Lính tên lửa - Người Kẻ Giàn

chlagviet1-1634559785.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, thành ngữ "Đảng viên đi trước, Làng nước theo sau" đúng đến từng centimet với gia đình ông Nguyễn Đình Thanh-Bí thư Đảng uỷ Trung hoà xã-Từ liêm huyện-Thăng long thành (thập kỷ từ 1960 đến 1973). Ông Thanh là chú ruột Nhạc phụ Tôi, Nhạc phụ Tôi lại là tù Côn đảo duy nhất ở làng Giàn thời kháng chiến chống Pháp được trao trả Tù binh 1954 (có Giấy ghi công của Nhà nước). Trừ một tên con trai cận lòi ra, thì tất cả các con trai, con gái của ông Thanh đều lần lượt vào Bộ đội ráo cả (trong đó có nhân vật chính của bài viết này : Nguyễn Đình Thắng-con trưởng)

Tôi ấn tượng về Binh chủng Tên lửa từ thuở học sinh cấp 2,3 có 2 đẫn đáng nhớ. Một là Đoàn văn công Phòng không Không quân sơ tán tại làng Giàn Trung Kính hạ hai lần, mỗi lần 6 tháng 1966,1967. Bác Toàn Đoàn trưởng trọ ở nhà Tôi, các Yếu nhân Huy Du, Doãn Nho, Xuân Sách, Xuân Thiều, Hải Hồ đến làm việc, Đội trưởng đội múa Thanh Tùng, Nhạc sỹ của đoàn là bác Phúc, chú Tạo và mọi người hay đến nhà Tôi. Tôi khoái hay chuyện trò trực tiếp với chú Nhạc sỹ Hoàng Tạo (gầy, da tươi màu suy nghĩ, trộm vía xấu tai mà tài ằng ặc) sáng tác ối bài hát cho văn công tập tại nhà chú hai Toát, mà Nhạc sỹ Thanh Phúc béo tròn chuyên cầm đũa Chỉ huy tập tành. Nhớ bài hát "Tên lửa ta về sông Đà" của Nhạc sỹ Hoàng Tạo, nhạc đệm có cả tiếng trống tom tom chát của Chuẩn uý nhạc công tên là Quý (tuổi 40 cái lá vàng rơi, vợ hay lên thăm con rể phải đèo đi) Hai là có một buổi chiều đi học băng qua cánh đồng giữa làng Giàn và làng Cót thì còi báo động nổi lên, cả lũ mũ rơm đội đầu ngồi chỗ cái gò gần mương hàng Cót, nom mấy tốp máy bay Mỹ từ mạn Hoà bình vọt về phía Hồ tây. Nghe bụp một phát nhé : thấy quả tên lửa của ta vọt từ mặt đất lên, sạt qua chiếc máy bay Mỹ bay ở dưới (máy bay này bùng lửa và rụng luôn) quả tên lửa tiếp tục đi lên đâm trúng chiếc máy bay trên cao, toé lửa và khói, trận đó năm 1967, tin là có báo đăng ngày giờ sự kiện hy hữu trên hồi đó. Còn Tôi vẫn nhớ như in clip đó trong óc không thể nào quên.

Làng Giàn từ trước tới nay, lớp tuổi trung niên trở ra thì đinh ninh có ba Vị làm lính tên lửa là :

1-Nguyễn Duy Hải (con ông Hồi rìa đông của xóm Trại, con rể trưởng của ông Tý Hoà chi thứ nhất họ Trần, nhà bố vợ cạnh cây Đề cổ thụ đầu thôn Trung Kính hạ) Anh Hải đi Liên xô học điều tên lửa lớp đầu tiên của Binh chủng (thập kỷ 196x) ở Trung đoàn Ra đa dẫn đường, đi cùng anh Khải con tướng quân y sáng chế ra thuốc becberin lừng danh. Anh Khải về nhà anh Hải chơi, bén duyên...sau này làm con rể cụ phó Thường xóm Đầm. Anh Hải đi chiến đấu lăn lộn từ Bắc vào Vĩnh linh Quảng bình, Thượng tá về hưu làm Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Trung hoà mấy khoá. Anh Hải đẹp trai, thấp béo có nụ cười tươi "đẹp dịu dàng mà không chói loá" dễ mến, nói hay sôi nổi các thức, phu nhân thuộc tuýp mẫu siêu nạc

