Ca khúc về những cuộc tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ                            

Tòng quân / nhập ngũ là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, là niềm tự hào của mỗi người con trai đất Việt khi đến tuổi trưởng thành. Giờ phút tiễn đưa người con trai lên đường, kẻ ở, người đi bao giờ cũng lưu luyến, bịn rịn; đặc biệt là trong bối cảnh đất nước có chiến tranh.

   

chuy-tn-1634650327.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 Khi đó, người con trai lên đường nhập ngũ, đồng nghĩa với sự đối mặt với trận chiến, sự hy sinh ác liệt, thì từ giờ phút chia ly đó đưa đến cho người ở lại sự lo lắng. Giây phút chia tay đong đầy bao cảm xúc, bao lời dặn dò, bao lời hứa hẹn ấy đã được các nhạc sĩ bắt lấy để sáng tác.

Cho đến nay, trong di sản ca khúc cách mạng, hiện mới biết có 3 ca khúc về chủ đề này, là các bài: “Gởi anh đi đầu quân” - Nhạc và lời Nguyễn Thơ, sáng tác năm 1962; “Tiễn anh lên đường” - Nhạc và lời Nguyễn Văn Tý, sáng tác năm 1964; và “Hãy yên lòng, mẹ ơi!” - Nhạc Lư Nhất Vũ - Thơ Lê Giang, sáng tác năm 1978. Ba ca khúc được sáng tác ở ba thời điểm khác nhau, với ba trạng huống tâm lý, cung bậc tình cảm người đi / người con trai lên đường nhập ngũ với kẻ / người thân trong gia đình và bạn bè trong cuộc chia ly này cũng khác nhau.

Hai ca khúc “Gởi anh đi đầu quân” và “Tiễn anh lên đường” được sáng tác trong bối cảnh chúng ta đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, song đất nước vẫn bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc. Miền Bắc hòa bình tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta trong giai đoạn này là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, miền Bắc là hậu phương lớn có nhiệm vụ cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những năm tháng đó, đã có hàng triệu thanh niên nhập ngũ, cũng có nghĩa là có hàng triệu cuộc chia tay với biết bao tình cảm luyến lưu khôn tả.

Trong ca khúc “Gởi anh đi đầu quân”, là cuộc tiễn đưa không mang tính chất vùng miền Nam – Bắc, mà mang không khí chung của thanh niên cả nước. Khi chia tay người con trai đi đầu quân / nhập ngũ,  người con gái (có thể là người yêu, có thể chỉ là người em gái hậu phương), gửi tặng người con trai tòng quân một hiện vật là chiếc áo và chiếc khăn. Không như bao chiếc áo có chức năng che thân thể, tránh nắng mùa hè, giữ ấm mùa đông như các chiếc áo bình thường, mà là chiếc áo mang nặng nghĩa tình của người con gái / người ở lại. Người con gái làm ra chiếc áo ấy đã gửi gắm cả tình yêu thương của mình. Vì vậy, chiếc áo là kỷ vật thiêng liêng:

“Áo đây em may, may yêu may quí.

Khăn này em thêu, thêu nhớ thêu thương.

Gởi anh lên đường mạnh giỏi đi đầu quân.

Vì nước vì dân anh lên đường diệt thù chung”.

Khi chia tay, ta không nghe thấy lời hứa hay lời dặn dò gì của người ra đi với người ở lại, mà chỉ nghe thấy lời của người ở lại / cô gái nói với người ra đi. Đó là lời khẳng định rõ ràng:

“Chí trai xung phong, anh quân giải phóng

Lương thực nuôi quân, em nữ dân quân”

Và khẳng định hai người cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ để có ngày đoàn tụ:

“Rủ nhau ta cùng bảo vệ quê đồng quê.

Diệt hết thù chung, anh quay về lại gặp nhau”.

Sau hai năm ca khúc “Gởi anh đi đầu quân”, năm 1964, bài “Tiễn anh lên đường” ra đời. Khác với ca khúc trên, ca khúc này rõ ràng là cuộc tiễn đưa diễn ra trên đất Bắc, người con gái hậu phương tiễn người yêu lên đường ra tiền tuyến. Là hậu phương, nhưng quân và dân miền Bắc luôn sẵn sàng chiến đấu, và trên thực tế vào thời điểm bài hát ra đời, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh bắn phá, ném bom vô cùng dã man xuống các thành phố, làng mạc ở miền Bắc. Người ở lại cũng tham gia chiến đấu như người chiến sĩ trên chiến trường. Ca khúc chia làm 2 đoạn / 2 lời khác nhau.

