Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một vị sư người Ấn Độ, sang Việt Nam hoằng hoá Phật pháp. Sư có công lớn cho việc mở một dòng thiền mới ở nước ta, có tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

ty-ni-da-luu-chi-1635609957.jpg
 

Chuyện về thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi mặc dù có thời gian khá lâu, nhưng được các sách trọng yếu ghi chép lại và khá đầy đủ. Thích Minh Thuận cho biết:

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được du nhập vào nước ta sớm nhất so với các dòng thiền khác và hầu như mọi người đều cho rằng dòng thiền này đã chấm dứt sau khi vùa Trần Nhân Tông sát nhập ba dòng thiền; Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một dòng thiền mới có tên là Trúc Lâm Yên Tử.

Thích Minh Thuận dẫn rằng: Theo Thiền Uyển Tập Anh, Thiền phái này do ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Nam Ấn truyền vào từ năm 580 đến cuối thời Lý đã truyền thừa được 19 đời, với 49 người. Thiền phái Tỳ Ni bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên về Mật giáo.

Vì vậy, tuy có tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu Kinh – Luận, có khuynh hướng nhập thế giúp đời nên đã sử dụng thuật phong thủy – sấm vĩ và một số tín ngưỡng dân gian để làm phương tiện thiện xảo, dẫn dắt chúng sinh vào đạo. Về mặt bản thể thiền phái này chủ trương thực tại siêu việt Không và Có, từ đó tiến đến mặt nhân sinh cũng cần vượt lên trên cả Sinh và Tử.

Vì vậy, tác giả Nguyễn Lang đã có sự nhận xét tổng quan về thiền phái này sau: “Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Đây là một Thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ”.

Từ những đặc tính trên, trong lịch sử thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã xuất hiện nhiều vị thiền sư lỗi lạc, có đóng góp lớn cho đạo và đời, tiêu biểu như: Trưởng lão La Quý (852-936), thiền sư Pháp Thuận (925-990), Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018), Thiền sư Đạo Hạnh (?-1117), Tăng thống Huệ Sinh (?-1063), Quốc sư Minh Không (1066-1141), Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142), Quốc sư Viên Thông (1080-1151).

Để thông tin về Tỳ Ni Đa Lưu Chi và dòng phái này, chúng tôi xin dẫn lại bài của Nguyễn Hiền Đức:

Tháng Ba năm Canh Tý (580), niên hiệu Đại Tường thứ Hai, đời Chu, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Giao Châu, trác tích ở chùa Pháp Vân, sau đó dịch thêm kinh Tổng Trì.

Khi Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến chùa Pháp Vân, trụ trì là Thiền sư Quán Duyên có đệ tử là Pháp Hiền.

Cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Thiền sư Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi và sư Pháp Hiền.

Tỳ-ni-đa-lưu-chi hỏi : Ngươi Họ gì ? (Nhữ hà Tánh ?)

Pháp Hiền không trả lời câu hỏi mà hỏi lại : Hòa thượng Họ gì ?

Tỳ-ni-đa-lưu-chi lại hỏi : Ngươi không có Họ sao? (Nhữ vô Tánh đa?)     

   Pháp Hiền đáp : Không phải không có Họ, nhưng Hòa thượng làm sao biết được ?

Tỳ-ni-đa-lưu-chi quát : Biết để làm gì ?

Pháp Hiền chợt “ngộ”, liền sụp xuống lạy, nhận được yếu chỉ !

Từ đó về sau Pháp Hiền luôn theo hầu Tổ.

 

Tổ Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi truyền tâm ấn cho Pháp Hiền.

Một hôm, Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi gọi Pháp Hiền vào phương trượng và bảo :

“Tâm ấn chư Phật, Tất không lừa dối, Tròn đồng thái hư, Không thiếu không dư, Không đi không đến, Không được không mất, Chẳng một chẳng khác, Chẳng thường chẳng đoạn, Vốn không chỗ sinh, Cũng không chỗ diệt, Cũng chẳng lìa xa, Chẳng không lìa xa, Vì đối vọng duyên, Nên giả đặt tên.Bởi thế chư Phật ba đời, Cũng như thế mà được. Tổ sư nhiều đời, Cũng  như thế mà được. Ta cũng như thế mà được, Con cũng như thế mà được. Cho đến hữu tình, vô tình, Cũng như thế mà được.

Tổ ta Xán Công, khi truyền Tâm ấn cho Ta, bảo Ta về Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu, Từng trải nhiều nơi, mới đến được đây. Nay gặp được con, quả hợp huyền ký, Con khéo giữ gìn, Giở đi Ta đến !”

Nói xong Tổ chấp tay mà mất [năm Giáp Dần (594), niên hiệu Khai Hoàng thứ 14, đời Nhà Tùy]. Pháp Hiền làm lễ trà tỳ, thu xá lợi năm sắc, xây tháp thờ.

