Thanh chày vồ

Bà Ngoại là người Việt gốc Hoa nên Ông Cậu Ba là con trai trưởng tuyên bố anh em con bạn dì chú bác gì cũng vậy, đứa nào thấy mặt trời trước là anh là chị... vì vậy mà con của Cậu Ba (mẹ tôi thứ Năm) tuy vai lớn nhưng nhỏ tuổi hơn vẫn kêu tôi bằng anh. Ngược lại những người con của Dì Út lớn tuổi hơn, tôi vẫn kêu bằng anh bằng chị.

Con gái lớn của Dì Út tuổi Thìn (1952) tụi tôi vẫn hay gọi chị là Tài ché (chị Hai ) sau khi học nghề may trên Sài gòn chị về mở tiệm may Kiến Hưng ngang nhà Dì Út (ngay dốc cầu qua khóm 3 lò heo) chị quen với người bạn trai là Anh Vương Thanh tuổi con Mèo (1951) con của bác Sáu mắt kính một gia đình Việt kiều Campuchia hồi hương. Bác Sáu là tài xế chạy Taxi trên Sài gòn, anh là cháu bà con của ông Thiếu tá Quận trưởng nên anh tuy đi lính nhưng là loại lính kiểng vậy. Thời đó, anh đẹp trai hát hay, dáng của anh giống như diễn viên kịch Vân Hùng lại có nét điển trai như anh chàng diễn viên điện ảnh nổi tiếng Pháp Alain Delon nên biết bao cô nàng phải lòng anh trong đó có mấy bà chị của tôi.

thanh-chay-vo-1635480667.jpg

Anh Vương Thanh thì trời sinh ra có một giọng ca đặc biệt khi anh hát cả xóm nghe đều ngẩn ngơ vì tiếng hát của anh. Lần anh chị gặp nhau trong đám cưới nhà Cậu Ba Chánh, lần đó ban nhạc Tâm lý chiến Của anh Mười Công tới giúp vui anh Vương Thanh hát hai bài : Đám cưới đầu xuân và Mùa đông của anh... làm cả đám con gái thời ấy trơ mắt nhìn vì giọng hát quá hay của anh. Ngoài tài ca hát ra anh còn giỏi nhiều thứ khác anh hay có những trò vui bất ngờ, những câu chuyện Tiếu lâm, anh biết đàn guitar, biết đánh trống và cả chuyện... đánh nhau.

Mà chuyện đánh nhau của anh cũng giống như phim hài Thành Long anh đánh lộn như giỡn chơi vậy. Một lần anh đi đò ngang qua xã Mỹ hòa thăm cô bạn gái đẹp như Hoa khôi thời ấy, vừa về tới bến đò ngang, anh bị năm anh lính Địa phương quân giàn hàng ngang chặn đường xuống đò.

Thấy vậy anh hỏi tỉnh queo:

- Có chuyện gì mà chặn đường đón ngõ vậy mấy bạn?

Đám lính ỷ đông nên hiên ngang trả lời:

- Đánh mày chứ chuyện gì.

Anh Vương Thanh trả lời tỉnh queo:

- Tưởng gì.. đánh nhau thì tôi khoái lắm, nhưng mấy anh năm người tôi chỉ mình yên, nếu tôi thua chỉ là chuyện thường tình, còn nếu tôi thắng mấy anh cũng khó nhìn mặt ai phải không cô lái đò? Thôi thì tôi tính như vầy ...

Tụi lính hỏi:

- Tính cái gì tính lẹ lên đi mầy.

Anh lẩm nhẩm đếm:

- 1 , 2 , 3, 4, 5 tao đánh thằng số ba.

Anh chàng số 3 đâu ngờ anh ra đòn nhanh như vậy nên ngã nhào xuống sông, chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh nói tiếp:

- Tới thằng số 5.

Thế là một anh nữa lại trúng một cú đá bay tiếp xuống sông.

