Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Sửa xe – lộn xích

Anh ruột thằng Cưu tên là Hoành. Nó cao to, trông vụng về nhưng thực ra nó lại cần mẫn, khéo tay nhất trong mấy anh em nhà này. Không những khéo tay, nó còn khéo chân có lẽ nhất phố Hàng Bột. Cuối chiều là nó nghỉ làm lên hè sát tường Văn Miếu để đá cầu chinh. Nó vít cầu, đá cầu. Đôi chân dài đá dẻo như múa.

chuy-lang-que2-1634732608.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

Cửa hàng ở 162B Hàng Bột là nơi bố mẹ bán hàng nước. Nó xách hòm đồ nghề ra xế cửa nhà, chỗ ngã ba Hàng Bột – Phan Văn Trị mở hàng sửa chữa xe đạp. Chỗ trước cửa nhà hộ sinh cũ của bà Quế, nay là khu văn phòng của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1, rộng mênh mông.

Một cái hộp đựng đạn ngày xưa đựng đồ nghề, một cái bơm và một chậu thau đựng nước. Thế là đủ “dây chuyền sửa chữa xe đạp”.

Nghề sửa xe đạp cứ như là không phải học, biết tí ti nghề cơ khí và chịu khó là làm được. Những ai đi xe đạp, do bận hay do lười nên hỏng vặt họ vẫn mang ra hàng.

Nói thế nhưng có những công đoạn, không có nghề không được. Vành bị đảo, phải mang ra hàng mới có cái ke làm bằng đoạn cuối của khung xe, đưa cái vành đã tháo hết lốp săm và cả dây cao su lót chân nan hoa rồi ngồi hý hoáy dùng chiếc cờ lê đặc dụng, tròn xoe, trên cắt sẵn những khấc vừa các cỡ chân nan hoa để vặn.

Lắm cái vành bị vặn hình số 8, nó phải tháo hết nan hoa, hơ nóng vành rồi dùng khúc gỗ đầm như cái dùi đục của thợ mộc để vỗ cho tròn lại. Có hơ nóng vành thì khi vỗ lại cho tròn và cho phẳng nó không bị rạn. Cẩn thận hơn, nó còn vẽ hình tròn trên hè để ướm vào. Không căn chỉnh để vành đồng tâm, xe sẽ nhảy chồm chồm khi lắp xong nan hoa và săm lốp.

Thằng Hoành nó kiên nhẫn, vặn được dăm cái chân nan hoa lại xoay chiếc vành xem cần vặn tiếp ở đoạn nào. Nó có hoa tay. Người khác ngồi vặn hàng giờ thì nó vặn một lúc đã xong. Vành cân chỉnh xong, dí cái tuốc nơ vít sát vành cũng không nghe tiếng chạm.

Hồi nó mới vào nghề, người khác thì đi mua đồ nghề, nó chỉ đi xin và tự làm ra.

Kiếm miếng tôn từ thùng hàng viện trợ thuốc bên xí nghiệp thải ra, nó tỉ mẩn dùng đinh đột những lỗ nhỏ, đều tăm tắp. Bọc quanh khúc gỗ tròn, bộ đánh săm của nó có vài kích cỡ. Những săm của khách còn tốt, nó đánh bằng loại gai to và nhọn. Săm bị tã, nó nâng niu, cẩn thận cọ bằng bộ đánh săm cỡ mịn hơn. Khách ngồi chứng kiến thấy cái săm xe của mình được đánh sạch cẩn thận, ai cũng hài lòng. Phía bên Phan Văn Trị cũng có hàng vá xe nhưng anh chàng này ẩu. Khách buốt ruột khi thấy có những vết xước dài, hằn sâu, chờm qua chỗ vá.

Hồi đấy phụ tùng xe đạp hiếm, nhất là xích xe rất hay bị rão. Mỗi lần nghiêng xe hoặc đạp gấp nó lại tuột ra ngoài vành líp. Đàn ông còn biết lắp lại. Riêng đàn bà cứ phải dắt xe dọc đường, gặp ông nào thương và rỗi việc, dừng lại lắp hộ cho.

Nó nhận lộn xích. Xích tã đến đâu, đưa nó lộn lại. Chắc và chặt chẽ như mới.

Tháo xích, nó kê lên chiếc đe có khoan cái lỗ vừa với chốt xích, rồi tỉ mẩn ngồi gõ nhẹ từng chốt. Cả đoạn xích dài một mặt phẳng lỳ, chốt và má xích đều cao bằng nhau. Khi đấy nó mới dùng đến đột, gõ chốt tụt sâu khỏi má xích rồi gỡ tiếp phần trụ tròn bên trong. Những đoạn nhỏ hình số tám ( nối hai đoạn chốt cũng bung ra. Cả má xích, cả chốt kèm theo được rửa trong dầu hỏa, sạch sẽ mới mang ra lắp lại.

Nó xếp như bày hàng trước mặt rồi lắp lại xích. Phần 2 má xích, trước quay ra ngoài thì nay lộn vào phía trong. Thao tác ngược lại với khi tháo xích.

Từng má xích lại được gõ để chốt chồi ra hướng ngược lại, gài tiếp những đoạn hình trụ tròn rồi ốp tiếp má xích bên kia. Được má xích nào, nó đột cho chốt xuyên lên bề mặt má xích hai bên bằng nhau rồi mới lắp tiếp má xích khác.

Có những chủ xe tiết kiệm, một đời xích họ phải lộn đến hai ba lần. Cầm xích của họ lắc nhẹ, nghe rõ tiếng rào rạo của các má xích va vào nhau. Nó bị rão, bị hở quá nhiều.

Hồi đấy cũng có nghề rút lốp. Những chiếc lốp cỡ 680, thường có ở xe cuốc Liên Xô, không vừa với cỡ vành 650 của xe đạp thường. Vậy là phải ra hàng, thuê thợ rút ngắn tanh để lốp ôm trọn chiếc vành.

680 chênh với 650 không nhiều. Lắp vào thấy êm êm nhưng khi lốp bơm căng, rõ ngay sự khác biệt. Chỗ vành lốp thừa ra, có thể ngón tay nhét lọt.

Đưa đến hàng, Hoành nó chích vài đoạn tanh đối xứng nhau, xoắn lại rồi lại dùng nhựa vá xe dán lại chỗ cao su vừa chích. Nếu không biết trước, khó ai nhận ra chỗ đã rạch để rút ngắn tanh. Chiếc lốp mới rút tanh, lắp vào vừa như in với cỡ vành chiếc xe của gia đình.

Nghề này có ở Hà Nội và không biết trên thế giới họ có bắt chước không khi gặp cảnh vành và lốp xe đạp “cãi nhau” như ở Việt Nam.

Hồi Hà Nội xuất hiện những chiếc xe Babetta đầu tiên, Hoành nó cũng nhanh nhạy, nhận thêm việc sửa chữa xe máy. Nó tự mày mò học cách sửa. Có lần bổ máy, nó tháo ra đầy một cái rổ nhưng loay hoay mãi không lắp vào nổi. Nó khóc. Khóc thật sự vì sợ phải đền và vì ức. Hôm đấy may có anh Bình là thợ sửa xe chính hiệu ở đầu ngõ Hàng Bột xuống lắp hộ.

Ông khách lúc đó không có mặt, nếu không chắc sẽ “vỡ tim” về độ liều của ông thợ tay ngang này.

(Trích)

Theo Chuyện làng quê

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nghe-muu-sinh-thoi-bao-cap-sua-xe-lon-xich-a7573.html