Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 71)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

  

bach-dang-2-1635128723.jpg
Bản đồ trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938. Nguồn: baotanglichsu.vn

              

Kỳ 71.

-Tham gia mặt trận Bạch Đằng còn có tướng quân Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, hai tướng quân này quê ở Gia Viên, trên bờ sông Bạch Đằng, có thể giúp mạt tướng hiểu địa hình bố trí trận địa. Mạt tướng xin thông báo tin vui, đạo quân đánh thành Đại La do tướng Dương Tam Kha chỉ huy đã hạ thành, giết chết Kiều Công Tiễn. Đầu của hắn đã treo ở cổng chính thành Đại La. Kiều Công Thuận đã chạy thoát về Phong Châu. Như vậy, thế lực nội ứng bên trong của quân Nam Hán đã mất, chúng sẽ choáng váng và thất bại. Sau khi ổn định tình hình Đại La, mạt tướng có thể sẽ điều lực lượng của Dương Tam Kha về tác chiến ở Bạch Đằng. Các vị còn cao kiến gì không?

Các hào trưởng đều đứng dậy đồng thanh:

-Xin tuân lệnh của chủ soái. Chúc mừng chủ soái đã giết được Kiều Công Tiễn, báo thù cho Dương Tiết độ sứ, làm thỏa mãn vui mừng của bách tính. Chúc chủ soái thắng lợi tại trận Bạch Đằng.

Ngô Quyền thi lễ đáp:

-Đa tạ các tướng quân. Chúc các tướng quân chiến thắng trên các mặt trận.

Ngày hôm sau, các hào trưởng cùng một mặt trận hợp quân lại và hành quân về Đông Bắc và về phương Bắc. Bộ binh và thủy binh của quân Khúc-Dương do Ngô Quyền thống lĩnh tiến về hướng Bạch Đằng Giang. Tham gia mặt trận thủy chiến này có các tướng Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, nữ tướng Dương Phương Lan. Sau này Ngô Quyền chỉ để Ngô Xương Văn coi thành Đại La, còn điều thêm Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Phạm Bạch Hổ từ Đại La về bổ sung lực lượng tại mặt trận Bạch Đằng Giang. Trước đó, Ngô Quyền đã sai Kiều Công Hãn đi tiên phong chọn và chuẩn bị nơi hạ trại cho toàn quân bên bờ sông Bạch Đằng, sao cho gần cửa sông, thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch.

 Toàn cõi An Nam bước vào cuộc chiến tranh mới với Nam Hán. Bách tính lại một lần nữa hướng đôi mắt và trái tim của mình về phương Bắc và miền Đông Bắc, đặc biệt là mặt trận Bạch Đằng Giang.

                                                                 XI          

Mãi đến canh ba, Ngô Quyền mới cùng với quân sĩ và các tướng lĩnh về đến  bờ nam sông Bạch Đằng, nơi mà tướng tiên phong Kiều Công Hãn đã chuẩn bị và lựa chọn cho toàn quân hạ trại, đó là đoạn sông vùng Xương Lâm, cách cửa sông Bạch Đằng khoảng một dặm. Các lều trại quân bản bộ của Ngô Quyền rải dọc bờ sông san sát  chìm trong đêm đông và gió lạnh với những ánh lửa bập bùng. Đó là ánh sáng của những ngọn đuốc của lính tuần tra. Ba quân đã chìm vào giấc ngủ say. Giữa các lều trại bé, nổi lên một chiếc lều màu vàng cao rộng nhô lên, trên đỉnh nóc lều vàng tung bay lá cờ đỏ với chữ Soái màu vàng. Đó là nơi làm việc của Ngô Quyền, là đầu não, là Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến. Dòng sông Bạch Đằng trong đêm im lìm đen thẳm, mênh mông, những dãy cù lao núi đá, những rừng cây dại mọc hai bên bờ sông như một bức tranh huyền bí, gió khua xào xạc.