Anh cười hề hề nói:

- Mấy thằng bây đánh lộn dở ẹc như vậy mà cũng dám chặn đường tao.. đúng là không lượng sức mình.

Ba tên lính còn lại hốt hoảng nhanh chân dọt lẹ. Anh hề hà bước xuống đò phân trần với khách đi đò:

- Bà con thấy tụi này đông như vậy mà nhát hít, năm thằng đánh một thằng mà còn bỏ chạy như ma rượt, tụi này ra trận chắc cúng mạng luôn chứ đánh đấm gì.

Mấy bà khách đi đò đang sợ vì chuyện đánh nhau nghe anh nói vậy ai cũng cười ngất và họ khen:

- Cái chú này tếu quá. Bị năm thằng dí đánh mà chú tỉnh bơ như giỡn với tụi con nít vậy. Chú tên gì vậy chú?

Anh cười nói :

- Mấy chị ơi, ở xứ này ai cũng gọi em là "Thanh Chày vồ", hôm nay em quên đem cái Chày nếu có đem theo tụi hồi nãy chắc nằm nhà húp cháo. (Sau này tôi mới biết anh có biệt danh là Thanh chày vồ)

Anh còn là một cây kể chuyện Tiếu lâm những chuyện rất bình thường nhưng khi qua lời kể của anh rất hay và thật mắc cười. Ở chợ Bình Minh có chị Mo bán Bánh mì thịt chim trước cửa tiệm Ngọc ngữ có anh chồng tên Suôi, tối tối anh Thanh hay cầm guitar lại trước chỗ chị Mo anh và Chị Lắm hát nhái theo bài Tình đời:

- Khi biết Mo bán bánh mì chim

Đêm đêm lề đường, dâng miếng bánh cho người người

Hỏi rằng "Suôi" ơi còn yêu Mo nữa không.

(Anh Suôi là chồng chị Mo)

Chị Lắm ca tiếp :

- Đừng nói nữa, Suôi ơi xin đừng nói nữa làm gì Mo biết rằng tình là cay đắng cho ta mãi gần nhau...

Nghe ca mọi người ai cũng cười ngất ngưởng ...

Đám cưới anh và chị Hứng (khoảng năm 1973) tổ chức thật vui cả đám con nít lóc nhóc trong xóm đều được tháp tùng theo nhà gái đưa dâu lên nhà trai ở bến Lê quang Liêm Q5 Chợ lớn, được ngủ lại một đêm ở một khách sạn gần rạp hát Hào Huê và mấy thằng con nít tháp tùng đưa dâu được tôi đưa vào rạp xem phim màn ảnh rộng và cái máy lạnh trong rạp làm tụi nó co chân bó rối run lập cập vì lạnh.

Sau đám cưới chị tôi mở tiệm may, anh thì làm lính kiểng ở Dinh Quận tối ngày không lo chuyện cơm nước đi lông bông vui chơi anh chị đóng một cái buồng như phòng hoa chúc trong nhà tôi vì nhà rộng chỉ có tôi và mẹ nên cho vợ chồng anh chị ở nhờ . Anh chị thường giận nhau nhưng không cãi nhau, cứ vài hôm thấy chị ra khỏi buồng tìm chỗ ngủ là biết hai người giận nhau có lẽ vì cái tánh lông bông của anh?

Sau 1975, cái tiệm may đóng cửa vì đâu có ai may đồ, cái tiệm chị bán cho người ta rồi về cất cái nhà xéo cái lò rèn của Bác Năm Quýt bên khóm 3 chị đổi qua làm lò hủ tíu vừa tráng, vừa đem qua bên chợ ngồi bán, tôi và thằng Bùi Thiện làm công nhân cho chị, khi anh chị có hai đứa con trai anh chồng thì càng ngày càng bê tha khi khóm 3 bị truy quét những thanh niên đi tập trung cải tạo vì tệ nạn Ma túy anh cũng nằm trong danh sách đó.

