Nhớ về trận đánh căn cứ Cấm Dơi, giải phóng thung lũng huyện Quế Sơn (Quảng Nam) - Tháng 7 và 8 năm 1972

Cấm Dơi là một căn cứ phòng thủ kiên cố hiện đại, có vị trí chiến lược được quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1967 cho Lữ đoàn 173 Thủy quân lục chiến sau đó bàn giao cho Quân lực VNCH (quân ngụy).

chu-traitim-1d-1634636696.jpg

 

Căn cứ Cấm Dơi cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km về phía Tây Nam, cách thị xã Tam Kỳ khoảng 30 km về phía Tây Bắc và cách quốc lộ 1A gần 20 km về phía Tây. Lực lượng quân địch tại Cấm Dơi- Quế Sơn gồm 3 Trung đoàn 5 và 6 của Sư đoàn 2 bộ binh, 1 Trung đoàn Thiết giáp, 1 chi đoàn xe bọc thép M113, 1 Liên đoàn Biệt động quân, 2 Liên đoàn Bảo an và hơn 2000 lính trong các ấp chiến lược, các khu dồn.

chuy-trai-tim3d-1634636877.jpg
Hai ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Pháo binh chi viện trực tiếp cho Cấm Dơi có hơn 50 khẩu pháo ở 7 trận địa xung quanh. Không quân có hàng trăm máy bay các loại ở Đà Nẵng và căn cứ Chu Lai. Ngoài biển có pháo hạm của hải quân Mỹ sẵn sàng chi viện. Vào chiến dịch hè- thu năm 1972, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã hạ quyết tâm tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi nhằm đập tan tuyến phòng thủ của địch, giam chân sư đoàn 2 bộ binh của địch tại phía Nam thành phố Đà Nẵng, chia lửa với mặt trận Trị - Thiên và mở rộng vùng giải phóng huyện Quế Sơn. Trận đánh căn cứ Cấm Dơi đã được lãnh đạo Quân khu 5 và sư đoàn 711 chuẩn bị công phu về tư tưởng, tổ chức lực lượng, kỹ thuật hậu cần và kế hoạch trận đánh qua 3 giai đoạn: tiêu diệt các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài của căn cứ Cấm Dơi, đánh địch phản kích tái chiếm và cuối cùng là tiêu diệt khu trung tâm căn cứ Cấm Dơi.

Tiểu đoàn pháo cao xạ 44 và tiểu đoàn pháo mặt đất 130 ly của Cụm 572 đã tham gia lực lượng phối thuộc, chịu sự chỉ huy của Sư đoàn Bộ binh 711. Tiểu đoàn 44 có nhiệm vụ đánh máy bay địch, bảo vệ các mục tiêu của ta tại khu vực cứ điểm Hòn Chiêng, là tiền tiêu cao nhất được ví như mắt thần bảo vệ khu trung tâm căn cứ Cấm Dơi. Các trận địa pháo cao xạ 37ly phối hợp với các trận địa súng máy phòng không 12 ly7 của Sư đoàn 711 đã tạo thành một lưới phòng không tầm thấp bảo vệ các trận địa pháo và đội hình bộ binh của ta.

