Tôi thì cảm nhận thật sự, vì chỉ ăn bánh mẹ làm mới thấy ngon nhất, còn các thành viên khác năm nào cũng khen ngon, không rõ là khen động viên hay thật sự nữa. Và quan trọng nhất, bánh mẹ làm chưa thấy thừa ế giống những nhà khác bao giờ.
Thành phần bánh chưng mẹ làm, tôi nghĩ, không khác như những gia đình khác đâu. Thì vẫn chỉ là gạo nếp ngon, nhân thịt đậu, gia vị và được gói bằng lá dong đẹp. Thời gian cũng luộc na ná như bao nhà khác. Bánh luộc xong thì đem ép cho ráo nước. Bánh ngon từ hôm 29 tết cho đến tận ngày mùng năm. Mẹ định lượng năm nào cũng vừa, gói đầy nồi phục vụ bữa cỗ tết cho cả đại gia đình và những ngày thắp hương mời các cụ.
Nhiều anh em cứ nhờ mẹ gói, nhưng khi tuổi cao rồi, sức khỏe không đảm bảo ngồi lâu, mẹ chỉ gói cho gia đình mà thôi. Trước kia, khi còn ở với bố mẹ, tôi thường được giao nhiệm vụ lau lá dong và giã lá giềng. Lá dong to, xanh, bánh tẻ được ngâm vào nước cho bung bẩn, sau đó dùng khăn vải lau đi lau lại, qua nhiều lần nước thì đem để ráo khô. Nhiều nhà họ làm chưa kịp thì buộc vào cây cột, nhà tôi treo lên cho hết nước. Mệt nhất là giã lá giềng. Lá giềng ráo khô, sạch cho vào cối đá giã nát, giã đến ê cả tay mà có khi còn chưa nát hết. Mẹ bảo, giã càng nhuyễn thì sau trộn nước lá giềng vào gạo, bánh mới thơm, lại xanh ngon. Nay ngày tết bận đi làm, bố với mẹ tôi già yếu hơn "tranh thủ" làm hết!
Mẹ sàng gạo nếp rất kỹ. Gạo nếp to tròn, mây mẩy bóng ngà trong cái dần tre. Những hạt sạn dù là nhỏ nhất cũng phải nhặt cho hết, vì đơn giản là, đang ăn bánh mà dính sạn thì mất cả ngon. Ngại nhất là những hạt sạn màu trắng, kích thước như hạt gạo, tôi cứ sợ mắt mẹ không còn tinh tường như hồi trẻ. Mẹ bảo "có cách riêng chứ". Rồi đậu xanh cũng đãi sạch như vậy. Muốn bánh ngon, tất nhiên rồi, nguyên liệu phải ngon.
Mẹ chọn mua thịt ba chỉ ngon để thái miếng dài, sau này khi cho vào bánh, nhân sẽ đều ở khắp các miếng bánh khi dùng dây lạt cắt ra. Nhân bánh không nên làm bằng thịt nạc, vì sau khi luộc thịt nạc thường "xác", bỏ mỡ không thì lại ngấy "nuốt làm sao được". Gia vị được nêm vào, tôi nhớ có hạt tiêu, mắm muối và mì chính... Để ngấm một thời gian là đem vào gói được ngay.
Ngày xưa, mẹ hay chọn gói từ lúc trưa, sau khi ăn cơm. Một cái chiếu cói được trải ra, trên có cái nong, rồi mẹ đặt thêm cái mâm vào. Chúng tôi rất thích quây quần bên mẹ gói. Cả nhà thích nhất lúc này, vì công việc chuẩn bị gần xong xuôi. Xưa mẹ gói bánh hay phải bẻ khung lá dừa, khi luộc xong bánh vuông vức hơn gói mình lá không. Tôi nhớ loại bánh gói tay nhưng chỉ có bác dâu nhà tôi gói tốt, còn mẹ chẳng thích vì bác ấy gói to quá, không vừa đĩa. Gần đây mẹ lại gói bằng khuôn gỗ. Bánh vừa, đẹp, lại chắc, rất vuông vắn. Mẹ tôi ưng nhất kiểu bánh này. Tôi thì thấy mẹ gói kiểu nào cũng được, đằng nào mà chẳng bóc hết lá ra ăn.
