Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 68)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

     

ch-ngo-quyen-1634871653.jpg
Tranh minh họa: Ngô Quyền từ Ái Châu kéo quân ra thành Đại La tiêu diệt tên phản tặc Kiều Công Tiễn. Nguồn: Internet

           

Kỳ 68.

Sáng hôm sau, toàn dân Đại La thức dậy đi ra phố thì được đọc cáo thị của Kiều Công Tiễn dính trên các tường thành. Cáo thị viết: “Ta, Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu. Nay kính báo cho bách tính biết: ta đã giết Dương Đình Nghệ để báo thù Cho Khúc Thừa Mỹ, vì năm 931, Dương Đình Nghệ đã đánh quân Nam Hán, giết chết Lý Khắc Chính nên cùng năm đó, Nam Hán đã giết Khúc Hậu Chủ khi đó đang bị quản thúc ở Phiên Ngung. Nay ta sẽ giữ chức Tiết độ sứ để điều hành đất nước. Ai phục tùng sẽ sống, ai chống lại ta sẽ bị chu di cả họ. Nay thông báo. Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân Kiều Công Tiễn”.

Cáo thị của Kiều Công Tiễn làm Đại La và toàn thể An Nam chấn động. Bách tính khóc lóc, thương xót Dương Đình Nghệ và ở đâu người ta cũng nguyền rủa Kiều Công Tiễn là tên vong ân bội nghĩa, tên bất hiếu, bất trung, tên tàn ác, tên phản bội. Bách tính còn lo lắng cho vận mệnh cuộc sống của mình. Đời sống khổ cực thê thảm của bách tính Phong Châu dưới sự cai trị của Kiều Công Tiễn bảy năm qua đã truyền ra cả nước, cả nước cũng đã biết sự tàn bạo, tham lam, xảo quyệt, giết người không ghê tay để vơ vét của tên cẩu Thứ sử này. Nay tên này nắm chức Tiết độ sứ thì tương lai, vận mệnh dân tộc đen tối rồi. Trong khi đàm đạo, một số cụ già nói:

-Không lo, Ngô Quyền và Dương Tam Kha không ngồi yên cho tên cẩu tặc này bá đạo đâu.

-Chỉ còn hy vọng như vậy thôi.

-Khi đó chắc tên giặc này lại cầu cứu quân Nam Hán, đất nước lại chiến tranh rồi.

-Sợ gì, giặc đến thì đánh. Mà rước giặc vào nhà thì thằng giặc Kiều Công Tiễn chết trước và không có đất mà chôn.

-Đang yên đang lành, đất nước vừa hòa bình được mấy năm, bách tính được no ấm yên vui dưới thời Dương Đình Nghệ. Sao thằng giặc già này lại trở chứng như vậy. Mà nó có nghèo khổ gì cơ chứ, nghe dân Phong Châu nói vàng bạc của cải nhà nó xếp chật cả phủ đường Phong Châu.

-Nó tham lam chức Tiết độ sứ để vơ vét trong cả nước cơ.

-Đúng là loại sâu dân mọt nước, thằng cẩu quan đáng chết.

VIII

                                                                     

  Màn đêm mùa hạ bao phủ không gian. Làng Giàng và thành Tư Phố, trị sở của Ái Châu cũng chìm trong bóng tối, chỉ còn tư dinh của quan Thứ sử Ngô Quyền là còn ánh sáng đèn le lói.Trong phòng, Ngô Quyền vẫn chong đèn đọc sách. Trống trên thành đã điểm canh ba. Người gia nhân luôn miệng nhắc Ngô Quyền:

-Bẩm chúa công khuya rồi, xin chúa công đi nghỉ.

Ngô Quyền nói:

-Đa tạ, không rõ đêm nay thế nào mà ruột gan ta nóng như lửa đốt, không muốn đi ngủ.

Chợt có tiếng la hét trong phòng Ngô Phu Nhân Dương Thị Như Ngọc. Ngô Quyền vội chạy vào, thị nữ các phòng cũng hốt hoảng chạy sang. Ngô phu nhân đang ngồi trên giường, chân tay run rẩy vô cùng sợ hãi. Ngô Quyền hỏi:

-Nương tử sao vậy?