bach-dang-1635128689.jpg
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Sau một ngày đi kiểm tra về đến Tổng hành dinh, ăn vội bữa tối, Ngô Quyền đã lại ngồi vào bàn rà soát lại toàn bộ trận tuyến Bạch Đằng và việc bố trí triển khai quân đội chuẩn bị kháng chiến. Hai đạo quân của tướng Lê Minh Trang chỉ huy đã tập kết lên miền  Lạng Châu, sẵn sàng chặn đánh bộ binh quân Nam Hán tràn xuống Đại La. Đạo quân khác do tướng Đinh Công Trứ chỉ huy cũng đã lên miền Hợp Phố, chặn bộ binh địch từ Đông Bắc tràn xuống tả ngạn sông Bạch Đằng hỗ trợ cho thủy quân. Việc bố trí Trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng cũng đã hoàn thành đúng thời hạn. Ông khâm phục tinh thần của quân đội và nhân dân chịu đựng gian khổ suốt một tháng ròng, dầm mưa dãi nắng, dầm mình trong nước, lặn xuống đáy sông trong giá rét để xây dựng trận địa cọc. Ông đã quan sát từ sáng cho đến trưa khi nước thủy triều rút, bãi cọc nhô lên nhọn hoắt, như vạn bàn chông, nghiêng về phía trong sông vững chắc, sẵn sàng đâm thủng thuyền địch thì thuyền địch không thể thoát ra ngoài được. Ngược lại, buổi chiều và đêm khi thủy triều dâng cao, cửa dòng sông trở nên rộng lớn mênh mông che hết cả bãi cọc, thuyền dù to lớn nặng nề vẫn lướt qua vào trong sông được. Trong các dãy núi cù lao đá vôi, rừng cây ven dòng sông Bạch Đằng khoảng bốn dặm, Ngô Quyền đã cho thủy binh và bộ binh mai phục sẵn sàng xông ra tấn công đạo thủy binh của địch. Dương Tam Kha chỉ huy quân Khúc- Dương mai phục tả ngạn sông Bạch Đằng, Đỗ Cảnh Thạc mai phục hữu ngạn sông. Hai cánh quân mai phục này bao gồm cả quân bộ và quân thủy. Còn có một đạo quân thủy do nữ tướng Dương Phương Lan và Phạm Bạch Hổ chỉ huy chờ sẵn ở thượng lưu để chặn đánh thuyền địch khi chúng tiến vào. Ngô Xương Ngập được lệnh bịt cửa sông Cấm để buộc thuyền địch phải đi vào cửa sông Bạch Đằng có trận địa cọc và quân Dương Tam Kha và Đỗ Cảnh Thạc mai phục. Đào Nhuận mai phục bịt cửa sông Giá buộc thuyền giặc phải vào cửa Bạch Đằng

   Một ngày mùa đông năm 938, gió lạnh thổi vù vù, miền biển Đông Bắc sóng chồm lên từng đợt màu xám. Trời cũng một màu xám ngắt. Nhưng mặt biển không yên tĩnh. Hơn 300 chiến thuyền chở hàng vạn thủy binh Nam Hán đang đè sóng hùng dũng tiến sang xâm lược lại miền mà xưa là Giao Châu và đến nhà Đường gọi là An Nam đô hộ phủ. Những chiến thuyền cao to màu nâu, mũi còm xuống nom rất hung dữ. Trên thuyền đông đặc nhưng tên lính đồng phục màu đen, gươm giáo sáng lòa, lưng đeo  cung mạnh, nỏ cứng và những ống đựng tên. Các tướng lĩnh quân Nam Hán giáp trụ màu kim khí lấp lánh, kiếm, gươm lấp lóe trong tay dữ dội như những thần chết đang tiến vào đất nước xa lạ gieo rắc chiến tranh chết chóc và tàn phá, xé tan cuộc sống thanh bình của một đất nước mà không hề làm hại đến người Nam Hán. Đoàn chiến thuyền dàn đội hình chiến đấu lướt nhanh trên sóng, những mái chèo như hàng nghìn cánh tay khổng lồ quái dị gạt nước đưa thuyền đè sóng tiến lên như những con quái vật khủng khiếp. Giữa đoàn chiến thuyền, một chiếc thuyền màu vàng cao to với vọng lâu phủ lọng vàng. Đó là chiến thuyền của Thái tử Nam Hán Lưu Hoằng Thao, Tổng chỉ huy cuộc xâm lược An Nam. Là Tổng chỉ huy nhưng Lưu Hoằng Thao chỉ là một thanh niên đang lớn, kiêu ngạo. Hắn tin tưởng vào sức mạnh của nhà Nam Hán dù chỉ là nước bé trong cục diện phân liệt năm đời mười nước khi nhà Đường sụp đổ. Lưu Hoằng Thao càng tin tưởng khi tiến quân cùng với đoàn thuyền chiến còn có đạo bộ binh hùng hậu do vua Nam Hán Lưu Nghiễm  thân chinh chỉ huy tiến theo đường bộ, sẵn sàng tiếp ứng cho đạo thủy binh.

