Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

bothaihoangdeduongtamkha-1635474214.jpg
Bột Hải Hoàng đế – Bình Vương Dương Tam Kha tại Đền thờ ở các vùng Chương Dương (Thường Tín - Hà Nội). Nguồn: Internet.

 

 Kỳ 4.

Dương Tam Kha hỏi:

- Huynh lo gì?

Dương Nhị Kha đáp:

- Bài học của Kiều Công Tiễn năm 937 đệ đã quên rồi sao? Năm đó Kiều Công Tiễn chắc đã tính toán rằng cứ có quyền thì khuất phục được tất cả. Nhưng hắn đã nhầm. Sau khi phạm điều bất trung, bất hiếu, bất đạo, bất nghĩa, Kiều Công Tiễn không được anh hùng hào kiệt, các quan lại và bách tính ủng hộ và bị cô lập, cuối cùng bị đệ giết chết. Nay bác soán ngôi của cháu liệu chúng ta có bị cô lập không, có tạo ra cuộc đại loạn cho đất nước không?

Dương Cát Lợi nói:

- Huynh Dương Nhị Kha nói có cái đúng, có cái không đúng. Thời thế và sự kiện không giống nhau. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Tiết Độ sứ là phạm đạo bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, giết đi một trụ cột của đất nước, lại cầu cứu nước ngoài vào và bán nước. Nay sự việc khác là ta thay vị vua bạc nhược bằng một vị vua tài giỏi, vì dân vì nước sao có thể bị cô lập được. Vả lại, xin chúa công Dương Tam Kha sau khi đảo chính lấy được ngai vàng nhưng không được tàn sát giết chóc người nhà, con cháu của mình, nên lấy nhân nghĩa mà thu hút anh hùng hào kiệt, các hào trưởng và quan lại thì ai mà không ủng hộ.

Dương Tam Kha nói:

- Dương Nhị Kha và Dương Cát Lợi nói chí phải. Ta sinh ra cũng có chí tung hoành trong thiên hạ, muốn đem chút tài nhỏ mọn ra kinh bang tế thế, giúp dân cứu nước. Ta chỉ làm sáng tỏ thay Nam Sách Vương bất tài nhu nhược để ta làm cho nước hùng cường, dân được no ấm, yên vui. Vả lại, ta chỉ dành ngai vàng mà không có đổ máu, không có giết chóc vì Ngô Xương Ngập là cháu của ta, Dương Thái hậu là em gái của ta. Giết họ thì ta còn mặt mũi nào đứng trong họ Dương, còn mặt mũi nào xứng đáng với cha ta.

Dương Nhị Kha và Dương Cát Lợi đều nói:

- Chí phải, chí phải. Mong chúa công làm được như vậy. Gươm của họ Dương không thể tắm máu các cháu của mình.

Vài hôm sau có thám mã ở kinh đô Cổ Loa về báo cho Dương Tam Kha:

- Dạ, bẩm chúa công, theo tin tức đáng tin cậy thì hiện nay Nam SáchVương đã đem quân bản bộ đi kinh lý ở Lục Châu.

- Còn Hoàng tử Ngô Xương Văn ở đâu?

- Dạ, Hoàng tử Ngô Xương Văn đang ở dinh thự của của ngài ấy ở Cổ Loa.

- Thế còn Dương Thái hậu và các hoàng tử nhỏ đang ở đâu?

- Dạ, Dương Thái hậu đã đang đem hoàng tử Ngô Càn Hưng, Ngô Nam Hưng về thăm quê ở Dương Xá, Ái Châu.

Dương Tam Kha vỗ bàn mừng rỡ:

- Thật là trời cho ta thành công chuyến này

Bèn gọi Dương Cát Lợi, Dương Nhị Kha chỉ huy 1 vạn quân ngay ngày hôm đó vượt cầu phao qua sông Hồng tiến về Cổ Loa. Lính gác trên mặt thành trong thấy Dương Tam Kha và cờ hiệu họ Dương nên không dám bắn. Dương Tam Kha hỏi tùy tướng trên thành:

- Nam Sách Vương có trong cung điện không?

- Dạ bẩm, Nam Sách Vương đã đi công cán ở Lục Hải và An Biên.

- Tổng trấn Cổ Loa, hoàng tử Ngô Xương Văn có nhà không?

- Dạ có.

- Cho ta vào bàn quốc sự với Thiên Sách Vương.

- Dạ.

Viên tướng ra lệnh mở cổng thành cho Dương Tam Kha. Dương Nhị Kha, Dương Cát Lợi đem một vạn quân tràn vào thành. Dương Tam Kha cho quân bao vây cung điện của Ngô Xương Ngập, bắt giữ Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn, ra lệnh đóng hết cổng thành, cho người dán cáo thị ở Cổ Loa và khắp các châu nói rằng Nam Sách Vương là vị vua bạc nhược, độc đoán, không làm được việc gì cho dân cho nước. Cho nên quan Nhiếp chính Dương Tam Kha sẽ thay Nam Sách Vương trị vì đất nước. Dương Tam Kha sẽ dùng đế hiệu là Dương Bình Vương. Ai ủng hộ sẽ được tha thứ, cất nhắc. Ai chống cự và trái lệnh sẽ giết không tha.