Sau nầy, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có làm bài kệ truy tán  Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi :

Mở lối sang nước Nam                                    [ Sáng tự lai Nam quốc

Nghe Ông giỏi tập Thiền                                   Văn quân cửu tập Thiền

Mở niềm tin đức Phật                                        Ưng khai chư Phật tín

Xa hợp một nguồn tâm                                      Viễn hợp nhất tâm nguyên

Trăng Lăng- già vằng vặc                                 Hạo hạo Lăng-già nguyệt

Sen Bát- nhã ngát hương                                   Phân phân Bát-nhã liên

Bao giờ được gặp mặt                                       Hà thì lâm diện kiến

Cùng nhau nói đạo huyền.                                Tương dữ thoại trùng huyền.]

 

TƯ TƯỞNG THIỀN SƯ TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI.

 Qua tiểu sử trên, chúng ta thấy : Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã vân du tham học thiền ở Ấn Độ nhiều năm, sau đó mới qua Trung quốc gặp Tổ sư Tăng Xán. Sau khi được Tổ sư Tăng Xán truyền tâm ấn, Sư lại về chùa Chế Chỉ hoằng hóa và dịch kinh Tượng đầu Tinh xá (Tinh xá Đầu Voi). Đến Việt Nam, gặp Pháp Hiền và Quán Duyên, lại dịch thêm kinh Tổng trì . Như thế là Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi chịu ảnh hưởng của Thiền Tông Ấn Độ, Trung quốc và Việt Nam.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của Tổ sư Tăng Xán, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi thấm nhuần quan điểm của hai Bộ kinh mà Sư đã dịch : Kinh Tượng đầu Tinh xá (ở Quảng Châu) ; và Kinh Tổng trì (ở Giao Châu) ….

1. Tư tưởng Tổ sư Tăng Xán được thể hiện trong bài Tín Tâm Minh.

Ngay trong Bài Phó chúc của Thiền sư  Tỳ-ni-đa-lưu-chi cho Pháp Hiền như trên, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng sâu xa của Tổ Tăng Xán. Bài Phó chúc của Tỳ-ni-đa-lưu-chi giống như quan điểm của Tổ Tăng Xán trong bài Tín Tâm Minh với những ý chính sau :

 

Đạo lớn không khó                                     Chí đạo vô nan

Cốt đừng chọn lựa                                      Duy hiềm giản trạch

Chỉ không thương ghét                               Đản mục tắng ái

Tự nhiên sáng tỏ                                         Đỗng nhiên minh bạch

 

Sai lạc đường tơ                                           Hào li hữu sai

Đất trời phân cách                                      Thiên địa huyền cách

Chớ nghĩ thuận nghịch                               Dục đắc hiện tiền

Hiện liền trước mắt                                     Mạc tồn thuận nghịch.

 

Tranh chấp thuận nghịch                          Vi thuận tương tranh

Đó là tâm bệnh                                            Thị vi tâm bệnh

Không hiểu huyền chỉ                                Bất thức huyền chỉ

Hoài công niệm tịnh                                   Đồ lao niệm tịnh

 

Tròn như  Thái hư                                       Viên đồng Thái hư

Không thiếu không dư                                Vô khiếm vô dư

Mảng lo giữ bỏ                                            Lương do thủ xả

Chẳng được như như                                  Sở dĩ bất như

 

Chớ đuổi duyên trần                                  Mạc trục hữu duyên

Không trụ không nhẫn                               Vật trụ không nhẫn

Một mực bình tâm                                        Nhất chủng bình hoài

Tự nhiên dứt tận                                          Dẫn nhiên tự tận

 

Ngăn động cầu tịnh                                    Chỉ động qui chỉ

Hết ngăn động thêm                                   Chỉ cánh di động

Càng vướng hai bên                                   Duy trệ lưỡng biên

Nên biết một mối                                         Ninh tri nhất chủng

 

……………………………..                                     ……………………………

 

Không trụ Nhị kiến                                     Nhị kiến bất trụ

Chớ nên truy tầm                                         Thận vật truy tầm

Vướng mắc phải trái                                   Tài hữu thị phi

Nghiền đốt mất tâm                                    Phấn nhiên thất tâm

 

Hai do Một (mà)ø có                                     Nhị do Nhất hữu

Một cũng buông bỏ                                     Nhất diệc mạc thủ

Một tâm chẳng sanh                                   Nhất tâm bất sanh

Muôn pháp không tội                                 Vạn pháp vô cữu

 

……………………………..                                     …………………………

 

Có tức là Không                                          Hữu tức thị Vô

Không tức là Có                                          Vô tức thị Hữu

Nếu không như thế                                      Nhược bất như thị   

Quyết không thủ giữ                                   Tất bất tu thủ

 

Một là Tất cả                                               Nhất tức Nhất thiết

Tất cả là Một                                               Nhất thiết tức Nhất

Nếu không Như thế                                     Đản năng Như thị

Lo gì chẳng xong                                         Hà lự bất tất

 

Tín tâm “không hai”                                   Tín tâm “Bất nhị”

“Không hai”tín tâm                                     Bất nhị Tín tâm

Ngôn ngữ Đạo dứt                                      Ngôn ngữ Đạo đoạn

Không xưa không nay.                                Phi cổ lai kim.