 Lưu Hoằng Thao ngồi trên vọng lâu thuyền vừa quan sát cuộc tiến quân vừa uống rượu, vừa xem mười cung nữ xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy múa hát theo điệu nhạc cổ du dương trầm bổng. Khi đoàn chiến thuyền đi qua Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long, Lưu Hoằng Thao sững sờ trước vẻ đẹp như tiên cảnh bồng lai. Những hòn núi đủ hình thù kỳ quái phải hàng vạn năm thiên nhiên mới tạo được nhô mình trên mặt biển sóng yên biển lặng lung linh soi bóng. Trên một số đảo những đàn khỉ trông thấy chiến thuyền hung hãn của bọn người xa lạ hoảng hốt bồng bế con lẩn tránh, trèo lên tít những ngọn cây cao hay lẩn vào khe đá. Có những con hình như không biết sợ dương mắt nhìn quân xâm lược ngạc nhiên lẫn ánh mắt căm thù. Đàn hải âu trắng xóa bay loạn xạ. Lưu Hoằng Thao hớp cạn một ly rượu nói:

     -An Nam quá đẹp xứng đáng để ta cất công chinh phục.

     -Dạ, Thái tử nói không sai. Tên vệ sĩ đứng cạnh Lưu HoằngThao đáp lời nịnh nọt.

      Từ ngoài bước vào một tên lính hoa tiêu dẫn đường. Tên lính khoanh tay cúi đầu báo:

     -Dạ bẩm Thái tử đã đến vùng biển rẽ vào sông Bạch Đằng rồi ạ.

      Lưu Hoằng Thao bước lên đài quan sát, Khi đó đang là buổi chiều, nước thủy triều đang lên mênh mông. Bỗng xuất hiện một đội binh thuyền nhỏ bé của người An Nam chặn ngay phía trước đoàn binh thuyền đồ sộ của quân Nam Hán. Đoàn chiến thuyền nhỏ ra khiêu chiến này do tướng Nguyễn Văn Tố chỉ huy, có nhiệm vụ dụ thuyền quân Nam Hán vượt qua bãi cọc vào trong sông, vào trận địa mai phục. Lưu Hoằng Thao cười:

    -Ha...Ha...thủy binh của An Nam có thế này thôi sao.

      Rồi Hoằng Thao ra lệnh:

    -Dàn đội hình chiến đấu tấn công.

Thủy quân Nam Hán đang đội hình hàng dọc phút chốc những chiến thuyền phía sau tiến lên dàn thành hình tam giác mà mũi nhọn hướng vào sông Bạch Đằng. Lâu thuyền của Hoằng Thao lọt vào giữa được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ những chiến thuyền Nam Hán những trận mưa tên bay về phía chiến thuyền Ngô Quyền. Những chiến thuyền nhỏ bé của Ngô Quyền bắn lại. Những chiến thuyền Nam Hán lướt sóng chồm lên như muốn nuốt chửng quân Việt. Đội chiến thuyền của Ngô Quyền có vẻ núng thế quay mũi chạy vào sông Bạch Đằng. Hoằng Thao cười ha hả, phất cờ hạ lệnh đại đội binh thuyền xông lên truy kích. Lúc này trời đã xế chiều nên nước thủy triều đang dâng cao ngập hết bãi cọc. Toàn bộ hàng trăm chiến thuyền Nam Hán vượt qua. Cửa biển Bạch Đằng tung lên từng đợt sóng. Tiếng reo hò náo động vang cả một vùng. Những mái chèo của thuyền Nam Hán khua gấp, thuyền lướt như tên bay gió thổi. Đội hình thuyền Nam Hán kéo dài suốt bốn dặm nhưng vẫn giữ nguyên đội hình tam giác bao gồm mũi tiên phong sau đó là tả quân, hữu quân, hậu quân bảo vệ cho chủ tướng và hỗ trợ cho nhau. Bỗng nhiên trên đỉnh núi cao nhất bờ Bắc sông Bạch Đằng một lá cờ xanh phất lên. Hoằng Thao hỏi tên tì tướng:

     -Quân Nam phất cờ xanh là ý gì vậy?