Đoạn 1, là lời người con gái nói với người con trai. Đó là lời động viên của người ở lại - hậu phương với người ra đi – tiền tuyến và lời hứa mình sẽ làm tròn việc nước, việc nhà:

“Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà em yêu,

Việc nhà, việc nước dẫu có bao nhiêu em sẽ làm tròn.

Anh cứ yên tâm vững bước anh lên đường.

Non nước nơi nơi lớp lớp đang lên đường

Mối thù tạc dạ can trường anh nêu chí người trai quyết không bao giờ lui.

Căm thù giặc Mỹ sục sôi anh ra nơi tiền tuyến em vào dân quân

Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền

Thề quyết đánh tan giặc Mỹ, Nam Bắc nối liền ta sẽ gần nhau

Căm hờn lửa đốt càng nung nhân dân cả nước đang cùng ra tay

Quân Mỹ kia nó xâm phạm vùng này, thì các tay súng đây cùng bắn em quyết có ngày em sẽ lập công”.

Đoạn / Lời 2 của bài hát là lời người con trai / người đi / anh bộ đội hoặc TNXP  nói với người con gái / người ở lại. Đó là lời căn dặn của người đi với người ở lại, với những căn dặn rất cụ thể:

“Anh đi mỗi bước còn trông cánh đồng làng mênh mông.

Ở nhà hợp tác sẽ gắng thêm công, hôm sớm vun trồng.

Xưa gái thay trai kháng chiến bao năm dòng.

Nay gái thay trai gắng sức thêm trên đồng

Cố xong thủy lợi khoanh vùng, em chăm bón nhiều hơn, bón chăm cho nhiều hơn”.

Trước sự lo lắng và căn dặn của người đi, để người ra đi yên tâm, người ở lại đã tự hào khẳng định rằng, em đã làm tốt:

“Anh thì vượt núi trèo non, em lo cho đồng lúa xanh rờn nơi nơi.

Anh thấy chưa chúng em học cày rồi.

Này chớ có lo mùa tới đây thiếu những người cuốc bẫm cày sâu”.

Và cô gái đã vẽ lên một tương lai sum họp của ngày chiến thắng:

“Mai ngày giặc Mỹ phải tan, chim vui tổ ấm không còn đôi nơi.

Nam Bắc ta sẽ sum họp đời đời

Đồng lúa chúng ta đẹp lắm

Non nước sáng ngời hơn những mùa xuân.”

          Sau đại thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng làm hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đất nước ta vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ 30 năm, độc lập, thống nhất cùng tiến lên CNXH, thì chính quyền phản động Pôn Pốt – Iêng Xri ở Campuchia đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Những thanh niên ưu tú của đất nước lại lên đường nhập ngũ ra biên giới. Những cuộc chia tay lại diễn ra với bao sự lo lắng, lời dặn dò và cũng ngần ấy niềm tin vào ngày chiến thắng trở về.

Ca khúc “Hãy yên lòng, mẹ ơi!” của vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã ra đời trong hoàn cảnh đó (năm 1978). Về hoàn cảnh ra đời của bài hát rất đặc biệt. Bài hát viết về chính cuộc chia tay của gia đình nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với người con trai của mình lên đường nhập ngũ, khi quân xâm lược đã xâm phạm biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết: “Năm 1978, trên lầu 6 của một chung cư, chúng tôi tiễn đứa con trai Lê Anh Trung lên đường nhập ngũ, đi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Con trai ôm hôn ba mẹ và có lời chào chia tay, giọng nói đầy xúc động và ngắn gọn: “Ba, mẹ hãy yên lòng về con”… Câu nói “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau”, thật ứng với đôi vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Từ lời chào chia tay của đứa con trai, ngay lập tức đã bùng lên trong nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang phác thảo ngay bài hát “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!”. Nhà thơ Lê Giang có nhiệm vụ viết lời / làm thơ, còn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có nhiệm vụ phổ nhạc.

