Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 66)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

     

le-hoan-1634696168.jpg
Tranh minh họa: Đội quân tinh nhuệ 3000 người của Dương Đình Nghệ. Nguồn: Internet.

       

Kỳ 66.

VI  

Tin tức Dương Đình Nghệ tiêu diệt Lý Khắc Chính, lấy lại thành Đại La, tiếp theo đó là tin Ngô Quyền và Đinh Công Trứ đánh bại quân cứu viện của Trần Bảo ở Kê Từ-Lạng Châu bay khắp cả nước làm bách tính, anh hùng hào kiệt, hào trưởng vô cùng vui mừng phấn khởi vì giành lại được quyền độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của phong kiến Trung Quốc hàng nghìn năm. Cờ vàng mang chữ Khúc-Dương bay khắp thành Đại La, bay khắp cả nước, từ Hợp Phố đến Hoan Châu. Dương Đình Nghệ cho quân đội và bách tính ăn mừng trong hai ngày.

Tại đại sảnh đường trong thành Đại La, công sở của Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ họp mặt các tướng lĩnh. Dương Đình Nghệ nói:

-Mời các tướng quân cạn chén mừng thành Đại La và đất nước được giải phóng. Chúc mừng chiến công của tướng quân Đinh Công Trứ, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ và của các tướng sĩ quân đội Khúc- Dương.

Mọi người đứng dậy:

-Chúc mừng chúa công, chúc mừng Đinh tướng quân, Ngô Tướng quân, Dương tướng quân, Phạm tướng quân.

-Đa tạ, đa tạ.

Mọi người cạn ly trong không khí vui vẻ và an tọa. Phạm Bạch Hổ nói:

-Thưa chúa công, thưa các chư vị tướng quân, nay ta đã giành được độc lập. Đất nước một ngày không thể không có chủ. Kính mời chúa công nhận chức Tiết độ sứ, đất nước có người chủ để bách tính, các anh hùng hào kiệt  yên lòng, còn là được  tuân theo hiệu lệnh để xây dựng bảo vệ đất nước.

Dương Đình Nghệ nói:

-Đó là một công việc nên làm, nhưng năm 923 Khúc Hậu Chủ bị bắt, một số con cháu của ngài đã thoát được ra ngoài và về Ái Châu với ta như Khúc Thừa Cường. Ta nghĩ Khúc Thừa Cường nên ngồi vào ghế cha ông họ Khúc đã để lại để nối chí tiền nhân.

Mọi người nhìn Khúc Thừa Cường. Khúc Thừa Cường đứng dậy chắp tay thưa:

-Bẩm chúa công, thưa các chư vị tướng quân. Năm đó hoạn nạn, đa tạ chúa công đã bao dung nuôi dưỡng cả nhà mạt tướng vẹn toàn và trưởng thành cho đến ngày nay. Nhưng mạt tướng không thể ngồi vào chiếc ghế đầy trọng trách đó. Thứ nhất là mạt tướng bất tài và còn quá trẻ, không đủ tài đức gánh vác, thứ hai là phụ thân mạt tướng là người làm mất nước, thứ ba là đất nước này được khôi phục lại được là nhờ công lao của chúa công và các chư vị, mạt tướng không có công lao gì. Xin đa tạ chúa công đã cưu mang gia đình mạt tướng trong cơn hoạn nạn, nay lại còn nhớ tới họ Khúc. Nhưng mạt tướng thực ra không đủ tài đức ở vào chức vụ quá sức như vậy, e sẽ làm tổn hại đến quốc gia. Mong chúa công nghĩ lại.

Đinh Công Trứ nói;

-Khúc Thừa Cường nói phải lắm, công việc đứng đầu quốc gia là một trọng trách quá nặng nề, khó nhọc, phải đủ tài đức, nhiều kinh nghiệm, lại phải được anh hùng hào kiệt, quan chức các cấp và bách tính tín nhiệm, tâm phục khẩu phục, uy đức vang xa bốn biển, vua chúa phương Bắc nghe phải khâm phục nể sợ. Nay chúa công là người tài đức, uy vũ vang bốn phương, bách tính đều mong muốn, xin chúa công đừng từ chối nữa.