Đêm 22 rạng sáng ngày 23.7.1972, ta mở đầu cuộc tấn công các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài căn cứ Cấm Dơi. Hồi 5h10’ Trung đoàn 31 nổ súng tấn công núi Bàng Thùng, tiếp đến trung đoàn 38 nổ súng tấn công cao điểm Hòn Chiêng, trung đoàn 9 tấn công cứ điểm Động Mông - Đá Hàm. Một khu chiến rộng lớn đã mịt mùng trong khói lửa. Những tia chớp sáng lóa và những tiếng nổ vang dội từ các loại vũ khí bộ binh của ta giáng xuống đầu quân địch. Bị đánh đòn bất ngờ, quân địch trên các cứ điểm hoảng loạn chống đỡ. Trung đoàn 38 tiến công nhanh chóng sau 30 phút chiến đấu đã tiêu diệt lực lượng của địch làm chủ cứ điểm Hòn Chiêng. Đến 7h15’ sáng 23.7.1972, Trung đoàn 9 cũng đã tiêu diệt hết quân địch làm chủ các chốt trên cứ điểm Động Mông- Đá Hàm. Trung đoàn 31 tấn công cứ điểm Bàng Thùng gặp các chốt quân địch chống trả quyết liệt, máy bay và pháo binh của địch đánh chặn đội hình bộ binh của ta đang tiến công. Đất đá trên các mỏn đồi bị bom pháo của địch cày xới từng mét đất, cỏ cây bốc cháy đen xém từng mảng đồi. Cuộc chiến đấu kéo dài đến ngày 25 tháng 7, pháo binh của Sư đoàn phải hỗ trợ hỏa lực mới dứt điểm, tiêu diệt gọn tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 của địch để làm chủ cứ điểm Bàng Thùng. Chỉ trong 2 ngày các mũi tiến công của Sư đoàn 711 đã tiêu diệt gọn các cứ điểm Hòn Chiêng, Động Mông- Đá Hàm và Bàng Thùng.

Quân địch bị mất cùng một lúc 2 cứ điểm vòng ngoài làm cho căn cứ Căn cứ Cấm Dơi trở nên trơ trọi trước nguy cơ bị tiêu diệt, vì vậy chúng đã phản ứng điên cuồng điều Trung đoàn 5 của Sư đoàn 2 lên phản kích giải tỏa nhằm đánh chiếm lại các cứ điểm đã mất để bảo vệ căn cứ Cấm Dơi. Cuộc chiến đấu của chúng ta chống địch phản kích tái chiếm diễn ra gay go quyết liệt. Địch sử dụng các loại máy bay trinh sát, máy bay cường kích, pháo hạm từ ngoài biển và pháo binh ở các trận địa xung quanh đánh phá dữ dội, kể cả sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 hủy diệt các lực lượng của chúng ta. Tiểu đoàn pháo cao xạ 37ly cùng với các đơn vị súng máy phòng không 12 ly7 của sư đoàn 711 đã hiệp đồng chiến đấu đánh trả những đợt tấn công dữ dội của máy bay địch.

Chính trị viên tiểu đoàn pháo cao xạ 44 Nguyễn Xuân Điền đã nhận được điện của Bộ chỉ huy sư đoàn 711 “cho pháo cao xạ 37 ly bắn thẳng vào cứ điểm Hòn Chiêng đánh trả lực lượng của địch đang tấn công lên tái chiếm”. Các khẩu đội pháo cao xạ 37ly đã đồng loạt nhả đạn bắn tan tác đội hình phản kích của địch để bảo vệ cứ điểm Hòn Chiêng khiến cho bọn còn lai hoảng loạn phải bỏ chạy. Cuộc chiến đấu đánh địch phản kích tái chiếm các cứ điểm giằng co kéo dài gần nửa tháng. Trận địa đại đội 11, Tiểu đoàn pháo cao xạ 44 đã bị một tốp máy bay cường kích A4 D của hải quân Mỹ ném bom bắn phá gây tổn thất nặng nề. Chính trị viên đại đội Lê Tuấn Trang và y tá đại đội Hồ Xuân Nghị đã bị thương. Y tá của tiểu đoàn 44 Lý Thạc Vinh đã nhanh chóng cấp cứu nhưng vết thương quá nặng, hai anh đã hy sinh tại trận địa. Các mũi tiến công của Trung đoàn 9, 31, 38, Sư đoàn 711 đánh địch phản kích tái chiếm đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch, giữ vững được các cứ điểm Hòn Chiêng, Động Mông - Đá Hàm, Bàng Thùng đồng thời đánh bại cuộc phản kích tái chiếm của địch.

