Việt Nam giành giải thưởng trong khóa học làm phim ngắn của UNESCO

Ngày 27/10, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam với sự đồng hành của Phái đoàn Wallonia - Brussels (Bỉ) tại Việt Nam, HKFilm, WallSound Post Production, Hanoi Grapevine và Colab Vietnam đã tổ chức tổng kết khóa học sản xuất phim phi lợi nhuận ON THE REEL Film Lab, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ phát triển các dự án phim ngắn cũng như sự nghiệp làm phim.

Kết thúc khóa học, hai dự án “Mullberry Fields” (Một lần dang dở) của đạo diễn, biên kịch Nguyễn Trung Nghĩa và dự án “Memory Replica” (Bản sao ký ức) của đạo diễn, biên kịch Đặng Thảo Nguyên đã xuất sắc nhận được tài trợ 2.000 USD cho mỗi dự án cùng các thiết bị làm phim.

Khóa học làm phim trên diễn ra từ ngày 5 đến 24/10 với 6 dự án được lựa chọn từ gần 100 dự án phim nộp hồ sơ dự tuyển. Dưới sự dẫn dắt và tham gia của nhiều đạo diễn, nhà làm phim uy tín trong, ngoài nước như đạo diễn Phạm Ngọc Lân, nhà sản xuất Pimpaka Towira, các nhà làm phim trẻ Việt Nam đã tiếp nhận những kiến thức cơ bản để phát triển các dự án phim ngắn, tìm ra lộ trình sản xuất phù hợp và định hướng sự nghiệp làm phim.

Trong phần đầu tiên của khóa học (5-8/10), đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã giảng dạy về tính thẩm mỹ của phim ngắn và cách làm phim kinh phí thấp. Tiếp đó, mỗi dự án được nhận tư vấn riêng từ giảng viên (Phạm Ngọc Lân) hoặc khách mời (Trương Minh Quý). Từ ngày 21-24/10, đạo diễn/nhà sản xuất Pimpaka Towira đã chia sẻ về ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế và các kỹ năng trong sản xuất phim. Đây cũng là lúc các học viên trình bày dự án của mình với giảng viên và các học viên khóa học. Kết quả là, cùng với hai dự án phim xuất sắc trên, dự án phim “Little Tomb On The Praire” (Nấm mồ lý tưởng) của nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Lê Hoàng Phúc đã nhận được 1 gói hỗ trợ camera và thiết bị ánh sáng từ nhà tài trợ HKFilm.

Phát biểu tại Lễ tổng kết khóa học diễn ra dưới hình thức trực tuyến, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết khóa học ON THE REEL Film Lab được tổ chức trong khuôn khổ “Dự án E-MOTIONS: Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác của Nhật Bản, nhằm nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim, cũng như tổ chức những hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực.

Trưởng Đại diện UNSECO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng làm một bộ phim, thậm chí là một bộ phim ngắn, là một công việc khó khăn nhưng đầy cảm hứng, do đó khóa học ON THE REEL Film Lab của chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây”, đồng thời cho biết thêm, giai đoạn 2 của khóa học sẽ đồng hành và hỗ trợ các dự án được chọn, trong việc tìm kiếm thêm thành viên và nguồn lực trong phần trước công đoạn sản xuất; cũng như lựa chọn những cố vấn phù hợp cho từng dự án.

Theo các nhà tổ chức khóa học, việc xây dựng phim ngắn và tham gia các liên hoan phim quốc tế tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ tìm hiểu cách thức hoạt động của ngành công nghiệp điện ảnh, khẳng định tên tuổi và khai phá các nguồn lực và mạng lưới tiềm năng. Tuy nhiên, trước sự lấn át của điện ảnh phương Tây về số lượng, uy tín và tiêu chuẩn, phim ngắn của Việt Nam thường đối mặt với nhiều khó khăn trong hành trình vươn mình ra thế giới. Bên cạnh đó, sự bất ổn từ đại dịch COVID-19 buộc giới làm phim Việt phải xem xét lại cách làm phim truyền thống và tìm cách thích ứng với những thay đổi trong tương lai.

Vì vậy, khóa học ON THE REEL Film Lab hướng tới hỗ trợ các nhà làm phim trẻ có cái nhìn tổng quan về điện ảnh Việt Nam và thế giới, hệ thống liên hoan phim quốc tế, các xu hướng làm phim, cũng như nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp của các đạo diễn trẻ, quy trình sản xuất thông qua các buổi học, thảo luận, tư vấn từ các nhà làm phim giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Việt Đức (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hai-nha-lam-phim-tre-viet-nam-gianh-giai-thuong-trong-khoa-hoc-lam-phim-ngan-cua-unesco-a7776.html