Thời bao cấp nên cả lớp đều ở ký túc xá, gần 50 người ở tầng 5 đơn nguyên giữa nhà 14. Lần đầu tiên xa nhà cái gì cũng bỡ ngỡ nhưng với bản tính trẻ con hiếu động tinh nghịch lại gặp chúng bạn đều là người xa nhà nên cảm giác nhớ nhà rồi cũng dần qua đi . Cơ sở vật chất còn nghèo nàn chứ không như bây giờ ,hệ thống nước chỉ có đường ống nhưng không có nước máy nên mỗi phòng đều được phát chiếc xô to trực nhật hàng ngày phải xách nước dùng cho cả phòng . Về mùa mưa các giếng còn có nước chứ mùa khô thì đi khắp cả khu mới tìm được giếng có nước cảnh chầu chực xếp hàng múc từng xô nước nhỏ từ những cái giếng sâu tới hơn chục mét xảy ra như cơm bữa . Nước dùng đánh răng rửa mặt xong lại trữ lại vào các chậu để dội các nhà vệ sinh .con trai thì đỡ , chứ các bạn nữ nhu cầu dùng nước nhiều thì bất tiện lắm . Chiều mùa hè bọn con trai xách xô quần áo lót ra tận sông Cà lồ cách gần cây số tắm giặt đùa giỡn , tới gần giờ ăn cơm lại lóc cóc đi bộ về cũng không quên mang theo xô nước . Hồi ấy anh lớp trưởng còn đưa ra cách tắm nửa người vào mùa đông nghĩ lại thật buồn cười nhưng lại rất hợp với cảnh thiếu nước .
Nước đã thế còn điện thì phập phù hôm nào không có điện lưới thì nhà trường lại cho vận hành máy phát điện to đùng dùng cho cả khu giáo viên và học sinh nhưng cũng chỉ tới chừng 11giờ thì ngừng nên đứa nào cũng thủ cái đèn dầu để học đêm nhất là vào mùa thi.Điện cũng chỉ dùng thắp sáng chứ quạt điện cũng hiếm nên chả đứa học sinh nào có quạt điện cả . Mùa hè nhà cao tầng toàn bê tông nóng hầm hập tầng dưới còn đỡ chứ lên tới cầu thang tầng 4 đã cảm thấy như vào bếp lò. Ban ngày lấy nước ra lau nhà rồi trải chiếu ra sàn để ngủ , đôi khi chiếu phải dấp nước cho đỡ nóng ,đêm mùa hè bọn con trai lại mang chăn bông trèo lên mái nhà để ngủ . Những tấm bê tông cách nhiệt trên mái lỗ chỗ như tổ ong ấy chỉ có chăn bông mới trị được .
Mỗi lần nghỉ hè xong lên nhâp học rệp từ các các khe tường , giường ngủ bò ra lổm ngổm . cả bọn lại lấy khăn lau khoảnh giữa nhà trải chiếu nằm vừa đỡ nóng vừa tránh rệp .
Ờ khổ thế đấy nhưng cũng vui đáo để , ngày chủ nhật cả bọn lại rủ nhau trèo qua dãy đồi Thằn lằn hái sim hoặc vào hồ Đại lải chơi , khi về không quên vác theo mấy cây gỗ làm củi . Cứ đến mùa thi là nhét đèn dầu vào ba lô cùng sách vở lên đồi có các phòng Unicep để học bài . Buổi chiều cơm nước xong bọn con trai lại đi bộ dọc theo con đường bê tông hoặc tràn vào mấy quán chè chát hôm nào có được mấy hào lại nhâm nhi gói lac rang ngọt với mấy điếu thuốc. Thứ lạc rang ngọt ấy là sản phẩm của mấy Thầy Cô làm thêm tại nhà ngày nay không thấy còn nữa . Bọn con gái ngồi kê cánh cửa sổ trên ban công ngắm cảnh đường xá hoặc mấy anh chơi bóng đá ma trên vỉa hè .Nếu ai không quen nhìn thấy chóng mặt bởi lan can thấp không có rào chắn nhưng mấy cô cậu sinh viên vẫn đùa giỡn như không . Nhà nước bao cấp nên tiền học mỗi tháng cũng được dư mấy đồng cùng với tiền gia đình cho cả bọn góp lại chủ nhật kéo nhau ra chợ mua củi , mua sắn về luộc ăn sáng . Hồi ấy hình như cũng chẳng có ai nghĩ tới sinh nhật ,nên một năm cũng chỉ có mấy ngày lễ 8/3 hoặc 20/11 mà tổ chức cũng sơ sài thôi chủ yếu là tặng hoa cho các Thầy Cô . Có lẽ buổi liên hoan lớn nhất là buổi lẽ ra trường do khoa tổ chức ở ngoài nhà hàng đầu khu chuyên gia . Cả hai lớp cùng các Thầy Cô hát hò chúc tụng sinh viên cũng được bữa thoả thê vui vẻ.
Ra trường mỗi đứa đi một ngả, nay nhiều người đã lên Ông lên Bà , may nhờ có intenet mà hầu như vẫn liên lạc với nhau thường xuyên . Mỗi vui buồn mặc dù có xa xôi nhưng vẫn gửi cho nhau những tình cảm mặn nồng , đặc biệt hình ảnh của các Thầy Cô ngày ấy vẫn được các bạn chia sẻ thường xuyên . Thế hệ Thày Cô ngày ấy tới nay dù đã sang tuổi U 70, U80 vẫn hồn nhiên yêu đời như ngày nào . Cám Ơn các Thầy Cô đã cho chúng con tình yêu cuộc sống , cho chúng con lẽ sống lan toả cho các thế hệ sau.
Theo Chuyện làng quê
Dang ngọc Vinh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xuan-hoa-ngay-ay-a7612.html