Sau 30/4/1975, Anh Thanh cũng tập hát những bài ca Cách mạng với giọng ca trời cho của mình những bài anh hát những năm đầu giải phóng không có đối thủ.

Một lần lên Sài gòn chơi, đi ngang đường Nguyễn cư Trinh ban nhạc của QB (con trai nghệ sỹ HC) đang tập chương trình hát tại rạp Quốc Thanh, anh Vương Thanh đứng bên ngoài hàng rào nghe ban nhạc đánh mà xốn xang trong lòng. Đợi khi ban nhạc nghỉ giải lao anh mới rụt rè hỏi:

- Các anh ban nhạc ơi các anh đánh hay quá.. có thể các anh đánh cho tôi hát một bài cho đỡ ghiền được không.

Thấy anh chàng mặc đồ công nhân mặt mày tướng tá cũng sáng sủa nên ban nhạc đồng ý. Anh Vương Thanh xin hát bài Đất nước trọn niềm vui, một sáng tác mới của nhạc sỹ Hoàng Hà. Bài hát tiết tấu dồn dập ít ca sỹ nào dám hát thời đó. Lúc anh đang hát say sưa hát như đang biểu diễn thì anh HC vừa chạy xe về nhà và nghe anh hát một cách chăm chú, xong bài hát HC vỗ tay yêu cầu anh hát thêm bài nữa anh Vương Thanh hát một bài nhạc Pop Italia dạng khó, bài Sambario ( Vũ điệu cuồng say) hát xong cả ban nhạc vỗ tay khen.

Anh HC hỏi thăm nhà cửa đủ thứ chuyện và nói với anh Thanh:

- Giọng ca em hay quá, nếu lên Sài gòn em sẽ là ngôi sao ca nhạc. Nếu em muốn thành ca sỹ chuyên nghiệp anh sẽ giúp em.

HC còn kêu QB sắp xếp cho Anh Thanh hát trong chương trình ngày chúa nhật tới tại rạp Quốc Thanh và khi đi nhớ lên trước một ngày khỏi cần mang trang phục gì hết, Lần đó vừa về tới Bình Minh anh bị bắt vì công an xét trong người có ma túy.

Chị tôi chán ông chồng nghiện ngập nên bán vội căn nhà đưa hai đứa con cùng đi vượt biên. Khi anh xong khóa cải tạo về thì hay tin vợ con cũng đi mất. Ông anh rể của tôi lại tiếp tục sống đời lang bạt. Anh ra Cầu bắc cần thơ ngồi vá dép, may giày kiếm tiền sống qua từng tháng ngày vất vả..

Một lần anh qua Cần thơ về tới bến Phà thì xí nghiệp phà đang tổ chức liên hoan mừng Tổng kết cuối năm có ban nhạc, ca sỹ hát tưng bừng anh tò mò đứng xem vì mặc đồ công nhân nên ai cũng tưởng anh là nhân viên bến phà đến khi MC mời một công nhân nào có tinh thần văn nghệ đăng ký tham gia hát cùng anh em nghệ sỹ anh rụt rè đưa tay lên.

Anh hát hai bài:

- Chiếc gậy trường sơn và Đất nước trọn niềm vui. Cả xí nghiệp bất ngờ với tiếng hát của anh. Sau đó đích thân Giám đốc xí nghiệp phà trân trọng mời anh ngồi chung bàn cùng dự Liên hoan vì ông Giám đốc tưởng anh là công nhân của xí nghiệp.

Tới 11 giờ khi đã no say thì phà đã hết đưa anh mới nói thiệt với vị Giám đốc mình không phải là công nhân gì cả mà chỉ là một anh Vá dép phía cầu bắc bên kia, bây giờ phà hết đưa nên xin ông cho xuống phà ngủ nhờ chờ sáng. Ông Giám đốc ra lệnh nhân viên chở anh xuống phà và điều một chiếc phà chỉ chở một mình anh qua sông.