2-Anh Nguyễn Đình Định con ông Trưởng chi Nguyễn Đình Lãng nhà gần cổng xóm Chùa cuối làng, cũng làm con rể bác Tý hoà họ Trần) làm lính lái xe xich chuyên kéo khí tài tên lửa. Anh Định mặt rỗ hoa mà có duyên ăn nói, cái cười hì hì và giọng đặc tiếng làng Giàn. Người anh ý cao lòng khòng, thẳng tính nói năng khúc triết, chăm lo việc Họ (Anh Hải, anh Định khéo rủ nhau làm anh em cọc chèo rể họ Trần "hoa thơm oánh cả cụm" hai bà chị họ của Tôi dạng người mẫu siêu nạc, ít nói cơ mà có nụ cười quyến rũ siêu đẳng)

3-Nguyễn Đức Chiêu, nguyên sinh viên Đại học Bách khoa đi lính đận 1971-lính Trắc thủ ở trong kíp xe điều khiển tên lửa, đã bắn rơi máy bay Mỹ xuống hồ Hữu Tiệp của làng hoa Ngọc hà, mạn Đội Cấn xưa ?! (Tôi chưa có tư liệu xác nhận) Lý do Phu nhân Ngài ấy đi đâu cũng hay chuyện tự hào "Nhà em mới lên Tivi, Báo chí đăng lưu được khối trận đánh của nhà em, video ghi ầng ậc nhé" đại khái thế. Mừng thay cho Ngài ấy "suýt được phong Anh hùng chứ chả chơi", Ra quân về học tiếp ĐHBK sau làm Giám đốc một xưởng Luyện kim màu. Một tay tháo vát, giỏi kiếm xèng khéo che dấu tài năng sau khổ người bệ vệ, mắt lờ đờ, cười hề hề tinh quái. Hàng năm tháng 12, kỷ niệm trận "Hà nội-Điện biên phủ trên không" lại được trên réo đi chén một bữa, hà hà.

Biên sơ ba cựu binh đàn anh vậy thôi, vì chả có tư liệu.

Hoá ra không phải thế, mà còn có thêm bốn Chiến sỹ Tên lửa người làng Giàn của Chúng ta nữa, Đó là những người kín tiếng, ít nói chuyện về mình khi trở về với đời thường, nhưng trong các sách in Lịch sử đơn vị ghi chép rõ ràng chiến công của Họ gắn với tập thể (Tôi sẽ đề cập ở cuối bài viết). Họ nhập ngũ cùng ngày 30/4/1966 từ nông dân làng Giàn vô ngay Binh chủng kỹ thuật hiện đại ngày ấy, cụ thể như thế này :

-Nguyễn Đình Sớm (con ông Khuya nhà gần cổng Mả đầm xóm Đầm) sau này đi oánh nhau tới tận Sài gòn ngày 30/4/1975 lịch sử, là cán bộ được cử vào Ban Quân quản SG, giữ chức Chủ tịch Phường cho đến khi nghỉ hưu về Quê hương ta ơi, đại loại thế. Anh này chăm chuyện hàng tổng, giọng nói lắp bắp, khôn lanh thích ứng với thời cuộc, có nhà cho thuê dư dả sống cuối đời

-Nguyễn Đình Thắng (con ông Thanh Bí thư Đảng uỷ, nhà sát miếu Văn chỉ trong khuôn viên sân Mẳng Hài đầu thôn Trung Kính hạ) Anh Thắng đang học dở lớp 9 (hệ 10 năm phổ thông) nên nhớ thập kỷ 196x, số học sinh học cấp 3 của 1 xã đếm được chưa đủ 10 đầu ngón tay, được coi là người có văn hoá và liên xã huyện Từ liêm xưa mới có 1 trường Yên hoà đặt ở làng Giấy. Xung phong đi vì hồi ý có phong trào con em cán bộ gương mẫu đi Bộ đội cho con em nhân dân noi theo, anh Thắng học kíp Trắc thủ Cự ly. Anh Thắng cao gày, mũi khoằm thẳng tính, không nên không phải góp ý thẳng thừng và chân tình lắm nữa. (Ngõ 110 TDH có Nguyễn Khánh Bình chuyên gia Hán Nôm là anh rể Nguyễn Đình Thắng chuyên gia sửa chữa thiết bị VTĐ, cả hai vị đều nổi tiếng sửa tivi trong làng ngoài tổng, cùng công tác tại Cục đường sông)

-Tô Như Thìn (con ông ba Tý xóm Điếm xưa, gia đình đi khai hoang Yên bái trở về 1965) vào cùng Tiểu đoàn 62 Trung đoàn 236 Sư đoàn 361 nhưng ở bộ phận Bệ phóng. Anh Thìn lưng khòng khòng, ít nói, chu đáo với bà con họ hàng, anh Thìn mất đã lâu.