     Tên tùy tướng ấp úng:

     -Dạ thưa Thái tử, tiểu tướng đáng chết, tiểu tướng không biết ạ.

      Hoằng thao và toàn bộ thủy binh Nam Hán không hiểu nhưng quân Việt  thì hiểu. Đó là hiệu lệnh đánh cầm chừng không cho quân địch tiến lên, cũng không cho quân địch rút ra biển chờ nước thủy triều rút xuống mới tổng công kích.

       Sau tín hiệu cờ xanh phất lên, Hoằng Thao và quân Nam Hán thấy xuất hiện khoảng một dặm trước mặt một đoàn thủy binh hùng mạnh chặn ngang chiến thuyền Nam Hán nhưng chỉ dừng lại phất cờ đánh trống mà không tiến công. Hoằng Thao ra lệnh cho chiến thuyền giảm tốc độ, khi vừa tầm tên ra lệnh bắn dữ dội vào chiến thuyền quân Việt. Quân Việt cũng dùng tên bắn lại như mưa. Thủy binh Nam Hán trúng tên, xác nằm la liệt trên các chiến thuyền. Tuy nhiên chiến thuyền Nam Hán vẫn không nhích lên được, không ra khỏi trận địa mai phục của Ngô Quyền. Thời gian trôi dần và màn đêm đã bao phủ không gian, bao phủ cả dòng sông Bạch Đằng nhưng màn đêm bị xé rách loang lổ bởi ánh lửa vàng vọt của các chiến thuyền. Nước thủy triều đang rút dần rất nhanh, rất mạnh. Hoằng Thao và thủy binh Nam Hán cảm thấy chiến thuyên nhích lên rất chậm và có vẻ như đang trôi ra biển, nước róc rách ào ạt dưới đáy thuyền. Bỗng nhiên Hoằng Thao trông thấy trên đỉnh núi cao phía Bắc một mũi tên lửa bắn lên không trung. Thủy binh và bộ binh Việt hiểu rằng đó là tín hiệu phản công mãnh liệt vào thủy binh Nam Hán vì bãi cọc ở cửa sông đã nhô lên sẵn sàng chặn bước tháo chạy ra biển của quân thù. Sau khi mũi tên lửa rớt xuống và tắt ngấm trong màn đêm, Hoằng Thao trông thấy các chiến thuyền quân Việt từ các núi đá, từ các rừng cây xông ra đánh mãnh liệt vào quân Nam Hán. Chiến thuyền quân Việt tiếp cận gần dùng búa phá thuyền, dùng câu liêm móc lính Nam Hán xuống sông mà giết. Quân Nam Hán bị công kích dữ dội phía trước mặt và cả hai bên sườn. Lính Việt nhảy cả lên thuyền chém giết. Quân Nam Hán chết như ngả rạ. Quân Nam Hán rối loạn, xác chết rơi xuống sông bị sóng đánh dập dềnh kín đặc. Rồi đột nhiên tất cả các mái chèo đều vô hiệu không đẩy được thuyền quân Nam Hán tiến lên, cũng không giữ chiến thuyền lại được. Các chiến thuyền Nam Hán cứ lao vun vút về phía cửa sông do nước thủy triều đang rút mạnh. Trên đỉnh núi cao phía Bắc lại hai mũi tên lửa bắn lên không trung sáng rực. Phút chốc sau tín hiệu, toàn bộ chiến thuyền quân Việt tản ra hai bờ dòng sông và những chiếc bè lửa cháy rừng rực đang theo nước triều trôi ngay phía trước mặt binh thuyền Nam Hán. Binh thuyền Nam Hán trôi với tốc độ khủng khiếp ra đến cửa sông chưa kịp định thần thì đã vang lên những tiếng kêu khủng khiếp. Những chiếc thuyền trôi đầu tiên xuyên vào cọc nhọn, chiếc tan tành chìm xuống nước, chiếc bị cọc chọc thủng xoay quanh như chong chóng. Hàng trăm chiến thuyền bị dồn lại, tắc nghẽn, không thoát ra biển được dù chỉ còn cách biển vài mét. Đang khi hoảng hốt thì thủy binh Nam Hán kinh hoàng vì những bè lửa rừng rực đang theo nước triều áp vào chiến thuyền Nam Hán. Hoằng Thao kêu lên tuyệt vọng:

