Nhớ thầy Đặng Nghiêm Vạn

Thầy Đặng Nghiêm Vạn - Một người cán bộ mẫn cán, xuất sắc, luôn tiên phong thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Nhưng hơn thế, với tư cách là một nhà khoa học, các nghiên cứu của Thầy luôn để lại những giá trị quý báu, gợi mở cho những nghiên cứu của các thế hệ học trò.

dang-nghiem-van-1634958748.jpg
GS. Đặng Nghiêm Vạn

Những công trình để lại nhiều dấu ấn của Thầy là nghiên cứu về người Thái, Khơ Mú,... ở vùng Tây Bắc và một số tộc người thiểu số ở vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, thầy gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu về tôn giáo. Công trình " Lý luận về tôn giáo và Tình hình tôn giáo ở Việt Nam" đã được tái bản nhiều lần. Cuốn sách ấy được Thầy viết từ năm 1996, đến bây giờ đã là 25 năm, nhưng giá trị khoa học vẫn còn rất mới. Nhiều nhà khoa học đi sau đã xây dựng bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và vẫn phân chia khái niệm tín ngưỡng khác với tôn giáo. Theo tôi, đấy là một khái niệm chưa chuẩn xác. Thầy Vạn có nhấn mạnh "Coi tín ngưỡng và tôn giáo như hai cấp độ cao thấp khác nhau. Điều này cần xem xét lại. Thật khó đánh giá sự cao thấp của một tôn giáo "có tổ chức" với một tôn giáo "không có tổ chức", một tôn giáo mà giáo lý có bài bản hơn với một tôn giáo mà giáo lý đơn giản hơn. Nếu các nhà nghiên cứu tôn giáo đã chấp nhận yếu tố quyết định của một tôn giáo là đức tin hay niềm tin, thì đó là thước đo duy nhất về tính hơn kém của những tôn giáo trong một cộng đồng, và của từng tín đồ đối với tôn giáo của họ. Và nếu chấp nhận sự bình đẳng giữa các nền văn hóa (trong đó có tôn giáo) thì không có sự đánh giá tôn giáo này cao hơn tôn giáo khác". Như vậy, quan điểm của Thầy bám sát thực tiễn hơn quan điểm của một số người soạn thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tôi có hỏi một GS tham gia soạn thảo luật này (công bố 11/2016), GS vẫn khăng khăng phân rõ 2 cấp độ tôn giáo và tín ngưỡng là khác nhau...

Tôi nghĩ như lúc Thầy còn sống, tôi hỏi điều về tín ngưỡng và tôn giáo chắc Thầy chỉ cười và bảo: "Cậu cứ xem trong sách và Luật". Như vậy, cách đây 25 năm, quan điểm của Thầy còn đúng hơn bây giờ.

Đọc thêm trên T/c Tia sáng, số 14, 20/7/2007, tr 35

Nhà dân tộc học đầu ngành - Đặng Nghiêm Vạn

Năm 1958, khi đang làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Miền núi Trung ương, Đặng Nghiêm Vạn được cử sang Liên Xô học về giáo dục học các dân tộc thiểu số, hẳn để ông phát huy hơn nữa sự nghiệp giáo dục dân tộc miền núi. Nhưng Sứ quán ta nghe/đọc nhầm hoặc cố tình nhầm (ai mà biết được!) lại cho ông học Dân tộc học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp. Thế là một sự tình cờ nữa lại đưa ông đến một nghề mới: nghiên cứu dân tộc học. Về điều này, ông vẫn thường đùa rằng cái nghề mà ông suốt đời lao tâm khổ tứ cũng lại chỉ là một sự tình cờ.

Năm 1963, Đặng Nghiêm Vạn về nước giảng dạy tại Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội bộ môn dân tộc học. Ông vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Địa bàn thực địa của ông là miền núi phía Bắc, Tây Bắc và Tây Khu Bốn. Trong những chuyến đi điền dã dân tộc học như vậy, Đặng Nghiêm Vạn đã phát hiện ra sự có mặt ở người Khơ Mú một hình thức của tô tem giáo. Rồi nhân một chuyến đi viết lịch sử Đảng cho một xã ở Đại Từ, Thái Nguyên, ông phát hiện ra gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú có những tư liệu khẳng định Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn rất sớm.

Năm 1967, Đặng Nghiêm Vạn chuyển sang Viện Dân tộc học Các tộc người Môn-Khơme và Thái được ông đặc biệt quan tâm. Bởi thế ông lại tiếp tục lăn lộn ở Tây Bắc và miền Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Sau 1975, ông mở rộng địa bàn của mình xuống các tộc người Trường Sơn- Tây Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, Đặng Nghiêm Vạn cho xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông. Vì thế, năm 1991 ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư. Và cũng trong năm này, do nhu cầu thành lập ngành mới, ông lại rời ghế Viện phó Viện Dân tộc học đã ấm chỗ và những công việc quen thuộc để sang làm Trưởng ban Khoa học về Tôn giáo vừa thành lập. Từ Ban, rồi Trung tâm, rồi đến Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cả ba giai đoạn này Đặng Nghiêm Vạn đều là người đứng đầu. Đến năm 1999, khi Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo ra mắt, lại ông làm Tổng biên tập.

