Còn bé trẻ con thấy vậy thì vui lắm, nhất là bà tôi bán được hàng, đông khách. Thỉnh thoảng được bà cho tiền ăn kem que, mấy chị em kéo nhau lên Ga. Hàng kem Mậu dịch quốc doanh rất đông khách. Thường thì phải xếp hàng để mua những que kem sữa, kem cốm, kem đậu xanh. Những que kem bốc khói vừa ăn vừa xuýt xoa vì ngon và lạnh, tất nhiên không thể ngon bằng kem Tràng Tiền rồi.
Chúng tôi ăn kem xong thì kéo nhau vào quầy bán báo ngay cạnh hàng kem để xem tranh ảnh. Nếu mua cho ông ngoại tờ báo Nhân Dân xong, chúng tôi vẫn nấn ná để xem ảnh diễn viên. Ảnh các nữ diễn viên hồi ấy như Cô Trà Giang, chị Ái Vân, chị Thanh Loan, chị Như Quỳnh được bày trong cái hộp kính. Ảnh đen trắng và ảnh tô màu, kích cỡ ảnh nhỏ xíu giống như ảnh chứng minh thư bây giờ. Cũng thấy chú bộ đội ngắm ảnh và hỏi mua. Trẻ con chúng tôi mê tít các chị ấy. Xem và ngắm nghía chán chê chủ hàng cũng không nỡ đuổi vì bà cụ ý nhà trong ngõ Vạn Kiếp, là hàng xóm và chơi thân thiết với bà ngoại tôi. Mỗi sáng bà đi lên Ga dọn hàng, đi qua nhà tôi, hai bà chào hỏi chuyện trò một lúc.
Thật thú vị khi tình cờ tôi đọc được bài viết của bác cựu chiến binh Trịnh Xuân Tiến kể chuyện bộ đội ta đem đổi ảnh của chị Ái Vân lấy thực phẩm. Chị Ái Vân xinh đẹp, dịu dàng, hát hay, tài sắc rực rỡ không chỉ là thần tượng của chị em phụ nữ mà cũng được cánh lính trẻ ngưỡng mộ.
............
Kính mời các bác, các anh chị đọc bài viết của bác Trịnh Xuân Tiến:
" Ảnh Ái Vân như bức này ngày xưa từng được không ít chàng trai cất vào trong ví, để trong ngực áo. Điều lạ là khi vào bộ đội, đi chiến trường, những bức ảnh đó đã không ít lần giúp chúng tôi đỡ đói lòng.
Một lần, sau khi đã đổi hết kim khâu, bưu ảnh, một anh bạn tôi ngần ngừ đem ảnh Ái Vân ra đổi gà. Đồng bào vui vẻ đổi cho bạn hẳn một con, cộng thêm mấy củ sắn. Chuyện lạ là sau đó, một chàng khác đem hẳn ảnh người yêu ngoài Bắc ra để đổi gà. Chủ nhà cũng vui vẻ đổi, dù đó chỉ là bức ảnh 3x4 bé xíu xiu.
Có nhẽ phải xin lỗi Ái Vân và những người con gái có bức ảnh ở lại với Trường Sơn theo kiểu như thế."
...........
Chiến tranh lùi xa nhưng những kỷ niệm về những người Cựu chiến binh không bao giờ quên. Nhắc lại những kỷ niệm xưa để ôn lại một thời kỳ hào hùng, oanh liệt nhưng cũng vô cùng khó khăn gian khổ của Quân đội ta!
(*) Cung Hữu nghị Việt - Xô và đường Lê Duẩn hiện nay.
Theo Chuyện làng quê
Huỳnh Hồng Điệp
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-tam-anh-quy-a7791.html