 Qua bài Tín Tâm Minh, và bài Phó chúc trên, chúng ta thấy rằng Thiền sư  Tỳ-ni-đa-lưu-chi  chịu ảnh hưởng của hệ thống kinh Bát nhã với pháp Bất Nhị đến kinh Hoa Nghiêm với tư tưởng “Tất cả là Một, Một là Tất cả”, đến “lý sự viên dung”, và cuối cùng đạt đến “Vô tâm” của Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, hay “Vô niệm” của Lục Tổ Huệ Năng.

 2. Kinh Tượng đầu Tinh xá (Kinh Tinh xá Đầu voi).

 Kinh Tượng đầu Tinh xá được Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi dịch vào thời Nhà Tùy (581-617) là kinh thuộc Thiền học mang tư tưởng hệ thống Bát nhã. Kinh nầy nói về “Bồ đề”,  tức giảng về “Giác ngộ”. Kinh viết :

… Bồ đề không tiếng, không sắc, không thanh, không thấy, không vào, không biết, không đi, không đến. Những pháp như vậy, cũng không ràng buộc, có thể vượt qua các pháp, vượt khỏi  ba cõi, không thấy, không nghe, không ngã sở, không ta, không của ta, không tác giả, không chỗ ở, không hang nhà, không lấy, không giữ, không ra, không vào, không nguyện, không trụ, không tướng không mạo, không kia, không dây, không hiện ra như huyễn hóa. Nó do mười hai nhân duyên mà sinh, không xứ sở, không thể thấy, rời các tướng giống như không, chỉ hiện ra sự vắng lặng, không tiếng không vang, không chữ không câu, cũng không lời nói. Biết như thế thì gọi là “bồ đề”. …..

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi : “Hễ là bồ đề thì vượt khỏi ba cõi, vượt khỏi ngôn thuyết, rời các văn tự, không có trụ xứ. Lại  nữa, này Văn Thù Sư Lợi, bồ tát ma ha tát trụ chỗ không trụ là trụ bồ đề, trụ không chấp trước là trụ bồ đề, trụ vào pháp không là trụ bồ đề, trụ vào pháp tín là trụ bồ đề, trụ vào tất cả pháp không có thể tướng là trụ bồ đề, trụ vô lượng tín là trụ bồ đề, trụ không tăng giảm là trụ bồ đề, trụ không niệm pháp là trụ bồ đề, trụ như bóng gương, như tiếng dội hang trống, như trăng trong nước, như lửa lúc nóng. Này Văn Thù Sư Lợi trụ các pháp như vậy là trụ bồ đề”.

Bấy giờ thiên tử Tịnh Quang Diệm bạch Văn Thù Sư Lợi rằng : “Tu hành thế nào, dùng những nghiệp gì thì là hạnh Bồ tát ?

Văn Thù Sư Lợi nói : “Này Thiên tử, đối với các chúng sinh, dấy lên lòng Đại từ đó là Hạnh Bồ tát”. ….

Thiên tử lại bạch Văn Thù Sư Lợi: “Bồ tát ma ha tát tu hành thế nào dấy lòng bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh?”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Không kia, không đây, không có các dị kiến, đó là bình đẳng. Các bồ tát nên học như vậy …. …………………………………..

…… bồ tát ma ha tát lại có hai thứ bồ đề tâm tín hạnh kiên cố. Những gì là hai? Một là hạnh chánh niệm bồ đề, hai là hạnh tu hành thiền định dứt các phiền não. …………”

Kinh còn chỉ về mười phép quán : 1/ Quán bên trong của thân là không, 2/ Quán bên ngoài của thân cũng là không, 3/ Quán trong ngoài các pháp đều là không, 4/ Đối với tất cả trí không chấp trước, 5/ Không chấp trước vào phương pháp tu, 6/ Không chấp trước vào các địa vị tu chứng của các  bậc Thánh hiền, 7/ Không chấp trước vào sự thanh tịnh đạt được do sự tu hành lâu ngày, 8/ Trụ vào bát nhã ba la mật mà không dấy lên chấp trước , 9/ Giảng luận chánh pháp giáo hóa chúng sanh mà không dấy lên chấp trước, 10/ Quán các chúng sinh dấy lòng từ bi thương xót mà khôn dấy lên chấp trước. ………

Kinh chỉ về mười hạnh trí : nhân trí, quả trí, nghĩa trí, phương tiện trí, trí bát nhã, trí thọ trì, trí ba la mật, trí đại bi, trí thương xót giáo hóa chúng sinh. ……………

 3. Kinh Tổng trì.

Kinh Tổng trì được Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán trong thời gian hoằng hóa ở chùa Pháp Vân tại Giao Châu (Việt Nam) vào khoảng năm 580 – 594. Kinh viết :

…… Bấy giờ, đức Phật bảo Di Lạc bồ tát ma ha tát rằng : “Này A-dật-đa, Như Lai không còn lâu nữa phải nhập niết bàn. Đối với các pháp có chỗ nào nghi ngờ, Ta nay hiện còn đây, có muốn hỏi gì cứ hỏi. Sau khi Như Lai diệt độ chớ hối tiếc.” ………

Này A-dật-đa, đạo Bồ đề của Ta đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, an trụ vào tâm đại bi, khéo dùng phương tiện, chánh niệm không quên . …………………..