Ngô Phu nhân đáp:

-Sợ quá, thiếp vừa mơ thấy một giấc mơ khủng khiếp, cha vừa về đứng trước thần thiếp, người bị sáu lưỡi gươm đâm xuyên qua, đẫm máu. Cha nói, con ơi hãy báo thù cho cha. Thần thiếp sợ quá…

  Ngô Quyền an ủi:

-Chắc không có chuyện gì với cha đâu, có lẽ nàng quá nhớ cha nên mơ vậy. Mai ta đưa nàng ra Đại La thăm cha. Nàng ngủ tiếp đi.

  Đêm đó, Ngô Quyền cũng không ngủ được nên ông dậy sớm ngồi trong phòng khách uống trà. Chợt có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, có tướng Kiều Công Hãn, cháu nội Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu tới có việc gấp.

Ngô Quyền ngạc nhiên:

-Phong Châu xa xôi, Kiều Công Hãn tới Ái Châu có việc gì? Cho vào!

Kiều Công Hãn vào thi lễ trước Ngô Quyền:

-Xin kính chào Ngô Thứ sử chúa công.

-Xin chào tướng quân, xin mời an tọa. Người đâu lấy nước.

  Kiều Công Hãn rất mệt và khát, bê bát nước uống một hơi rồi nói:

-Mạt tướng đem báo cho chúa công một đại hung tin. Xin chúa công bình tĩnh nghe.

Ngô Quyền hỏi:

-Hung tin gì vây, tướng quân nói mau.

-Dạ bẩm, nhạc phụ của chúa công, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ đã bị giết đêm qua tại phủ thành Đại La rồi.

Ngô Quyền ngạc nhiên và choáng váng:

Ai giết? Vì sao lại giết?

Kiều Công Hãn phủ phục xuống trước Ngô Quyền:

-Dạ bẩm chúa công, chúng tôi là những người có tội với chúa công, người giết Tiết độ sứ chúa công là ông nội của mạt tướng là Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu. Ông nội của mạt tướng là nghĩa tử của Tiết độ sứ, đã được Dương Tiết độ sứ nâng đỡ, làm đến Thứ sử Phong Châu, sống trong giàu sang và phú quý, Nhưng suốt mấy năm nay nẩy ra ý định sát hại Dương Tiết độ sứ để đoạt chức. Sáng hôm qua họp bàn âm mưu sát hại. Mạt tướng và cha Kiều Công Chuẩn đã phản đối, nhưng ông vẫn cùng thúc thúc Kiều Công Thuận đem võ sĩ và 1 vạn quân về Đại La, gần tối tới nơi và Chúa công Tiết độ sứ đã bị giết.               

Ngô Quyền ngồi lặng người. Kiều Công Hãn nói tiếp:

-Mạt tướng đã phi ngựa đến nước đại để mong về sớm báo cho Tổng Trấn Dương Tam Kha ở Đại La, nhưng đến Đại La mới biết Tổng Trấn Dương Tam Kha đã về Ái Châu công cán. Có lẽ ông nội mạt tướng đã nắm chắc thời cơ khi Tướng quân Dương Tam Kha vắng mặt để hành động. Còn Ngô Chúa công thì ở xa quá. Mạt tướng phải phi ngựa suốt đêm mới về đến đây. Mong chúa công định đoạt.

Ngô Quyền ngồi lặng đi đau đớn. Những giọt nước mắt chực trào ra nhưng ông cố trấn tính lại:

-Đa tạ tướng quân đã đưa tin. Tướng quân đứng dậy ngồi vào ghế và uống nước nghỉ ngơi. Sau khi Kiều Công Hãn đã ngồi vào bàn, Ngô Quyền gọi:

-Người đâu.

Người gia nhân bước ra:

-Dạ bẩm chúa công.