Giai đoạn 3 trận đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi và chi khu, quận lỵ Quế Sơn đã được Bộ Tư lênh Sư đoàn 711 chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để đảm bảo chắc chắn thắng lợi. Ngày 18.8.1972 hỏa lực các loại của ta có cả pháo mặt đất 130ly, hỏa tiễn B72 lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Khu 5 cùng các đơn vị cối 120 ly, DKZ 75ly ...dồn dập bắn vào căn cứ Cấm Dơi. Các mũi tiến công của sư đoàn 711 lần lượt áp sát cửa mở phá hàng rào tấn công địch. Máy bay cường kích A37 của địch với nhiều tốp liên tiếp đánh phá đội hình bộ binh của chúng ta, máy bay B52 ném bom rải thảm nhằm cứu vãn tình thế cho căn cứ Cấm Dơi. Cả khu chiến ngập chìm trong khói lửa cùng tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom pháo, súng nổ liên hồi. Sáng ngày 19.8.1972 cuộc tấn công của ta vào khu trung tâm căn cứ Cấm Dơi càng quyết liệt và sự chống trả của địch từ trung tâm căn cứ Cấm Dơi rất điên cuồng. Pháo 130 ly và hỏa tiễn B72 của chúng ta tiêu diệt từng mục tiêu kiên cố trong căn cứ của địch. Những trận địa súng máy phòng không 12 ly7 của sư đoàn 711 đã hiệp đồng chiến đấu đánh nhiều trận, liên tiếp bắn cháy 2 máy bay cường kích A37 của địch khi chúng bổ nhào ném bom vào đội hình bộ binh của chúng ta. Trong lúc hỗn loạn máy bay trực thăng của địch lượn vòng hạ thấp độ cao để tìm đường giải cứu bọn chỉ huy căn cứ Cấm Dơi. Pháo binh của ta tiếp tục bắn cấp tập vào căn cứ Cấm Dơi. Trận địa pháo, bãi đậu máy bay trực thăng, các lô cốt hầm ngầm, sở chỉ huy khu trung tâm Cấm Dơi lần lượt bị tiêu diệt. Bộ binh sư đoàn 711 nhanh chóng xông lên sử dụng đạn B40, B41 tiêu diệt các ổ đề kháng cuối cùng của địch làm chủ Căn cứ Cấm Dơi.

Đến 18 giờ ngày 19.8.1972 trận đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi và chi khu, quận lỵ Quế Sơn đã kết thúc. nhân dân từ các ấp chiến lược, các khu dồn trở về quê cũ làm ăn, thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Quân khu 5, về việc xây dựng lực lượng ba thứ quân, về xây dựng các đơn vị binh chủng pháo mặt đất, pháo cao xạ và tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh tiêu diệt căn cứ phòng ngự mạnh nhất miền trung với lực lượng của địch lên tới cấp sư đoàn bộ binh hỗn hợp và được sự hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ của không quân, hải quân Mỹ.

Chiến thắng Cấm Dơi và giải phóng thung lũng Quế sơn là kết quả lãnh đạo tập trung của Quân khu 5, tinh thần chiến đấu anh dũng của toàn thể cán bộ chiến sĩ ta trên chiến trường, sự tham gia tích cực của cán bộ và nhân dân huyện Quế Sơn đã có đóng góp to lớn về nhân công về lương thực đảm bảo cho cuộc chiến đấu thắng lợi. Hơn một vạn nhân dân của huyện Quế Sơn sau 18 năm bị kẻ địch chiếm đóng kìm kẹp nay đã được giải phóng trở về quê hương của mình. Chiến thắng Cấm Dơi- Quế Sơn góp phần làm thất bại một bước chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Đế quốc Mỹ. Đối với những người cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn pháo cao xạ 44 ngày ấy, qua trận chiến đấu này đã tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những trận chiến đấu, những chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng và xây dựng củng cố đơn vị ./.

Theo Trái tim người lính

 CCB Nguyễn Văn Kiểu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-ve-tran-danh-can-cu-cam-doi-giai-phong-thung-lung-huyen-que-son-quang-nam-thang-7-va-8-nam-1972-a7529.html