Đức Thế Tôn nói : “Như vậy, ngươi cũng từng ở chỗ Phật Nhiên Đăng thời quá khứ, đã xuất gia tu đạo trong đạo pháp của Ngài ….

Này A-dật-đa, bồ tát tu hành sáu ba la mật đầy đủ như vậy mới hay thành tựu vô thượng bồ đề. ….

Phật bảo A-dật-đa : “Ta từ xưa trải qua vô số thời gian tu hành đầy đủ sáu ba la mật. Nếu không tu hành đầy đủ sáu ba la mật thì rốt cuộc không thành được vô thượng bồ đề. ……………………………….

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi : “Ta trong bảy năm về trước, ngày đêm sáu thời,  sám hối các trọng tội do nghiệp thân, miệng, và ý tạo ra. Từ đó về sau mới được thanh tịnh, trải mười kiếp rồi chứng được pháp nhẫn. ……

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi : “có bốn pháp bình đẳng mà bồ tát nên học. Một là bồ tát bình đẳng đối  với hết thảy chúng sanh. Hai là bình đẳng đối với hết thảy các pháp. Ba là bình đẳng đối với giác ngộ. Bốn là bình đẳng đối với thuyết pháp….”

 Như vậy, Kinh Tổng trì  giảng về Thiền :

- Ngày đêm sáu thời,  sám hối các trọng tội do nghiệp thân, miệng, và ý tạo ra;

- Bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, với các pháp, khi thuyết pháp, và giác ngộ. 

- An trụ vào tâm đại bi,

- Chánh niệm không quên

- Khéo dùng phương tiện;

- Tu hành đầy đủ sáu ba la mật (Lục độ).

 LỤC ĐỘ TẬP KINH giảng về sáu ba la mật, hay sáu phương pháp đạt đến giác ngộ:

1/ Bố thí ba la mật.

2/ Trì giới ba la mật.

3/ Nhẫn nhục ba la mật.

4/ Tinh tấn ba la mật.

5/ Thiền định ba la mật.

6/ Trí tuệ ba la mật.

 Thiền định ba la mật có bốn bậc :

1/ Hạnh thiền thứ nhất : phải trừ bỏ tham ái, sân hận, tà dâm, mắt ham sắc, mũi thích mùi hương, tai nghe tiếng, miệng nếm vị, thân ưa tốt. Tu ở nơi thanh vắng hay núi non, xa tình dục, thân trong sạch, tâm thanh tịnh an lạc …

2/ Hạnh Thiền thứ hai : Tâm an nhiên, không còn phải lấy thiện trừ ác, không còn phân biệt phải trái; ác không do tai tai, mắt, mũi, miệng … mà vào ; thiện từ tâm sinh ….

3/ Hạnh Thiền thứ ba : Thân ý trong sạch, lìa xa thiện ác, phải trái, chánh tà; đồng thời cũng không còn thấy tâm mình thanh tịnh, tâm an nhiên như nhiên …

4/ Hạnh Thiền thứ tư :  Tâm sáng như lưu ly, tự tại vô ngại, không gì làm nhiễm ô được; đắc nhứt thiết trí, đạt hữu dư niết bàn, … ;  có thể biến hóa, phân thân tán thể …

 II. TRUYỀN THỪA CỦA PHÁI THIỀN TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI

Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền thừa được 19 thế hệ :

 1.THẾ HỆ THỨ I : THIỀN SƯ PHÁP HIỀN ( ? – 626).

Thiền sư Pháp Hiền quê ở Chu Diên (tỉnh Sơn Tây), thân hình to lớn, cao đến bảy thước ba tấc (khoảng 2,30 m), trụ trì chùa Chúng Thiện, núi Thiên Phúc (núi Phật Tích), huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh).

Sư xuất gia thọ giới cụ túc với Đại sư Quán Duyên ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tại Trung tâm Phật giáo Liên Lâu. Hằng ngày cùng với Tăng chúng nghe giảng về yếu chỉ của Thiền.

Năm 580, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Trung quốc đến chùa Pháp Vân. Tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi gặp sư Pháp Hiền, nhìn thẳng vào mặt hỏi : Ngươi họ gì ?

Sư không trả lời câu hỏi mà hỏi ngược lại : Hòa thượng Họ gì ?

Tổ lại hỏi : Ngươi không có Họ sao ?

Sư đáp : Họ không phải là không có, nhưng Hòa thượng làm sao biết được ?

Tổ quát : Biết để làm gì ?

Sư Pháp Hiền chợt ngộ được yếu chỉ, liền sụp quì xuống lạy, bèn được Thiền chỉ.

Sau khi Tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi viên tịch, Sư lên núi Phật Tích tu tập thiền định; thân như cây khô; vật “ngã” đều quên; chim bay đến vây quanh, dã thú quấn quít đùa giỡn quanh sư …

Người đương thời thấy thế càng thêm kính mộ, đệ tử tìm đến tham học ngày càng đông. Vì thế, Sư mới lập chùa Chúng Thiện trên núi Phật Tích để truyền dạy đệ tử. Số tăng chúng đông đến hơn 300 người.