-Lê Tất Thục (Hang) là con ông Lê Tất Vụ (nhà đối diện Câu lạc bộ ở giữa làng Giàn là trắc thủ Nguồn (Máy nổ) d64, cùng e236 và đi cùng ngày nhập ngũ với Thắng, Thìn, Sớm. Anh Thục trắng trẻo đẹp giai, mắt ốc nhồi, hiền như con gái, có bà vợ Thượng tá công an Nga (Dím) người xóm Chùa cả. Anh Sớm và anh Thục cùng cạ có lắm nhà cho thuê...

Chức năng các bộ phận của một trận địa tên lửa, muốn hiểu biết ghi đủ sẽ là dài, dễ làm mỏi mắt Chư vị, nói gọn đại thể là :

-Một kíp Trắc thủ trong một xe đặc chủng gồm Tiểu đoàn trưởng Chỉ huy. Sỹ quan bấm nút (SQ điều khiển). Trắc thủ góc tà (điều khiển quả tên lửa lên xuống). Trắc thủ cự ly (đo khoảng cách từ trận địa tới mục tiêu máy bay). Trắc thủ phương vị (điều khiển trái phải). Ba Trắc thủ này đòi hỏi kết hợp với nhau nhịp nhàng nhuần nhuyễn ăn ý các thức mọi nhẽ

-Ngoài ra có kíp chuẩn bị đạn, thông tin VTĐ, Báo động Tiêu đồ 99, 55. Bệ phóng (mà anh Thìn làng tôi làm lính cho đến khi ra quân)

-Trận địa tên lửa còn có xe thu phát sóng PA (Ra đa), Xe điều khiển UA, Xe tính toán AA, Xe phát điện máy nổ, Xe chia điện RMA, Xe vận chuyển tên lửa...

Trong cuốn "Lịch sử Trung đoàn Tên lửa 236 (Đoàn sông Đà) 1965-2015" có điểm sự ra đời, các Chiến công, Tổng số máy bay Mỹ bị Trung đoàn bắn rơi trong thời kỳ 1965-1973 là 196 chiếc, tập thể và cá nhân được phong Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tôi tìm ra và trích nguyên văn những trận mà Nguyễn Đình Thắng làm Trắc thủ cự ly tham dự

-Trang 129 : 15h05ph ngày 2/4/1972 Sở chỉ huy lệnh cho d62,d64 tập trung đánh tốp B52 từ hướng tây nam lên ném bom các vị trí tập kết của bộ đội ta bằng phương pháp 3 điểm. d62 do Tiểu đoàn trưởng Liên Chính trị viên Bích chỉ huy. Kíp chiến đấu có các đ/c Thắng, Sang Miều...cả hai Tiểu đoàn phóng 4 quả đạn vào tốp B52, một chiếc B52 bị d62,d64 bắn rơi đầu tiên trong Chiến dịch Bình Trị Thiên (mở màn 30/3/1972-kết thúc 2/5/1972)

-Trang 131 ngày 7/4/1972 lúc 8h4ph tại Trận địa Bến Bốn d62 bắn rơi 1 chiếc F4, d64 bắn rơi F4 và OV-10

-Trang135 18h45ph ngày 30/4/1972 tại trận địa La ngà, d62 bằng phương pháp 3 điểm đã phóng 1 quả đạn bắn rơi 1 chiếc B52 ngay trên bầu trời Quảng trị . Trận đánh do Tiểu đoàn trưởng Liên chỉ huy. Kíp chiến đấu gồm sỹ quan điều khiển Thiêm, các Trắc thủ Thắng, Mai, Miều...được BTL mặt trận điện biểu dương. sau trận đánh máy bay B52 phải tạm dừng hoạt động tạo điều kiện cho Quân ta tiến công giành thắng lợi (2/5/1972 hoàn toàn giải phóng thị xã Quảng trị