-Bảo người nhà nấu một suất cơm cho tướng quân ăn và bố trí một phòng cho tướng quân nghỉ. Tướng quân đã phi ngựa suốt đêm từ Đại La về đây, rất mệt.

Kiều Công Hãn đa tạ Ngô Quyền rồi đi theo gia nhân.

Ngô Quyền một mình ngồi suy nghĩ những công việc phải làm trong sự kiện bi thảm này. Việc trước tiên nhưng rất khó khăn của Ngô Quyền là báo tin này cho Ngô Phu nhân và các con, rồi báo tin cho gia đình huynh trưởng Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha và các cháu, làm sao phải an ủi được họ, nhất là đối với Ngô Phu Nhân và Dương phu nhân, rồi báo tang cho toàn thể họ Dương. Sau đó tổ chức đại tang. Muốn tổ chức tang lễ phải có thi hài, rồi cất quân đánh Đại La ngay để bắt Kiều Công Tiễn hay là chờ xong 100 ngày rồi hãy đánh.Tất cả cứ quay cuồng lộn xộn trong đầu Ngô Quyền, sau đó Ngô Quyền lý giải những việc phải làm nhưng  phải chờ Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha đến mới bàn và quyết được. Ngô Quyền gọi:

-Người đâu?

-Dạ bẩm chúa công.

-Ngươi đến Dương Xá, dinh thự của nhạc phụ ta mời Tướng quân Dương Tam Kha, Dương Phu nhân và các cháu đến đây ngay.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

-Người đâu.

-Dạ

-Hai ngươi một đến phủ Dương Nhất Kha, một đến phủ Dương Nhị Kha mời hai đại nhân và gia đình về đây.

-Dạ., tuân lệnh chúa công.

Một lát sau thì cả nhà Dương Tam Kha, Dương Phu Nhân và hai cháu nội của Dương Đình Nghệ, một trai một gái cùng đến, tiếp theo là gia đình Dương Nhất Kha và Dương Nhị Kha. Ngô Quyền và Ngô phu nhân ra thi lễ, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn ra chào các bác và các anh chị. Cả nhà vui vẻ. Ngô Quyền để cho cả nhà dùng bữa trưa rồi mới thông báo tin dữ:

-Sớm nay, ta được tin từ Đại La tới báo, nhạc phụ đã bị Kiều Công Tiễn, vốn là nghĩa tử của nhạc phụ, nay là Thứ sử Phong Châu, đêm qua đã đột nhập vào tư dinh và giết hại nhạc phụ để đoạt chức Tiết độ sứ.

Dương Tam Kha hỏi:

-Tin do ai báo về ?

-Do chính Kiều Công Hãn, cháu nội Kiều Công Tiễn nhưng phản đối việc làm phản của Kiều Công Tiễn đã về Đại La và từ Đại La phi ngựa suốt đêm về đây báo cho đệ.

Ngô phu nhân Dương Thị Như Ngọc đau đớn kêu lên:

-Cha ơi!

Rồi gục xuống trong tay của nữ tì, ngất xỉu.

Dương Phu nhân cũng gần như ngất đi và khóc lóc thảm thương. Các đứa trẻ cũng òa khóc. Rồi các gia nhân cũng khóc. Dinh thự của Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền đầy tang tóc. Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha ngồi lặng đi rồi cũng rơi nước mắt. Ngô Quyền nói:

-Đệ cũng đau xót như các huynh, nhưng chúng ta là trụ cột của gia đình, của dòng họ. Các huynh phải bình tâm cùng đệ quyết định nhưng công việc trong và sau cái chết của cha.               

Dương Tam Kha nói:

-Huynh và đệ phải xuất binh đánh Đại La bắt tên phản phúc đó về trị tội để báo thù cho cha.