Các tùy tướng đều đồng thanh:

-Mong chúa công ngồi vào ghế Tiết độ sứ vì đất nước, vì bách tính, vì lê dân.

Dương Đình Nghệ đứng dây:

-Đa tạ các tướng quân đã tín nhiệm, thôi thì vì đất nước, vì lê dân ta không thể thoái thác.

Mọi người đứng dậy chắp tay:

-Xin chúc mừng Tiết độ sứ chúa công.

Dương Đình Nghệ đáp lễ:

-Đa tạ, đa tạ các chư vị tướng quân.

Rồi Dương Đình Nghệ nói tiếp:

-Để phát triển kinh tế, mang lại đời sống ấm no cho bách tính, chúng ta vẫn phải tiếp tục những chính sách của Khúc Tiên Chủ và Khúc Trung Chủ, sửa đổi lại chế độ tô, thuế và lao dịch cho nhẹ gánh cho dân. Về quản lý, vẫn duy trì sổ hộ khẩu giao cho Trưởng giáp trông coi để quản dân và  thu thuế, củng cố lại hệ thống quan chức nhà nước để phát huy hiệu quả của các cấp chính quyền, nhất là đơn vị giáp và xã. Sử dụng người tài đức vào bộ máy nhà nước, kiên quyết chống tham quan ô lại. Chính trị vẫn khoan dung giản dị đối với lê dân để dân được no ấm, yên vui. Quân sư Phạm Bạch Hổ và những tùy tùng ở phủ Tiết độ sứ phải viết thành pháp lệnh để thông báo cho quan và dân thực hiện.

Phạm Bạch Hổ đứng dậy:

-Xin tuân lệnh Tiết độ sứ chúa công.

Dương Đình Nghệ nói tiếp:

-Về trấn trị các nơi, nay căn cứ theo tài đức mà bổ nhiệm. Ở các châu vẫn duy trì quan viên như cũ, duy có Đại La, nay cử Dương Tam Kha làm Tổng trấn có nhiệm vụ canh phòng bảo vệ Đại La, bảo vệ tư dinh của Tiết độ sứ. Nay cử Đinh Công Trứ làm Thứ sử  Hoan Châu, Ngô Quyền làm Thứ sử Ái Châu. Hai châu này là những hậu phương trọng yếu của quốc gia hiện tại và cả sau này. Hai tướng quân vào đó phải cai trị sao cho dân no ấm yên vui, thanh bình, quân giỏi tướng mạnh, lương thực nhiều để làm hậu phương cho đất nước. Thứ sử ở các châu khác cũng phải cai trị như vậy, ai vi phạm trừng trị quyết không tha.

Kiều Công Tiễn đứng dậy chắp tay:

-Thưa nghĩa phụ, quê con ở Bạch Hạc, Phong Châu, xin nghĩa phụ cho con làm Thứ sử  Phong Châu.

Dương Đình Nghệ nói:

-Xưa  nay, kẻ làm quan ở quê nhà sẽ trở nên hư hỏng vì họ hàng anh em nhờ cậy. Nhờ cậy quan không được thì họ nhờ vợ con quan. Nể tình anh em họ hàng, vợ con quan vi phạm và cuối cùng quan vì vợ con cũng vi phạm phép nước. Con có tài thì hãy ở lại cùng các tùy tướng giúp việc tốt ở phủ Tiết độ sứ. Đây cũng là những công việc quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước, trong việc cai trị lê dân.

Trên khuôn mặt dài và gian manh của Kiều Công Tiễn lộ vẻ tức giận, nhưng Tiễn cố dấu và nói:

-Con xin tuân lệnh nghĩa phụ

Sau đó những người họ Kiều, những người họ Khúc và những người khác theo Dương Đình Nghệ đã được bổ nhiệm quan chức trong chính quyền mới. Chính quyền Dương Đình Nghệ đã trọng dụng nhân tài, đời sống nhân dân no ấm, xã hội yên vui, quốc phòng hùng mạnh, chính trị thân dân. Các anh hùng hào kiệt, các thế lực hào trưởng đều ủng hộ, tôn kính và yêu mến Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

