Sau này khi đông đúc hơn những cư dân miền xuôi lên đây lập nghiệp, mới thành "làng trong bản". Và mẹ tôi, chẳng biết chữ nào mà tham gia công tác xã hội rất uy tín. Mẹ là Đảng viên.
Cơ duyên biết đến vùng đất này khi mẹ là dân công hoả tuyến trong trận Điện Biên Phủ. Con thuyền gia đình ấy người cầm lái là mẹ. Bố tôi không biết sao, chỉ là bệnh dạ dày thôi mà gần như mất sức lao động. Bố mẹ mới tìm đến đây. Miền núi đất rộng và thuốc Nam giỏi lắm, hi vọng chữa được bệnh cho bố.
Tình yêu của mẹ thọ đến 97 tuổi, nhưng khi ấy thực sự là gánh nặng của mẹ. Ba đứa con cùng thằng Út là tôi sắp ra đời. Không hiểu mẹ chèo chống sao nữa. Rồi cũng qua.
Các anh chị lập gia đình rồi ở riêng. Tôi lĩnh trọn tình thương của mẹ, và lấy đi nhiều nhất nước mắt của Người.
Không biết mẹ lấy sức ở đâu, khi bố đau chẳng giúp được gì mà mẹ còn không muốn tôi làm việc nặng. Giếng nước xa hai trăm mét mà tôi phải giấu mẹ mới được gánh, việc nhà tôi phải giành làm. Khoe chút là xay thóc, dần sàng tôi làm khéo lắm, mỗi cái nồi cơm độn toàn sắn khô là tôi chịu không nấu được.
Trong mắt mẹ tôi "còn bé" lắm, lại yêu văn nghệ nên mẹ càng nâng niu, ước mơ của mẹ là tôi vào đại học. Còn ước mơ của tôi giống bao thanh niên thời ấy, là làm anh bộ đội.
Thế nên thật dễ hiểu sự quyết liệt của mẹ khi tôi đòi nhập ngũ khi chưa đầy mười sáu tuổi. Ngày hội tòng quân náo nức, mà thằng bạn hơn tôi hai tuổi cũng đi đợt này. Chưa đủ tuổi đơn phải có chữ kí của bố mẹ, tôi nhờ anh xã đội trưởng đến nói giúp, và câu trả lời là "không". "Chiến tranh còn dài, đủ tuổi mẹ cho đi".
Sau đêm thức trắng, tôi đành nói thật với mẹ: Hồi ấy là mùa gặt tháng Tám...
Tất cả cho tiền tuyến, mỗi công lao động có mùa chỉ được nửa cân thóc. Nhưng cái đói có là gì với ước mơ Hoà bình. Ban ngày máy bay quần đảo suốt. Hợp tác chủ yếu làm đêm. Tôi vốn... sợ ma, may có chị gần nhà đi cùng. Rồi hôm ấy sau buổi làm về, tay cầm bó đuốc chị ngã dúi dụi, đuốc tắt ngấm, chị ôm chầm lấy tôi... cái gọi là nụ hôn ấy làm tôi ớn lạnh, tôi đẩy mạnh hết sức mới thoát được ... Chị còn "ngã" nhiều lần nữa.
"Còn bé" nhưng tôi cũng hiểu khát khao của chị. Sau đám cưới vội vàng một tuần là anh, chồng chị lên đường nhập ngũ (!) Tôi chẳng chút thương, tôi ghê chị, và sợ thật nhiều, sợ đi tù khi "vi phạm chính sách"...
Kể với mẹ , tôi run lập cập. Tôi lo sẽ là cái màn "gà mẹ giữ gà con chống lại diều hâu". Nhưng không, mẹ tái dại đi... và mẹ kí vào đơn xin nhập ngũ của tôi.
Ngày mai lên đường rồi tôi mới dám hỏi mẹ có giận chị ấy không?
"Mẹ không giận. Mẹ biết ơn chị ấy đã để cho chồng đi đánh giặc, con chưa lớn nhưng với quyết tâm mẹ tin tưởng, góp sức con cho chiến trường. Mẹ sẽ cùng chị ngóng tin hai anh em." Ôi!
Mẹ là cán bộ xã cơ mà làm sao tôi đủ tầm để hiểu. Xúc động tôi muốn ôm lấy mẹ nhưng không dám, và cái ôm ấy dành cho năm năm sau ngày tôi trở về. Xót lòng mới biết năm 73 nghe tin tôi hi sinh mẹ bỏ công việc ở xã, suy sụp. Để năm 75 sau giải phóng, lần đầu nhận thư tôi mẹ đã ngất đi.
Mẹ cẩn thận gói hình Đức Mẹ bé như đồng xu bằng đồng, cho tôi đặt vào túi áo ngực.
Cô bạn gần nhà đến tiễn tôi, lần đầu gọi "anh" với khăn tay thấm nước mắt. Xin lỗi em nhưng có lẽ tôi chỉ nhớ mẹ thôi, như lời bài hát: "dọc đường hành quân, nhớ mẹ bao lần..."
Để khi trở về tôi mới thấy mẹ không còn giống như hình Đức Mẹ đẹp đẽ mà tôi mang theo, hai mắt mẹ nhăn nheo sâu thẳm những ngày dài trông con.
Mẹ đến với bố khi mẹ cả mất, yêu thương hai anh tôi. Chẳng ai biết tôi là con trai duy nhất của mẹ.
Mẹ tôi trăm tuổi cả nghĩa đen nghĩa bóng, và cái cách mẹ "buông tay"các con nhẹ nhàng làm tôi biết Thiên Đường đang đón Mẹ.
Tôi may mắn trở về từ chiến trường và được sống trọn cuộc đời ở nơi tôi sinh ra. Cũng là nơi mẹ tôi nằm xuống. Nhớ tới mẹ, tôi không nhớ hình ảnh người chèo lái con thuyền tha hương , cũng không phải hình ảnh Đức Mẹ xinh đẹp dịu hiền. Mẹ là nhành hoa bên suối, con suối của tuổi thơ tôi, cứ lũ về nhấn chìm rồi lũ đi lại rung rinh thắm tươi.
Theo Chuyện làng quê
Dì Pig
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/me-la-nhanh-hoa-a7574.html