế.

Ông lạ gì cái lệ ấy, xưa mỗi lần ký quyết định tuyển dụng ông đều được người ta trao một phong bì dày, để rồi ông cũng phải rải thảm từ trên xuống. Nhưng trước đây không “dã man” như bây giờ, chỉ vài triệu đồng quà cáp là ổn, bây giờ là hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mới có một xuất biên chế “có triển vọng”.

Tay bạn Ưng thì khác, hắn toang toác:

- Để cho bọn trẻ tự bơi lấy, con tôi không tự bơi được thì chết đuối, lấy đâu ra tiền mà mua cái chân ghế mục ấy.

- Không mua thì làm cách nào?

- Tư duy cứ phải vào biên chế nhà nước xưa lắm rồi, những chỗ ấy không dành cho người giỏi. Đã giỏi thì thi thố nơi khác, việc gì phải rúc vào cái chỗ bẩn thỉu hôi hám ấy, cho người ta soi mói, người ta khinh thường.

Ông Quế không làm được như tay Ưng, bạn từ thời đại học. Lão ấy cứ tưng tửng xưa nay, hai đứa cùng tốt nghiệp đại học, Ưng bằng giỏi người ta nhận ngay nên kiêu lắm, hắn không bao giờ thăm hỏi, quà cáp ai, cứ tằng tằng lên theo con đường chuyên môn nghiệp vụ, dỹ nhiên suốt đời làm trợ lý thôi chứ có được làm sếp như Quế bao giờ đâu. Ghế sếp thì phải “đấu thầu”, hắn ta không thèm nhìn đến chứ đấu thầu nỗi gì.

Quế ra trường với bằng trung bình, người ta nhận vào làm với điều kiện xuống cơ sở làm việc, thì đành thôi. Về cơ sở, xứ mù thì chột làm vua, Quế luôn ở vị trí tiên phong, được kết nạp vào đội ngũ giai cấp tiên tiến, được đưa vào nguồn phát triển cán bộ.

Sau đợt đi học cao cấp chính trị 6 tháng, đường công danh của Quế cứ thế phất lên, sau 9 năm đã vượt lên làm sếp của chính thằng bạn giỏi hơn mình, vươn lên mãi. Đến lúc nghỉ hưu Ưng vẫn chỉ là chuyên viên, còn Quế đã là sếp hàng đầu của tỉnh.

Thời tại chức, đương nhiên Ưng chỉ có khoản lương khiêm tốn nhưng chả phải tiêu pha gì khác. Quế mỗi năm gần cuối đời công chức cao cấp, thu được cả mấy chục tỷ đồng nhưng thuyền to sóng to, một cái Tết, chi quà hết mấy tỷ đồng, thu cũng được mấy tỷ đồng bù trừ đi, chỉ còn dư đôi ba tỷ đồng là nhiều.

Thế mà chi đủ thứ, từ xây nhà thờ họ đến ma chay cưới xin, cái gì cũng gọi đến Quế, sếp to nhất họ mà. Người ta viếng người thân cấp dưới 200 nghìn đồng, sếp thì phải hai tờ xanh 500 nghìn đồng, còn người thân của thượng cấp quy tiên thì tuỳ vị trí, nhẹ cũng 1 triệu đồng, nặng thì tiền viếng 10, 20, 50, 100,… triệu đồng, tuỳ. Cái gì chẳng có giá của nó, phong bì dày thì được để ý, được cất nhắc để tiền về nhiều hơn.

Ưng rảnh thì bày con học, đến đại học thì nó thả con tự bơi lấy, con Ưng luôn có học bổng vì đứng đầu khóa. Quế phải lo tiếp khách, nhậu nhẹt, mỗi lần con đi thi, bà vợ phải chuẩn bị phong bì, túi quà đủ rải những nơi cần thiết để “mua điểm” từ trước cả tháng trời. Thế nên con nhà Quế xác định đỗ từ lúc người ta chưa ra đề, chưa thi, nên nó chẳng cần học gì sất, đi chơi tít mù.

Ưng bảo:

- Tôi mà có tiền thì mua con vịt về nấu cháo bồi dưỡng cho con học tốt hơn, mang điểm 10 đỏ thắm về trả, sao phải chạy vạy khổ sở thế?

Khốn nỗi, con nhà Quế đã dốt giống bố lại lười học giống mẹ, thì phải mua điểm chứ nó có chịu học đâu, vì mất căn bản từ khi mẫu giáo, nên học cũng không vào đầu chữ nào.

Đứa lớn của Ưng đi làm thêm từ khi là sinh viên, với bằng giỏi ra trường mấy công ty đến tận cổng trường săn đón, muốn chọn chỗ nào làm cũng được. Vừa đi làm 2 năm con nhà Ưng đã xin được học bổng, lại được công ty tài trợ thêm cho đi nước ngoài học cao học rồi làm tiến sỹ luôn.

Lão Ưng cứ ngồi mát hưởng bát vàng có phải lo gì đâu. Theo chân anh, đứa em gái cũng sắp du học bằng học bổng của Anh quốc và sự tài trợ của một công ty Mỹ. Sướng thế!

Ông Quế thì khác, năm con ra trường ông sắp về hưu nên xuất biên chế, định xí phần cho con mình lại rơi vào tay người khác mất. Con Quế xin đâu cũng khó, được mấy bữa không biết bị đuổi hay nó tự bỏ.

Oái oăm, lão Quế nghe lời vợ xui dại, làm cái nhà to tổ bố, đến 7 tầng, nhưng không thiết kế kiểu ăn hộ, nên giờ muốn cho thuê phải cải tạo đi. Tốn vào đấy mất 5 tỷ đồng, gần như kiệt luôn nguồn tiết kiệm vốn đã nhỏ nhoi. Từ trước đã chi gần chục tỷ đồng cho quê rồi, cái lăng cho hai vị thân sinh hết hơn hai tỷ đồng, cái nhà thờ họ ở quê 3 tỷ đồng cộng sửa tường rào, cổng ngõ, giếng nước, ao cảnh hết 2 tỷ đồng nữa.

Cạy cục xin cho cu con vào hãng hàng không Vietnam Airlines hết 500 triệu đồng rồi, mà được ít bữa không biết tiếng Anh phải xếp việc chỗ khác, đành tự bỏ việc. Hơn hai năm vẫn lêu têu, tìm cửa cho nó hợp đồng với cơ quan cũ của ông, để chờ thời vào biên chế chính thức, đã tốn cả trăm triệu đồng quà cáp rồi. Giờ có đợt tuyển công chức chính thức thì họ rao giá 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng như thế. Nếu vào làm mấy bữa không ra gì có khi mất trắng nên ông quyết chi mức cao là 1 tỷ đồng.

Đứa thứ hai nhà Quế cũng ham chơi hơn học nhưng khi xin việc chắc phải bán nhà vì chẳng còn nguồn nào nữa. Mà bán nhà thì đi ở đâu được, tiếng là trị giá 20-30 tỷ đồng mà không thể gọt ra ăn dần được. Cay thế!

Ôi thế là của Thiên trả Địa tất.

Hết.

Trương Thành Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cua-thien-tra-dia-a7491.html