Từ đó, phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi ở phương Nam bắt đầu hưng thịnh.

Thứ sử Lưu Phương của Nhà Tùy cai trị Giao Châu cũng nghe danh Thiền sư Pháp Hiền và dâng sớ về triều đình Nhà Tùy : “… Cõi [Giao Châu] nầy, từ lâu sùng mộ Phật giáo, lại quí trọng Cao tăng đức độ…”.

Khoảng năm 603, vua Tùy sai sứ ban cho 5 hòm xá lợi của đức Phật và Điệp văn tặng cho  Sư, sắc chỉ xây tháp cúng dường.

Thiền sư Pháp Hiền chọn 5 linh địa để xây tháp thờ xá lợi Phật : Giao Châu (Trung tâm Phật giáo Liên Lâu), Phong Châu (Phú Thọ), Trường Châu (Ninh Bình), Ái Châu (Thanh Hóa), Hoan Châu (Nghệ An-Hà Tĩnh)Thiền sư Pháp Hiền viên tịch vào năm Bính Tuất, niên hiệu Vũ Đức thứ 9, đời Nhà Đường (năm 626).

Thiền sư Pháp Hiền có nhiều đệ tử, nhưng vì không còn tài liệu nên không biết có bao nhiêu đệ tử đắc pháp ?

 2. THẾ HỆ THỨ II : Trong sách Thiển uyển Tập Anh Ngữ lục ghi Thế hệ thứ II chỉ có một vị, nhưng không ghi pháp danh là gì ?

 3. THẾ HỆ THỨ III : Trong sách Thiển uyển Tập Anh Ngữ lục ghi Thế hệ thứ III chỉ có một vị, nhưng không ghi pháp danh. Nhưng đọc tiểu sử Thiền sư Thanh Biện, chúng ta biết được vị Tổ thứ III của Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi là Thiền sư Huệ Nghiêm trụ trì chùa Sùng Nghiệp.

 4. THẾ HỆ THỨ IV : Thiền sư Thanh Biện ( ? – 686). 

Thiền sư Thanh Biện họ Đỗ, quê ở Cổ Giao (nay là Văn Điển, Hà Nội), năm 12 tuổi theo học với  Hòa thượng Pháp Đăng ở chùa Phổ Quang. Khi Hòa thượng Pháp Đăng sắp tịch, Thanh Biện hỏi: Sau khi Hòa thượngđi rồi, con phải nương nhờ vào ai ? Hòa thượng đáp : “Chỉ Sùng Nghiệp mà thôi !” Sư mờ mịt không hiểu gì cả.

Sau khi Hòa thượng tịch, sư Thanh Biện chuyên trì kinh Kim Cang, không có thầy chỉ dạy.

Một hôm, có một thiền khách đến chùa Phổ Quang, thấy Sư tụng kinh Kim Cang mới hỏi : Kinh nầy có nói Kinh nầy là Mẹ ba đời  của chư Phật. Vậy thì  nghĩa Mẹ của Phật là thế nào ?

Sư đáp : Lâu nay tôi trì tụng nhưng chưa biết được ý kinh.

Thiền khách hỏi : Thầy trì kinh đã bao lâu ?

Sư đáp : Đã tám năm.

Thiền khách nói : Thầy đã trì kinh suốt 8 năm mà chưa hiểu được ý kinh, thì dù có trì tụng đến cả trăm năm cũng không ích gì !!!

Sư bèn đãnh lễ và xin Thiền khách chỉ giáo. Khách bảo Sư  phải tìm đến Thiền sư Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp mà xin thỉnh giáo.

Sư chợt tỉnh ngộ nói : Nay tôi mới biết Hòa thượng Pháp Đăng nói đúng !

Sư bèn theo lời của Thiền khách, lên đường đến yết kiến Hòa thượng Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp. Khi Thanh Biện đến, Hòa thượng Huệ Nghiêm hỏi : Ngươi đến có việc gì ?

Sư đáp : Trong tâm có điều chưa hiểu.

Hòa thượng hỏi : Chưa hiểu việc gì ?

Sư thuật lại đối thoại với vị khách hôm trước.

Hòa thượng than rằng : Ngươi quên hết rồi! Sao ngươi không nhớ trong kinh có nói : “Ba đời của chư Phật  cùng giáo pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề đều từ Kinh ấy mà ra. Há đó chẳng phải là Mẹ của Phật hay sao?

Sư thưa: Quả thật đệ tử còn mê muội.

Hòa thượng lại hỏi: Thế kinh ấy là ai nói ?

Sư đáp: Đó chẳng phải là Như Lai nói sao ?

Hòa thượng nói: Trong kinh nói : “Nếu nói Như Lai có thuyết pháp tức là hủy báng Phật”. Câu ấy người ta không giải được. Ngươi thử nghĩ xem, nếu nói kinh đó không phải là lời Phật nói thì là phỉ báng kinh; nếu nói kinh ấy lời thuyết pháp của Phật  thì lại là phỉ báng Phật. Ngươi phải làm sao? Nói mau! Nói mau!”