Anh cũng từng là một thành viên của Đoàn văn công xã Mỹ thuận do anh Mười Chiếu phụ trách, anh Mười là một Ảo thuật gia với nhiều trò ảo thuật dân gian dạng bóng rổi từng đoạt Huy chương vàng cấp tỉnh và anh cũng là một tay đàn Hạ uy di rất hay, chơi được tân nhạc và cổ nhạc cây đàn của anh anh tự làm bằng gỗ cây Còng.

Mãi đến 14 năm sau anh Thanh được con trai bảo lãnh qua Cộng hòa Liên bang Đức. Khi tới phi trường Tân sơn Nhất anh chỉ cầm theo một cái giỏ đệm chân thì mang một đôi dép Lào.. quần áo chỉ có đúng hai bộ thay đổi có lẽ anh là người Việt nam đi ra nước ngoài nghèo nhất thế giới .

Khi đưa anh ra phi trường trước lúc lên máy bay anh nói như hứa với tôi:

- Em yên tâm... vẫn biết "Hứa hẹn là xạo ke". khi qua bên đó có việc làm ổn định người đầu tiên anh giúp đỡ là em...

Lời hẹn đó của anh tôi vẫn chờ đến bây giờ ...

Qua tới Đức anh mới biết chị tôi đã có chồng khác, 2 đứa con trai thì khi bảo lãnh người cha hình như nó cũng hết trách nhiệm có lẽ vì sự gần gủi của tình cha con không có?Sau đó anh kết hôn với người vợ sau cũng trạc tuổi anh cũng người miền tây và cũng như anh, chị ấy cũng được con bảo lãnh qua và qua tới xứ người mới biết chồng mình đã có vợ khác. Ngày đám cưới của anh bên CHLBĐ bà già vợ đứng làm sui cưới vợ cho anh, bên đàng gái thì bà già chồng đứng làm sui gã con dâu. Đúng là một đám cưới bất ngờ và hy hữu.

Nghe tin anh cũng có việc làm một dạng lao động nhẹ cũng tạm đủ sống ... rồi sau vài năm lại nghe tin anh mất sức Lao động nằm nhà hưởng tiền trợ cấp của chính phủ giữ mấy đứa cháu của bà vợ sau và lời hứa của anh với tôi anh cũng quên luôn trong cuộc sống nhọc nhằn nơi xứ lạ quê người.

Năm 2016 anh về thăm quê với cây gậy inox 4 chân (gậy dành cho người bị bệnh tai biến) anh ghé nhà thằng Mừng thằng bạn thân của tôi. Anh mua một két bia Sài gòn kêu:

- Mừng, mày điện thoại gọi thằng Trung về nhậu chơi .

Từ Long xuyên chạy gần hai tiếng mới tới nhà thằng Mừng, ba anh em nhậu hết két bia rồi chia tay, tôi cười vui chọc anh:

- Hồi xưa hát bài Chiếc gậy Trường sơn hay quá mần chi bây giờ đi đâu cũng chống gậy.

Anh cười:

- Anh về lần này chắc không về nữa.. cuộc sống không khá giả gì nên anh chẵng giúp gì được cho em..

Tôi cũng nói:

- Những ngày cực khổ của em cũng qua rồi, bây giờ em... con cái lớn hết rồi nên không đến nổi nào. Anh em mình tới tuổi này còn gặp nhau ngồi nhậu như vầy là quý rồi anh bận tâm làm gì.

Ông anh rể và thằng em vợ chia tay nhau mấy chục năm chỉ gặp nhau hai giờ đồng hồ, một anh chàng lãng tử có giọng ca làm say đắm bao người bây giờ lọm cọm và cất giọng ca thì lắp bắp như bị cà lăm...

Mấy năm rồi hay tin anh mất ngay mùa Noel. Nhớ hoài người anh rể tài hoa vui tính một thời Bình minh thân yêu.

Ngủ ngon nhé người anh rể của tôi :

"THANH CHÀY VỒ ".

Theo Chuyện quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-chay-vo-a7828.html