Là người đứng mũi chịu sào trong việc xây dựng một viện mới và, quan trọng hơn, ngành khoa học mới, nhạy cảm, Đặng Nghiêm Vạn là một người biết chèo chống, nên chỉ trong một thời gian ngắn, 1991-2000, ông và Viện ông đã thực hiện được nhiều công trình về nghiên cứu tôn giáo.

Sự tình cờ còn chi phối Đặng Nghiêm Vạn ngay cả khi ông đã là nhà dân tộc học. Vấn đề là chọn tộc người nào để nghiên cứu. Là một người Việt, dẫu sinh ra ở biển (Cát Bà, Quảng Ninh), lớn lên ở thành phố (Hà Nội), hoạt động ở miền núi, Đặng Nghiêm Vạn một cách tự nhiên cảm tính muốn nghiên cứu tộc người Việt thân thuộc của mình. Nhưng S.A Tôcarép, người thầy kính mến của ông bảo, nếu nghiên cứu người Việt thì ông dễ chỉ thấy mặt tốt của nó, bởi người mới vào nghề thì chưa đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để nhìn mình bằng con mắt của kẻ khác. Bởi thế, nên chọn một tộc người thiểu số nào đó mà mình thân thuộc nhất. Thế là, để tránh nhìn vào một chiếc gương nịnh mặt, Đặng Nghiêm Vạn lại trở về với vùng Tây Bắc và Việt Bắc quen biết của ông.

Theo lời khuyên của thầy học, Đặng Nghiêm Vạn chọn người Thái làm đối tượng nghiên cứu, bởi lẽ trong thời gian quản lý ở trường Sư phạm Miền núi, ông quen thân với nhiều học sinh Thái hơn. Nhưng muốn nghiên cứu sâu Thái phải lấn sang Tày Nùng để có tư liệu đối chiếu. Bởi thế, sau tập sách nghiên cứu diện Sơ lược giới thiệu các dân tộc Tày-Nùng-Thái ở Việt Nam cùng viết với Lã Văn Lô (phần chung và phần Thái, 1968) là cuốn sách điểm Tư liệu lịch sử và xã hội dân tộc Thái (1977). Đây là những công trình mở đường vào xã hội Thái. Những cuốn sách đẻ ra sách. Đúng thế, những cuốn sách trên của Đặng Nghiêm Vạn đã nuôi ý tưởng cho những cuốn sách khác, cũng về Thái, của Cầm Trọng Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam (1978), Văn hóa Thái Việt Nam (1985)...

Như vậy, Đặng Nghiêm Vạn đã trở thành một nhà Thái học, bởi ông là người đầu tiên phát hiện và giới thiệu bộ luật Thái, và khẳng định phương thức sản xuất Châu Á ở xã hội Thái.

Sang năm 1975, mảnh đất mới của Đặng Nghiêm Vạn là Trường Sơn - Tây Nguyên. Đây là một mảnh đất màu mỡ của tộc người học. Các tộc người ở đây thuộc đủ các ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo... thuộc đủ các trình độ phát triển. Bởi thế, bức thổ cẩm nhiều màu sắc, lắm hoa văn này gợi lên ở nhà dân tộc học biết bao suy nghĩ, tham vọng. Nhưng do nhu cầu điều tra tổng thể vùng Trường Sơn- Tây Nguyên, nên Đặng Nghiêm Vạn chỉ có thể đưa ra một cái nhìn khái quát trong Các dân tộc ở Gia Lai- Kom Tum (1981) những bài tổng luận về kinh tế xã hội Tây Nguyên trong 2 cuốn Những vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên và Tây Nguyên trên đường phát triển (1986 và 1987) hoặc Những ai lên Tây Nguyên cần biết (1988)... Còn điều mà ông tha thiết nhất là nghiên cứu tôn giáo sơ khai được ấp ủ từ hồi còn dưới cánh S.A. Tôcarép và tận mắt thấy hiện hữu ở Tây Nguyên thì cứ lùi xa, lùi xa kể cả khi ông đã chuyển sang nghiên cứu tôn giáo, dẫu ông lại sớm thành công với tư cách nhà dân tộc học khi sớm phát hiện ra vẫn đề sở hữu đất đai ở Trường Sơn- Tây Nguyên (1988).

