Ở Hàng Bột, dù nhà mặt phố nhưng nhà tôi không buôn bán. Hồi kháng chiến chống Pháp nhà tôi tản cư ở phố Nấp (Đông Sơn – Thanh Hóa). Bố tôi mở Hãng nước mắm Tứ Hải. Khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, bố tôi đã dốc sản nghiệp, ủng hộ cả thuyền nước mắm. Những chum mắm chượp, mắm đang chờ ngấu được xay lẫn, đun lên tạo thành thứ mắm kem, gửi ra chiến trường. Năm 1954 gia đình về Hà Nội mở lại hiệu nước mắm Tứ Hải ở phố Hàng Bột. Gặp kỳ cải tạo công thương, ông lại dẹp bỏ cửa hiệu, đi làm công ăn lương cho Nhà nước. Ông phẩy tay: “Cả một xưởng mắm còn chả tiếc, tiếc gì một cái cửa hiệu”.
(Nhân đây tôi xin nhắn doanh nghiệp nước mắm nào lấy tên Tứ Hải hãy liên lạc với tôi. Hãng nước mắm Tứ Hải ở Thanh Hóa đã được ghi vào sử của địa phương. Tôi không gặp họ để đòi bản quyền thương hiệu. Trái lại, tôi cảm ơn họ đã duy trì thương hiệu một thủa của gia đình. Không có họ, thương hiệu Tứ Hải sẽ mất hút trong các thương hiệu nước mắm của Việt Nam).
Vốn liếng đã công tư hợp doanh nên thời gian khó của chiến tranh và thời bao cấp, nhà tôi cũng làm thêm các việc gia công để thêm thắt cho bữa cơm gia đình.
Dán hộp giấy
Nhà tôi ở ngay sát Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1. Xí nghiệp sản xuất thuốc tiêm hoặc uống Phi-la-top, được gài trên những cầu giấy và đựng trong những hộp giấy nhỏ xinh.
Gia đình tôi được giao gia công cầu giấy và hộp giấy. Hàng tuần, mẹ tôi sang xí nghiệp, nhận về những tấm bìa mỏng đã cắt gọn gàng. Cùng với nó là số bìa giấy đã được đột những lỗ dài đều tăm tắp.
Nhà đông anh chị em, mỗi người lo một công đoạn. Người bẻ gập tấm bìa đã đục lỗ, thành hình những giá gài ống tiêm. Người quết hồ do nhà tự quấy lên mép tấm bìa và cả ngay giữa tấm bìa. Người dán hai loại bìa vào với nhau. Dây chuyền dán hộp giấy ở nhà tôi cứ nhịp nhàng trong khoảng 2 ngày mỗi tuần. Việc không nhiều vì bác tổ trưởng phải lo phân chia việc cho các tổ viên, mỗi người một ít. Xí nghiệp Dược phẩm hồi đấy chỉ chuyên sản xuất thuốc Phi-la-tốp nên các hộp giấy được gia công chỉ có 2 loại. Loại ống tiêm to và ống tiêm nhỏ.
Xí nghiệp cũng thuê gia công cả những hộp giấy đựng các vỉ ống tiêm, nhưng phần việc đấy lại được giao cho tổ khác làm. Cũng may. Lúc chưa kịp giao hàng, chỉ những vỉ giấy đựng ống tiêm vừa được dán đã khiến nhà tôi như cái kho, xếp đầy những chồng vỉ giấy gài ống tiêm.
Không rõ thu nhập từ việc dán các vỉ giấy được bao nhiêu nhưng tôi thấy mẹ tôi thường chép miệng, coi như việc thêm thắt để có thêm đồng tiền đi chợ.
Ngày nay ngồi nhớ lại, tôi lại thèm được trở lại như xưa. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau. Người gấp giấy, người dán, người xếp gọn. Mỗi người mỗi việc, chuyện trò râm ran suốt lúc làm.
Đan len và dệt len
Trên tôi là ba bà chị, bà nào cũng giỏi đan len. Hàng tháng, cứ đến ngày quy định là bác tổ trưởng tổ đan len đến giao những cuộn len và thu sản phẩm.
Ba bà chị đi làm về là ngồi đan len. Mỗi người mỗi áo, từ thân cho tới tay đều tự tay đan vì từng sản phẩm của mỗi người đều khác biệt nhau, không ráp chung thành áo được. Nhiều khi đi chơi về tôi còn phải cầm áo để các bà chị tháo ra đan lại do áo len đan bị rão hoặc sai quy cách.
Cứ tỉ mẩn, mỗi tuần mỗi bà cũng đan xong một chiếc áo, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đam mê đan len nay vẫn còn ở bà chị cả tôi, lứa U 90 hiện sống ở phố Đội Cấn. Chị khoe với tôi hồi trước dịch là có tham gia đan mũ, đan khăn cho nhóm “Ong chăm” của bà Phan Vũ Diễm Hằng để giúp cho trẻ vùng cao.
Đến khi tôi đi làm, lấy vợ, được ông tài tử Ngọc Bảo và bà Khểnh vợ ông đến chung vui. Ông bà mừng đôi trẻ chiếc máy dệt len.
Hai vợ chồng tôi lúc đó đều bận việc nên chiếc máy được chuyển cho bà chị dâu. Chị là giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm ở trường Trần Phú trên Hoàn Kiếm.
Thời đấy nhà giáo được xếp thuộc diện nhà nghèo nên bà ấy rất chăm dệt len. Len được Nhà nước giao, mẫu mã kích cỡ Nhà nước quy định nên cứ lắp lên máy là dệt thành những tấm len theo mẫu mã. Việc khâu những tấm len thành sản phẩm, đã có tổ trưởng tổ dệt đảm nhiệm.
Ông anh vợ tôi kể: Bà ấy về đến nhà là ngồi dệt len, bỏ mặc ông ấy lo việc bếp núc. Có hôm ông ấy thức giấc lúc nửa đêm, vẫn thấy bà ấy đang ngồi trước máy dệt len. Thành thói quen. Hôm nào đi ngủ mà không nghe tiếng xoẹt xoẹt của máy dệt len là ông ấy lại thấy khó ngủ.
Bà ấy chỉ ngừng tay, tự cho mình giải trí khi nghe ngoài đường có tiếng lao xao.
Ông ấy tả: “ Thấy bà Dung đang ngồi xoẹt xoẹt rồi ngừng, rồi lại xoẹt xoẹt. Rồi bà ấy lại ngừng, ngẩng lên nghe ngóng. Vèo một cái bà ấy chạy ra đường. Lúc sau bà ấy vào lại xoẹt xoẹt và kể cho mọi người ai cãi nhau với ai ngoài đường phố”.
Hồi bao cấp, có việc làm thêm là may nên ai cũng chăm chút cho công việc làm thêm của mình, có khi còn hơn cả công việc chính tại cơ quan.
Theo Chuyện làng quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nghe-muu-sinh-thoi-bao-cap-a7838.html