Không giống như hai cuộc tiến đưa của người con gái / người ở lại với người con trai lên đường, mà là cảnh người mẹ tiễn đưa con trai yêu quí lên đường ra biên giới đang có chiến tranh. Vì viết về cuộc chia tay con trai, nên bài hát “Hãy yên lòng mẹ ơi!” nhà thơ Lê Giang viết đúng về tâm trạng, tình cảm của mình / của con trai đối với mình mà chỉ người mẹ mới hiểu hết, mới cảm, mới thấu nhận được. Mẹ tiễn con trai lên đường ra nơi biên giới đang chiến tranh. Trước mũi tên hòn đạn, …không nói thì ai cũng biết, người mẹ lo lắng thế nào cho đứa con yêu của mình. Song, ở ca khúc này, ta không thấy một tình cảm bi lụy nào, mà tràn đầy khí thế hào hùng ra trận và niềm tin chiến thắng.  Ta không thấy lời lo lắng, động viên con mà ta thấy một cảnh thật khác lạ, chính người ra đi vào nơi chiến trận, nơi cái chết rình rập,… lại là người thấu hiểu nỗi lo và chủ động an ủi người ở nhà. Người con trai hứa hẹn, động viên, an ủi mẹ. Người ở nhà / mẹ lại là người lo hơn cho người ra đi… Nhưng chính người ra đi lại lo cho người ở lại / Hứa, để người ở lại Yên lòng…

Ca khúc bố cục thành hai đoạn.

Đoạn A nói về đoàn quân đang tiến về biên giới Tây Nam. Nét nhạc phỏng theo nhịp trống thôi thúc, kêu cứu của người dân Campuchia trước thảm họa diệt chủng của bọn Khơme Đỏ:

“Đoàn quân bước trên đường rừng

Bình minh lấp lánh chân trời xa.

Miền biên giới xanh thẳm

Hạt sương long lanh cành lá.

Từ nơi biên cương núi cao

Người lính qua trăm suối ngàn đèo

Lắng nghe tiếng của mẹ hiền

Ngày đêm giục bước con hành quân.

A! Ai gọi đời ta

Rền vang núi sông tiếng ru của mẹ

Chúng con đi hòa theo ước vọng chan chứa mặn nồng

Tình non nước chẳng bao giờ phai

Tình quê hương thiết tha đời con ! »

Đoạn B điệp khúc là tiếng nói trái tim của những chàng trai hướng về người mẹ sinh thành và Mẹ Tổ quốc Việt Nam:

“Rừng thay lá bao mùa rồi

Đoàn quân chiến đấu xa làng quê.

Mẹ ơi hãy yên lòng

Dù bao gian lao ngày tháng.

Trường Sơn hay nơi đảo xa

Đoàn chúng con xin quyết giữ gìn.

Chúng con luôn bên mẹ hiền

Ngày đêm vững bước trong đoàn quân.

A! Như giục lòng ta

Mẹ ơi có nghe núi sông vang dậy.

Tiếng quân reo hòa theo ước vọng son sắt nguyện thề.

Vì non nước hiến thân đời con.

Vì quê hương mến yêu Việt Nam!”

Bài hát “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!” được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sử dụng qua sự trình bày của tốp ca Đoàn Ca múa Bông Sen. Bài hát là lời động viên, cổ vũ kịp thời thanh niên nhập ngũ. Bởi không lâu sau ngày ca khúc ra đời, vào đầu tháng Giêng năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Quân dân ta đồng loạt tiến công khắp nơi đánh đuổi bọn Khơ me Đỏ, bảo vệ đồng bào và biên giới nước ta, đồng thời giải cứu nhân dân Cam pu chia khỏi nạn diệt chủng. Bấy giờ, phong trào văn nghệ quần chúng nở rộ khắp nơi nhằm động viên tiễn đưa thế hệ thứ tư nhập ngũ lên đường hướng về biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường “K”. Ca khúc “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!” qua giọng ca của Mai Trực, Lê Hành, Việt Thắng, Minh Quang,…là một trong những bài hát được nhiều nơi biểu diễn nhất. Thiết nghĩ, con trai của đôi vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – Lê Giang cũng là đồng tác giả của ca khúc bất hủ này. “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!” đã trở thành câu nói cửa miệng của biết bao chàng trai với bố mẹ trước khi chia tay lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng của một đấng nam nhi với Tổ quốc.

Ba bài hát về tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông sáng tác vào ba thời điểm / hoàn cảnh khác nhau, có những điểm không giống nhau về phong cách âm nhạc, về giai điệu, về ca từ, đương nhiên. Song, đều có một điểm chung là không bi lụy, đều chứa chan niềm tin vào ngày gặp mặt, khi non sông yên bình, đất nước sạch bóng thù. Điều đó, làm nên sự trường tồn của bài ca cách mạng.

 

TS. Nguyễn Minh San

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ca-khuc-ve-nhung-cuoc-tien-thanh-nien-len-duong-nhap-ngu-a7535.html