Đinh Sĩ Minh trần thuật về những người thầy của mình hồi học phổ thông ở huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh, ở Trường Đại học Xây dựng (lớp 18 Kết cấu, khóa 1974-1979), nhưng đặc biệt nhất là về một “cô giáo ảo” đã nhiệt tình kiên trì dịu dàng nghiêm khắc dạy cho anh viết văn, đến bây giờ có thể nói đã tạm thuộc bài nhưng vẫn chưa được gặp cô bằng xương bằng thịt. Tôi thì ngược lại, đã quen biết cô gần chục năm và vài lần cùng mâm cụng ly cạch chén. Cô là một nhà văn trẻ nổi tiếng và dễ gần. Hồi còn cầm chịch một tờ tuần báo, cứ cách dăm bảy số tôi lại alô xin cô một truyện ngắn để “câu khách”. Mãi gần đây tôi mới biết cô làm thơ rất khá và viết “chính luận” cũng rất sắc sảo. Tôi khâm phục tài năng văn chương và nghị lực vươn lên trong cuộc sống chật vật của cô. Nhưng phải đến khi Đinh Sĩ Minh trần thuật về “cô giáo ảo” Tống Ngọc Hân, thì sự khâm phục của tôi đối với cô được đẩy lên cấp độ kính phục và kính nể!
Và người học trò của “cô giáo ảo” ấy đã bộc lộ một năng khiếu “trần thuật” xuất sắc, khi thì bằng một sự ví von so sánh, khi thì bằng một chi tiết rất đắc địa, khi thì bằng một nhận xét “tưng tửng” nhưng gói ghém cả một đại dương trong giọt nước.
Đây nhé, Đinh Sĩ Minh trần thuật về vợ mình, một cô gái cùng làng giỏi giang chuyên môn công tác, mấy chục năm vất vả vì ông chồng nghệ sĩ nửa mùa. “Cả đời em phải chịu đựng tôi như Thủ đô đang phải gánh chịu đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông”. Hehe…
Đây nhé, Đinh Sĩ Minh trần thuật về một ông dượng (tiếng Nghệ là chồng O) làm Chủ tịch xã. Thời đó chức ấy là có quyền cho ai được đi du học hoặc đi cày ruộng hoặc đi dân công hỏa tuyến. Dượng chủ động hứa hẹn bảo Đinh Sĩ Minh lo học cho tốt rồi dượng cho bay ra nước ngoài tu nghiệp. Đinh Sĩ Minh tin sái cổ, bỏ ngoài tai những xì xào về cái tật vòi vĩnh của dượng. Thế rồi Đinh Sĩ Minh thi Đại học thừa điểm đi du học nhưng chờ mãi… đến ĐH trong nước cũng im re, thay vào đó là cái giấy đi khám tuyển bộ đội, nhưng trượt vì sức khỏe yếu. Cuối cùng thì được đi học Đại học Xây dựng trong nước. Bốn chục năm sau làm thủ tục nghỉ hưu, Đinh Sĩ Minh mới đọc được trong hồ sơ gốc dòng bút phê của ông dượng: “Con nhà vô sản nhưng mang tư tưởng tiểu tư sản”. Hức! Hức…
Đây nhé, Đinh Sĩ Minh viết về một ông bạn là quan Thị trưởng, nhưng ân nghĩa thủy chung ấm áp với bạn bè đồng nghiệp đồng môn. Phẩm chất ấy của ông là bẩm sinh nên bạn bè thời trẻ cùng lứa học sinh miền Nam tập kết cũng đối đãi với ông như thế. Sau này làm quan lớn, mỗi khi nhắc đến người bạn quý nào ông cũng khoe “Thằng này ngày xưa trộm khoai nuôi tao”. Đinh Sĩ Minh viết: “Sau này tôi được biết anh còn là đồng hương, đồng môn, đồng tuế với anh Bảy Phúc, đương kim Thủ tướng, không biết có trộm khoai nuôi nhau nữa không?”. Hì hì…
Còn rất nhiều những người thân yêu được Đinh Sĩ Minh trần thuật trong tập sách này, như: Người anh ruột cựu chiến binh mệnh yểu; Nhà thơ tiến sĩ Vương Cường “bụt chùa nhà” nhưng rất thiêng; Nhà thơ, PGS, Tiến sĩ Lê Quốc Hán thiện xạ cả 2 tay Thơ ca và Toán học; Nhà thơ Phạm Thùy Vinh dân Bắc Kỳ là du (dâu) Nghệ nhưng Nghệ hơn người Nghệ; nhà thơ Vương Tâm sự nghiệp đồ sộ nhưng sống nhẹ nhàng chu đáo cao thượng với đồng nghiệp bạn bè… Dưới ngòi bút trần thuật của Đinh Sĩ Minh, họ hiện lên thật độc đáo.
Tập sách có truyện ký CON GÁI BA tôi đọc, ngồi khóc, thương cháu, thương anh chị và không dám viết thêm điều gì vì sợ động giấc thiên thu của tiên nữ 16 tuổi…
Tập sách còn có 2 truyện ngắn “lẫn” vào, trong đó có truyện TRĂNG VỠ nghe như tên một bài thơ, một tứ thơ, một thi ảnh… Thì đã bảo, Đinh Sĩ Minh vốn là nhà thơ mà! Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét khi đọc tập truyện ký này: “Tôi vẫn nhận ra tinh thần thi ca hiện diện theo nhiều cách, nhiều cung bậc trong văn xuôi của ông. Đó là độ rung trong mỗi câu văn và những chi tiết, đó là sự run rẩy trong những khoảng không gian của văn xuôi và người ta có thể cảm thấy hơi thở của niềm vui, của đau buồn, của sẻ chia, của thương nhớ… trong mỗi ngày ông đã sống”.
Như thế tức là sách đã được Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam đã đóng dấu chất lượng rồi!
Nhà thơ Mai Nam Thắng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-si-minh-tran-thuat-a7789.html