Nói thế vì có một đối tác (tham gia cãi cọ, tạm gọi là SP1: speak = người nói) đưa ra những lí lẽ không sao chấp nhận được. Đó không hẳn là lí sự ngang như cua (lí lẽ khác lẽ thường, tỏ ra gàn quải, không giống ai, không chịu nghe ai), và cũng không hẳn là lí sự cùn (đuối lí, cố đưa ra để cãi bằng được, hi vọng vớt vát một cái gì). Cãi chày cãi cối là một dạng “tổng hoà” nhưng kiểu lí sự ngược đời, không theo một logic nào theo nguyên tắc của lí thuyết lập luận.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2020) giải thích thành ngữ cãi chày cãi cối là: “cố cãi cho bằng được, bất chấp cả lí lẽ”.
Nhưng vậy với người cãi ngang (lí lẽ khác người), người cãi với lí sự cùn (biết sai nhưng vẫn tìm cách chống chế lấy được), người cãi chày cãi cối đạt tới "trình độ" cao hơn hẳn của sự cùn, "đứng trên đầu" lí lẽ. Cuộc sống cho thấy, không hiếm những người luôn có cách ứng xử như vậy trong các cuộc tranh luận, dù lớn dù nhỏ.
Về nguyên do, có mấy vấn đề cần lí giải: 1) người cãi (SP1) có một trình độ, tri thức kém cỏi, không có năng lực lập luận - vũ khí quan trọng nhất trong các cuộc tranh luận; 2) SP1 lại có tính kiêu căng, tự phụ, hiếu thắng; 3) SP1 luôn đố kị với người khác, nhất là người đang đối thoại (SP2).
Về xuất xứ ngọn nguồn, có thể giải thích theo hướng "từ nguyên học dân gian" như sau. Cối và chày là hai vật dụng "sóng đôi" trong mỗi gia đình. Cối là "vật dụng làm bằng vật liệu rắn như đá, gỗ... dùng để đựng các thứ khi giã hoặc xay". Chày là "dụng cụ để giã, thường làm bằng một đoạn gỗ hoặc bằng một thỏi chất rắn, nặng (như đá, sắt...)" (Từ điển đã dẫn).
Như vậy, cối và chày đều phải làm từ một chất liệu đặc biệt, phải rắn, phải chắc, phải bền khi sử dụng. Ta thấy có những cái cối, cái chày (bằng đá hoặc gỗ tốt) dùng lâu ngày nhẵn bóng, lì mặt, dùng mãi không hỏng.
Chính cái đặc tính "lì mặt" của vật liệu được chuyển nghĩa sang sự "lì mặt" của ai đó trong các cuộc cãi vã tay đôi. Vốn rất bền, cối chày có va vào nhau đến mấy cũng cứ trơ trơ, giống như anh chàng SP1 đỏ mặt, tía tai, gân cổ cãi lấy được, không thèm đếm xỉa tới thực tế rành rành, tới lập luận, lí lẽ đâu ra đấy của SP2.
Với người có thói quen cãi chày cãi cối, người biết điều thường tránh, không chấp. Bởi cứ hăng lên mà đối đầu thì không những không đem lại kết quả nào mà còn rước cái bực vào mình.
Đưa vào thành ngữ dân gian
Cối, chày mang một nỗi oan đáng buồn.
Phạm Văn Tình
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cai-chay-cai-coi-a7991.html