Sư sắp mở miệng đáp Hòa thượng Huệ Nghiêm cầm phất trần đánh vào miệng. Sư đột nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.

Sau sư Thanh Biện đến trụ trì chùa Kiến Dương ở hương Hoa Lâm, phủ Thiên Đức (huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh) thuyết giảng giáo hóa đồ chúng.

Thiền sư Thanh Biện viên tịch vào năm Bính Tuất, niên hiệu Thùy Củng, đời Nhà Đường (năm 686).    

 

5. THẾ HỆ THỨ V : Một Thiền sư  (khuyết lục). 

 

6.THẾ HỆ THỨ VI : Một Thiền sư  (khuyết lục). 

 

7.THẾ HỆ THỨ VII : Trong sách Thiển uyển Tập Anh Ngữ lục ghi Thế hệ thứ VII chỉ có một vị, nhưng không ghi pháp danh (khuyết lục). Nhưng đọc tiểu sử Thiền sư Định Không trong sách nầy, chúng ta biết được Tổ thứ VII của Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi là Thiền sư Nam Dương hoằng hóa ở chùa Long Tuyền.

 

8.THẾ HỆ THỨ VIII : Ba Thiền sư , sách xưa ghi chép thiếu hai vị, chỉ còn Thiền sư Định Không.

 

THIỀN SƯ ĐỊNH KHÔNG (730 – 808).

Thiền sư Định Không họ Nguyễn (họ Lý), quê ở hương Cổ Pháp (Trung tâm Phật giáo Liên Lâu), thuộc dòng vọng tộc. Ông là người am hiểu vận số thế cuộc, giữ đúng phép tắc, người trong làng đều tôn gọi Ông là Trưởng Lão.

Khi đã nhiều tuổi, nhân đi dự hội pháp hội ở chùa Long Tuyền, nghe Hòa thượng Nam Dương giảng kinh, Ông hiểu được yếu chỉ, do đó phát tâm qui y theo Phật.

Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Nhà Đường (785 – 805), Thiền sư Định Không xây dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương. [Hương Cổ Pháp, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh]. Khi xây chùa, thợ đào móng gặp được một lư hương và mười cái khánh đồng. Sư sai người đem ra sông rửa, một cái khánh chìm xuống nước, đến khi chạm đất mới nằm im. Sư giải thích việc mười cái khánh chìm xuống nước đến tận đáy (đất) theo dịch số : Chữ “Thập” và chữ “khẩu” hợp thành chữ “Cổ”; chữ “thủy” và chữ “khứ” hợp thành chữ “Pháp”; chữ “Thổ” chỉ chỗ ta ở, tức đất đai làng nầy. Nhân đó Sư đổi tên làng  thành Cổ Pháp. Sư lại làm bài “sấm ký” như sau :

Đất dâng pháp khí                                      Địa trình pháp khí

Một món đồng ròng                                    Nhất phẩm trinh đồng

Gặp thời Phật pháp hưng thịnh                Tri Phật pháp chi long hưng

Đặt tên làng là Cổ Pháp                            Lập hương danh chi Cổ Pháp

Sư lại có bài sấm khác:

Hiện ra pháp khí                                          Pháp khí xuất hiện

Mười chiếc khánh đồng                             Thập khẩu đồng chung

Họ Lý làm vua                                              Lý thị hưng vương

Tam phẩm thành công                                Tam phẩm thành công.

Sư lại nói :

Mười cái xuống nước đất                           Thập khẩu thủy thổ khứ

Cổ Pháp là tên làng                                   Cổ Pháp dnh hương hiệu

Gà ở sau tháng chuột                                 Kê cư loan [thử] nguyệt hậu(*)

Chính lúc Tam bảo hưng                            Chính thị hưng Tam bảo.

(*) chữ “loan” có thể là chữ “thử”, câu nầy có nghĩa là “ Tháng chuột năm gà” tức là tháng Tý (tháng 11) năm Gà (năm Dậu, hay đúng hơn là năm Kỷ Dậu), báo trước là tháng 11 năm [Kỷ] Dậu thì Phật giáo hưng thịnh; ứng nghiệm với việc vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009); hợp với bài sấm ký của Thiền sư La Quý sau đó.

Khi sắp tịch, Thiền sư Định Không gọi đệ tử Thông Thiện dạy rằng : Ta muốn mở mang làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, vì có “kẻ lạ” đến phá hoại long mạch của đất nước ta. Sau khi Ta mất, con khéo giữ pháp nầy, gặp người họ Đinh thì truyền lại. Như thế ý nguyện của Ta được toại thành.”

Nói xong Sư cáo biệt rồi tịch, thọ 79 tuổi, đó là năm Mậu Tý, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 3, đời Nhà Đường (năm 808). Sư Thông Thiện dựng tháp ở phía Tây chùa Lục Tổ và ghi lời phó chúc của Thiền sư Định Không mà chôn giấu đi !