Trước việc Dương Tam Kha áp đảo, làm chủ tình hình, quân bảo vệ Cổ Loa bị bất ngờ và bị khống chế nên toàn bộ đã hạ vũ khí đầu hàng. Dương Tam Kha cho Ngô Xương Văn vào căn phòng sang trọng và sai lính canh canh phòng cẩn mật. Ngày hôm sau, Dương Tam Kha thiết triều và ngồi lên ngai vàng với đế hiệu Dương Bình Vương. Văn võ bá quan đến chúc mừng và cùng tung hô:

- Chúc mừng Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn vạn tuế!

Cáo thị của Dương Tam Kha gửi đi các châu. Thứ sử các châu và hào kiệt hết sức bất ngờ trước việc thay đổi chủ nhân ở Cổ Loa:

- Loạn rồi, loạn to rồi…

- Dương Tam Kha nhận cố mệnh của Ngô Vương, thề sẽ giúp đỡ phò tá Nam Sách Vương, sao lại làm như vậy?

- Anh hùng tài giỏi như Ngô Vương vẫn còn nhầm lẫn, gửi con cho ác.

- Cũng may Dương Tam Kha không giết chết một ai, kể cả Thiên sách Vương Ngô Xương Văn hiện bị giữ ở Cổ Loa.

- Chưa thấy có cuộc cướp ngôi nào mà không đổ một giọt máu như cuộc chính biến này.

- Hy vọng hoàng tử Ngô Xương Văn sẽ tai qua nạn khỏi.

- Nghe nói Dương Bình Vương đã nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi?

Cứ vậy thiên hạ được chuyện bàn tán hàng tháng trời không dứt.

Tuần sau chính biến, Ngô Xương Ngập từ An Biên về đến Hồng Châu thì thám mã báo:

- Bẩm Hoàng thượng, Dương Tam Kha đã đánh chiếm Cổ Loa, bắt giữ Thiên Sách Vương và tự lên ngôi vua, xưng là Dương Bình Vương rồi ạ.

Nam Sách Vương cả sợ:

- Bác ấy nhận di chiếu của Tiên Vương nhận phò tá ta, sao nay lại làm phản? Còn quốc mẫu và hai em ta thế nào rồi?

- Dạ, Dương Thái hậu và hai hoàng tử đã về Ái Châu từ trước rồi ạ.

- Thế còn Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn?

- Dạ, bị Dương Bình Vương bắt rồi nhưng không sao cả, tính mạng của Thiên Sách Vương không bị đe dọa, còn được Dương Tam Kha nhận làm con nuôi.

Nam Sách Vương còn đang do dự không biết đi về đâu, có nên tiến đánh Cổ Loa hay không, bèn hỏi Kiều Công Hãn:

- Ta có nên về giao tranh, lấy lại Cổ Loa không?

Kiều Công Hãn đáp:

- Thế và lực hiện nay bệ hạ không bằng Dương Tam Kha. Vả lại Dương Tam Kha hiện có thành Cổ Loa vô cùng lợi hại, chúng ta về có khi thất bại và còn có nguy cơ bị hại hoặc bị bắt.

Đang khi đó có thám mã về báo:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, Dương Tam Kha đang cho một đạo quân do Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đang đón bắt Hoàng thượng. Đạo quân này đã vượt qua Lục Đầu Giang rồi ạ.

Kiều Công Hãn nói:

- Hoàng thượng nên tạm thời về lánh nạn ở nhà Phạm Bạch Hổ, vốn là đại thần dưới triều Tiên Ngô Vương ở Đằng Châu. Sau đó sẽ tính tiếp.

Nam Sách Vương buồn rầu nói:

- Đành vậy thôi.

Bèn kéo quân bản bộ về với Phạm Bạch Hổ ở Hương Trà, Đằng Châu.

Lại nói Phạm Bạch Hổ là một trong những khai quốc công thần từ thời Tiên Ngô Vương. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, ông được phong Phòng Át tướng quân. Ngô Tiên Vương cử Phạm Bạch Hổ về điền trang của ông ở Đằng Châu nhằm củng cố lực lượng, bảo vệ Cổ Loa ở mặt Đông. Một buổi sáng, Phạm Bạch Hổ đang ngồi uống trà trong dinh thự thì thám mã về báo:

- Dạ bẩm chúa công, Đại tướng Dương Tam Kha, Nhiếp chính kiêm Tổng trấn Đại La đã vào Cổ Loa lật đổ Nam Sách Vương, lên ngôi tự xưng là Dương Bình Vương rồi ạ.

Phạm Bạch Hổ thất kinh:

- Chính xác không? Dương Tam Kha được chính Ngô Tiên Vương ký thác, gửi con cho Dương Công phò tá cơ mà, sao lại làm phản được?

- Dạ bẩm chúa công, tin hoàn toàn chính xác ạ.

- Có ai bị giết không? Nam Sách Vương bây giờ ở đâu?

- Dạ, bẩm Nam Sách Vương đang đi kinh lý ở An Biên và Lục Châu.

- Dương Thái hậu và hai hoàng tử Ngô Càn Hưng và Ngô Nam Hưng có bị bắt không?

- Dạ, Dương Thái hậu đã đem hai hoàng tử về Ái Châu từ trước khi chính biến ạ.

- Vậy còn Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn?

- Dạ, Thiên SáchVương bị bắt nhưng chưa rõ tính mạng thế nào ạ.

Phạm Bạch Hổ lo lắng:

- Chết rồi, Ngô Xương Văn nguy to rồi.

Uống thêm một ngụm nước rồi Phạm Bạch Hổ bảo thám mã:

- Ngươi về Cổ Loa dò xem tin tức của Thiên Sách Vương rồi về báo ngay!

- Dạ.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                               

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a7818.html