Mẹ cắt lá, rồi xếp rất kỹ thuật vào khuôn. Mẹ tôi còn cẩn thận chặt một đoạn cuống dong để đo cho chuẩn. Một ít gạo được đổ xuống dưới, dàn đều rồi nêm chặt góc, đậu đã được nấu qua cho vào, xếp vài miếng thịt lên rồi lại đổ tiếp đậu và gạo ngược phía trên. Mẹ xếp các lá rồi dùng lạt buộc hình chữ thập thật đẹp. Đơn giản vậy thôi, thế mà mẹ bảo, không cẩn thận với các góc bánh, sau luộc dễ bị bung bánh ra, rồi mốc bánh ra ấy chứ.
Một nồi to, tầm hơn hai mươi cái thôi được đặt lên bếp. Nước đã được nấu sôi trước, đổ vào nồi, ngập cả bánh chưng. Củi lửa sẵn sàng cho chúng tôi một đêm thức trắng. Nồi bánh luộc phải mấy tiếng liền. Chúng tôi đem cả chiếu chăn vào bếp để canh. Ngày còn nhỏ mẹ hay kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Mẹ cũng thích kể chuyện về các nhà trong làng để chỉ dẫn chúng tôi biết anh em xa gần. Khi lớn lên, chúng tôi ham đánh cờ, đánh bài, bố mẹ cho chúng tôi trực ca đầu, sau thì bố mẹ xuống luộc khi chúng tôi đã lăn quay ra ngủ. Nay thì đã hết luộc đêm, bố mẹ lại gói sớm để luộc ban ngày, cái không khí ngày xưa thức đêm luộc bánh, tất nhiên, không còn nữa.
Nhà tôi tổ chức chập mộ mời ông bà tổ tiên vào sáng ba mươi tết. Năm nào cũng vậy, tại vì nhiều anh em con cháu ở xa, hôm đó mới có thể tập trung được. Và sau khi cúng cỗ, cả nhà ăn tết đoàn viên. Bố tôi là con cả nên ăn uống nhà tôi lo hết. Ai cũng thích ăn cỗ ở nhà tôi. Món gì cũng ngon. Có thể vì đó là bữa cỗ đầu tiên của chuỗi ngày tết nên ai cũng cảm thấy thích. Sau khi nhắm rượu với các món khác nhau, món bánh chưng là không thể thiếu. Bánh chưng nhà tôi thường cắt chéo thành sáu miếng. Ấy vậy mà sau khi ăn các món khác, có khi ăn phải được ba, bốn miếng bánh luôn.
Bánh chưng nhà tôi thường chấm mật, nhiều nơi người ta chấm đường, nước mắm, tương ớt... Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng đặt mua sẵn chai mật mía thật ngon. Những giọt mật mía màu nâu đậm, óng lên sắc vàng bám trên bánh chưng ngầy ngậy. Vị ngọt của mật, mùi thơm của bánh chưng mới luộc, màu xanh lá riềng bám trên hạt gạo đã luộc nhuyễn đều. Ôi, sao trông đã thấy ngon quá là ngon. Và sau bữa cỗ, mẹ cũng quà riêng cho chú thím tôi ở thành phố vài cái bánh. Có lần ăn tết ở nhà chú, đúng là bánh chưng thành phố ăn thật khác!
Nay quê tôi sắm đồ tết sẵn rất nhiều, cũng không còn nhiều nhà làm bánh chưng nữa. Riêng nhà tôi thì bánh chưng tết "không thể" mua. Chúng tôi lập gia đình ra ở riêng. Anh cả tôi vẫn ở chung nhà nhưng tết thì cũng rất bận. Bố mẹ dứt khoát làm bánh chưng, cho tất cả các con. Mẹ bảo, tết không gói bánh chưng thì đâu còn không khí còn ăn tết. Và đến nay, nhà tôi vẫn ăn cỗ tết bằng món bánh chưng của mẹ. Tôi cũng được ăn bánh chưng ở nhiều nhà, kể cả khi ăn quán, nhưng rõ ràng vị bánh chưng mẹ làm mang hương vị rất riêng!
Theo Chuyện làng quê
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/banh-chung-cua-me-a7683.html