 9.THẾ HỆ THỨ IX: Trong sách Thiển uyển Tập Anh Ngữ lục ghi Thế hệ thứ IX có ba Thiền sư  nhưng đều khuyết lục, tuy nhiên, nhờ tiểu sử Thiền sư Định Không và Thiền sư La Quý, chúng ta biết được vị Tổ thứ IX của Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi là THIỀN SƯ THÔNG THIỆN Ở CHÙA THIỀN CHÚNG; vaø nhờ tiểu sử Thiền sư Pháp Thuận, chúng ta biết thêm một vị Tổ khác thuộc thế hệ thứ IX là  THIỀN SƯ PHÙ TRÌ Ở CHÙA LONG THỌ.

 10. THẾ HỆ THỨ X: Sách Thiển uyển Tập Anh Ngữ lục ghi : “Bốn người, một người khuyết lục” ; ba Thiền sư  La Quý, Pháp Thuận, Ma Ha ;  Thiền sư khuyết lục là THIỀN SƯ VÔ NGẠI (?) Ở CHÙA SƠN TĨNH thuộc QUẬN CỬU CHÂN .

 Riêng Thiền sư Ma Ha hay Ma Ha Ma Gia là đệ tử của Thiền sư Pháp Thuận, như vậy, Thiền sư Ma Ha Ma Gia thuộc thế hệ thứ XI, chứ không phải thuộc thế hệ thứ X như sách TUTANL đã viết !!!

a. THIỀN SƯ  LA QUÝ( ? - ? )

Thiền sư La Quý họ Đinh, quê ở An Chân (?). Lúc trẻ vân du học đạo, tham thiền với nhiều thiền đức ở nhiều nơi nhưng chưa gặp duyên đạo, sắp thối chí ; may nhờ trong pháp hội ở chùa Thiền Chúng, nghe Thiền sư Thông Thiện thuyết pháp được khai ngộ, nên kính phục, xin thọ giáo quy y.

Trước khi viên tịch, Thiền sư Thông Thiện bảo sư La Quý : “Trước đây, thầy Ta là Định Công dặn Ta giữ gìn đạo pháp của Ngài, khi gặp người họ Đnh thì truyền lại. Con đúng là người nhận lấy sự ủy thác đóến lúc Ta phải đi rồi.”

Sau khi chứng đắc, Sư đi hoằng truyền chánh pháp khắp nơi, chọn đất xây dựng chùa. Mỗi khi nói ra lời nào cũng đều là “sấm ký”. Sư từng đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng bằng vàng thờ ở chùa Lục Tổ, sau đem chôn tượng ở chùa nầy và dăn đệ tử : “Gặp Minh Vương thì đào lên, gặp Hôn quân thì cất giấu”.

Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3, đời Nhà Đường (936), Thiền sư La Quý trồng cây bông gạo ở chùa Châu Minh tại châu Cổ Pháp, và làm bài Sấm kệ như sau:

Đại sơn đầu rồng ngửng                            Đại sơn long đầu khởi

Đuôi cù ẩn Châu Minh                               Cù vĩ ẩn Châu Minh

Thập bát tử [Nhà Lý] định thành            Thập bát tử định thành

Cây gạo hiện hình rồng                             Miên thụ hiện long hình

Thỏ gà trong tháng Chuột                         Thố kêthử nguyệt nội (*)

Nhất định thấy Trời lên                             Định kiến nhật xuất thanh.

(*) Tháng Tý (tháng 11) năm Dậu (năm Đinh Dậu = năm 1009), vua Lý Thái Tổ lên ngôi, thành lập triều đại Nhà Lý làm hưng thịnh đất nước, giúp Phật giáo phát triển …

[Xem thêm tiểu sử Thiền sư Vạn Hạnh, cùng sách Đại Việt Sử Lược và Đại Việt Sử ký Toàn thư]

Thiền sư La Quý về giáo hóa đồ chúng ở chùa Song Lâm tại làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Trước khi thị tịch Trưởng lão La Quý gọi đệ tử là Thiền Ông rằng: “Trước đây, Cao Biền xây thành bên sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng Đế vương, nên đào đứt sông Điềm [thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay] và ao Phù Chẩn [huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay] để cắt yểm long mạch đến 19 nơi. Ta đã hướng dẫn Khúc Lãm lấp lại như xưa. Ngoài ra, Ta có trồng một cây bông gạo ở chùa Châu Minh [tại Cổ Pháp] để trấn chỗ bị cắt đứt long mạch; nhờ đó, sau nầy, đất nước ta sẽ có bậc Đế vương phò dựng Chánh pháp [Phật  pháp]. Sau khi ta tịch, con nên cho đắp đất, dựng  bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm giấu trong đó, không để cho người ngoài biết.”

Nói xong, Trưởng lão La Quý viên tịch, thọ 85 tuổi.

 b. THIỀN SƯ PHÁP THUẬN (915 – 990).

Thiền sư Pháp Thuận họ Đỗ, không biết quê quán ở đâu, hoằng hóa ở chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ải (?), học rộng, thơ hay, hiểu rõ thế cuộc, có tài giúp vua.

