Trong số những làng nghề đúc đồng ở nước ta, trước hết phải kể đếnlàng nghề đúc đồng Ngũ Xã, Thăng Long- Hà Nội. Theo sử sách ghi lại vào thời Lê (1428 – 1527), để có tiền và đồ thờ tế lễ cho nhà vua, triều đình đã tập hợp một số nghệ nhân và thợ đức đồng có tay nghề cao ở 5 xã thuộc huyện Siêu Loại (nay Thuận Thành, Bắc Ninh) là Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Điện Tiền và. Đào Viên về Thăng Long, chọn vùng đất ven hồ Trúc Bạch lập làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Tại đây, dân làng lập thành phường nghề gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã. Vì đất đai ở đây nhỏ,hẹp chưa đầy 0,23km2, nên người dân Ngũ Xã không một ai làm nghề nông mà chủ yếu làm nghề đúc đồng thủ công. Tòan bộ dân làng đều tập trung sản xuất, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm đồ đồng.Ngũ Xã là nơi sản xuất các sản phẩm đồng thau tuyệt hảo cùng cấp cho Thăng Long xưa. Thời bấy giờ nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là một trong 4 nghề tinh hoa bậc nhất của Thăng Long, nên dân gian có câu:
Lĩnh hoa Yên Thế,
Đồ gốm Bát Tràng,
Thợ vàng Định Công,
Thợ đồng Ngũ Xã.
Thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian nghề đúc ngày càng phát triển, các nghệ nhân tài hoa có đầu ốc sáng tạo, cùng những người thợ có tay nghề cao đã đúc các đồ dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng … đồng thời đúc một số đồ cùng bái như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngủ sự bằng đồng…. Dân làng đức đồng Ngũ Xã trở nên quen thuộc gần gũi với mọi người khắp mọi miền đất nước.
Nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng đã sáng tạo ra hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật, được xem là kiệt tác nghệ thuật đúc đồng, đã nói lên tài năng trí tuệ của các nghệ nhân và thợ đúc đồng lành nghề của Ngũ Xã. Đó là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào năm 1677, tượng cao 3,9m, nặng 4 tấn, chu vi 8m, đặt tại đền Quán Thánh, một trong 4 tứ trấn Thăng Long. Người dân Hà Nội cùng như du khách thập phương trong nước và nước ngoài khi đến thăm đền Quán Thánh sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đồng đen đó, do bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã và sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi và thán phục trước kỹ thuật đúc đồng tinh xảo qua từng đường nét của bức tượng. Với tác phẩm này đã đủ khẳng định vị thế to lớn của làng nghề đức đồng Ngũ Xã đối với đất nước, dân tộc cùng như đối với đời sống tâm linh của người Việt.
Một tác phẩm nữa cũng do nghệ nhân Ngũ Xã sáng tạo nên, đó là tượng A Di Đà, mà các số đo của từng chi tiết tượng các nghệ nhân tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt nghệ nhân tạo mẫu và chỉ huy đúc tượng cực kỳ chuẩn xác trong từng công đoạn. Tượng cao 3,95m, nếu tính cả tòa sen làm đế toàn bộ tượng cao 5,50m, khoảng cách giữa hia đầu gối là 3,60m, nặng 12 tấn 300, được đúc liền khối bằng đồng, có chu vi ngang 11, 6m. Tượng tọa lạc trên tòa sen cùng bằng đồng gồm 96 cánh sen, được đặt trong chùa Thần Quang, trên đất làng. Tượng A Di Đà to gấp 4 lần tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.
Với kỹ thuật đúc rất tinh xảo, không một tì vết khiếm khuyết. Đây đúng là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ độc đáo, tinh tế trên mọi phương diện kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của nước ta. Bố cục tượng hết sức hài hòa, hợp lý. Từ thân hình đến dáng ngồi,nếp áo… đều toát lên sự trầm lắng, hiền từ, gần gủi, suy tư sâu sắc, nhưng lại vô cùng sinh động như người thực.Điều này thể hiện rõ nhân sinh quan truyền thống của đạo Phật Việt Nam.Pho tượng này đã được Trung tâm sách “Kỷ lục Việt Nam”xác nhận là bức tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất ở Việt Nam.
Để đúc được tượng A Di Đà, cả làng nhất trí bầu kiến trúc sư Nguyễn Văn Tùy là người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, làm tổng chỉ huy đúc tượng, đồng thời tập trung tất cả những thợ giỏi nhất làng. Việc đúc tượng phải chuẩn bị mất 3 năm (từ 1949 – 1952), để đúc bằng thủ công truyền thống chỉ trong 2 giờ.
Công việc chuẩn bi trải qua nhiều công đoạn: đầu tiên nặn tượng bằng đất sét, do nghệ nhân Nguyễn Phú Hiếu đảm nhận. Ông phải nặn đi nặn lại nhiều lần mất nửa năm, mới ưng ý.Sau đó chuyển sang làm tượng bằng xi măng. Cuối cùng làm khuôn để đổ đồng.Khuôn tượng này phải dùng 70 tấn đất sét trộn giấy bản. Trước khi đổ nước đồng, khuôn phải được nung đất chín (như nung gạch)- nếu để bề mặt khuôn ướt, khi đổ nước đồng ở nhiệt độ 1.4000C, nóng gặp lạnh sinh khí, tượng đúc ra bị rổ, khuôn có thể bị hỏng-
Ngày đổ tượng, nhà chùa đã huy động nhiều thợ trong làng ra hỗ trợ nấu đồng.Cả làng lúc này là một công trường làm việc liên tục, không được phép nghỉ.Có như vậy việc đổ nước đồng mới đều. Tất cả những đường gấp khúc, uốn lượn, chìm nổi trên pho tượng đều thể hiện rất tinh tế liền nhau trong một khối hoàn chỉnh.
Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối.Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn, càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Cấc sản phẩm đồng Ngũ Xã làm ra đã phải trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn luôn luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuạt và chất lượng kỹ thuật mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp. Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong quá khứ cùng như hiện tại là do bản năng thông minh sáng tạo với đôi mắt tinh tường, chuẩn xác và bàn tay khéo léo, cùng đức tính cẩn trọng và kinh nghiệm nghề đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ. Điều đó đã khẳng định tài năng đặc biệt của các nghệ nhân và thợ thủ công đúc đồng Ngũ Xã.
TR-M-T
Trần Mạnh Thường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-lang-nghe-hoa-viet-tai-nang-dac-biet-cua-tho-duc-dong-ngu-xa-a7815.html