                                                               VII      

Sáu năm sau. Đó là năm 937. Trấn trị Bạch Hạc, thủ phủ của Phong Châu chìm trong màn đêm yên tĩnh, bóng đêm đen phủ tối như bưng, không gian vô cùng tận. Chỉ còn phân biệt được trời cao bởi những vì sao nhấp nhánh xa xăm, chỉ còn phân biệt được hạ giới bởi muôn cây đang khua lá xạc xào theo gió. Những con sông Hồng, sông Lô, sông Đà với những dòng nước lững lờ trôi vô tận theo năm tháng. Trong màn nhung đen le lói những ngọn đèn dầu trong làng mạc tỏa ra từ những cư gia. Tiếng chó sủa văng vẳng lan xa trong đêm thanh vắng.

Trong căn phòng sang trọng của phủ Thứ sử ở Bạch Hạc xếp đầy đồ bằng vàng, bạc lấp lánh, bàn ghế gõ lim, sến khắc chạm hoa văn cây lá, hoa quả cầu kỳ, sơn son thếp vàng, khảm trai bóng loáng. Thủ phủ trấn trị của một châu địa phương miền trung du mà xa hoa lộng lẫy không kém gì phủ Tiết độ sứ ở Đại La. Chủ nhân của thủ phủ và căn phòng sang trọng này là Thứ sử Kiều Công Tiễn. Ban đầu, Kiều Công Tiễn xin Dương Đình Nghệ cho làm Thứ sử Phong Châu nhưng Dương Đình Nghệ không cho, lấy cớ quan lại làm quan ở quê nhà, họ hàng vợ con sẽ làm hư hỏng quan, quan chức ban đầu tốt nhưng sau đó theo đà đi dần vào con đường hủ bại. Nhưng Kiều Công Tiễn ôm nhiều tham vọng như tham vọng làm giàu, muốn vơ vét nhiều vàng bạc, muốn nuôi dưỡng lực lượng tay sai để tạo thế đi lên. Kiều Công Tiễn cho rằng có tiền bạc thì sẽ có vũ lực, có vũ lực thì có quyền và khi có quyền thì càng vơ vét được nhiều tiền bạc. Nhưng muốn đạt tham vọng đó phải xa Dương Đình Nghệ, một người cha nuôi nhân nghĩa, chỉ vì bách tính và vì nước. Tính cách này hoàn toàn trái ngược với tính cách của Kiều Công Tiễn, tham lam, ích kỷ và tàn bạo. Kiều Công Tiễn có thể vì quyền và vì tiền sẵn sàng phản bội và chà đạp lên đạo lý. Cho nên Kiều Công Tiễn đã nhiều lần xin Đương Đình Nghệ và cuối cùng Tiết độ sứ đồng ý cho Tiễn về làm Thứ sử Phong Châu.

Đêm nay, Kiều công tiễn cho mời con cái, anh em về để bàn một công việc quan trọng. Trong lúc chờ đợi, Kiều Công Tiễn ngồi trên tràng kỷ uống vài chén rượu suông và nhớ cái thời khoảng hơn 13 năm của hắn trước đây. Hắn nhớ lại khoảng năm 924, khi đó hắn đã 53 tuổi mà chưa lập được một chút công danh và thân phận gì, dù mang danh là con cháu hào trưởng đất Phong Châu nhưng đến đời hắn thì nghèo xơ xác. Bản thân học hành kém cõi, tài năng không có gì đặc biệt nhưng rất khát khao quyền lực và giàu có để đè đầu cưỡi cổ bách tính. Đối với Kiều Công Tiễn, nhân nghĩa và cao thượng vì dân vì nước mà các anh hùng hào kiệt, các hào trưởng đang đề cao là một sự xa xỉ, lừa bịp. Hắn cho rằng để đạt mục đích phải gian xảo, mưu mô và thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn hèn hạ, bất nhân, bất nghĩa.