Sư xuất gia từ nhỏ, theo học với Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thọ.

Sau khi đắc pháp, những lời Sư nói đều phù hợp với Sấm ngữ.

Khi nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, Sư có công trong việc dự trù kế hoạch, quyết định sách lược. Thiên hạ thái bình Sư không nhận phong thưởng. Vua Lê Đại Hành (980- 1005) càng thêm kính trọng, thường không gọi tên, mà chỉ gọi là Đỗ Pháp sư, và giao phó cho Sư soạn thảo Văn thư Chiếu chỉ.

Năm 987, sứ giả Nhà Tống là Lý Giác sang, vua sai Sư cải trang làm người lái đò để theo dõi hành động của y. Lúc đò qua sông, thấy hai con ngỗng bơi, Lý Giác ngâm chơi :  

Ngỗng ngỗng một đôi ngỗng                    Nga nga lưỡng nga nga

Ngửa mặt ngó ven trời.                              Ngưỡng diện hướng thiên gia.     

Sư đang cầm chèo ngâm tiếp :

      Lông trắng phơi dòng biếc,                       Bạch mao phô lục thủy

     Sóng xanh chân hồng bơi.                          Hồng trạo bãi thanh ba.

Lý Giác thấy vậy lấy làm thán phục.

Vua thường hỏi vận nước ngaa81n hay dài, Sư đáp :

Vận nước như mây quấn                            Quốc tộ như đằng lạc

Trời Nam mở thái bình                               Nam thiên lý thái bình

Vô vi trên điện gác                                      Vô vi cư điện các

Xứ xứ hết đao binh.                                     Xứ xứ tức đao binh.

Thiền sư Pháp Thuận tịch vào năm Hưng Thống thứ hai, đời vua Lê Đại Hành (990), thọ 76 tuổi. Sư từng soạn sách Bồ tát hiệu sám hối văn (quyểnlưu hành ở đời. 

 11. THẾ HỆ THỨ XI: Sách TUTANL viết: 4 Thiền sư, khuyết lục 2.

       Sách viết tiểu sử THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ  và THIỀN SƯ SÙNG PHẠM. Ngoài ra, như trên đã viết, THIỀN SƯ MA HA MA GIA cũng thuộc thế hệ XI.

a. THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ (902 – 979)

b. THIỀN SƯ SÙNG PHẠM (1004 – 1087).

c. THIỀN SƯ MA HA MA GIA

 12. THẾ HỆ THỨ XII : Sách TUTANL viết: “7 NGƯỜI, 2 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”. 

a. THIỀN SƯ VẠN HẠNH ( ? – 1025)

b. THIỀN SƯ ĐỊNH HUỆ.

c. THIỀN SƯ ĐẠO HẠNH ( ? – 1116)

d. THIỀN SƯ TRÌ BÁT (1049 – 1117)

e. THIỀN SƯ THUẦN CHÂN ( ? – 1105)

 13. THẾ HỆ THỨ XIII : Sách TUTANL viết: “6 NGƯỜI, 2 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”.

a. TĂNG THỐNG HUỆ SINH ( ? – 1064)

b. THIỀN SƯ THIỀN NHAM (1093 – 1163)

c. QUỐC SƯ MINH KHÔNG (1066 – 1141)

d. THIỀN SƯ BẢN TỊCH ( ? – 1139)                

 

14. THẾ HỆ THỨ XIV : sách TUTANL viết : “4 NGƯỜI, 3 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”.

      TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ (1067 – 1142)

 15. THẾ HỆ THỨ XV: Sách TUTANL viết : “3 NGƯỜI, 1 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”. 

a.      THIỀN SƯ GIỚI KHÔNG

b.      THIỀN SƯ PHÁP DUNG ( ? – 1174)

 16. THẾ HỆ THỨ XVI : Sách TUTANL viết : 3 NGƯỜI.

a.      THIỀN SƯ TRÍ NHÀN

b.      THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG ( 1046 – 1100)

c.      THIỀN SƯ ĐẠO LÂM ( ? – 1203)

17. THẾ HỆ THỨ XVII: sách TUTANL viết: 4 NGƯỜI, 1 NGƯỜI KHUYẾT LỤC. 

a. NI SƯ DIỆU NHÂN (1042 – 1113)

b. THIỀN SƯ VIÊN HỌC (1073 – 1136)

c. THIỀN SƯ TỊNH THIỀN ( 1121 – 1193)

 18. THẾ HỆ THỨ XVIII: Sách TUTANL viết: 2 NGƯỜI, 1 NGƯỜI KHUYẾT LỤC.

- QUỐC SƯ VIÊN THÔNG ( 1080 – 1151)

 19. THẾ HỆ THỨ XIX: Sách TUTANL viết: 2 NGƯỜI, 1 NGƯỜI KHUYẾT LỤC.

- THIỀN SƯ Y SƠN ( ? – 1213)

 

 

Thế Sơn (th)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thien-su-ty-ni-da-luu-chi-a7868.html