Khoai Tây (phần hai)

Tổ tiên người Việt đã đúc kết kinh nghiệm trồng trọt trong một câu tục ngữ ngắn gọn mà bất cứ người nông dân nào cũng thuộc nằm lòng : nhất nước, nhì phân, tam cần,tứ giống. Với lối canh tác cổ điển truyền từ đời này sang đời khác mà không có gì thay đổi thì lời dặn trên thật là chí lý.

chuy-que1s-1635059223.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Nhưng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nó đã tràn vào ngành nông nghiệp làm cho cục diện thay đổi hoàn toàn. Các yếu tố như: nước, phân, lao động bây giờ chỉ là điều kiện cần, phía bên kia là "giống", một mình nó thôi nhưng vô cùng quan trọng. Đó là điều kiện đủ và tiên quyết để có một nền nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt và có tính thương mại hóa. Bao đời nay tổ tiên ta vẫn chọn những hạt giống, củ giống, cây giống tốt nhất dành cho vụ sau nhưng làm gì có khoa học công nghệ để tạo ra được giống mới. Quanh đi quẩn lại vẫn là những giống cổ truyền qua nhiều đời còn đọng lại. Hầu hết những giống khoai mỳ ngũ cốc ấy có nguồn gốc hoang dại và người xưa đã thuần hóa chúng. Những giống ấy năng suất không cao nhưng vì được tạo hóa sinh ra nên cấu trúc bộ mã gen của chúng rất ổn định, di truyền qua rất nhiều đời mà không bị thoái hóa.

Nhưng đối với cây khoai tây mà người Pháp đưa vào nước ta thì tình trạng có vẻ không được như vậy.

Cuối thế kỷ mười chín thì ngành di truyền học chưa ra đời cho nên giống khoai tây người Pháp đưa vào nước ta chắc chắn vẫn là giống nguyên bản có từ châu Mỹ. Trải qua hàng trăm năm mặc dù khí hậu, thổ nhưỡng ở miền Bắc nước ta nhìn chung là thích hợp với nó nhưng không thể giống hoàn toàn như ở nơi đã sinh ra nó được.

Và đó chính là nguyên nhân làm cho nó suy thoái. Càng ngày năng suất càng giảm, củ không to như trước, ít khoai thịt, nhiều khoai bi,củ để giống thì mọc rất nhiều mầm làm cho cây non mọc lên không tập trung được dinh dưỡng, phải tỉa đi rất nhiều. Đến khoảng những năm 1970 thì giống khoai tây ở làng tôi đã suy thoái trầm trọng.

Trong tình cảnh bi đát ấy thì một cứu cánh đã được mở ra.

Phía bộ Nông nghiệp lúc ấy đã nhận ra sự suy thoái của một giống cây vụ đông chủ lực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nên đã cầu cứu chính phủ nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức ( Đông Đức). Cùng là phe Xã hội Chủ nghĩa và rất quý Việt Nam, đất nước trên tuyến đầu chống Đế quốc cho nên họ đã giúp đỡ ta hết lòng hết sức.

Làng tôi ngày ấy liên tục đón những đoàn chuyên gia nông nghiệp của Đông Đức đến khảo sát lấy mẫu thổ nhưỡng, lấy mẫu giống... Những người Đức cao to tóc vàng da trắng mắt xanh mũi lõ xuống đồng kéo theo cả đoàn trẻ con chúng tôi hiếu kỳ đi theo để xem "Tây". Bây giờ nhớ lại thấy ngày ấy ngô nghê thật!

Đoàn chuyên gia trở về trụ sở Ủy ban nhân dân xã, họ mang theo cả máy chiếu phim và trình chiếu bộ phim tài liệu về trồng và thu hoạch khoai tây ở Đức. Lần đầu tiên tôi được biết nền nông nghiệp cơ giới hóa hiện đại, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, để giống khoai tây đều bằng máy móc chuyên dùng vô cùng hiện đại. Một cảm giác choáng ngợp như xem phim viễn tưởng, trên cánh đồng khoai tây rộng bao la chỉ có vài cỗ máy làm việc tương đương với cả ngàn người nông dân Việt Nam.

Thế rồi năm sau ,chính phủ Đông Đức bắt đầu viện trợ khoai giống cho Việt Nam, những côngtenno khoai giống được chở thẳng từ cảng Hải Phòng về làng, những củ khoai to gấp mấy lần giống cũ, chưa mọc mầm được chia về cho các gia đình bảo quản như một thứ của quý và ủ cho nảy mầm.

Đến vụ trồng, mỗi củ khoai được bổ ra sao cho miếng nào cũng có mầm và được chăm sóc rất cẩn thận. Cây con mọc lên trông thật sướng con mắt, mầm cây mập mạp cao hơn, to hơn giống khoai cũ rất nhiều. Cây khoai Đức lúc trưởng thành cao gần một mét, đứng thẳng, nhìn cả cánh đồng khoai mênh mông xanh ngắt trong nắng hanh vàng trong veo thật là một cảnh đẹp không bút nào tả xiết.

Ngày dỡ khoai cuối cùng cũng đã đến, những củ khoai to kinh dị như những vốc tay người lớn nằm lăn lông lốc, trắng xóa cả mặt ruộng. Năng suất thật kinh khủng, có gia đình chăm sóc tốt, một sào ( 360 mét vuông) thu hoạch được một tấn khoai. Một bước nhảy vọt về sản lượng và nông dân vô cùng hồ hởi bởi vì túi tiền của họ càng bội thu.

Và thế là giống khoai cũ không còn được sủng ái nữa, nó đã ở với dân làng tôi hàng trăm năm ,quá thân thuộc, chất "tây "qua thời gian đã phai nhạt do đó để phân biệt với giống khoai do người Đông Đức đưa vào, dân làng tôi gọi nó là "khoai ta". Vậy là hành trình từ "khoai tây" trở thành "khoai ta" là như thế.

Câu chuyện về khoai tây của làng tôi vẫn còn nhiều điều để nói, cây khoai tây cũng không tránh được quy luật thịnh, suy. Tôi sẽ còn hầu chuyện các bạn xung quanh số phận của nó. Hẹn gặp lại các bạn nhé!

Theo Chuyện làng quê

. Đỗ Xuân Phương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khoai-tay-phan-hai-a7681.html