Hắn nhớ lại cái ngày năm 924, nghe tin Dương Đình Nghệ đang chiêu mộ các anh hùng hào kiệt ở Ái Châu để đánh đuổi quân Nam Hán, Kiều Công Tiễn nghĩ đến con đường lập thân là về với Dương Đình Nghệ. Hắn về với Dương Đình Nghệ không phải là vì mục đích đánh đuổi Nam Hán mà xem con đường Dương Đình Nghệ đang đi có mang lại lợi ích gì cho hắn không. Đối với hắn, ngoại bang hay người Việt thống trị không quan trọng, cái quan trọng là hắn có được thăng quan phát tài hay không. Tổ quốc và bách tính đối với hắn chẳng có ý nghĩa gì. Hắn nhớ lại lần gặp đầu tiên, Dương Đình Nghệ hỏi hắn:

-Đại nhân quê ở đâu?

-Dạ, mạt tướng quê ở Bạch Hạc, Phong Châu.

-Đại nhân về đây có nguyện vọng gì không?

-Dạ, bẩm chúa công, mạt tướng muốn gia nhập vào trong số 3000 nghĩa tử của chúa công để báo đền nợ nước…

Đương Đình Nghệ vốn đang rất ái ngại với nhân tướng của Kiều Công Tiễn. Hắn có khuôn mặt dài, môi mỏng, mắt nhìn xéo, gian xảo. Nhân tướng này là nhân tướng của kẻ vong ơn, phản bội. Trong mưu việc lớn cho nước nhà mà nuôi kẻ phản bội trong nhà thì thất bại không biết lúc nào. Nhưng lời nói của Kiều Công Tiễn đã xua tan ý nghĩ của Dương Đình Nghệ. Dương Đình Nghệ nói:

-Đại nhân gia nhập vào 3000 nghĩa tử là một vinh hạnh lớn cho lão phu. Nhưng…

Kiều Công Tiễn hỏi:

-Chúa Công còn nghi ngại gì chăng?

-Đại nhân năm nay bao nhiêu tuổi?

-Bẩm chúa công, mạt tướng sinh năm 870, năm nay mạt tướng 54 tuổi.

Dương Đình Nghệ nói:

-Vậy là bất tiện rồi, vào đội nghĩa dũng toàn là người trẻ, họ xưng là nghĩa tử và nhận lão phu làm nghĩa phụ. Lão phu sinh năm 874, kém đại nhân 4 tuổi, không dám làm nghĩa phụ của đại nhân được.

Kiều Công Tiễn nói:

-Bẩm chúa công, không sao ạ, miễn là mạt tướng được chúa công dạy dỗ, dìu dắt để mạt tướng nên người.

Dương Đình Nghệ có nhược điểm là cả tin người cho nên nghe Kiều Công Tiễn nói vậy, ông cho đó là những lời nói thật lòng. Vả lại, với Dương Đình Nghệ, công việc đánh đuổi Nam Hán là trên hết. Mọi người, mọi việc mà phục vụ cho mục đích đó đều có thể chấp nhận.

Sau này, sự xảo hoạt của Kiều Công Tiễn đã mang lại kết quả. Dương Đình Nghệ không đưa Kiều Công Tiễn về đội dũng sĩ, vì ở đó huấn luyện theo chế độ đặc biệt để đạt võ nghệ cao cường, sức bền bỉ và sức chịu đựng chiến đấu vô cùng khốc liệt, rất gian khổ trong rèn luyện, kỷ luật khắt khe. Kiều Công Tiễn tuổi cao sẽ không chịu nổi, cho nên Dương Đình Nghệ cho hắn làm gia tướng của ông.

Trong đại doanh của Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn chỉ đố kỵ và sợ một người, đó là Ngô Quyền. Kiều Công Tiễn không chỉ đố kỵ mà đôi khi còn căm thù Ngô Quyền, bởi đức độ cao thượng, nhân nghĩa, tài năng mà Kiều Công Tiễn không thể có được, lại còn tính cách hoàn toàn trái ngược với Ngô Quyền. Càng đố kỵ, ý nghĩ và khát vọng đen tối nung nấu nhiều năm nay của Kiều Công Tiễn là phải trở thành Tiết độ sứ ngày càng lớn lên làm hắn mất ăn mất ngủ. Hắn mơ ngày hắn thành Tiết độ sứ được ngồi ngồi trên cái ghế quyền lực cao nhất, ngồi trên núi vàng bạc, ngồi trên muôn triệu con người. Khi đó, những kẻ đối lập về tư tưởng, nhân cách, tài năng với hắn như Ngô Quyền phải chết.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-66-a7550.html