Với người dân quê sống cùng đồng ruộng như gia đình nhà tôi thì làm ruộng, chăn nuôi là công việc quả là quen thuộc, nó quen đến nỗi là một phần cuộc sống. Chính vì vậy, cứ chiều đến, cả nhà cùng xúm lại mỗi người mỗi việc, người quét sân, người nấu cơm, người băm rau lợn. Tôi vẫn nhớ cái thuở xưa ấy, sau giờ học chiều kiểu gì cũng được "giải trí" với việc băm bèo, thái rau cho lợn.
So với những người ngoài phố thì sao mà so được, hoàn cảnh nhà tôi lúc xưa cũng không đến nỗi:
Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai
Nhưng cứ tầm bốn, năm giờ chiều, anh em tôi lại phải lo đi cắt và thái rau cho lợn:
Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng
Ngày nay, cưới vợ chẳng phải nộp cheo, mà nuôi cả nghìn con lợn có ai mà lại mất công băm bèo nữa. Khi tôi còn nhỏ, nhà tôi dù chỉ nuôi có con lợn mệ và hai con lợn thịt, lo rau cám cho nó lại là công việc thường nhật của chúng tôi.
Nuôi lợn ngày xưa quả là đơn giản. Thường ngoài vườn nhà tôi đã có trồng sẵn vườn khoai lang lấy dây cho lợn, chúng tôi chỉ việc đem rổ xảo ra, lấy cái liềm mà cắt cụt dây để sau mẹ bón phân cho nó mọc lên tiếp. Những dây khoai lang bò lổn ngổn không theo hàng lối bị cắt cho hết vào rổ. Nói là cắt vào cho lợn, nhưng nhà tôi cũng tận dụng những đọt non để luộc nấu làm thức ăn cho người. Ấy vậy mà cũng rất ngon.
Ngày ấy ghét nhất đi ngắt bèo. Ao nhà tôi dài rộng đầy bèo. Ngắt bèo tây (bèo lục bình hay còn gọi là bèo nhật bản) rất nhanh. Bèo cái to dễ dài cũng phải ngắt. Tôi thường vứt rễ lên gốc chanh, gốc chuối rìa bờ ao cho lũ gà canh cưi tìm bọ làm thức ăn. Nhưng mà ôi chao là ngứa, đến nỗi rửa đi rửa lại nhiều lần mà nó vẫn ngứa nguyên xi. Ngày ấy hệ miễn dịch kém hay sao ấy, ngày nào cũng vớt bèo mà cái ngứa chẳng hề thuyên giảm.
Ngồi ở góc sân nghe em tôi hát, tay băm đều từng nắm khoai lang, những nắm bèo thái thì rất nhanh. Hôm nào cũng phải tầm hai rổ lớn tướng đem vào nấu trong cái nồi cám lợn to. Đôi khi tôi nghĩ rất buồn cười, bèo ngứa vậy mà lũ lợn ăn được, rõ đúng là ngu. Những con lợn khi chưa được ăn cám, chúng rống lên đòi, hai chân còn nhảy cả lên thành chuồng mà la hét cho đến khi được ăn thì thôi. Mùi cám lợn xộc lên chưa bao giờ tôi cho là hấp dẫn. Ấy vậy mà lũ lợn ăn thật ngon lành, còn giành nhau ăn trong cái máng beton.
Rau khoai ao vô cùng ngứa cũng được tận dụng cắt ra rồi băm thành rau lợn. Tôi thích nhất là thái chuối rồi băm. Cây chuối hột, có khi là chuối ngự được kênh trên một cái thớt hỏng, tôi như "một người anh hùng cưỡi lên tuấn mã" mà ra sức thái chuối bằng con dao thái có hai cán hai bên. Những lát chuối như lát bánh tròn có các ô vuông nhỏ trông rất đẹp. Ngày đó tôi rất thích thái những cây chuối chưa trổ hoa, thái được một đoạn lại dùng lưỡi dao băm mà "ngoái" ở giữa thân để lấy đoạn ruột chuối, ăn rất ngon lành.
Thường thì cứ một người thái chuối lại cùng một người phải băm ra cho nhỏ để lợn dễ ăn. Đôi khi chuối được băm ra cho cả con bò nhà tôi thưởng thức. Chắc là ngon hay sao, tôi thường trộn lẫn chuối băm cùng với bã hèm, do nhà tôi còn nấu rượu, lũ lợn hay con bò ăn rất là mê.
Thế thời thay đổi, đến giờ không còn chăn nuôi gì nên cũng quá lâu rồi chẳng còn phải băm bèo, thái chuối cho lợn ăn. Nhưng vẫn nhớ về cái thuở ấy thật đáng yêu. Trẻ con nên có những công việc nhỏ để trải nghiệm vào đời, chứ rõ ràng nay bọn trẻ học về dán mắt ngay vào ti vi quả thật là lợi ít hại nhiều.
Tôi yêu cái buổi chín, mười...
Băm bèo thái chuối miệng cười thật tươi!
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-thoi-thai-chuoi-bam-beo-a7685.html