Ngô Quyền nói:

-Bắt Kiều Công Tiễn, bắt nó đền tội thì phải bắt rồi, nhưng theo đệ trước tiên là phải tổ chức đại tang cho cha, sau đó theo nghi lễ phong tục phải tổ chức 49 ngày, 100 ngày. Trong lúc đại tang không nên động binh đao mà phải sau 100 ngày mới có thể. Theo đệ, tổ chức đại tang rất quan trọng, thứ nhất cha là vua một nước, mất đi phải có đại tang, thứ hai tổ chức đại tang cho cha, chúng ta mới tròn đạo hiếu, thứ ba trong lễ tang, tất cả anh hùng hào kiệt, hào trưởng, quan chức các cấp từ châu, huỵện, giáp đều tới, ta nhân đó vạch bộ mặt tàn ác, phản bội của Kiều Công Tiễn để họ ủng hộ ta trong cuộc xuất binh sau 100 ngày.

Dương Nhất Kha hỏi:

-Nhưng thi hài cha còn trong tay Kiều Công Tiễn, làm sao lấy được thi hài mà phát tang?

-Ngày mai làm 3 ngày cho cha xong, chúng ta đem 3 vạn quân ra Đại La đòi thi hài. Nếu nó trả thi hài thì tạm thời chưa đánh, nếu nó không trả ta đánh Đại La ngay, không cần chờ 100 ngày, Việc này đệ sẽ viết thư cho người đàm phán với Kiều Công Tiễn. Dương Tam Kha nói:

-Huynh rối trí và đau đớn quá. Đệ cứ như vậy mà làm đi.

-Dạ, huynh cứ yên tâm.

  Dương Nhị Kha nói:

-Thôi thì mọi việc nhờ đệ làm chủ lo liệu. Ta cũng rối trí và đau xót quá rồi.

-Các huynh cứ yên tâm.

Ngay hôm đó, Ngô Quyền cho gọi Kiều Công Hãn và nói:

-Đa tạ tướng quân đã thông báo. Tôi cũng đã vừa nhận được tin thám mã từ Đại La đưa về. Không ngờ người ông phản bội lại có một người cháu biết đi về chính nghĩa. Hôm nay, tôi nhờ tướng quân đưa giúp lá thư này cho Kiều Công Tiễn, bảo ông ta trao lại thi hài của nhạc phụ tôi để chúng tôi làm tang cho phải đạo. Tướng quân đưa thư xong không cần về lại Ái Châu hồi âm. Theo sau tướng quân, chúng tôi sẽ có 3 vạn quân đi ngay ra Đại La. Nếu Kiều Công Tiễn không đưa thi hài thì chúng tôi sẽ đánh ngay, còn nếu trả thi hài thì chưa đánh, chúng tôi còn bận việc tang.

Kiều Công Hãn nhận thư và nói:

-Tôi sẽ lên đường ngay, tạm biệt chúa công.                 

Ngô Quyền đáp:

-Tạm biệt tướng quân.Hẹn ngày gặp lại.

Tại Đại La, Kiều Công Tiễn nhận được thư của Ngô Quyền do Kiều Công Hãn chuyển tới, liền mở thư đọc. Thư viết: “Gửi ngươi, Kiều Công Tiễn. Nhà người về tài cán không có gì, về chữ nghĩa biết vài chữ bẻ đôi. Vậy mà Dương Tiết độ sứ thương yêu, nhận làm nghĩa tử, coi như con cái trong nhà, ưu ái cho ngồi vào ghế Thứ sử Phong Châu, vinh thân phì gia. Tại Ái Châu, ta đã được nghe bách tính Phong Châu kêu ca ai oán tên Thứ sử tham lam, tàn bạo, vơ vét, cướp bóc, giết hại những người vô tội. Nay lòng tham không cùng, lại giết hại cả nghĩa phụ của mình, lấy oán báo ơn, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, vô đạo, trời không dung, đất không tha. Nhưng nay ta chưa tính toán chuyện đó với ngươi. Trước mắt, ngươi phải trả lại thi hài của Dương tiết độ sứ để ta đem về Ái Châu tổ chức tang lễ, ngươi còn được một chút gọi là hiếu thì hãy làm theo điều này. Nếu ngươi từ chối, 3 vạn quân sẽ tấn công thành Đại La ngay, ngươi sẽ không có đất mà chôn. Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền”.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS cao văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-68-a7619.html