Là người ủng hộ việc nghiên cứu Việt Nam như một dân tộc đa tộc người, Đặng Nghiêm Vạn buộc phải giải quyết một số vấn đề có tính lý luận sau: 1) Phải phân biệt dân tộc (Nation) và tộc người (Ethnic); 2) Phải thừa nhận tính chất không phổ quát của định nghĩa dân tộc của Stalin và 3) Phải chứng minh được sự tồn tại các dân tộc tiền công nghiệp hay tiền tư  bản ở các xã hội phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ sở để coi dân tộc Việt Nam như một thể hợp thành từ xa xưa của 54 tộc người sống trên mảnh đất này. Đặng Nghiêm Vạn, tôi nghĩ, đã làm được điều đó trong tác phẩm Quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia dân tộc (1993) được Giải thưởng Nhà nước. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn phát triển cuốn sách đó sâu rộng hơn, nâng số trang đến gấp 2 lần thành: Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam đa tộc người (2003). Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn, là tìm được một cách tiếp cận tổng thể trong nghiên cứu dân tộc Việt Nam, tránh được con đường tổng hợp, thậm chí tổng cộng, 54 tộc người.

Con đường thứ hai mà Đặng Nghiêm Vạn muốn tìm kiếm là xây dựng và chứng minh có một tôn giáo Việt Nam của Việt Nam. Đó là Đạo Tổ. Sở dĩ ông dùng chữ đạo vì, theo ông, Việt Nam không có khái niệm tôn giáo theo đúng nghĩa của phương Tây: thờ một đấng tối cao duy nhất. Đạo ở phương Đông và ở Việt Nam còn vắng các tôn giáo độc thần, vẫn còn là những tôn giáo đa thần. Đạo Tổ có ba cấp độ: 1)Gia đình: thờ cúng tổ tiên của gia đình và của dòng họ (gia đình mở rộng); 2)Làng bản: thờ cúng thành hoàng, người bảo trợ cho làng bản và 3)Quốc gia: thờ cúng người có công dựng nước và giữ nước. Ở cả ba cấp độ này, đều có ở tất cả những tộc người sinh sống trên đất Việt Nam. Ông còn nêu ra một nhận xét đáng lưu ý: ở phương Tây chỉ tôn thờ Đứa Chúa Trời, còn ở phương Đông thì tất cả đều là đối tượng thờ cúng. Công với gia đình thì con cháu thờ; công với làng, làng thờ; công với nước, nước thờ. Vậy nên, xưa nay ở Châu Âu trọng ngày sinh, ở châu Á, ngày giỗ... tính nhân văn còn biểu lộ rõ rệt ở việc thờ những người chết bất đắc kỳ tử, những người không được xã hội thừa nhận, không được con cháu thờ cúng.

Cuối cùng, con đường thứ ba mà Đặng Nghiêm Vạn muốn xây đắp là tìm hiểu những huyền thoại, truyền thuyết của các tộc người về nguồn gốc tộc người mình. Ông đã tìm thấy ở hầu như tộc người nào cũng cặp đôi ban đầu, trong đó có huyền thoại về quả bầu như là nơi sản sinh ra không chỉ tộc người đó mà còn các tộc người anh em khác. Sự thống nhất này một mặt cho thấy các tộc người trên mảnh đất Việt Nam hầu hết đã qua nền “văn minh bầu bí” trước văn minh trồng lúa và, quan trọng hơn, có chung một nguồn gốc. Tâm thức này làm cho các tộc người dễ hợp lưu để trở thành đồng bào của một dân tộc. Ông cũng đồng thời tổng kết vốn văn học dân tộc thiểu số đến năm 2000, in trong Tổng tập văn học Việt Nam và trong Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đều là khổ to. Ở đây ông không chấp nhận văn học khuyết danh là thuộc phạm trù dân gian, mà phải dựa vào chân giá trị của tác phẩm vì nếu cho là dân gian thì chỉ duy ở Việt Nam có văn học bác học, còn về mỹ thuật (theo Thái Bá Vân), hội họa (Lưu Công Nhân) đều là dân gian ư? Nên ông đồng tình với Từ Chi là có nên gọi là dân gian hay không dân gian?

Thành công học thuật của Đặng Nghiêm Vạn phụ thuộc vào cá nhân ông một phần và phần khác, quan trọng hơn, vào những đặc điểm của lứa con đầu của cách mạng trong lĩnh vực khoa học, mà ông là một người tiêu biểu. Đó là một người cán bộ khoa học có một tinh thần trách nhiệm rất cao. Được phân công việc gì cũng làm kể cả việc làm khoa học vốn đòi hỏi những khả năng trời cho và luôn luôn vươn lên đáp ứng các nhu cầu của các mạng, của xã hội, của thời cuộc.

 

 

Trần Hữu Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-thay-dang-nghiem-van-a7652.html