-Trang 138 : 20h58ph ngày 12/7/1972 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Hùng, Chính trị viên Bích. Kíp chiến đấu của d62 gồm SQ điều khiển Thiêm và các trắc thủ Thắng, Mai, Miều bám dát dải nhiễu B52 sử dụng cách đánh 3 điểm, phóng 3 quả đạn bắn rơi một chiếc B52

-Trang 142 : 17h15ph 6/9/1972 Kíp chiến đấu của d62 gồm Tiểu đoàn phó Hùng, SQ điều khiển Thiêm và các trắc thủ Thắng, Mai, Miều ở trận địa Nông trường Phú quý phóng hai quả đạn bắn rơi một chiếc B52. 20h55ph ngày 15/9/1972 d62 bắn rơi thêm 1 chiếc B52. Ngày 1/1/1973 d62 được tuyên dương Anh hùng LLVTND (Hết trích)

Tám năm làm lính Tên lửa 1966-1974, từ một học sinh lớp 9, mày mò tiếp thu khoa học kỹ thuật. Chàng trai Nguyễn Đình Thắng chuyển ngành về Cục Vân tải Đường sông miền Bắc, sửa chữa tất cả các máy thông tin VTĐ của các Xà lan tàu thuyền. Thời kỳ Hà nội rộ lên tivi, đầu video nội địa Japan, Anh làm không hết việc chuyển hệ đường tiếng 4,5 (tư bản) sang đường tiếng 6,5 Mhz (xhcn) và sửa tivi màu dư dả việc nuôi con cái. Phải chăng nhà xưa gần Văn chỉ làng Giàn, ở hiền gặp lành mà các bậc Túc nho xưa phù hộ độ trì, cho tất thảy Linh Tên lửa người làng không có một ai toạch trong chiến đấu ác liệt. Nên nhớ cho Chiến tranh phá hoại thì các trận địa pháo cao xạ, tên lửa được Không quân Mỹ ưu ái thả nhiểu bom, mượn sóng rada tặng sơrai, săm soi chụp ảnh và nhăm nhăm xoá sổ, thương vong người trận địa và hỏng khí tài thì vô kể. Riêng anh Thắng sáng láng quả óc, chăm con đường tự học hành mà thành người của kỹ thuật tới chót đời chăng ta?

Thiển nghĩ, nếu trong các thôn làng Việt Nam ta có người ghi chép lại Phong cảnh-Con người-Sự kiện lịch sử trong vùng, lưu lại cho thế hệ sau biết, chẳng hay lắm sao. Chuyện ngoài Chính sử có ưu điểm rất riêng, như dòng văn hoá dân gian chảy ngầm bền bỉ. Những nhân vật chiến đấu giỏi lại không hay viết, không thích kể về mình. Họ về Giời tích xưa để gió cuốn đi...tiếc ôi là tiếc. Các chàng trai Tên lửa U70, U80 này, người làng mấy ai còn nhớ Chiến công của Họ trong cuộc chiến, nếu như Tôi không kể ra đây.

P/S Tổng kết hai cuộc chiến tranh làng Giàn Trung Kính hạ có các Cựu Chiến binh tiêu biểu : Thiếu tướng Tình báo (Nguyễn Ngọc Điệp) Đại tá Tăng Thiết giáp lính 6971 (Nguyễn Gia Vừa), Đại tá văn phòng BTTM (Trần Duy Hoạt), Đại tá Cục Kỹ thuật vận tải (Nguyễn Duy Hoan), Đại tá NSND (Nguyễn Ngọc Anh) 2 Thượng tá Nguyễn Khánh Thường (Quận đội trưởng huyện Từ liêm) Nguyễn Duy Hải Sỹ quan Tên lửa. NSUT (Nguyễn Duy Thường) 1 Dũng sỹ diệt Mỹ Núi thành 1965 (Nguyễn Công Thỉnh), 2 TTND (Nguyễn Thành, Nguyễn Bản). Trừ món phi công ra, người làng ta có mặt tại các binh chủng hợp thành của QĐND anh hùng. Tầm được cuốn sách Lịch sử Tên lửa Việt nam, vui bèn viết ra bài ni.

Theo "Làng Việt xưa và nay"

Trần Minh Hải

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/linh-ten-lua-nguoi-ke-gian-a7492.html