   -Trời ơi! Lưu Thái Tổ ơi! hỏa công. Sao Người lại đẩy con vào đất chết thế này?

  Ngọn lửa hung dữ bén vào chiến thuyền Nam Hán. Gần ba trăm chiến thuyền đồng loạt cháy biến thành một biển lửa thực sự. Các chiến thuyền biến thành than, tan vỡ chìm xuống nước . Lính tráng bị cháy đen thui vùi xác xuống sông hoặc nổi dập dềnh. Có những tên lính bị cháy và chết chìm cùng thuyền, có tên bị lửa bén vào quần áo nhảy xuống sông chết đuối. Quân Việt đứng bên ngoài reo hò kinh thiên động địa, trút tên vào trong đám loạn quân của giặc. Nhiều tên bị chết vì trúng tên sau đó mới chết cháy. Chiếc lâu thuyền của Hoằng Thao cũng sớm bị bén lửa, các tướng sĩ hộ vệ chết hết không ai che chắn cho y được nữa. Hoằng Thao cuống cuồng chạy quanh lâu thuyền, khóc lóc gọi tên phụ vương Lưu Nghiễm, quần áo bén lửa rừng rực và chìm dần cùng chiếc lâu thuyền xuống nước. Giấc mộng Nam Vương mà người cha tham lam vẽ ra cho y đã đẩy y vào chỗ chết lúc đang tuổi thanh xuân. Cửa sông Bạch Đằng ngùn ngụt khói lửa, đêm mùa đông vùng Đông Bắc rực sáng với những âm thanh khủng khiếp của chiến trường, với một trận hỏa công hoành tráng. Đất trời Đông Bắc như nghiêng ngửa trong cơn giận dữ trừng phạt quân thù.

Ngô Quyền suốt đêm chỉ huy trận đánh. Chính Ngô Vương cũng thấy trận thủy chiến Bạch Đằng thật là hùng tráng. Trong ánh bình minh của một ngày mới, Bạch Đằng giang sau trận thủy chiến thật là khủng khiếp. Nước sông bốn dặm đỏ một màu máu quân Nam Hán. Xác ván thuyền cháy không hết tan vỡ dập dềnh cùng với xác quân thù kín đặc dòng sông. Chung quanh sông vẫn vang lừng chiêng trống như khúc ca chiến thắng khải hoàn của quân Việt. Nhân dân quanh vùng kéo về hai bên bờ sông nhìn xem phong cảnh hoành tráng của chiến trường và nhảy múa tưng bừng ăn mừng chiến thắng.

  Vua Nam Hán chỉ huy đạo bộ binh chưa kịp vào nước Việt thì nghe tin đạo thủy binh đã bị tiêu diệt, thái tử Lưu Hoằng Thao tử trận. Lưu Nghiễm khóc rống lên:

-Trời ơi! Cha có tội với con. Sao cha lại đẩy con vào đất chết như vậy?

  Kêu khóc thảm thiết và hối hận. Nhưng không biết đến lúc chết vua Nam Hán có nhận ra một điều đơn giản rằng thèm muốn đất đai, sông biển của nước khác đều phải trả giá đắt cho những giấc mộng điên rồ của mình. Biết bao đế quốc đã sụp đổ, biết bao kẻ ôm giấc mộng bình thiên hạ với kết cục cũng chẳng ra gi.

   Đó là tháng 10 Mậu Tuất (938)

  Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, năm 939 Ngô Quyền xưng Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Thủy chiến Bạch Đằng Giang đã kết thúc hơn 1.000 năm đô hộ của phong kiến Trung Quốc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước của những người Việt phương Nam.

(Hết tập I)
(Còn nữa – Tập II)
CVL                                                                                                                                                                     

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-71-a7707.html